Gia đình Thừa sai giáo xứ sống đức tin
Năm 2015 Giáo hội Việt Nam bước vào kế hoạch “Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn”, mà theo Gợi ý mục vụ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam thì tháng 01/2015 có chủ đề “Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai”. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 28) định nghĩa: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành. Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo.”
Việc truyền giáo mà Tông huấn nói đến chính là việc “Phúc-Âm-hóa”. Để giáo xứ thực hiện được sứ vụ căn bản này của Giáo hội, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định: “Chúng tôi xác tín rằng việcPhúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục” (Thư Chung 2014, số 6). Sự việc này nói lên điều gì?
I. Vai trò Linh mục trong giáo xứ
1. Linh mục là gì? Theo từ nguyên thì linh ( 靈 ) là thiêng liêng, mục ( 牧 ) là chăn dắt súc vật; “linh mục” là người chăn dắt chiên, cừu về đường thiêng liêng. Giáo hội Việt Nam đã dùng tiếng linh mục để dịch từ nguyên ngữ La tinh “sacerdos”. Từ “sacerdos” mang đậm màu sắc tế tự. Nó chỉ các tư tế, những người liên hệ trực tiếp tới hy lễ và đền thờ. Và vì thế, mỗi giáo xứ thì không thể thiếu linh mục quản xứ (người Việt Nam quen gọi cách thân thương là cha sở, cha xứ) để lo việc tế tự và chăn dắt đàn chiên của Chúa (cộng đồng dân Chúa).
Thực tế, ngoài việc tế tự (phụng vụ thánh), các linh mục còn “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới.” (T/H Niềm Vui Tin Mừng, số 31).
2. Ai là linh mục? Trả lời câu hỏi này, Tông huấn Kitô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici” (số 14) đã viết: “Sự tham gia của giáo dân vào ba chức vụ của Chúa Giêsu Linh Mục, rao giảng và Vua bắt nguồn từ việc xức dầu của phép Rửa Tội, được phát triển nhờ phép Thêm Sức, được nâng đỡ và kiện toàn trong phép Thánh Thể. Đây là một sự tham gia ban cho mỗi tín hữu giáo dân, nhưng với tư cách là họ tạo thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô…, như thánh Augustinô viết (trong “De Civitate Dei” – XX, 10): "Cũng như chúng ta tât cả được gọi là Kitô hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhất.”
Tuy rằng tất cả đều được gọi là linh mục, nhưng thực tế hàng linh mục tu sĩ có khác hơn vì đã được đón nhận ơn gọi tu trì (tức “thánh hiến” như cách gọi của ĐTC Phanxicô trong Tông thư về Năm “Đời sống Thánh hiến”). Một cách cụ thể thì các Kitô hữu là “Tư tế cộng đồng”, còn linh mục là “tư tế thừa tác” (trực tiếp thừa kế sứ vụ của Linh mục thượng phẩm Giêsu Kitô).
II. Phúc Âm Hoá Gia đình Giáo xứ – Sống đức tin
Mở đầu Tông thư về “Năm đời sống Thánh hiến” (ban hành ngày 21/11/2014), ĐTC Phanxicô viết: “Tôi viết cho anh chị em với tư cách là Người kế vị thánh Phêrô, đã được Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ củng cố anh em trong đức tin (x. Lc 22, 32), và tôi cũng viết cho anh chị em như một người tận hiến giống như anh chị em.” Khi ĐTC nói ngài có “nhiệm vụ củng cố anh em (linh mục) trong đức tin”, chính là để các linh mục ý thức được trách nhiệm của mình là “củng cố và thăng tiến đức tin của giáo dân”. Đó chính là vai trò bất khả thay thế của các linh mục trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa tại các giáo xứ, bởi “Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Nhưng chủ thể của việc loan báo Tin Mừng này còn hơn là một cơ cấu có hệ thống và phẩm trật, bởi vì trên hết nó là một dân đang đi trên một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa… Một dân cho tất cả mọi người.” (T/H Niềm Vui Tin Mừng, số 111).
Điều đó cho thấy sứ vụ nhất quán của Giáo hội là truyền giáo, mà truyền giáo cách hiệu quả chính là sống chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ, vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, số 41). Nói cách khác, đó là sống đức tin bằng hành động, bằng thực thi đức ái. Cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17). Để sống đức tin cách cụ thể, người tín hữu cần thực hiện những yêu cầu sau đây: 1- Tham dự Thánh lễ; 2- Lắng nghe Lời Chúa; 3- Hiệp thông cầu nguyện; 4- Hoạt động tông đồ.
1. Sốt sắng tham dự Thánh lễ: Thánh lễ là hy tế tạ ơn, là lời chúc tụng Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa Cha, là tái hiện hy tế thập giá Đức Giêsu đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại, là bữa tiệc Thánh Thể để toàn dân Thiên Chúa được hiệp thông vào Mình Máu Chúa Kitô. Thánh lễ là tột đỉnh phụng vụ Kitô giáo, để thờ phượng, tạ ơn Thiên Chúa, xin Người tha thứ tội lỗi và ban mọi ơn lành hồn xác.
Khi “tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ cách ý thức và sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta. Như thế, Phụng vụ sẽ trở thành nguồn lực thánh hóa bản thân, đồng thời đem tinh thần Phúc âm vào môi trường sống trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.” (Thư Mục vụ 2014, số 2).
Người Kitô hữu Việt Nam hôm nay nhất thiết không còn đi “xem lễ” (như cách nói quen dùng trước đây – Điều thứ nhất trong “Sáu điều răn Hội Thánh”), mà phải là đi “dâng lễ”: Giáo dân hợp tác với linh mục, cùng “hiệp dâng thánh lễ".
2. Chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa: Thư Mục vụ 2014 (số 2) viết: “Các Tông đồ giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế đời sống. Ngày nay các linh mục trong các giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của chúng ta sẽ là lời phát xuất từ trái tim và có hy vọng chạm đến trái tim người nghe (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 142-154).”
Khi hiệp dâng thánh lễ, toàn thể dân Chúa cần biết lắng nghe Lời Chúa không chỉ thông qua các bài đọc Kinh Thánh, mà còn qua lời giảng của linh mục chủ tế. Ngoài ra, người tín hữu còn cần biết lắng nghe Lời Chúa qua “Việc đọc sách thiêng liêng: Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Lời của Người và được Thánh Thần của Người biến đổi. Và đó là điều mà chúng ta gọi là "lectio divina". Nó bao gồm việc đọc Lời Chúa để nội tâm hóa trong lúc cầu nguyện để cho Lời ấy soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện này không phải là điều tách rời khỏi việc học hỏi các nhà giảng thuyết, được thực hiện để xác định sứ điệp chính của bản văn; trái lại, phải bắt đầu từ đó, để cố gắng khám phá điều mà chính sứ điệp nói với đời sống của mình.” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 152).
3. Nhiệt tình hiệp thông cầu nguyện: Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2626-2643) định nghĩa: Cầu nguyện là “Chúc tụng và thờ lạy – Khấn xin – Chuyển cầu – Tạ ơn – Ngợi khen”. Một cách cụ thể, “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết” (GL/HTCG 2590). Có 2 hình thức cầu nguyện: Cầu nguyện cá vị (“cầu nguyện là giao ước” – GL/HTCG số 2562-2564), cầu nguyện cộng đồng (“cầu nguyện là hiệp thông” – GL/HTCG số 2565):
a. Cầu nguyện cá vị: Chính Đức Giêsu cũng luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Người còn răn dạy các môn đệ: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” (Lc 22, 40); “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 5-6). Đó là hình thức cầu nguyện cá vị (cá nhân đối thoại với Thiên Chúa).
b. Hiệp thông cầu nguyện: Tuy nhiên cộng đồng hiệp thông cầu nguyện lại là truyền thống của Hội Thánh. Từ tổ phụ Ap-ra-ham đến các ngôn sứ, các vua, khi cầu nguyện, tuy dưới hình thức cá vị, nhưng là cầu xin cho cộng đồng dân Chúa, từ đó xuất phát “Các Thánh vịnh là tuyệt tác về cầu nguyện trong Cựu Ước vùa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn” (GL/HTCG, số 2596).
Sang đến Tân Ước thì hình thức cầu nguyện mẫu mực nổi bật nhất là Đức Maria cùng các Tông đồ tiên khởi hiệp thông cầu nguyện suốt từ khi Đức Giêsu tử nạn trên thập giá cho tới mầu nhiệm Phục Sinh, lễ Hiện Xuống và mãi về sau trong các Giáo đoàn, Giáo hội tiên khởi… (xc toàn bộ sách Công vụ Tông đồ).
Bởi tính chất căn bản của Hội Thánh là “hiệp thông và truyền giáo”, nên để sống đức tin có hiệu quả, cộng đồng dân Chúa nơi giáo xứ phải luôn hiệp thông cầu nguyện (cầu nguyện cho bản thân, cầu nguyện cho nhau), ngõ hầu thi hành sứ vụ Phúc-Âm-hoá một cách tốt đẹp.
4. Tích cực làm việc tông đồ: Sắc lệnh Tông đồ giáo dân “Apostolicam Actuositatem” (số 3) viết: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần… Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái, là những nhân đức mà Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn mọi phần tử của Giáo Hội. Vì vậy hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.”
Nói chung, khi thi hành sứ vụ Phúc-Âm-hóa, “Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau.” (SL Tông đồ giáo dân, số 2).
Kết luận
Tóm lại, mỗi Kitô hữu hãy ý thức trách vụ của mình, làm sao để thực sự trở thành những nhà truyền giáo, những vị thừa sai, xây dựng tổ ấm tình yêu của mình thành “gia đình thừa sai”, ngõ hầu chung tay góp sức với cộng đồng xây dựng giáo xứ thành một “Đại gia đình của các gia đình thừa sai”. Muốn đạt hiệu quả tốt hãy sống đức tin cách trung thực, bởi vỉ “Cánh đồng đức tin đích thực chính là tâm hồn mỗi người chúng ta, là cuộc sống chúng ta. Chính trong cuộc sống chúng ta mà Chúa Giêsu yêu cầu để cho Lời Ngài đi vào để có thể nẩy mầm và tăng trưởng!” (xc. Thanhlinh.net: “Những câu nói nổi bật của ĐTC Phanxicô”).
Vâng, “tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn lên như những người rao giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cũng muốn được đào luyện tốt hơn để đào sâu hơn tình yêu của mình và biết rõ ràng hơn về việc làm nhân chứng cho Tin Mừng.” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 121). Chính việc làm nhân chứng cho Tin Mừng là cách sống đức tin hiệu quả nhất. Người Kitô hữu hãy hiệp cùng linh mục quản xứ, mạnh dạn mở “Cánh cửa Đức Tin”, để được “dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo hội, vẫn luôn mở rộng cho chúng ta. Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và để cho ơn biến đổi uốn nắn tâm hồn. Bước qua cánh cửa đó là dấn bước vào một cuộc hành trình kéo dài suốt đời.” (Tông thự “Cánh cửa Đức Tin – Porta Fidei”, số 1).
Nhìn vào gương sống đức tin mẫu mực của người Mẹ Đức Tin – Mẹ Lời Chúa, người Kitô hữu hãy sốt sắng cầu nguyện để được “Sống Đức Tin Như Mẹ: ĐK- Sống đức tin như Mẹ là trọn đời vâng ý Chúa Cha. Sống mến yêu như Mẹ là trọn đời vì Chúa Kitô. TK 1- Xin Mẹ dạy con vững tin vào quyền năng Chúa, như ở Cana nhờ Mẹ, Chúa tỏ quyền uy; TK 2- Xin Mẹ dạy con biết yêu mọi người như Chúa, trên núi Can-vê một chiều hiến thân vì yêu; TK 3- Xin Mẹ dạy con dấn thân phục vụ chân lý, cho dẫu gian nguy cùng Mẹ vững tin ngại chi.” (Nguồn: Thanhlinh.net, trang “Thánh ca”).
JM. Lam Thy ĐVD.