Giới thiệu
Làng Kẻ Sặt hiện nay tọa lạc tại số 81 Khu phố 3, phường Tân Biên, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Là một giáo xứ toàn tòng với nhiều truyền thống quý báu, tốt đẹp nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy giáo xứ. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, gần 6000 người đã xuống tàu di cư vào miền Nam. Sau khi thuyền cập bến thì dân làng Kẻ Sặt được phân đến nhiều vùng khác nhau nhưng nhiều nhất là khu Hố Nai, tức là giáo xứ Kẻ Sặt ngày nay. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn về nhiều mặt, giáo xứ Kẻ Sặt ngày nay đã trở thành một giáo xứ lớn của giáo phận Xuân Lộc, không chỉ về mặt số lượng giáo dân mà còn về nhiều mặt như kinh tế, đạo đức, những giá trị truyền thống. Sự tàn phá của chiến tranh, cũng như khó khăn về kinh tế; nhiều khi làm cho mọi người nghĩ Kẻ Sặt chắc cũng sẽ tan nát như nhiều giáo xứ khác. Nhưng nhờ ơn Chúa, Kẻ Sặt ngày hôm nay vẫn còn là một Kẻ Sặt như ở miền Bắc. Vẫn lòng tôn sùng Chúa, vẫn với những giá trị truyền thông tốt đẹp của cha ông để lại. Khi mới vào nam, giáo dân xây dựng một ngôi nhà thờ tạm, rồi xây kiên cố.
Đến năm 1973 thì lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới cũng đã diễn ra. Và chỉ hơn một năm sau, một ngôi thánh đường mới đồ sộ, hùng vỹ đã mọc lên ngay giữa vùng trời của miền đất mới. Ngôi thánh đường mang kiến trúc Gô-tích, với 3 tháp cao nhìn rất tuyệt vời.
Về mặt tổ chức, giáo xứ được chia làm 3 giáo khu: I, II, III tương tư như ba khu Thượng, Hạ, Trung ở Kẻ Sặt Miền Bắc. Đứng đầu mỗi giáo khu là ông Trùm khu, rồi ông bạ phục giúp ông Trùm và ông Trương, bà trương. Cứ mỗi lần mãn nhiệm kỳ thì các vị trên sẽ vào hàng khu đại diện cho 1 giáo khu. Ngoài ra, còn có thêm giáo họ Mai Trung và Hào Xá. Đứng đầu giáo xứ là ông Chánh (trưởng ban hành giáo), ông phó nội, phó ngoại và thư ký. Tất cả các vị trên cùng với các vị cựu tiến chức và các ông bà cố hợp thành Hội Đồng giáo xứ, sẽ họp lại với nhau khi có những quyết định quan trọng. Mỗi giáo khu lại được chia thành nhiều giáo xóm. Ngoài ra, giáo xứ còn có nhiều ban, giới khác như là Giới Gia trường, Hiền mẫu, Cao niên, giới Trẻ và giới Thiếu nhi. Mỗi giới có những sinh hoat riêng và hoat động rất sôi nổi. Các ban của giáo xứ gồm có: Ban trang trí, âm thanh, ánh sáng; Ban Kim nhạc; Ban Trắc; Ban phụng vụ… Nói chung, về mặt tổ chức của giáo xứ là rất tốt tạo nên một sự hài hòa và thuận tiện cho các công việc của giáo xứ.
Về mặt kinh tế. Những khó khăn chung ban đầu rồi cũng trôi qua, làng Sặt với nghề buôn bán và nghề sản xuất nhỏ truyền thống ở bên bắc nay lại tiếp tục được hồi sinh lại ở miền nam. Chợ Sặt, một cái tên đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều tỉnh thành khác nữa. Do vị trí thuận lợi là nằm trên quốc lộ 1A – đường Bắc Nam, nên việc kinh doanh buôn bán giao lưu với nhiều vùng của cả nước như miền Tây, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Hàng hóa đồi dào, phong phú nhiều chủng loại tạo nên một đô thị buôn bán sầm uất. Nhiều nghề đã gắn liền với tên tuổi của chợ. Nếu bạn muốn cần 1 cái gì thì bạn cứ xuống chợ Sặt Hố Nai. Điều đặc biệt là nhiều mặt hàng phổ biến như nông sản, vàng, thuốc tây, vải …thì tất cả những người bán đều là người làng Sặt. Những nghề truyền thống như làm giò chả, làm miến vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay, tạo nên một thương hiệu riêng như giò chả Hố Nai. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc tịch thu chợ đang diễn ra rất gay gắt. Tranh chấp vẫn còn. Nhiều người nói rằng, làng Sặt vốn phồn thịnh như ngày hôm nay là do có chợ Sặt, nếu mất chợ thì sẽ làm sao đây… Hy vọng việc giải quyết sẽ mang lại hiệu quả cho cả hai bên.
Về mặt sống đạo. Là một giáo xứ toàn tòng nên việc giữ đạo ở đây khá tốt. Việc đi nhà thờ, học giáo lý vẫn rất tốt. Những ngày lễ không chỉ còn là ngày lễ mà còn là ngày hội của dân làng. Kẻ Sặt bốn mùa là lễ hội, câu nói trên hẳn không sai. Đầu năm với những ngày tết vui tươi, hình ảnh từng đàn người già trẻ dắt tay nhau đi chúc têt tạo thành một dòng người tấp nập trên đường, hội chợ vui xuân của các em thiếu nhi, múa lân, chiều mùng 2 thì ra nghĩa trang viếng ông bà.
Đại lễ Phục Sinh là ngày lễ lớn nhất trong năm với đầy đủ các nghi thức tôn giáo và các cuộc rước kiệu hoành tráng mà khu Hố Nai chỉ có làng Sặt mới có.
- Tháng 5 dâng hoa kính Đức mẹ,
- Tháng hè cắm trại của thiếu nhi, hội thao, văn nghệ của giới trẻ.
- Tháng 9 lễ hội trung thu.
- Tháng 11 kinh nhớ các linh hồn.
- Tháng 12 mừng Chúa giáng sinh.
Quanh năm là lễ hội Công giáo. Là một giáo xứ có rất đông người đi tu, hiến dâng minh cho Chúa. Theo số lượng thống kê, số linh mục, tu sỹ nam nữ người làng Sặt có thể đứng đầu giáo phận Xuân Lộc. Trong thời đại ngày nay, vẫn còn rất nhiều người hiến dâng mình cho Chúa. Theo lời của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên – Giám mục giáo phận Hải Phòng, trong chuyến về thăm quê hương Kẻ Sặt miền Bắc nhân ngày thứ 5 tuần thánh năm 2009, Ngài đã nói: "… xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ơn gọi linh mục. Dân làng chúng ta từ xưa tới nay có truyền thống quý báu tốt đẹp, có nhiều người đi tu làm linh mục làm nữ tu trong các dòng tu. Ngày nay, chỉ có làng Sặt ở Hố Nai là còn nhiều người đi tu, riêng ở miền Bắc thì rất là ít… "Kẻ Sặt đất chật người đông. Do đó, con cháu phải đi sang các xứ khác xung quanh. Một câu hỏi được đặt ra là làm sao để phát triển gíao xứ được đây khi 4 hướng xung quanh đều đã lấp kín? Hy vọng rằng một xóm đạo đang hình thành ở khu vực xung quanh đài Đức mẹ và phát triển gồm toàn người Sặt sẽ được chấp nhận hình thành và thuộc về giáo khu II, giáo xứ Kẻ Sặt và sát nhập Trung Nghĩa gồm trên 50% là người làng Sặt trên tổng số 600 giáo dân sẽ được chấp nhận.
BTT