Gia đình: Phúc âm hóa để truyền loan Tin Mừng

12-04-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Gia đình: Phúc âm hóa để truyền loan Tin Mừng by

1. Gia đình trong thế giới hôm nay: những mảng sáng – tối

Chúng ta ít nhiều nhận ra rằng: đang có một sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối nơi các gia đình nói chung, và ngay trong chính gia đình Công Giáo nói riêng.

Những gam màu sáng: ngày nay, nơi các gia đình, người ta đã có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân, khi xây dựng mối tương quan giữa các thành viên trong một gia đình. Họ chú ý nhiều hơn đến phẩm chất và điều chỉnh nó theo những bước đi của xã hội. Họ loại trừ “chồng chúa vợ tôi”  trong tương quan liên vị nơi giữa hai người phối ngẫu trong hôn nhân, họ đề cao phẩm giá phụ nữ, bỏ lại sau lung quá khứ, mà nơi đó, người ta đã xem thường giá trị, nhân phẩm người phụ nữ trong hôn nhân. Những gia đình thời mới mở ra những mối tương quan mang tính nhân văn và chú trọng đến cá vị nơi mỗi người trong hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã góp phần trong việc nâng cao ý thức hệ nơi cộng đồng khi thực hiện  sinh sản có trách nhiệm. Nhiều bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến giáo dục con cái,những giá trị nền tảng đạo đức – nhân bản, góp phần giáo dục trong xã hội và trong Giáo Hội. Đồng thời, nhiều gia đình đã ý thức hơn về nhu cầu phải phát triển những liên hệ gia đình giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mảng sáng, “chúng ta không che giấu sự kiện rằng ngày nay gia đình,… đang trải qua những nhân tố khủng hoảng, được vây quanh bằng những kiểu sống làm tổn hại cho nó, bị coi thường bởi những chính sách của xã hội này…” [1].

Những bóng tối: nơi nhiều gia đình, đức tin vào tính bí tích của hôn nhân và sức mạnh hàn gắn của Bí Tích Sám Hối trong đời sống càng ngày càng yếu đi hoặc hoàn toàn bị loại bỏ. Sự suy đồi giá trị luân lý, sự thoái hóa về một số giá trị căn bản như: quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ trên con cái, những khó khăn trong việc lưu truyền các giá trị, ly dị gia tăng, không tôn trọng, bảo vệ sự sống…[2].

Nhiều gia đình đã vắng bóng tình thương, sự hy sinh và yêu thương mà lẽ ra mọi thành viên phải dành cho nhau. Gia đình trở thành quán trọ, mà nơi đó, mỗi thành viên không còn gắn kết với nhau bằng tình yêu, nhưng chỉ bằng những thực dụng có lợi của các bên liên quan. 

Y học tiến bộ cộng với sự đề cao nhu cầu bản thân, coi thường giá trị hôn nhân, nhiều phụ nữ đã đánh giá thấp vai trò người đàn ông trong việc truyền sinh, để có thể có con qua việc thụ tinh nhân tạo, muốn có quan hệ huyết thống với đứa con mà không cần tìm cho đứa con có một người cha. Cùng với chủ nghĩa thực dụng, phụ nữ cũng đang trở nên một công cụ cho việc sinh đẻ, đánh mất giá trị thiêng liêng của hôn nhân và của tình mẫu tử khi biến người phụ nữ trở thành kẻ mang thai hộ, làm mẹ mướn, cho thuê dạ con.

Ly dị ngày càng gia tăng kéo theo sự đổ vỡ bất hạnh của nhiều gia đình. Những cuộc hôn nhân mang tính tạm thời là hệ quả ảnh hưởng của nền văn hóa phi cam kết hiện nay, và nó góp phần nâng cao tỉ lệ ly dị trên toàn thế giới. Nhiều cặp vợ chồng đau đáu đòi chia tay, xé nát gia đình chỉ nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân mà không bận tâm đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với con cái mình. Con cái, lẽ ra phải là mối bận tâm lớn nhất trong việc giúp trẻ có được sự an toàn, quân bình về tâm lý, khi chúng được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha và mẹ. Nhưng đã có nhiều người cha, người mẹ đã không còn quan tâm lắm về tương lai của con mình, họ cũng chẳng muốn để ý đến  những khủng hoảng tâm lý mà đứa con họ phải gánh chịu nếu cha mẹ ly dị hay đứa trẻ chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ mà không có cả cha lẫn mẹ.

Nhiều cuộc hôn nhân ra đời mà bên cạnh đó, người ta đánh đồng hôn nhân bằng giá với của hồi môn, tài sản được định ước. Những cuộc hôn nhân ấy quả là không hiếm, nó được phơi bày nhan nhản ngay trong hiện tại, để rồi, chung cục chỉ là những cuộc hôn nhân bất hạnh, nước mắt và hận thù bởi vì nó đã được xem như là món hàng thuận mua vừa bán, không còn giá trị thiêng liêng như Thiên Chúa đã phú ban.

Một số nguyên nhân làm cho gia đình bị khủng hoảng, bị thách đố, đe dọa hạnh phúc

  • Do sự lẫn lộn trong khái niệm về tự do, nên con người ngày nay coi tự do như là một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, để chống lại người khác, để lo vun vén cho sự thoải mái, ích kỷ của bản thân. Trong khi đó, tự do thật phải được con người nhìn nhận như là khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình [3].
  • Đi song hành với tự do cá nhân, quy kỷ, là sự hưởng thụ, ưa chuộng lối sống dễ  dãi, hời hợt; hoặc bị các giá trị giả, ảo tưởng tràn lan trên các phương tiện truyền thông… làm khuynh đảo ý thức hệ và cổ súy cho việc tìm kiếm “những phong trào” dễ dãi mà đa số đang ủng hộ; đánh mất cảm thức về luân lý, chuẩn mực đúng sai của lương tâm… không dẫn con người đến sự tự do “đích thực” nhưng lại làm cho con người cảm thấy âu lo, bấp bênh. Vì thế, nhiều gia đình ngay nay, trong đó, chồng – vợ – con cái đã bắt đầu quên mất khái niệm và không muốn sống sự quảng đại, lòng can đảm để phát sinh những sự sống mới, thay vì coi đó là chúc phúc thì lại là một nguy hiểm cần tránh né.
  • Cái nghèo tri thức, nghèo giá trị nhân cách và cái nghèo vật chất cũng như việc thiếu thốn về các nhu cầu, quyền lợi căn bản của gia đình, cái mà lẽ ra xã hội phải đáp ứng được… đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hôn nhân gia đình, khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy đời sống hôn nhân- gia đình bị ngột ngạt, nên họ tìm cách giải quyết theo lối riêng của mình, nên dễ dẫn đến những thất bại.
  • Đồng thời, có những nguyên do mà ta cảm thấy nó gần như trở nên “nặng ký”  khiến nhiều cặp vợ chồng, gia đình Công Giáo rơi vào khủng hoảng, sống trong bóng tối, bất hạnh… Xem ra, những thách đố, khó khăn trong đời sống gia đình khởi đi từ việc họ đã thực sự không còn nghĩ tới Thiên Chúa, hoặc quan tâm quá ít, chiếu lệ đến Ngài. Nhiều gia đình đã bị mê hoặc bởi giọng điệu mềm mỏng của chủ nghĩa thế tục trong chính đời sống hàng ngày, để rồi sẵn sàng tạo ra một ngẫu tượng kháclà tiền bạc. Chính khi họ đã xây dựng thứ ngẫu tượng ấy, sự lãng quên Thiên Chúa là điều tất yếu xảy ra, và nó sẽ kéo theo việc hạ bệ giá trị đạo đức. Nhiều cặp vợ chồng đã không còn qui chiếu đời sống vào Thiên Chúa, không còn coi hôn nhân và gia đình là một điều thiện hảo quý giá nữa. Họ không còn muốn lấy những chuẩn mực luân lý, đạo đức Kitô giáo, những giá trị của Tin Mừng để làm thước đo cho suy tư và hành động nhưng chỉ lấy những thước đo của xã hội, những nhu cầu của chính mình để quyết định đời mình. Lời Chúa trở thành thứ xa xỉ, lạ hoắc trong lối sống đạo. Họ trở nên lạ lẫm với những chiều kích nội tâm, chỉ quen với những hình thức, màu sắc chóng qua. Kinh nguyện có đọc, thánh lễ có tham dự cũng chỉ là làm cho có, mà không hề có ý thức và khao khát. Dù không từ chối Thiên Chúa cách công khai, nhưng từ trong đáy sâu của niềm tin, họ đã không còn muốn gắn kết với một Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến và cứu độ họ, muốn dẫn đưa họ vào bến hạnh phúc thật ngay tại trong gia đình của họ.

2. Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình

Đứng trước những ánh sáng và bóng tối , những thách đố thật khó khăn mà các gia đình Công Giáo đang phải đối diện, Hội Thánh mong muốn các gia đình tham gia vào công cuộc Phúc-Âm-hóa nhằm giúp các gia đình tìm lại căn tính đích thực của mình; làm mới lại đời sống gia đình theo Tin Mừng, để thông truyền đức tin cho con cái, và tích cực thi hành việc loan báo niềm vui Tin Mừng cho tha nhân qua cung cách sống của từng gia đình. “Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, ngày thường. Đa số các gia đình Công Giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục, thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống… đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái” [4].

Đồng thời, để loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu, Hội Thánh luôn cần phải canh tân không ngừng nhưng việc canh tân này phải bắt đầu từ mỗi gia đình trong Hội Thánh “Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đìnhdo đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” và mời gọi “chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” [5].

3. Gia đình: cộng đoàn tham gia vào sứ mạng Phúc-Âm-hóa

Để tham gia vào công cuộc Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, từng gia đình sẽ cần phải xây dựng gia đình của mình  thành một cộng đoàn cầu nguyện, một cộng đoàn sống tình yêu hợp nhất thủy chung; một cộng đoàn phục vụ sự sống; và một cộng đoàn hăng say loan báo Tin Mừng [6].

Gia đình: cộng đoàn cầu nguyện

Nhìn thực tế hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ đã không còn mặn mà, hoặc đã chẳng còn hơi hướng gì với việc cùng nhau đọc kinh chung sáng, tối trong gia đình như trước đây nữa. Khi được hỏi về việc thực hiện giờ kinh trong gia đình hàng ngày, nhiều bạn trẻ trong lớp hôn nhân và ngay cả chính các bậc phụ huynh trung niên thừa nhận rằng gia đình họ không có giờ kinh chung đã từ lâu lắm rồi. Nhiều gia đình, trong đó có cả cha lẫn mẹ, con cái có thể tiêu tốn hàng giờ ngồi trước cái ti-vi, hay cái máy vi tính để kết nối, tán gẫu với người khác, nhưng lại không có đến 5 phút để cùng nhau đọc một giờ kinh vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sự thiếu sót ấy là lời giải đáp tại sao những gia đình ngày nay thiếu vắng đi tình yêu thương lẫn nhau, tại sao gia đình thường xuyên bất hòa gây gổ, cãi cọ; tại sao họ khó bao dung trước lầm lỗi của chồng (vợ); tại sao họ khó khăn để cam kết chung thủy với người phối ngẫu; tại sao họ rất vất vả và thật khó khăn để vượt qua những thất bại, khó khăn trong cuộc sống; tại sao con cái trở nên ương bướng; khó dạy và dễ hư hỏng…

Thực tế trên là một cung nhạc buồn mà hiện nay, nhiều gia đình Công Giáo tại Việt Nam đang mắc phải, khi mà lẽ ra, các gia đình phải trở nên trường dạy của cầu nguyện và ý thức về Thiên Chúa, phải là một họa ảnh của gia đình Nagiarét thánh [7].

Một trường dạy cầu nguyện và ý thức về Thiên Chúa phải được xây dựng trong chính từng gia đình, mà nơi đó, cha mẹ là những nhà giáo dục con cái ngay từ khi còn thơ bé, có thể học và trực giác được ý thức về Thiên Chúa nhờ giáo huấn và gương sáng của cha mẹ trong bầu khí cầu nguyện chung với nhau mỗi ngày. Có thực hiện và duy trì kinh nguyện và đời sống cầu nguyện trong gia đình, mọi thành viên trong gia đình mới có thể gắn kết lại với nhau, sống với nhau bằng một tình yêu quảng đại, hy sinh, vị tha như Chúa muốn. Trường dạy cầu nguyện ấy sẽ từng bước dẫn đưa mọi người vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng chính những cảnh vực thăng trầm, vui buồn, sướng khổ của đời sống. Vì “Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống này được diễn giải như một ơn gọi từ Thiên Chúa mà đến và được thực hiện như một câu trả lời hiếu thảo cho tiếng gọi ấy…” [8]. Nếu mỗi gia đình duy trì được các giờ kinh nguyện, họ sẽ tìm được hạnh phúc vì kinh nguyện đưa dẫn đến hiệp nhất mà vẫn tôn trọng và làm phong phú hóa những khác biệt của mỗi người trong gia đình. Đặc biệt, khi gia đình biết suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa, họ sẽ lắng nghe được tiếng Chúa, hiểu được điều Chúa dạy và cố gắng sống điều Chúa muốn.

“Hãy cầu nguyện trong gia đình” vì “lời cầu nguyện gia tăng sinh lực”: Tất cả chúng ta đều cần đến Thiên Chúa! Chúng ta cần sự giúp đỡ, sức mạnh, chúc phúc, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa… Rõ ràng chúng ta phải làm như người thu thuế: khiêm cung trước mặt Thiên Chúa. Mỗi người hãy khiêm cung để Thiên Chúa đoái nhìn, nguyện xin lòng nhân lành Ngài để Ngài đến với chúng ta”.

“Cần đơn giản: cầu nguyện trong gia đình cần đơn giản! Cùng đọc kinh “Lạy Cha”quanh bàn ăn không phải là điều gì khác thường: rất dễ dàng. Cùng lần chuỗi Mân côi trong gia đình là điều rất tốt đẹp, mang lại nhiều sinh lực!”

“…Chồng cầu nguyện cho vợ, vợ cầu nguyện cho chồng; cả hai vợ chồng cầu nguyện cho con cái;con cái cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà… Cầu nguyện cho nhau. Cầu nguyện trong gia đình, chính việc cầu nguyện củng cố gia đình thêm kiên vững!” [9].

Đồng thời, gia đình, cộng đoàn cầu nguyện ấy còn phải được diễn tả qua việc mọi thành viên trong gia đình nhắc nhở, cùng nhau tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích. Chính nơi đỉnh cao phụng vụ, trong thánh lễ, khi đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể, vợ-chồng; cha mẹ, con cái được kín múc nguồn ân sủng thiêng liêng đặc biệt dưỡng nuôi hạnh phúc và mái ấm gia đình.

Gia đình: cộng đoàn yêu thương, sống tình yêu hợp nhất thủy chung

Nơi gia đình, hình ảnh của tình yêu phải được họa lên một cách rõ nét qua sự cố gắng của từng thành viên phải thể hiện được hình ảnh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chính mái nhà của mình.  Chỉ khi là cộng đoàn yêu thương, gia đình mới trở thành dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Khi các thành viên sống yêu thương nhau, gia đình ấy đã trở nên một nơi đào tạo cộng đồng các ngôi vị, mà trong đó, tình yêu là nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông. “Nguyên lý nội tại, sức mạnh thường xuyên và mục đích cuối cùng của một sức mạnh như thế chính là tình yêu: Cũng như không có tình yêu gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị” [10].  

Khi đã có tình yêu, người ta sẽ loại trừ được các thứ bạo hành về thể xác, tâm lý, tinh thần… ở trong chính gia đình của mình. Vợ chồng; cha mẹ, con cái sẽ “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Đó là điều các đôi hôn nhân, các gia đình phải cố gắng để thực hiện. Ngược lại, khi không có tình yêu thì mọi vất vả trong cuộc sống sẽ trở nên nặng nề, và mọi mối tương quan trong gia đình bị gãy đổ. Mỗi gia đình cần phải đưa Chúa Giêsu vào trung tâm gia đình, nhờ đó họ mới có thể có một cái nhìn về nhau bằng con mắt của Chúa Giêsu, hiểu được nhau như Chúa Giêsu hiểu họ và có thể chấp nhận nhau như chính Chúa Giêsu chấp nhận họ. Bao lâu mà các gia đình để cho Chúa Giêsu đồng hành, bấy lâu họ sẽ cảm nhận niềm vui của hôn nhân, được ân thánh của bí tích hôn nhân canh tân đời sống họ mỗi ngày. “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5, 25.28). Và như vậy, gia đình của họ sẽ có hoa trái của Thánh Thần: bác ái, bình an, hoan lạc, hiền hòa, nhân hậu, nhẫn nhục… (Gl 5,22-23).

Trong bài huấn dụ ngày các gia đình hành hương Roma 28/10/2013, ĐTC Phanxicô đã đưa ra ba từ khóa cho đời sống gia đình: “Xin phép. Cám ơn. Xin lỗi”. “Chúng ta xin phép để không trở thành kẻ xâm lấn trong gia đình.” Anh làm điều này được chứ? Anh có đồng ý em làm việc này không? Chúng ta cám ơn vì tình yêu thương…mỗi ngày anh nói cám ơn vợ mấy lần? mỗi ngày chị nói cám ơn chồng mấy lần? Và từ cuối cùng: Xin lỗi. Tất cả chúng ta đều có sai lầm và đôi khi có ai đó trong gia đình và trong hôn nhân bị phiền lòng… nhưng các bạn hãy nghe lời khuyên này: đừng để một ngày kết thúc mà chưa làm hòa với nhau”.

Xây dựng gia đình thành một cộng đoàn yêu thương còn phải được quan tâm đến ông bà, cha mẹ, là các bậc đáng kính trong gia đình. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, đã có nhiều người già đang bị bỏ rơi, bị cô đơn, bị quên lãng. Họ đã bị chính con cháu mình xua đuổi, gạt bỏ khiến những người già đó trở nên cô độc, buồn tủi, đau khổ trong chính gia đình mình. Vậy thì, nơi mỗi gia đình, họ đang được mời gọi phải làm sao gây được một tiếng vang khi sống sự yêu thương, chăm sóc và kinh trọng những người già là ông bà, cha mẹ của mình. “Một quốc gia không tôn trọng ông bà thì đánh mất những kỷ niệm và như thế không có tương lai”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở điều này trong Thánh Lễ vào sáng thứ ba, 19.11.203, vì ngày nay người già bị lãng quên: “Thật đau lòng để phải nói rằng, người ta loại bỏ người già bởi vì họ gây ra phiền hà.” Thay vào đó, chính những người già truyền đạt lại cho chúng ta lịch sử cũng như đức tin.

Đồng thời, sự tin tưởng, yêu thương và thủy chung với nhau trong hôn nhân sẽ đến và ở giữa gia đình họ khi họ biết nối kết với Thiên Chúa, Đấng luôn Trung Tín với con người dù họ có phản bội và bất trung. Sự thủy chung ấy sẽ chiếu soi và đòi buộc các gia đình, các đôi hôn nhân khác phải nhìn lại lối sống bất tín, bất trung trong chính cuộc hôn nhân của họ khi mà ngày hôm nay người ta quá dễ dãi để chấp nhận và sống với những lần “say nắng” ngoài hôn nhân.

Gia đình: cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống qua các hành vi: tôn trọng, bảo vệ sự sống; giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa và gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. 

Giữa một thế giới đang có những khuynh hướng trái ngược giữa quyền lợi con người và quyền được sống, giữa làn sóng nguy hại của việc coi thường sự sống ở nhiều lãnh vực, thì nơi mỗi gia đình, họ phải làm sao để tỏa lan được bức tranh đẹp của việc tôn trọng, phục vụ sự sống nơi gia đình của mình. Điều này quả không dễ chút nào, khi mà ở bên cạnh họ đầy dẫy những cám dỗ xã hội coi nhẹ sự sống, đánh mất cảm thức về tội, về luân lý, bình thường hóa những hành vi gây nguy hại, xem thường sự sống. Vì thế, việc tôn trọng và bảo vệ sự sống trở nên một thách đố, đòi buộc cha mẹ, con cái phải biết tìm cách thế nào để thực hiện cho phù hợp ý định của Thiên Chúa.

Để có thể trở nên một cộng đoàn phục vụ sự sống, trước hết, các bậc cha mẹ phải ý thức được rằng họ đang cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo, cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa “Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ: hãy sinh sôi nảy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó” (St 1,28). Do đó, con cái, mà họ có được chính là quà tặng của Thiên Chúa, là hoa trái của tình yêu, nên họ phải bảo vệ sự sống đó bằng bất cứ giá nào, mà không được phép chối từ hay gạt bỏ “Con người là một thực tại nhân linh độc nhất, vô song, không tiền khoáng hậu, trong đó ảnh và hình của chính Thiên Chúa vẫn còn nguyên vẹn (St 1,27) [11]. Trong khi vâng phục kế hoạch của Thiên Chúa trong việc đón nhận và sinh sản con cái, các gia đình đã làm cho gia đình mình trở nên đền thờ của sự sống, đón nhận Ngài vào trong gia đình mình và làm chủ gia phả của đời mình.

Các bậc cha mẹ phải là những nhà giáo dục đức tin cho con cái. Đây là điều mà  Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã đề cập trong bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa 08/01/2012. Ngài cho thấy giáo dục sẽ trở nên một sứ mạng tuyệt vời nếu họ biết cộng tác với Thiên Chúa, cho dù công việc ấy là một sứ mạng đầy thách đố và thật khó khăn do khả năng hữu hạn của con người. Để có thể giáo dục con cái trở nên những Kitô hữu tốt, những con người có ích cho xã hội, các bậc cha mẹ phải biết cầu nguyện.“Cầu nguyện là điều kiện tiên quyết để giáo dục, bởi vì trong cầu nguyện, chúng ta phó thác cho Chúa, chúng ta giao phó con cái chúng ta cho Người, vì Người biết chúng trước chúng ta, biết rõ hơn chúng ta và biết điều gì thực sự tốt đẹp cho chúng…Các bậc cha mẹ như những con “kênh” dẫn truyền nguồn sống tình yêu của Thiên Chúa đến con cái. Do đó, nếu những “kênh” ấy xa rời Thiên Chúa, thì các bậc cha mẹ cũng sẽ mất khả năng giáo dục con cái mình. [12].

Gia đình: cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóahăng say loan báo Tin Mừng

Khi muốn trở nên một cộng đoàn tham gia vào sứ mạng Phúc-Âm-hóa, Hội Thánh muốn từng gia đình phải trở nên nơi rao giảng Tin Mừng kiểu mẫu [13] qua cách sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình dù gặp, khó khăn và thử thách và dám mạnh dạn chia sẻ, giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

Sự hiệp nhất, hiệp thông với nhau trong một gia đình đòi buộc mỗi thành viên cần phải có một tinh thần hy sinh cao cả. Sự hy sinh đó làm cho chúng ta nhận ra được mình cần phải làm gì để sống quảng đại, thông cảm, bao dung, tha thứ và hòa giải với nhau. Ngược lại, khi gia đình chỉ còn những ích kỷ, bất hòa, căng thẳng, xung đột ngự trị… người ta sẽ chỉ còn thấy sự khai tử của hiệp thông, dẫn đến muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong gia đình [14].

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở các gia đình “một lời của Chúa Giêsu: Chúa phán: Hỡi các gia đình trên toàn thế giới, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho các bạn nghỉ ngơi và niềm vui của các bạn sẽ toàn vẹn. Hãy mang lời đó của Chúa Giêsu trong nhà các bạn, trong trái tim các bạn, hãy chia sẻ trong gia đình. Ngài mời chúng ta đến với Ngài, để chúng ta tự hiến, để chúng ta trao ban niềm vui cho mọi người”. Và để thành các gia đình truyền giáo, mỗi gia đình “trong cuộc sống thường nhật hãy thi hành bổn phận hằng ngày, nhưng bỏ muối và men đức tin vào mọi việc” [15]. “Gia đình cũng giống như Hội Thánh, phải là nơi mà Tin Mừng được truyền thụ, và được tỏa ra từ đó… Trong gia đình, cha mẹ không những có nhiệm vụ truyền thông Tin Mừng cho con cái, mà chính họ còn nhận được từ con cái cùng một Tin Mừng, là Tin Mừng được họ sống một cách sâu xa… Một gia đình như thế trở nên gia đình truyền giáo cho nhiều gia đình khác và hàng xóm mà họ đang chung sống” [16].

Nt. Têrêxa Ngọc Lễ
Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW