Đường lên đỉnh đồi
Mỗi cuộc sống là một cuộc hành trình. Đi lên, đi xuống. Ai cũng có một đoạn đường trong đời để đi. Có khi là con đường rợp toàn hương hoa và ong bướm. Nhưng cũng có khi là con đường phủ đầy gai góc với bùn lầy tối đen. Có khi con đường ấy ngắn và dễ đi. Nhưng cũng có khi con đường ấy rất dài, quanh co, khúc khuỷu, làm nản lòng người lữ khách. Có khi ta bước đi trên hành trình của mình với hành trang gọn nhẹ, chứa đựng những vật dụng đáng yêu, làm ta ưa thích. Nhưng cũng có khi trên vai ta là cả một gánh nặng đè xuống như muốn đánh gục ta giữa chừng. Có khi có những tiếng hô vang cổ vũ ta, động viên ta, trở thành nguồn sức mạnh cho ta, khiến cho bao mệt mỏi của ta chợt tan biến. Nhưng cũng có khi ta phải bước đi khi bủa vây mình là những tiếng chửi rủa, khinh miệt, coi thường, rẻ rúng. Có khi đi bên ta là những người bạn thân, những người ta yêu mến, vừa đi vừa cười đùa, cho xua tan hết những nhọc mệt. Nhưng cũng có lúc đôi bàn chân ta chỉ lầm lủi đơn côi, không một ai sát cánh. Vậy thì, bạn nghĩ gì khi mình phải thực hiện một hành trình mà nơi đó bạn chỉ bước đi một mình, trên vai bạn là một cây thập giá nặng nề, chung quanh bạn là trăm ngàn tiếng chửi rủa nghe thật chói tai, phải lê từng bước chân lên đỉnh núi cao? Vì chúng ta, Giêsu đã phải thực hiện một hành trình như thế.
Bị một trong các tông đồ thân tín của mình bán rẻ, bị quân lính bắt trói đem đi, các môn đệ bỏ mặc tháo chạy thoát thân, bị xử án bất công, bị buộc tội vu oan, bị sỉ vả, bị bạt tai, bị điệu đi lòng vòng từ nhà các Thượng tế đến dinh Philatô rồi dinh Hêrôđê, bị đánh đập tàn nhẫn, vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu, không được nghỉ ngơi, không được ăn uống, người bê bết máu… giờ đây, một thân hình đầy thương tích với những dòng huyết đang rỉ ra từ vết đòn của mình, Giêsu lại còn phải mang trên vai một thập giá nặng nề để đi đến nơi diễn ra cuộc hành quyết. Đoạn đường từ chân đồi lên đỉnh có lẽ không quá xa và quá khó khăn đối với một người bình thường, nhưng với một con người đã bị vắt kiệt sức thì nó có thể trở nên xa xăm vô vàn.
Hai bên tai là vang vọng những tiếng la hét inh ỏi. Không phải là những lời tung hô như ngày nào. Không phải là lời cảm ơn vì đã chữa lành họ. Không phải là lời thán phục vì những lời hay ý đẹp từ miệng Ngài thốt ra. Những lời lấy đã trở thành dĩ vãng. Giờ đây, chỉ còn lại những lời sỉ vả cay độc, tiếng biểu tình đòi phải đóng đinh kẻ ấy. Tiếng cười hả hê vì mưu kế đã thành. Thập giá mà Giêsu vác trên vai, không đơn thuần chỉ là một cây gỗ, nhưng là tội lỗi của cả nhân sinh từ cổ chí kim cho đến khi thời gian không còn nữa. Giêsu đang vác trên mình cả một trách nhiệm lớn lao giải phóng con người. Thập giá ấy càng nặng nề hơn, khi không ai hiểu mình, không ai thấu cảm cho mình, trái lại còn buông lời cay độc chế giễu.
Đâu đó lại còn những lời thách thức, hay những cặp mắt tò mò chờ xem có phép lạ nào đó xảy đến không. Liệu rằng Giêsu có vùng dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình không. Liệu rằng Giêsu có biểu dương quyền lực không, Ngài có bất thình lình đứng thẳng dậy, các vết thương tự khắc lành lại, vứt cây thập giá đi, hô phong hoán vũ, kêu gọi các thiên binh từ trời xuống hay làm các phép lạ nào đấy khiến đế chế Rôma phải sụp đổ. Rồi Ngài mặc gấm bào ngồi trên ngai cao, cười nhạo và hành hạ lại những ai đã đối xử tàn nhẫn với mình không. Giêsu đã không thỏa mãn cho những mong chờ đó của họ. Giêsu đã không làm một cuộc cách mạng bằng quyền lực và vũ khí. Ai bảo Người nhu nhược cũng được, kém cỏi cũng được, tầm thường cũng được. Nhưng Giêsu biết rằng chỉ có tình yêu và thứ tha mới giải phóng con người thực sự.
Sức nặng đè xuống Giêsu, khiến cho Người đã có lúc gục ngã, ngã đến ba lần. Mỗi lần ngã là mỗi lần sức lực càng dần mất đi. Sẽ dễ dàng cho Người hơn biết bao khi Người có thể chết đi ngay lúc ấy. Mọi gánh nặng sẽ qua đi. Cái chết khi ấy hẳn sẽ là một cuộc giải thoát cho Người. Nhưng, Người vẫn gượng dậy và gắng lê bước chân yếu ớt mà tiếp tục hành trình, vì Người biết rằng nơi mà Cha muốn Người đến là đỉnh đồi. Nơi ấy, Người còn phải để cho những chiếc định nhọn đâm xuyên qua thịt, bị lột trần truồng, bị dựng đứng chơ vơ những nắng chiều man mác. Người còn phải bị treo lên như một biểu tượng của tình yêu và tha thứ, để ai nhìn vào có thể được chữa lành, để có thể kéo mọi người lên với Người. Người còn phải uống giấm chua, là cái chua chát của tình nhân loại, còn phải chịu khát, là cái khát tình thương của con người, rồi lại còn phải tiếp tục nghe những sỉ nhục của con người và của chính người cùng chịu đóng đinh với mình. Khi mà hết tất cả những đắng cay trên đời này chưa đến với Người, Người không thể chết được. Trên đỉnh đồi, chứ không phải là sườn đồi hay chân đồi, mới chính là điểm gặp gỡ giữ Người với Cha, là nơi hội tụ của trời và đất, là cánh cửa mở ra ơn cứu độ cho con người, là trung tâm quy chiếu của mọi sự, là nơi xuất phát mọi ơn lành, là nơi mà muôn loài hướng mắt về đợi chờ thiên ân từ trời xuống.
Đường lên đỉnh đồi là con đường tình yêu tự hiến. Đó là con đường cho thấy rõ nét nhất Thiên Chúa là ai. Ngài là tình yêu, yêu tận cùng, yêu trọn vẹn, yêu và trao ban tất cả. Chiêm ngắm Ngài mệt mỏi gắng gượng vác thập giá bước đi từng bước chậm rãi, ta như thấy hiển hiện trước mặt mình toàn bộ hành trình dương gian đã được tình yêu Thiên Chúa ôm lấy và biến đổi. Trên tận đỉnh đồi, ấy là điểm gặp gỡ huyền nhiệm.
Ai trong chúng ta cũng có những hành trình, nhưng hành trình của chúng ta có như Giêsu không? Cớ sao ta cứ luôn oán trách Người là không hiểu ta, bỏ rơi ta? Hãy nhìn lên Giêsu mỗi khi các bạn phải đối diện với những khó khăn, và hãy noi gương Người, ráng vác cây thập giá của mình lên tận đỉnh đồi, đừng bỏ dở giữa đường đi. Chúa Cha đang đợi ta ở đó. Hãy tìm đến đó để gặp Cha.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net