Gia đình: Nhiệm thể của Đức Kitô
THÁNG 4/2014 : GIA ĐÌNH – NHIỆM THỂ CỦA ĐỨC KITÔ
– Lời Chúa: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 27).
– Ý cầu nguyện: Xin cho các thành viên trong gia đình sống hiệp nhất yêu thương nhau trong Chúa Giêsu Kitô.
– Bài ca ý lực: Gia Đình của Chúa (Ca vang Tin mừng,
tr.3).
1. Gia đình hiệp nhất yêu thương trong Chúa Giêsu
Cũng như Hội Thánh là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia cũng diễn tả mầu nhiệm ấy. Điều đó không những diễn tả qua một sự qui tụ quanh Đức Kitô nhưng còn là nên một trong Người, trong Thân Thể của Người [1].“Trong thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn vinh” [2]. Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô (x. Rm 6,4-5; 1Cr 12,13). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau.
Bởi thế, vợ chồng, cha mẹ, con cái, ông bà còn yêu thương nhau và hiệp nhất bằng ân sủng Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.
Sự hợp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và phát triển đức mến giữa các thành viên là tín hữu. Đức mến là dây liên kết trọn hảo. “Từ đó, nếu một chi thể đau khổ, thì tất cả các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể đều chung vui” [3]. Sự hợp nhất ấy chiến thắng mọi chia rẽ phàm nhân (x. Gl 3,27-28).
2. Những thách thức trong cuộc sống ngày nay đối với sự hiệp nhất trong gia đình
Khoảng cách gần hay xa giữa lí tưởng hiệp nhất yêu thương trong đức tin với đời sống gia đình thực tế hằng ngày tùy thuộc vào việc các gia đình đối phó với những thách thức hiện nay như thế nào. Đó là:
- Những khuyết tật trong nền văn hóa bình dân trong đất nước ta, ở vùng quê cũng như thành phố, cần được chữa lành: thói trọng nam khinh nữ, tật nghiện rượu, bạo lực gia đình, ít đi lễ, mê tín dị đoan,…
- Gia đình cùng xã hội đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa.Chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và toàn cầu hóa tạo điều kiện cho một nếp sống làm suy yếu sự phát triển và vững bền của các mối tương quan nhân vị và làm biến dạng các mối dây ràng buộc gia đình: giữa vợ – chồng, giữa cha mẹ – con cái, giữa anh em với nhau [4].
- Làn sóng thế tục hóa có khuynh hướng giản lược đức tin và Hội Thánh vào lãnh vực cá nhân và riêng tư. Một số thành viên của các gia đình, nhất là người trẻ và trung niên, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi não trạng này: phủ nhận cái siêu việt mầu nhiệm, ý thức về tội lỗi suy yếu, chủ nghĩa tương đối gia tăng. Trong khi Hội Thánh tuyên bố các qui tắc đạo đức khách quan có giá trị cho mọi người, thì có những người trong nền văn hóa chúng ta cho giáo huấn này là không đúng, nghĩa là chống lại các quyền cơ bản của con người. Những tuyên bố này thường đi theo một dạng chủ nghĩa tương đối về đạo đức, và kèm theo một niềm tin vào các quyền tuyệt đối của cá nhân. Quan niệm này coi Hội Thánh như là nơi cổ vũ một thành kiến riêng và can thiệp vào tự do của cá nhân. [5] Hơn nữa, nhận thức đạo đức của con người hôm nay còn hời hợt vì trên lãnh vực truyền thông, hàng ngày vô số thông tin đủ mọi dữ liệu dội trên chúng ta nhưng lại thiếu sự phân định và óc phê bình, ưu tiên các giá trị đạo đức tinh thần. Những khía cạnh tiêu cực của các kĩ nghệ truyền thông và giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt đe dọa sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình. [6]
- Tính thế tục xâm nhập cả ở trong đời sống thiêng liêng của Hội Thánh và gia đình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: «núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu mến Hội Thánh, tính thế tục thiêng liêng nằm ở chỗ không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn của bản thân…» [7]. “Tính thế tục thiêng liêng” gây chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong cộng đoàn do ghen ghét, đố kị đối với những ai cản trở con đường tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an toàn kinh tế của bản thân hay phe nhóm mình.
3. Nguyên nhân sâu xa của mọi bất hòa trong gia đình: Tội lỗi
Trong cuộc sống thực tế con người vẫn còn yếu đuối, còn tội lỗi, bi kịch hôn nhân – gia đình vẫn xảy ra hằng ngày. Vì vẫn còn đó lòng mê đắm và tham-sân-si biểu hiện khi ít khi nhiều, cả nơi người nam và người nữ. Tội lỗi của đôi bạn Kitô hữu mâu thuẫn với ơn gọi sống tình yêu bí tích của họ. Yếu tính sâu xa của tội lỗi họ là chối bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là bỏ quên chiều kích đối thần của hôn nhân, đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của tương quan vợ chồng và đời sống gia đình.
Tuy nhiên, “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa cha gấp bội” (Rm5,20). Ân sủng vạch trần tội lỗi làm con tim hoán cải, làm ta nên công chính. Với bí tích ơn tha thứ, vợ chồng, cha/mẹ và con cái, anh chị em cũng phải biết tha thứ cho nhau. Sự hiệp nhất hôn nhân – gia đình thường xuyên được tái lập nhờ ân sủng các bí tích. Từ đó, những khác biệt trong hôn nhân, gia đình trở nên là những hồng ân đa dạng cần thiết và bổ túc cho nhau trong cuộc sống gia đình, vượt trên mọi chia rẽ, vì cả gia đình sống trong hiệp thông của Thánh Thần duy nhất, Đấng «ban dồi dào các ân huệ khác nhau, đồng thời tạo ra một sự hiệp nhất không đơn điệu nhưng muôn màu muôn vẻ và mời gọi hòa hợp» [8]. Hợp nhất phu thê, trung thành với nhau và ngày ngày chăm lo nuôi dạy con cái, đôi bạn và gia đình chiếu tỏa ánh Rạng ngời thiêng liêng, trở nên một cộng đoàn “được cứu độ”. Họ được mời gọi trở thành một cộng đoàn “cứu độ”, một gia đình loan báo Tin mừng.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
- Các thành viên trong Gia đình tôi có sống hiệp nhất yêu thương nhau hay không? Nếu không đâu là những ngăn trở, nguyên nhân sâu xa?
- Chúng ta có nhận ra những đặc sủng của mỗi người trong nhà góp phần xây dựng đời sống gia đình, và xã hội hay không? Đó là những hoa quả nào?
- Chúng ta có nhận diện những hoa quả của Chúa Thánh Thần bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín hiền hòa, tiết độ của các thành viên gia đình không? Có đôi khi nhận ra những việc do tính xác thịt con người không? (x. Gl 5,19-22).
[1] X. GLHTCG 789.
[2] LG 7.
[3] Ibid.
[4] X. ĐGH Phanxicô, Th. Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium) , 66.67.
[5] X. ĐGH Phanxicô, Th. Niềm Vui…, 64. X. HĐGMCG Hoa Kỳ, Mục vụ cho những người có xu hướng đồng tính luyến ái. Hướng dẫn chăm sóc mục vụ, 2006, số 17.
[6] X. ĐGH Gioan Phaolô II, th. Ecclesia in Asia (11/11/1999), 7. Trích dẫn bởi ĐGH Phanxicô, Th. Niếm Vui… 62.
[7] ĐGH Phanxicô, Th. Niềm Vui… 93-97.
[8] ĐGH Phanxicô, Th. Niềm vui…, 117.
Nguồn: www.gphaiphong.org