Gặp gỡ Đức Giáo Hoàng
VATICAN. Vào lúc 12h00, ngày 10.11, hàng người đã quy tụ tại quảng trường thánh Phêrô để gặp gỡ Đức Thánh Cha và nghe ngài giáo huấn.
Đức Thánh Cha đã dựa vào nội dung đoạn Tin Mừng CN 32TN để ban huấn từ. Ngài nói:
“Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu tranh luận với những người phái Sa Đốc, những người chối bỏ việc phục sinh. Đây chính là vấn đề mà dựa vào đó họ chất vấn Đức Giêsu, đặt người vào thế khó giải quyết để chế nhạo niềm tin vào việc người chết sẽ sống lại. Họ bắt đầu bằng một tình huống tưởng tượng ra: "Một người phụ nữ có bảy đời chồng, lần lượt chết" và họ hỏi Đức Giêsu: "Người này sẽ là vợ của ai trong ngày kẻ chết sống lại?" Đức Giêsu, luôn hiền lành và kiên nhẫn, trước hết trả lời rằng cuộc sống sau cái chết không dựng vợ gả chồng như cuộc sống đời này. Cuộc sống vĩnh cửu là một cuộc sống khác, thuộc về một chiều kích khác nơi mà, giữa những điều khác, con người không còn lấy vợ lấy chồng nữa,vốn là điều gắn liền với ta ở cuộc sống tại thế này. Đức Giêsu còn nói thêm rằng những người sống lại sẽ giống như các thiên thần và sống ở một tình trạng khác mà bây giờ không thể trải nghiệm và tưởng tượng ra được. Đức Giêsu đã giải thích như thế.”
Sau đó, Đức Thánh Cha nói về mối dây hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa “Người là Chúa của ta”.
“…Đức Giêsu tìm thấy bằng chứng về sự phục sinh trong trình thuật Môsê và bụi gai bốc cháy (x.Xh 3,1-6), Thiên Chúa tự mặc khải mình là Thiên Chúa của Abraham, Ixaac và Giacop. Danh xưng của Thiên Chúa có mối ràng buộc với tên của những người nam nữ mà Người dính dáng đến và mối gắn kết này mạnh hơn cả sự chết. Từ đó, Giêsu khẳng định với những người thuộc phái Sa Đốc rằng: "Thiên Chúa không là Thiên Chúa của người chết nhưng là của người sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống" (x. Lc 20,38) Và mối dây quyết định này, sự kết hiệp nền tảng này chính là Giêsu: chính là Sự Hiệp Thông, là Sự Sống và là Sự Phục Sinh, vì với tình yêu hiến tế, Ngài đã chiến thắng sự chết. Trong Giêsu, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, Người ban nó cho tất cả mọi người và tất cả những lời cảm tạ dâng lên Người đều chứa đựng một niềm hy vọng về một cuộc sống mới chân thực hơn cuộc sống này. Sự sống mà Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta không là một sự tô điểm cho thực tại này, nhưng nó vượt qua sức tưởng tượng của chúng ta, vì Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên bởi tình yêu và lòng thương xót của Người.”
Đức Thánh Cha cũng giải thích thêm về quan niệm của chúng ta về cái chết. Không phải cái chết đón đầu chúng ta, nhưng là một sự sống mới, vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
“… Không phải từ cuộc sống này mà ta suy luận đến cuộc sống vĩnh cửu, nhưng là cuộc sống vĩnh cửu soi sáng và ban cho chúng ta niềm hy vọng nơi cuộc sống tại thế này. Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng cặp mắt con người, chúng ta cũng sẽ nói rằng hành trình của con người đi từ sự sống đến cái chết. Đức Giêsu đã đảo ngược cái nhìn này và nói rằng cuộc hành trình của chúng ta là đi từ cái chết đến sự sống: một sự sống viên mãn! Vì thế, cái chết nằm ở sau, chứ không phải ở trước chúng ta. Phía trước chúng ta là một vị Thiên Chúa của kẻ sống, là một sự chiến thắng chung cuộc tội lỗi và cái chết, là khởi đầu của một kỷ nguyên mới của niềm vui và ánh sáng không bao giờ tàn. Nhưng ngay từ bây giờ, trên trái đất này, trong lời cầu nguyện, bí tích, tình huynh đệ, chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giêsu và tình yêu của Người, và như thế chúng ta có thể nếm trước một chút gì đó sự sống phục sinh. Kinh nghiệm mà chúng ta đã có về tình yêu và lòng trung tín của Người sẽ bừng sáng lên như ngọn lửa trong con tim chúng ta và làm cho đức tin của chúng ta lớn lên hơn nữa trong sự phục sinh. Thực ra, nếu Thiên Chúa là Đấng trung tín và yêu thương, thì Người không thể giới hạn sự trung tín và yêu thương ấy trong thời gian được”.
Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nhắc đến việc tôn phong chân phước của chị Maria Teresa Bonzel ở Đức. Ngài cho biết, chính Thánh Thể là nguồn mạch đã ban cho chị sức mạnh thiêng liêng để chị có thể dấn thân không mệt mỏi, phục vụ người những người yếu thế.
Ngài cũng bày tỏ sự gần gũi của mình đến nhân dân Philipin và đất nước này. Do ảnh hưởng của cơn bão, nhiều người đã chết và những tổn thất nghiêm trọng khác đi kèm theo. Ngài kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ cách thiết thực.
Ngài cũng nói về biến cố 75 năm kỷ niệm sự kiện "Đêm thủy tinh" diễn ra vào tối 9 và 10.11.1938, một cuộc bạo hành chống lại người Do Thái, các hội đường, tư gia, cửa hàng, đánh dấu một thảm kịch của cuộc thảm sát có tên là Holocaust. Ngài mời gọi mọi người cùng nâng đỡ và liên đới với các anh em Do Thái và cầu nguyện cùng Thiên Chúa giúp chúng ta biết nhìn về ký ức trong quá khứ với một sự tỉnh thức chống lại mọi hình thức ghen ghét và bất bao dung.
Ngày hôm nay, ở Ý cũng là ngày lễ tạ ơn. Đức Thánh Cha bày tỏ sự hiệp thông với các Giám Mục với thế giới nông nghiệp, đặc biệt là với những người trẻ đã chọn việc lao tác trên đất đai. Ngài khuyến khích họ hãy cố gắng để không còn ai bị đói khát nữa.
Ngài cũng gửi lời chào đến các khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, các gia đình, giáo xứ, hiệp hội khác.
Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ, RadioVaticana 10.11.2013