Gặp Chúa trong đời – Bài giảng Chúa nhật II mùa Thường niên năm B

11-01-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Gặp Chúa trong đời – Bài giảng Chúa nhật II mùa Thường niên năm B by

Gặp Chúa trong đời, đó là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Đó cũng là kết quả của những cố gắng hy sinh. Bởi lẽ, Chúa chỉ tỏ mình cho những ai có tâm hồn trong sạch và một trái tim rộng mở chân thành. Được gặp Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ bình an, cuộc đời này sẽ chan chứa niềm vui và hạnh phúc, Nước Trời sẽ khởi đầu từ đây.

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô đã đề nghị một định nghĩa về Đức Tin như sau: "Tin là cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị với Chúa. Đây không phải là cuộc gặp gỡ với một sự vật hay một sự kiện, là cuộc gặp gỡ với một Đấng, một Ai đó, một Con Người đang hiện diện giữa chúng ta" (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1). Cuộc gặp gỡ với Chúa được thực hiện bằng lời cầu nguyện và chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa. Bởi khi cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa; khi nghe Lời Chúa là lúc Ngài nói với chúng ta. Cầu nguyện là mối tâm giao, là sự trao đổi thân mật, giãi bày tấm lòng trước nhan Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta mở con tim để lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng thưa với Chúa như cậu bé Samuel trong đền thờ Silô: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Nhờ cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa mà chúng ta được gặp Chúa trong đời, mặc dù còn nhiều ồn ào, bon chen và toan tính.

Gặp Chúa trong đời, đó cũng là mục đích của đời sống Kitô hữu. Cuộc gặp gỡ này còn được gọi là "đời sống nội tâm", tức là sự gắn bó giữa tâm hồn ta với Chúa. Sự gắn bó này vừa thân tình, vừa bền vững và cá biệt, tức là riêng tư chứ không phải chạy theo phong trào. Những ai nhận mình là tín hữu, mà không gặp gỡ Chúa trong đời, thì đức tin của họ còn mơ hồ và chỉ dừng lại ở lý thuyết. Tác giả Tin Mừng thứ bốn kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai môn đệ và Chúa Giêsu. Các ông đã ở lại với Chúa ngày hôm ấy. Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy vừa thân tình vừa sâu lắng, đến nỗi hôm sau, các ông có thể khẳng định với người thân của mình: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a". Chắc hẳn trong cuộc gặp gỡ thân tình này, Chúa Giêsu đã mặc khải cho hai ông nhiều điều quan trọng, giúp các ông mở trí để nhận ra Người chính là Đấng muôn dân mong đợi. Các ông đã hoàn toàn "tâm phục, khẩu phục", để rồi sau này, các ông trung thành theo Chúa, chấp nhận sống chết với Thày mình. Cuộc gặp gỡ ấy đã tạo nên nơi các ông sự gắn bó, lòng trung thành và tâm tình mến yêu. Nếu chúng ta đọc tiếp Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta sẽ thấy một chuỗi những chứng từ mang tính "dây chuyền", có nghĩa là những ai đã gặp Chúa Giêsu, đều thuyết phục người thân của mình để họ tin Chúa. Anrê, một trong hai môn đệ đầu tiên đến gặp Chúa Giêsu, đã về kể lại cho anh mình là Phêrô. Philiphê, sau khi gặp Chúa, đã về kể lại cho Nathanaen và dẫn ông tới gặp Chúa. Hai mươi thế kỷ đã qua, Giáo Hội của Chúa được lan rộng đến mọi miền thế giới, cũng là nhờ những Kitô hữu đã nhiệt thành "kể lại" cho mọi người về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Họ cũng chia sẻ niềm hạnh phúc của người tín hữu khi đặt trọn niềm tin nơi Ngài.

Khẳng định "đã gặp gỡ Chúa" là một cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của Người. Đó cũng là kinh nghiệm của một đức tin chắn chắn, đến từ tâm tình lắng nghe lời giáo huấn của Chúa. "Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe!" là tâm tình của cậu bé Samuen trong đền thờ tại Silô (Bài đọc I). Tác giả của cuốn sách mang tên ông đã kể lại với chúng ta: "Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với cậu và cậu không để một lời nào của Người ra vô hiệu". Nhờ việc sẵn sàng thực thi những lời Chúa dạy, sau này, Samuen trở thành một vị ngôn sứ trung thành và là cố vấn cho vua Saun, vị vua đầu tiên trong lịch sử Israen. 

Chúa nhật thứ hai của mùa Thường niên, Phụng vụ kêu gọi chúng ta hãy gặp gỡ Chúa Giêsu để nhận ra nơi Người là Đấng Cứu độ trần gian. Làm sao để mỗi người tín hữu  có thể khẳng định với thế giới hôm nay rằng: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a"?. Lời khẳng định ấy không chỉ là ngôn từ, nhưng còn là lối sống thấm đượm tinh thần Phúc âm. Hôm nay, nhân loại vẫn đang khao khát Đấng Mê-si-a. Người là Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy những khát vọng sâu xa của con người. Thực ra, Người đang hiện diện vô hình và thiêng liêng giữa chúng ta. Nếu mỗi người Kitô hữu đều có thể khẳng định: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" như hai môn đệ Anrê và Gioan, thì xã hội hôm nay sẽ có rất nhiều người tin Chúa. Điều đáng tiếc là nhiều người mang danh Kitô hữu mà sống trái ngược với danh xưng ấy. Vì thế, họ làm cho hình ảnh Giáo Hội của Chúa bị biến dạng và tạo cớ cho những người không cùng tôn giáo với chúng ta hiểu sai về dung mạo của Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và là Cha nhân hậu.

Muốn khẳng định Chúa hiện diện trong cuộc đời, điều quan trọng đầu tiên là thánh hóa bản thân. Thánh Phaolô đã đưa ra những lời khuyên rất thiết thực qua lời nhắn nhủ các tín hữu Côrinhtô: Thân xác chúng ta là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Anh em hãy tôn vinh Chúa nơi thân xác anh em. Thánh nhân khuyên mọi người hãy tránh xa những hành động dâm dật ô uế, để cuộc đời và tâm hồn được thanh thản (x.Bài đọc II). Hành trình nên thánh khởi đi từ những cố gắng cụ thể, ngay chính trong thân xác mình, để rồi chính con người cá nhân của chúng ta được biến đổi, nên giống Đức Giêsu, Đấng vô tội, tinh tuyền và thánh thiện.

Gặp Chúa trong đời, đó là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Đó cũng là kết quả của những cố gắng hy sinh. Bởi lẽ, Chúa chỉ tỏ mình cho những ai có tâm hồn trong sạch và một trái tim rộng mở chân thành. Được gặp Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ bình an, cuộc đời này sẽ chan chứa niềm vui và hạnh phúc, Nước Trời sẽ khởi đầu từ đây.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW