Giáo hội Công giáo vẫn phát triển tại Hàn Quốc
WHĐ (18.04.2013) – Giáo hội Công giáo Hàn Quốc vẫn liên tục phát triển. Năm 2011 có 102.773 người lớn được rửa tội. Mặc dù tỉ lệ người gia nhập Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc ít hơn so với mười năm trước đây, nhưng tỉ lệ này vẫn còn đáng kể: trung bình tăng 2% mỗi năm. Hàn Quốc hiện có 5,3 triệu người Công giáo, tức hơn 10% dân số. Hai tôn giáo lớn khác là Phật giáo (23%) và Tin Lành (18%, đang giảm đều).
Giáo hội Công giáo Hàn Quốc trình bày một khuôn mặt trẻ trung: trong mười năm, số tín hữu từ 20 đến 30 tuổi tăng 89%.Những người trên 50 tuổi cũng nhiều. Thành công này có được trước hết là do hình ảnh rất tích cực của Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc. Giáo hội được nể trọng vì những dấn thân trong cuộc đấu tranh chống lại các vấn đề xã hội: loại trừ, đói nghèo, tự tử, và tham gia chăm sóc người cao tuổi. Dưới chế độ độc tài quân sự, lập trường can đảm của Đức hồng y Kim Sou-hwan (1922–2009) ủng hộ nền dân chủ cũng làm cho uy tín của Giáo hội gia tăng.
Có thể giải thích sức lôi cuốn của Giáo hội Công giáo là do nhu cầu mạnh mẽ của xã hội cần đến sự gắn kết và muốn tìm kiếm ý nghĩa, đang khi sự phát triển kinh tế vũ bão trong những thập niên vừa qua đã làm cho những cấu trúc xã hội truyền thống bị xáo trộn hoàn toàn. Một bạn trẻ Công giáo rất yêu thích cảm giác được thuộc về một cộng đồng: “Các hoạt động do giáo xứ tổ chức, những khoảnh khắc chia sẻ và gặp gỡ, đó là điều quan trọng đối với chúng tôi. Trong một xã hội luôn bận rộn và tất bậtnhư ở đất nước chúng tôi, việc thực hành đức tin không phải lúc nào cũng dễ dàng”.
Trong một đất nước mà ai cũng phải theo một thời khóa biểu làm việc hay học tập rất nặng nề, và nóng vội vốn là nét tính cách dân tộc, thật là lạ lùng khi chương trình huấn luyện dự tòng lại là ngắn hạn và tập trung: hai giờ mỗi tuần trong sáu tháng. Trong quân đội, việc huấn luyện tân binh còn nhanh hơn: bốn tuần! Việc dạy giáo lý cấp tốc này khiến cho nhiều người rất ngạc nhiên.
Cha Roncin Michel, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đã sống ở Hàn Quốc trên ba mươi năm, nhấn mạnh: “Để hiểu đức tin là gì, phải có thời gian. Điều này được thể hiện qua cuộc sống của giáo xứ, qua việc chia sẻ, lắng nghe. Chỉ dạy giáo lý thôi sẽ là phiến diện. Trong sáu tháng, người ta không có thời gian để nội tâm hóa, nhất là nếu họ lại xuất thân từ một truyền thống hoàn toàn khác, như Phật giáo chẳng hạn”.
Chắc chắn sau khi được rửa tội cũng có nhiều người tân tòng xa cách Giáo hội. Cha Stéphane Baik, giáo sư chủng viện Seoul, nhận định: “Sống đức tin không phải là điều dễ dàng trong xã hội luôn bận rộn và tất bật của chúng tôi, tuy nhiên ở mỗi giáo xứ đều có nhiều cơ hội đào sâu đức tin sau khi rửa tội, với các cuộc tĩnh tâm, học hỏi Kinh Thánh, và nhiều hoạt động dành cho giáo dân”.
(Theo Frédéric Ojardias, la-croix)
Minh Đức