Được sai đi – Chúa nhật III mùa Vọng B
Ý tưởng “Được sai đi” rất rõ nét trong các Bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật 3 Mùa Vọng. Trước hết, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần xức dầu, và được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật; sau đó là thánh Gioan Tẩy giả được sai đi để dọn đường cho Chúa Cứu thế đến thi hành sứ vụ; và cuối cùng là chính chúng ta đang được Chúa sai vào lòng cuộc đời.
Thánh Luca kể với chúng ta, một ngày nọ, Chúa Giêsu về thăm quê hương là thị trấn Na-da-rét. Người vào Hội đường và đọc Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a, đoạn Kinh Thánh mà chúng ta nghe trong Bài đọc I hôm nay. Thật lạ lùng! Những gì được đọc hôm đó hoàn toàn ứng nghiệm nơi cuộc đời và sứ mạng của Chúa. Trước sự ngỡ ngàng khôn xiết của những người đồng hương, Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe!”. Chắc hẳn những người Do thái có mặt hôm đó là những người thông thạo Kinh Thánh và họ hiểu Chúa có ý nói gì, nên họ phản ứng rất gay gắt, đến nỗi phần cuối của trình thuật, những người đồng hương tức giận kéo Chúa lên đỉnh núi với ý đồ xô Người xuống. Tuy vậy, họ không thực hiện được ý đồ xấu xa đó. Thánh Luca diễn tả việc Chúa “băng qua giữa họ mà đi”, như một hành động thể hiện quyền năng thiên linh của Người (x. Lc 4,16-30).
Đấng Kitô hay là Đấng Thiên sai, là người được Chúa Cha gửi đến trần gian, mang theo sứ vụ thực hành ý định yêu thương của Chúa Cha, đó là quy tụ muôn dân nên một. Thời Thiên sai cũng đã được loan báo trong Cựu ước, nhất là trong ngôn sứ I-sai-a. Vào thời đó, không còn mâu thuẫn giữa các dân tộc; chiến tranh chấm dứt; mọi người nắm tay nhau xây dựng hòa bình; những loài động vật vốn căm thù nhau cũng sẽ sống chung trong hòa bình. Các tác giả Phúc âm đã ghi lại lời giảng dạy của Chúa, cũng như những hành động của Người. Giáo huấn và phép lạ Chúa làm, chứng tỏ Người là Đấng Thiên sai.
Trước khi Đấng Thiên sai khởi đầu sứ vụ, một vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến. Ông là Gioan. Ông được trình bày như một người sống gần gũi với thiên nhiên. Sứ mạng của ông là kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Ông cũng là nhân chứng của Ánh Sáng đích thực là Đức Kitô. Ông không tự mình làm việc này, nhưng Thiên Chúa trao nhiệm vụ cho ông, và ông luôn trung thành với nhiệm vụ được trao phó. Ông có nhiều cơ hội để tự nhận những danh xưng vinh quang về mình, nhưng ông không làm thế. Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, và không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Đấng Thiên sai khi Người đến.
Trước sự kiện đoàn người đông đảo đến với ông Gioan để xin ông làm phép thanh tẩy, một số tư tế từ Giê-ru-sa-lem sai người đến để điều tra. Những vị này có ý hạch sách và đe dọa ông. Tuy vậy, họ ngỡ ngàng trước phong thái vừa can đảm vừa khiêm nhường của ông. Ông không nhận mình là bất cứ vị ngôn sứ nào trong Cựu ước. Rất khiêm tốn nhưng sâu sắc, ông đã nói đến Đấng đang hiện diện mà mọi người không nhận ra. Đấng ấy là Đức Kitô.
“Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em”, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ như thế. Lời ngôn sứ I-sai-a thường được đọc trong Hội đường Do Thái năm xưa, đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu, và cũng đang được thực hiện đối với Kitô hữu hôm nay. Bởi lẽ, chúng ta cũng được xức dầu (nhờ đó mà được gọi là Kitô hữu), chúng ta cũng được Thần Khí Chúa ngự trong tâm hồn, chúng ta cũng được Chúa sai vào giữa lòng cuộc đời để, như ông Gioan Tẩy giả, làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Ánh Sáng trần gian.
Vì Thần Khí Chúa ngự trong chúng ta, nên thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (Bài đọc II). Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, được so sánh như ngọn lửa, trong tâm hồn chúng ta. Tội lỗi, ích kỷ, đam mê… là những nguyên nhân có thể làm dập tắt Thần Khí trong tâm hồn. Một tâm hồn chai đá, không phục thiện, là khước từ hoạt động của Thần Khí nơi bản thân mình. Hiểu như thế, người tín hữu sẽ cố gắng chu toàn bổn phận của mình, dù ở bậc sống nào, hoặc dù ở điều kiện kinh tế nào. Chúa vẫn luôn mời gọi và sai chúng ta đi vào trần gian để nói với mọi người rằng: “Có một Vị đang ở giữa anh chị em mà anh chị em không biết. Vị ấy là Đức Giêsu, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org