Cha Giuse Nguyễn Thanh Minh (1923-2005)
- Sinh ngày 19 tháng 05 năm 1923 tại Quỳnh Lang, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
- Thân Phụ: Đaminh Nguyễn Văn Đoan – Thân Mẫu: Maria Nguyễn Thị Gấm.
- Là con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em. Tất cả đã được Chúa gọi về.
- Theo tiếng Chúa gọi ngày 25 tháng 03 năm 1931.Được vinh dự nhận Cha Moreno Liêm người Tây Ban Nha làm Nghĩa phụ.
- Tu học tại Tiểu Chủng Viện Ba Đông ngày 15 tháng 08 năm 1934.
- Tu học tại Đại Chủng Viện St.Albert Nam Định ngày 15 tháng 05 năm 1942.
- Thụ phong Linh Mục ngày 03 tháng 05 năm 1953, sau đó phục vụ tại Giáo xứ Kẻ Sặt miền Bắc.
- Ngày 14 tháng 09 năm 1954, Cha cùng với dân xứ di cư vào Nam, tiếp tục vai trò Cha phó xứ Kẻ Sặt miền Nam cùng với Cha Giuse Hoàng Trọng Thu là Cha Chánh Xứ.
- Thay đổi nhiệm sở: Ngày 28 tháng 02 năm 1966, Cha được Đức Giám Mục Giuse Lê văn Ấn bổ nhiệm làm Cha Xứ giáo xứ Dầu Giây.
- Hội ngộ: Ngày 28 tháng 02 năm 1972, Cha trở về cương vị Chánh Xứ Kẻ Sặt.
- Xây dựng Nhà Thờ Kẻ Sặt 11/02/1973 – 19/12/1974.
- Quản Hạt Hố Nai 1975 – 1989
- Xây dựng Nhà Xứ 05/08/1990 – 05/01/1991.
- Xây dựng Nhà Giáo Lý 11/10/1993 – 10/10/1995.
- Cha nghỉ hưu và sống tại Giáo Họ Mai Trung, Giáo Xứ Kẻ Sặt 2004.
- Cha đã được Chúa gọi về ngày 12 tháng 05 năm 2005 tại Giáo xứ Kẻ Sặt, hưởng thọ 82 tuổi và an nghỉ tại Tượng đài Thánh Cả Giuse. Suốt đời Cha đã sống theo tinh thần Cha chọn: "Hãy hoạt động như một người lính tinh nhuệ của Đức Ki Tô" (2 TM 2.3)
BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ
Trong vài trang giấy nhỏ, một số hình ảnh ố vàng và nỗi nhớ bâng khuâng của Lệ Vân, với những hoài niệm khó quên về Cha Cố Giuse Nguyễn Thanh Minh, nguyên Chánh Xứ Giáo Xứ Kẻ Sặt.
1. CHÂN DUNG NHẬT QUỲNH
Cách đây vừa đúng 86 năm, vào tháng hoa Mân Côi Đức Bà, tại làng Quỳnh Lang, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình, một miền quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thiên Chúa nhân hiền đã chọn lựa từ muôn người,
từ nơi đất lành ấy một hạt giống tốt, ươm mầm rồi chăm sóc kỹ lưỡng cho đến khi chào đời, và đặt một tên gọi , đúng như lòng Chúa muốn “ Nguyễn Thanh Minh”, danh xưng hàm chứa một ý định, một sứ mạng cao cả mà ơn thiên triệu của chú từ đời đời đã được hoạch định :.” Dùng THANH âm của con người trần thế, để MINH chứng Tin Mừng cùa Chúa Ki Tô…
Và rồi, Thiên Chúa đã từng ngày, từng ngày gieo vào tâm hồn chú Minh bé nhỏ ấy những điều tốt lành, trong vòng tay âu yếm của ông bà, với cha mẹ thương yêu, cùng sự giáo dục cẩn thận về luân lý, và đạo đức KiTô giáo của nhà xứ Làng Quỳnh… mà sau này, cuộc đời của cậu nhà Thầy Nguyễn Thanh Minh đã trở thành một bông nhật quỳnh đỏ thắm, tô đẹp niềm vinh dự cho gia đình và dòng tộc, thêm một bông hoa thơm cho vườn hoa quê hương Thái Bình, là nơi Ngài cất tiếng khóc chào đời …..Và bông nhật quỳnh ấy, mới hé nhụy hồng trong buổi bình minh của thời trai trẻ, đã được người làng Tráng Liệt miền Bắc và hậu duệ miền Nam hưởng dụng, thưởng thức với nét dẹp bình dị nhưng trang trọng, khiêm tốn mà dũng mãnh….như một tinh binh, đã nở rộ vào một buổi sáng của một ngày, ngắn ngủi như một kiếp nhân sinh, rồi vội tàn lúc xế chiều của cuộc đời, so với thời gian vô cùng của Thiên Chúa….và đây chắc chắn là ý định của Thiên Chúa đầy lòng thương xót.
Trong những tháng ngày thơ ấu ấy, hành trang mỗi ngày được góp nhặt dần dần để chờ ngày “ nhập ngũ” chủng viện, mong chờ ngày tốt nghiệp ra trường làm người lính xung trận, và nhận mình là một “ người lính tinh nhuệ “ hoặc “ tinh binh thiện chiến “ của Đức Kitô, mà chiến trường là thế gian, địch thù là tội lỗi của con người yếu đuối, mỏng dòn…. Sau nhiều năm huấn luyện và thử thách, và cũng vào tháng năm Mẹ Mân Côi, người lính ấy đã trưởng thành, được trang bị đầy đủ những khí tài cần thiết để chiến đấu với ba thù “ tiền tài, danh vọng và xác thịt” của chính mình và đồng loại, mà chiến trường là một cộng đoàn nhỏ thuộc giáo hội Chúa Kitô : Cộng đoàn dân Chúa Kẻ Sặt, làng Tráng Liệt miền Bắc kiên cường, giàu truyền thống. Và hơn thế, Ngài còn là một mục tử nhân hậu, chăn dắt đoàn chiên Chúa đến những đồng cỏ xanh tươi và dòng suối trong lành, là những bí tích và lời Chúa hằng ngày cho đàn chiên no thoả, mười tám tháng phục vụ với cương vị phó xứ Kẻ Sặt.
2. LỊCH SỬ SANG TRANG
Vào năm 1954, là điểm mốc của biến cố trong lịch sử dân tộc, cha Phó Nguyễn Thanh Minh cùng cha Xứ Hoàng trọng Thu, đã hướng dẫn dân làng Kẻ Sặt vượt biển vào miền Nam lập nghiệp, sau những ngày ba đào, sóng gió lênh đênh trên biển cả , xung quanh chỉ có mênh mông là nước, ngước lên chỉ thấy bao la xanh thẳm là trời và bên mình là đông đảo dân làng Kẻ Sặt. Khi ấy, hình ảnh các linh mục rõ nét là các Mục tử trong việc chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên trong các công tác mục vụ tinh thần, kể cả những nhu cầu đời sống vật chất khác, cũng kêu cầu tới sự hiện diện của các Ngài.
Xuống tàu, bước chân vào vùng đất miền Nam xa lạ, hoang sơ, dân làng Tráng Liệt lại hoang mang lo lắng như được đưa vào hoang mạc, cùng với các chủ chăn của mình là hình tượng của Mai-Sen, đang dẫn dắt dân Do Thái trên sa mạc để vào Đất Hứa….Và Hố Nai ngày xưa, chỉ còn trong tâm tưởng của những người luống tuổi, đầy ắp những kỷ niệm nhạt nhòa sáng tối, và những mảng tối đáng nhớ, lại là những khó khăn chất ngất, những thiếu thốn vô cùng…..và hôm nay, khi hồi tưởng lại mới thấy rằng , ông bà cha mẹ mình là nhũng người anh hùng, đã dùng mồ hôi và cả nước mắt, để xây dựng một làng Kẻ Sặt mới….mà hôm nay, con cháu làng Tráng Liệt, khi nghe đến những ngày xa xưa gian khổ ấy, lại tưởng chừng như những huyền thoại được thêu dệt, để thần thánh hóa công lao của các tiền nhân thuở trước.
3. MIỀN NAM NẮNG ẤM
Đã qua 50 năm, hay nói khác đi, hơn nửa thế kỷ sống trên vùng đất mới, khi nhìn lại những thành quả đạt được, mới thấy đây đúng là miền đất của sữa và mật ong…, nơi đất lành chim đậu. Ngày nay, Hố Nai là ngã ba tuyệt đẹp của địa danh có nhiều tiềm năng kinh tế, thuận lợi về giao thông và thương mại. Với tầm nhìn xa hơn về tương lai trong những thập niên cùa thế kỷ sắp tới, đây là một địa danh có đủ ý nghĩa: “Thiên thời- địa lợi – nhân hòa” và người làng Sặt, gốc Tráng Liệt, đang từng ngày sung túc, cuộc sống khởi sắc hơn, được phô diễn trong lối sống nơi các kiến trúc xây dựng , và nhất là việc học vấn thành đạt nơi lớp trẻ hôm nay, là những nhân tố mới để tiếp tục kế thừa cha ông, xây dựng mới một làng Tráng Liệt mới, xứng tầm với danh xưng Kẻ Sặt , có 126 vị tử đạo anh hùng là tổ tiên người gốc làng Tráng Liệt đã được tôn phong,và là nơi xuất thân hơn 100 linh mục, đã và đang phục vụ Giáo Hội trên khắp mọi miền đất nước và hải ngoại, và Kẻ Sặt còn là một địa danh, từng hiện hữu trên bản đồ Quốc Gia, ngay cạnh Thủ Đô Hà Nội.. mà ít người biết tới.
Những thành tựu rực rỡ từ vật chất chóng qua, đến hoa trái thiêng liêng, là những dấu son thắm được đánh dấu trong những trang sử vàng của Kẻ Sặt, có lẽ nên khởi sự từ ngày biết đến Đạo Thánh cách đây hơn năm trăm năm, và hoa trái được sung mãn trước hết, là cậy nhờ vào hồng ân Thiên Chúa thương ban, được hòa chung với máu đào lai láng của các Anh Hùng tử đạo làng Tráng Liệt Kẻ Sặt ,cùng với biết bao giọt mồ hôi của những Đấng Bậc trong Giáo Hội, và nhiều truyền thống quý báu của tổ tiên…mà người làng Sặt đạt được, ít nhiều cũng đừng bao giờ quên, trước hết là do Thiên Chúa thương ban, và do Thiên Sứ của Người là các linh mục thánh thiện, đã cùng đồng hành, làm mục tử để chăn dắt đoàn chiên mình, trong đó Cha Cố Nguyễn Thanh Minh, là người chủ chăn trung tín và cần mẫn nhất mà chúng ta đã biết và có thể thấy được, bàng bạc khắp nơi trên mảnh đất dấu yêu Kẻ Sặt ngày nay. Người khách phương xa nếu chưa biết nơi đây, khi nghe tên miền đất mang tên Hố Nai, chắc hẳn trong tâm trí họ, sẽ mường tượng ra một miền đất còn hoang sơ, nhiều cạm bẫy như còn trong thuở hồng hoang, chưa được khai phá, như tên gọi từ khi người làng Kẻ Sặt đầu tiên đặt chân đến…. Có thể họ còn nghĩ rằng, người địa phương này, có lẽ còn quê mùa chân đất, và ánh sáng văn minh còn leo lét, tỏ mờ như tên gọi , mà chúng ta, khi nhắc đến tên Kẻ Sặt Hố Nai, là tất cả của sự yêu thương trìu mến của người làng Kẻ Sặt, từ trẻ em đến cụ già, từ kẻ đang sinh sống nơi xa, hay những người con dân gốc bản làng, đang bôn ba nơi đất khách quê người….đều hướng tâm hồn mình một cách trịnh trọng, khi nghe hai tiếng Kẻ Sặt thân thương, sẽ thấy thánh thót như tiếng chuông đang ngân nga, mà cõi lòng thì bồi hồi, thổn thức, rộn ràng…. khi niềm nhớ thương được tiềm thức gọi về miền yêu dấu.
4. NGÀY THÁNG CHIA XA
Vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, linh mục GiuSe Nguyễn Thanh Minh, khi vào tuổi trung niên của cuộc đời, được bài sai chuyển về Dầu Giây, nơi miền đất đỏ Badan màu mỡ nhưng không gian vắng lạnh và con người chưa quen biết, nơi hội tụ nhiều sắc dân tứ xứ, chắc hẳn nơi Cha Xứ trẻ hừng hực sức sống như thế, trong thực tế khách quan tại thời điểm ấy, sống trong khung cảnh “không có nơi dụng võ “và nhân lực, tài lực như làng Kẻ Sặt, thì không chừng sáu năm tròn làm Chánh Xứ nơi đây, biết đâu lại là những năm tịnh tâm, nuôi dưỡng những hoài bão lớn, để khi trở về mái nhà Kẻ Sặt ngày xưa thân thương lưu luyến ấy, lại là những tháng năm thực hiện những giấc mộng vàng , mà trong tim óc người linh mục trẻ , ngoài việc hoàn thiện những bổn phận và trách nhiệm của người mục tử về đàng thiêng liêng, mà còn là một người biết kinh bang tế thế, và biết đến nhu cầu xây dựng những công trình cần yếu, cho những đàn chiên mình chăn dắt, dù ở bất cứ phương trời nào mà mình được sai đến để làm chứng cho Tin Mừng .
5. KẺ SẶT THÁNH ĐƯỜNG
Đến Hố Nai, miền đất lành phương Nam đầy nắng ấm, sau 50 năm hình thành và phát triển. Người khách lạ sẽ ngỡ ngàng vì lầm tưởng, rồi thán phục vì các công trình được kiến thiết tại miền đất tưởng như hoang dại này.
Từ xa xa, người ta sẽ thấy ẩn hiện một kiến trúc Thánh Đường mang tên Kẻ Sặt, trông như một con tàu ra khơi đang rẽ sóng, và các ngôi nhà xung quanh, lại như những làn sóng nhấp nhô, do các kiểu dáng kiến trúc đa dạng,muôn vẻ muôn màu…. Thánh Đường còn mang dáng vẻ ấm áp của hình tượng gà mẹ, đang ấp ủ đàn gà con dưới cánh, trong ánh mắt của những ai có trong lòng tình mẫu tử… Và ý nghĩa nhất, có lẽ khi được “nhãn tiền mục sở thị “, mình nhìn thấy trước mắt và “ thủ túc động hề “, tay chân động chạm đến, thì người chiêm ngưỡng lại liên tưởng đến như một đền Vua, mà linh mục Đào Nguyên Thống là đồng hương , thường ví von là Thành Thánh Jerusalem thời nay của dân làng Kẻ Sặt.
Nơi đây, là trung tâm điểm các sinh hoạt đạo đức của giáo dân Kẻ Sặt, hay nói một cách văn hoa hơn là trái tim của người làng Sặt… Từ những ngày còn là trẻ sơ sinh, mới lọt lòng vài tuần, đã được cha mẹ dịu dàng đưa đến đây trình diện Thiên Chúa, lãnh nhận Bí Tích đầu đời, cạnh những người thân yêu ruột thịt, xin được làm một con chiên ngoan trong đàn chiên của Chúa… Rồi khi lớn lên, sau những tháng ngày học xong giáo lý khai tâm, một lần nữa đến Thánh Đường, tiến tới Bàn Tiệc Thánh để lãnh nhận bí tích Giải Tội và lãnh nhận bí tích Thánh Thể trong cung lòng bé nhỏ…..Và từ đó, thường xuyên đến với Chúa qua những Thánh Lễ hằng ngày, vào những giờ chầu trang trọng thứ năm và chủ nhật; khi em lớn hơn, Thánh Đường lại là nơi để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời, nơi em tìm đến để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, giúp em tăng cường sức mạnh trong đoàn quân chiến đấu, dưới bóng cờ Giáo Hội là Mẹ…Lúc trưởng thành, Thánh Đường cũng là nơi ban bí tích Hôn Phối, là nơi linh mục là người thay mặt Chúa và Giáo Hội, se kết hai người trong ngày Hôn Lễ… Và trái tim của dân làng Kẻ Sặt, có cả ngàn lần rung lên thảng thốt vì có người con yêu dấu của mình vừa qua đời, hoặc mênh mang buồn nhớ trong những ngày tưởng niệm…
Và còn vô vàn những biến cố vui buồn được dàn trải trong ngôi Thánh Đường ấy, như những ngày lễ Tạ Ơn Giám Mục, Linh Mục, có những người con ưu tú của làng Kẻ Sặt, ngày Ngân Khánh, Kim Khánh Hôn Phối, là những nét son đặc tả không thể thiếu trong những trang sử vàng của Thánh Đường giáo xứ Kẻ Sặt thân thương, của mỗi con dân và của mỗi gia đình….và Nhà Thờ Kẻ Sặt, kiểu nói bình dân, còn là Thủ Đô của dân Kẻ Sặt, cho người ở đây, và cho cả những người bôn ba xa xứ, đang nhung nhớ ở một miền đất và khung trời nào đó…
6. NGÔI NHÀ ĐA DỤNG
Nói đến đây, có lẽ cũng nên nhắc đến nhà Giáo Lý trong khuôn viên Thánh Đường, mà Cha Cố Giu Se là người đã đặt tên cúng cơm khác là ngôi Nhà Đa Dụng, vì nhìn thấy trước những tiềm năng to lớn, mà ngôi nhà này mang lại cho mọi tầng lớp giáo dân, khi biết tận dụng tối đa hiệu năng, như những hiệu quả mang lại đã thấy, từ ngày được đưa vào xử dụng.
Nếu chưa có Nhà Giáo Lý, các em thiếu nhi sẽ không được thoải mái khi học hỏi Lời Chúa; Các em học sinh cần bồi dưỡng kiến thức hè, sẽ phải thiệt thòi không nhỏ; rồi các buổi tập tiến hoa vào tháng năm do các dì Mến Thánh Giá hướng dẫn; mỗi tối hằng tuần cho các ca đoàn trong xứ tập hát, cho Ban Kim Nhạc tập dượt trước những ngày Đại Lễ..; nhiều phiên họp hàng xứ sẽ không được tươm tất, và sẽ không trang trọng khi có những buổi đón tiếp các phái đoàn, các Đấng bậc đến thăm viếng mục vụ. Và rồi, đó còn là nơi dùng làm Nhà Mồ an táng Chúa, để những giáo dân đạo đức đến đây hôn kính chân Chúa hằng giờ, từ tối thứ 6 tuần Thánh.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng được hưởng dụng khi tổ chức thuận lợi trong ngày vui cưới hỏi, lễ Tạ Ơn kim khánh, ngân khánh hôn phối và nhiều sinh hoạt tiện ích khác cho các hội đoàn cần sinh hoạt giao lưu…..và đặc biệt, Nhà Giáo Lý còn là nơi mà Ban Trang Trí chọn làm “ Đại bản doanh “ để thực hiện các công trình Tòa Chầu của Thứ Năm Tuần Thánh , có thể ròng rã suốt hai tuần và Đài Đức Mẹ vào tháng Hoa cho các giáo khu, hay thực hiện trang trí cho các chương trình lễ hội khác …làm tiền đề cho các bản sắc ngập tràn truyền thống.của Giáo Xứ Kẻ Sặt, trong hiện tại và tương lai, làm cho Kẻ Sặt càng ngày càng thăng hoa trong mọi lãnh vực.
7. NHÀ KHÁCH XỨ ĐƯỜNG
Sẽ thiếu vắng, nếu không nhắc đến ngôi Nhà Xứ khang trang, có phòng khách lịch sự ấm cúng, mà những ngày còn tại vị, hằng tháng Cha Cố và Ban Hành Giáo Họp bàn công việc, tuy là họp bàn việc chung, nhưng không khí buổi họp nào cũng thường vui vẻ như việc nhà, mà Cha Cố giống như một, người cha, người ông thân thiện, gần gũi ôn tồn trong lời nói, điềm đạm trong giao tiếp, nhưng đôi lúc cũng kiên quyết trong việc hệ trọng với sự thuyết phục khéo léo, tài tình.
Tuy nhiên, có những phiên họp hàng xứ hoặc Ban Hành Giáo nặng nề gay gắt, do tầm quan trọng cần có tính quyết định dứt khoát không khoan nhượng ,thì Lệ Vân người trong cuộc, thường thấy một cách kín đáo, đôi tay của Ngài run lên , và khuôn mặt Ngài đỏ bừng, có lẽ là sự kìm hãm nội tâm , để lời nói và hành động của mình, sẽ không làm tổn hại đến đối tượng hoặc tập thể mà Ngài đang tiếp xúc , chứng tỏ một con người khiêm tốn và bao dung, nhưng quyết đoán có tình và lý. Như nhận xét của nhiều linh mục đã từng phục vụ Giáo xứ Kẻ Sặt, đã từng ví người làng Sặt như những bà mẹ chồng tuy khó mà dễ, nhưng khi biết chiều lòng mẹ phải phép, hiểu lòng mẹ đến nơi, thì như trên cả tuyệt vời….người con dâu ấy cứ như đang sống sung sướng hạnh phúc nơi thiên đàng hạ giới vậy.
8. NƠI CHỐN BÌNH YÊN
Từ khi còn là một nơi rừng thiêng hoang vắng ,từ những năm đầu tiên của dân làng khi đặt chân lên miền đất này, nghĩa địa Kẻ Sặt là nơi người lớn và trẻ em thường đươc nghe nhiều câu chuyện thêu dệt tưởng như trong những chuyện liêu trai , vì xa cách khu dân cư cả một khoảng cách dài, với nhiều chuyện tưởng tượng rùng rợn ma quái của những người dấn thân đi mở cõi lập nghiệp.
Nơi ấy, đang là nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em con cháu của người làng Kẻ Sặt, những người thân yêu vô vàn trong mỗi gia đình, những hoa trái mang lại từ bàn tay chai sần, từ khối óc chắt chiu những tinh hoa quy giá của tiền nhân, mà người làng Sặt đang thụ hưởng một cách dồi dào, sung mãn trong nhiều thế hệ.
Những tháng ngày đầu tiên khi thành lập Nghĩa Địa Kẻ Sặt, bóng dáng Cha Phó Nguyễn Thanh Minh chắc chắn cũng đã hiện diện nơi đây, cùng tham gia xây dựng và sửa soạn nơi chốn bình yên cho các con chiên thân yêu của Ngài, và cùng đồng hành, thương tiếc tiễn đưa các con chiên của mình đến nơi yên nghỉ và ban các phép trong các lễ nghi cuối cùng cho người quá cố.
Và trong suốt 44 năm chăm sóc đàn chiên, có lẽ trong hơn một ngàn con chiên được Ngài chăm sóc, với đủ mọi Đấng Bậc thành phần trong dân xứ đang yên nghỉ tại nơi đây, có một điều chắc chắn rằng, không ít lần Ngài đã phải nhỏ lệ, vì mối thâm tình riêng, vì hoàn cảnh đặc biệt của họ, nhưng chung nhất là vì đàn chiên thiếu vắng….cộng hưởng với sự tiếc thương của người thân và gia đình.
Hôm nay, khi người khách phương xa trở về đất Mẹ, sẽ thấy nơi nghỉ yên vĩnh hằng của dân làng, là một chốn đi về cội nguồn của tổ tiên, ông bà cha mẹ mình, là nơi khang trang, xinh đẹp, Nghĩa Địa Kẻ Sặt của ngày xưa hoang vắng đang là một chốn bình yên, có cây cao bóng mát , có bồn hoa xinh xắn… trung tâm là tượng cẩm thạch Mẹ Sầu Bi và Chúa Giê Su dưới chân Thánh Giá, gần đó là tượng Chúa Phục Sinh chiến thắng tử thần đứng trên huyệt mộ, oai phong ngước nhìn thiên quốc… để hằng ngày, những người thân đến thắp nhang cầu nguyện và không vắng bóng các trẻ em đến sinh hoạt lành mạnh, xem như một nơi không còn âm dương cách trở, mà như một nơi giao hòa, một nơi thân thiện giữa người sống và kẻ chết, có mỹ từ rất đỗi thân thương… Nghĩa Trang Giáo Xứ Kẻ Sặt, nghe thật thiết tha và ấm cúng biết bao…!.Ấy là do công lao đóng góp nhiệt thành của Cha Chánh Xứ, của cộng đồng Kẻ Sặt và sự phát động của Ban Hành Giáo Khóa 9, như một lời trịnh trọng ghi ơn Tổ Tiên, những người đã xây dựng một Kẻ Sặt tráng lệ, trong đó in biết bao dấu chân của Cha Già Cố trên con đường dấu yêu này, bên hai hàng me thẳng tắp mà bên dưới là đông đảo ông bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu đang yên nghỉ vĩnh hằng….
Riêng Cha Cố kính yêu, khi được Chúa triệu hồi, không được sống cùng con dân làng Sặt thêm những ngày cuối đời còn lại, thì nơi chốn tìm về nơi lòng đất ,lại là nơi Ngài không có quyền chọn như trong Thánh Kinh có Lời viết…” Khi con về già, người ta sẽ dắt con đến nơi mà con không muốn…” Tuy nhiên, dù là an nghỉ nơi Đất Thánh có các linh mục bản hương nghĩa thiết, bên các con chiên mình từng thương yêu, hay nghỉ yên bên tượng đài Thánh Giu Se quan Thầy, cũng là nơi mà Ngài “Xin chọn nơi đây, Kẻ Sặt, làm quê hương…” của mình, mà Ngài thường nhắc lại trong những ngày đầu Xuân mới,khi ngỏ lời chúc Tết với dân làng Kẻ Sặt.
9. CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Từ các dự án nhỏ , đến các công trình lớn, kể cả các con đường bê tông trong làng ,Cha Cố cũng không quản ngại sức khỏe thời tiết thất thường , đã cùng với Ban Hành Giáo đi vận động tài chánh từng nhà trong Giáo Xứ, không kể thời điềm thời gian nắng ít mưa nhiều, cũng tháng 5 năm ấy , tháng của cơn bão Lanina hoành hành khắp chốn, không thương đến một cụ già suốt nhiều tuần…đi gõ cửa mỗi buổi tối…
Và đích thân nhỏ to tâm sự với các Mạnh Thường Quân của làng để bàn bạc, giãi bày ưu tư , để hoàn thành bằng được các công trình đang ấp ủ . Ngài còn là người trung gian hòa giải bất đồng trong khi nghiên cứu các đề án , và công trình nào cũng thường mang lại kết quả tốt đẹp, làm hài lòng tất cả mọi người .
Trước những ngày xa rời ngôi Nhà Xứ thân thương yêu dấu, với đầy ắp kỷ niệm của 44 năm gắn bó, Ngài còn cố vấn cho việc xây dựng đài tượng Thánh Cả Giu Se, và Đài tượng Mẹ Lavang trong khuôn viên Nhà Xứ và cùng Quý Cụ Quý Chức đặt viên đá đầu tiên , làm nền móng vững chãi cho công trình xây dựng, mà sau này còn là nơi yên nghỉ, xứng đáng công ơn của Ngài với dân làng. Và điều chung nhất, còn là dấu ấn sau cùng của đời Ngài, hòa chung với các công trình khác, mà Ngài đã chung lưng góp sức để thực hiện với tất cả mọi trăn trở và lo toan, như công việc cuối cùng trong cuộc đời, vì bổn phận và nhiệm vụ của riêng mình.
10. CÔNG TÁC MỤC VỤ
Hơn tám thập niên sống trên dương thế, trong đó thực thi công tác mục vụ suốt hơn nửa thế kỷ, gắn bó với dân xứ Kẻ Sặt. Cha Cố Giuse đã làm tròn tác vụ cao trọng được trao ban, xuyên suốt qua ba thế hệ, có thể từ cha mẹ, đến con cái và cháu chắt của một gia đình trong Giáo Xứ.
Là vai trò của một tư tế Thiên Chúa, qua đôi tay Linh Mục của Cha cố Giuse ,ta có thể mường tượng kể đến hàng vạn trẻ sơ sinh và tân tòng được hồng phúc lãnh nhận Bí Tích rửa tội lúc đầu đời, để gia nhập Hội Thánh làm con Chúa; hàng vạn thiếu nhi được lãnh nhận Bí Tích Giải Tội để đón nhận Chúa Kitô thánh thể trong cung lòng bé nhỏ thánh thiện… và mỗi lần cử hành những Bí Tích thánh thiêng ấy, là những lần con chiên bé bỏng được đôi tay thánh thiện của Ngài ân cần, trìu mến tác vụ như người nghệ sĩ đang say sưa chăm chút trên từng phím nhạc.
Với nửa thế kỷ phục vụ giáo xứ, là hơn ba vạn lần bước lên bàn thờ dâng thánh lễ, để nài xin biết bao ơn lành của Chúa tràn đổ xuống; với hàng ngàn đôi tân hôn được Ngài chứng giám thay mặt Thiên Chúa , để tác hợp thành những gia đình thánh thiện , và dùng tâm tư mình, cùng trân trọng hòa chung với Lời Hằng Sống là Lời Chúa, để nhắn nhủ đôi bạn trẻ trong đời sống gia đình, tiền thân của một Giáo Hội nhỏ trong lòng một Giáo xứ; và hơn nữa là một tế bào của mênh mông cánh đồng Giáo Hội, mà Thiên Chúa mong muốn gặt hái được hoa lành, trái ngọt.
Trong cuộc đời làm mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa, là hàng trăm ngàn lần ngồi bên tòa Cáo Giải , ôn tồn khuyên nhủ , mang lại bình an của Chúa giao hòa với hối nhân , làm cầu nối cho biết bao kẻ lạc đường ăn năn hối cải tìm về chốn cũ là Đường Thật ; hàng ngàn kẻ liệt sinh thì, được Ngài mau mắn kịp thời đến tiếp sức lần cuối, vì họ sẽ đơn phương độc mã trên con đường về nhà Cha, với các Bí Tích là hành trang vừa lãnh nhận.
Thế và trong những lần trao ban các bí tích và thực hiện các việc mục vụ, bao giờ Ngài cũng làm với phong thái đĩnh đạc, từ tốn, không vội vàng, như để người giáo dân hiểu thấu và hòa mình trọn vẹn vào ơn thánh mà mình đang lãnh nhận. Hơn nữa,người Kitô hữu lại có cảm nhận về thái độ và cử chỉ của Ngài, là hết lòng trân trọng các phép Bí Tích, khi thay quyền Thiên Chúa để trao ban cho họ.
11. TRUYỀN THỐNG QUÊ LÀNG
Mặc dù Kẻ Sặt là nơi có “Đất lề, quê thói“,hiện hữu nhiều truyền thống cũ xưa trong việc ma chay cưới hòi, cần yếu có tiệc tùng linh đình trong cộng đồng, kể cả các việc cỗ bàn trong việc làng xứ, người ta rất hiếm khi thấy bóng dáng Cha Cố thân yêu, bên bàn tiệc rộn ràng, nhộn nhịp; thảng hoặc có sự hiện diện , chỉ là nơi tập thể nhỏ là các hội đoàn trong xứ, nhưng sự có mặt của Ngài, chắc chắn là sự khuyến khích, động viên tinh thần cho các thành viên mà Ngài là người cố vấn…. Đặc biệt trong con người của Ngài, không có ý nghĩa của hai chữ sa đà trong việc ẩm thực, nhất là sự giản dị của Ngài, đôi khi còn làm lo lắng cho những người có trách nhiệm, và hơn nữa, Ngài rất hiếm khi bỏ Xứ Đường để đi đây đó, dù để nghỉ ngơi ít nhiều cho lại sức sau tháng ngày bận rộn việc mục vụ…. dường như Ngài e sợ, khi xa rời đàn chiên không người chăn giữ, sói rừng sẽ xuất hiện, trong trường hợp nguy tử cần đến các Phép Bí Tích, nơi con chiên trong đàn có rắc rối, khắc khoải về phần hồn.
Tuy là một linh mục của một Giáo xứ sung túc, có nhiều điều kiện sống như lớp người thượng lưu, vương giả. Trái lại, Ngài lại là một người sống đơn sơ trong lời nói, giản dị trong cách ăn mặc, bình dân trong giao tiếp, làm đôi khi người giao tiếp có cảm giác bị xúc phạm… Như thế, vì tính cẩn trọng trong việc ăn uống, vì thói quen bình dị trong may mặc, Cha Cố Giuse không có nhiều nhu cầu quá bức thiết trong đời sống, là một gương sống tốt cho biết bao linh mục ngày nay, mà trong lần thăm viếng mục vụ gần đây của Đức Giám Mục Giáo phận, đã nhắc nhở dân làng Kẻ Sặt một cách chân tình rằng “Xin quý Ông Bà đừng làm hư các linh mục của Tôi…” Vì chắc hẳn Ngài đã thấy đó đây, các linh mục của Ngài có lối sống dễ dãi, có khi xem thường các bí tích, hoặc trao đổi việc thánh thiêng mà lấy của vật chất hay hư nát, như trong một phiên chợ đời, mà lầm tưởng cuối đời, khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nắm giữ chắc chắn và mang theo được bên mình.
Trong tinh thần hòa chung nhịp đập của trái tim của người Mục Tử với Đấng Bản Quyền địa phận ,vì những ưu tư trăn trở cho các hậu duệ chủ chăn như thế, có lẽ Cha Cố đã thấy rõ và làm gương sáng, để các vị kế nhiệm trông theo, như các chỉ thị mới đây của Tòa Giám Mục, được nhắc lại một cách rõ ràng minh bạch, để các vị chủ chăn sống đúng mục đích và tôn chỉ của lý tưởng mà mình đang hướng tới, sống đúng với tinh thần tin mừng, như cuộc đời và mong muốn của Đức Kitô, Thầy Chí Thánh.
12. NHIỆT THÀNH QUẢNG ĐẠI
Kẻ Sặt, một Giáo Xứ mà nhiều Giáo Xứ bè bạn xa gần, khi có dịp tiếp xúc, thường được nghe tin hành lang đó đây về lòng quảng đại trong các phong trào xã hội và nhất là vì Nhà Chúa, thì thường tìm đến chân thành gợi ý về nhu cầu…thì thường khi, người Kẻ Sặt luôn dùng châm ngôn vàng xử thế cùa người xưa để xử dụng…” không bao giờ xin, không bao giờ từ chối…nghĩa là dù có nhiều công trình trong Giáo Xứ, cũng không xin trợ giúp mà tự lực cánh sinh, nhưng có phong trào nào cần ích, người làng Sặt sẵn sàng quảng đại giúp đỡ cách nhiệt tình, không hổ danh có ai đó nói ví von rằng ý chữ Kẻ Sặt là “Két Sắt, mà thế lại có người mở kho, thì “…Có tiền mua tiên cũng được…”.
“Thương người như thể thương thân “như trong đạo làm người, truyền thống quý giá ấy đã được nâng niu, trân trọng từ ngoài miền Bắc của tổ tiên, mà rạng ngời chói sáng trong năm đói lịch sử Ất Dậu, do ân đức tiền nhân và sự quan phòng của Chúa mà dân làng ít người đói khổ, và rồi người Kẻ Sặt lại “ Hằng Tâm, Hằng Sản “ giúp đỡ những người anh em kém may mắn hơn mình….Chắc chắn rằng, những điều tốt đẹp như thế, cũng nhờ đến những điều ân cần nhắc nhở của các Mục Tử, trong đó có Cha già Cố Giu Se, các con chiên đã thấm nhuần tinh thần yêu thương tha nhân như anh em như Chúa KiTô đã dạy….Ấn tượng gần đây nhất, khi Đức Giám Mục địa phận đến kinh lý tại Kẻ Sặt, trong lần dân làng được vinh dự tiếp kiến ấy, khi nói về lòng quảng đại của cộng đoàn dân Chúa nơi đây, đã làm nhiều người cảm động.” Vì lòng nhiệt thành quảng đại cho việc xây Tòa Giám Mục và Chủng Viện Xuân Lộc của Giáo Xứ Kẻ Sặt, Tôi xin vái Quý Ông Bà ba lần….” có lẽ tại đức khiêm nhường thái quá mà Ngài đã xem Quý Cụ, Ông Bà nơi đây là gương sáng cần ghi ơn công đức vì Nhà Chúa, coi mình là người sốt sắng làm công cho chủ như trong Tin Mừng đã dạy.
13. THÂN PHẬN LÀM NGƯỜI
Gần cả cuộc đời sống với cộng đoàn Giáo Xứ, Cha Cố Giuse đã từ bỏ và xa rời gia đình thân thiết, có phụ mẫu thương yêu, có huynh đệ cốt nhục, để nhận Kẻ Sặt là quê hương thứ hai của mình, cùng hân hoan chia vui trong những ngày lễ hội , chia sẻ nỗi buồn qua những mất mát , đớn đau của từng gia đình trong mái ấm chung là giáo xứ Kẻ Sặt.
Làm thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người, đôi khi tỏ lộ tình cảm thân thiết với cá nhân nào đó trong đàn chiên cùa mình, thì ta cũng nên nhớ đến Thánh Gioan, là người môn đệ Chúa yêu , mà với thái độ ấy, đã râm ran hình ảnh Ngài và khoảnh khắc riêng tư nào đó, làm dân xứ không hài lòng vì đối xứng với một con người phải thánh thiện như danh xưng đã lãnh nhận. Vậy thì ai đó cũng nên hiểu cho rằng, nơi con người Nguyễn Thanh Minh ấy khi còn tại thế, còn là con cháu Adam, thì vẫn còn khiếm khuyết ít nhiều….
Như cha Ralf, trong một siêu phẩm điện ảnh của Úc “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, mà trongchúng ta có người đã đươc thưởng thức….đã nói về thân phận và cuộc đời một linh mục, cũng lắm đớn đau, nhiều bất toàn và dòn mỏng như một bình sành. Cha Cố Giu Se, không chừng cũng có lần ,chịu phần con người lấn lướt, bị tình cảm chi phối do cảm tình tự nhiên, như một con người khác,mà đôi khi dưới nhãn quan của con chiên làng Sặt, họ không thể chấp nhận được tì vết ít nhiều có thể có, trong hình ảnh của một vị linh mục thánh thiện và trinh trong như một viên ngọc bảo.
Cũng như tên gọi khác của siêu phẩm điện ảnh ấy “ Những con chim ẩn mình chờ chết “ Cha Ralf khi luống tuổi, Ngài luôn cô đơn dù lễ lạc linh đình, Ngài vẫn u uất khi phải sống với nội tâm bị giằng xé, giữa thiên thần và quỷ dữ, vì Ngài đang sống lưng chừng giữa thế trần và trên cao là thượng giới như xa vời mà dưới chân Ngài, là ác quỷ đang rình rập chờ cơ hội..
14. XA MẶT CÁCH LÒNG
Cha Cố Giuse, Ngài cũng đang ẩn mình lặng lẽ bên kia con đường, dù chỉ cách vài chục bước chân, nhưng cũng đủ để thấy như một thế giới xa xăm, mà Ngài thấy xa xôi lắm….Xa vời tình người, xa cách lòng người, mà biết bao năm mình gắn bó yêu thương….mà những tưởng vào những ngày cuối đời, được chăm nom thăm viếng, như thuở nào mình còn sống trong Nhà Xứ thân yêu, có tiếng cười rộn rã của các em thiếu nhi ra vào khuôn viên Xứ Đường, tiếng cầu kinh thánh thót của các bà mẹ bên đài tượng Mẹ Lavang, hay tiếng rầm rì của mấy cụ gìa bên Đài Thánh Cả.
Rồi còn đâu nữa, đầy ắp lời tán tụng Ngài và lời xin ban huấn từ trong các ngày lễ hội , hay trong các buổi họp trang trọng….Nay còn đâu, chỉ còn dư âm vang vọng, qua âm thanh vô tình thoảng bay của những ngày lễ lạc tưng bừng, len vào cánh cửa sổ hờ hững mở, hòa quyện với tiếng còi xe inh ỏi đi lại trên đường, như những món quà vô duyên của người xa lạ, mà mình không muốn nhận.
Và như thế, vào những ngày cuối của cuộc đời, Cha Cố Giu Se tưởng như được hưởng một cuôc sống an nhàn, bên những người hàng xóm mới, đa số cũng là những người con dân Kẻ Sặt, mà vào những ngày mới đến, Cha Già Cố đã tỏ tình thân thiện, thăm hỏi từng nhà lân cận cho phải đạo tình làng, nghĩa xóm….Nhưng khi cư ngụ chẳng bao lâu, thì những muộn phiền không đáng có, do nhiều nguyên nhân khách quan, và một số bệnh tật mãn tính ,làm Ngài thêm phiền muộn….dù trên nét măt vẫn luôn có nụ cười đôn hậu, dịu dàng, với phong thái của một cụ già đĩnh đạc, đường hoàng, nhưng ẩn chứa nhiều khắc khoải….vì nhân tình thế thái của cuộc đời.
Trong những ngày cuối của cuộc đời trong nhiều tật bệnh mãn tính mà Thiên Chúa gửi đến cho Ngài, có lẽ trong tâm tư Ngài cũng biết giờ Chúa trao chén đắng, và ai đó thương mến Ngài đến thăm, thường thấy Ngài nhiều ưu tư hơn, vắng nụ cười nhẹ nhàng hơn, và tính tình có vẻ không đôn hậu như thường thấy….và vào một buổi sáng cuối cùng được Ngài gọi đến giúp về chuyên môn y tế, khi cá nhân Lệ Vân không nghe rõ tiếng Ngài trong điện thoại….thì giọng Ngài buồn buồn nhắc lại “…Tôi là ông già ở bên góc họ Mai Trung đây, sang giúp tôi…”..thế mới hay, là con người trần thế, khi buồn bã vì tật bệnh đang mang, quạnh vắng vì cô đơn lúc tuổi già bóng xế và thế thái nhân tình đổi thay….không lường trước được, đã làm cho “ Ông già “ mau kiệt sức, như cây nến cháy gần hết, lại bị những cơn gió thổi mạnh làm tắt ngay những tia sáng còn sót lại, yếu ớt và mỏng manh nhạt nhòa…
Và cây nến sáng ấy đã rọi sáng cả cuộc đời, cho người lữ khách trên đường trần thấy lối phải theo, đích phải tìm đến…..” Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống..”và cây nến đã làm xong phần vụ mình, là cho đi để rọi sáng niềm tin và hy vọng, cho những ai đang là khách trọ, đang đi trên con đường dương thế
Trong chuyện qúa khứ xa xưa thật buồn, nghe như đã từng có Linh Mục được thuyên chuyển phục vụ nơi khác, do giáo dân Kẻ Sặt không thuận tình ở lối sống nào đó, mà kẻ hậu sinh không tường tận ngọn nguồn…..Ngay như Cha Già Cố Giu Se, nhiều lần Ngài chịu nghe phỉ báng trong nhiều cách, và kín đáo nhìn thấy sự bội bạc, nơi ánh mắt con chiên, trong đàn chiên của mình, mà Lệ Vân đã từng nghe xa xôi lời Ngài thổ lộ, khi lần nào có dịp tiếp xúc….
Và gần những ngày cuối đời, ngoài tật bệnh thể xác đang mang, tâm hồn Ngài còn đau đớn vì vết son hồng trên tường nhà, mà ai đó có lẽ chẳng vô tình, đã làm vương trong cõi riêng, nơi tâm tư Cha Già Cố một vết hằn đớn đau, không chừng cũng được mang xuống tuyền đài….nhưng có lẽ, Ngài đã để lại cho cuộc đời sự bao dung tha thứ, như lời đề nghị của ai đó vì bất bình, muốn làm ra chuyện, nhưng người Cha Già đã kiên quyết cản ngăn…như một minh chứng cho lòng khoan dung vô ngần của một con tim nhân hậu, bắt chước gương Thầy Chí Thánh khi bị xúc phạm…..Và những vết loang lổ như vô tình ấy, đã làm cho một Cha Già lọm khọm, lưng còng , nhiều ngày đi lại suy tư, nhìn ngắm nó như chén đắng phải uống cạn, mà mình không muốn nhận, như một vài con chiên lân cận của Ngài đã chứng kiến….Và Cha Cố Giu Se đã chiến thắng như Chúa Ki Tô, khi bị phỉ nhổ trước phiên tòa của quan Phi La Tô, cách đây hơn hai ngàn năm, thời đế quốc La Mã .
Cộng hưởng với các khổ đau vì nhiều định kiến về các chủ chăn, linh mục Đỗ Viết Đại, người đã từng cộng tác với Cha Cố, đã ghi lại nhiều ý nghĩ của con người thời nay về linh mục, trong bài “ Người lính tinh nhuệ “ trong Nội San Mừng Kim Khánh năm 2003, mà khi đọc hết những trang ấy, độc giả sẽ thấy thông cảm nhiều hơn, sẽ quý trọng các Ngài hơn nữa….. Riêng Cha Già Cố Giu Se, dù cho có những định kiến không hay, hoặc là những thiên kiến lầm lạc, cũng không làm Ngài từ bỏ ý định làm một công dân danh dự của Làng Kẻ Sặt, cùng uống một dòng nước , cùng hít thở làn không khí của đất trời Kẻ Sặt, như lời Ngài từng nhiều lần khẳng định “ Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương…” trong những ngày đầu xuân mới.
Nhưng thôi….giờ đã điểm, Thiên Ý đã định, muốn triệu vời Cha Cố Giu Se sớm về hưởng phúc trường sinh đích thực trên Thiên Quốc, là nơi lòng không còn lo lắng muộn phiền, mắt không phải thấy những điều mà lòng quặn đau day dứt, tai không còn nghe những lời đãi bôi xa lạ, và con tim không phải chứa chất những điều u uất nứa, để có thể đập nhịp nhàng , êm ái bên Thầy Trọn Lành và Thánh Giu Se quan thầy mà Cha Cố đã chọn Ngài làm Bổn Mạng.
15. THẦN TƯỢNG LÒNG NGƯỜI
Lệ Vân cho rằng, thời đại Cha Cố đã trị vì, với đầy ắp yêu thương chăm sóc cho dân xứ, và các thành quả đạt được nhờ công ơn Ngài , là một thời hoàng kim, và cuộc đời Ngài đã cống hiến, cũng quý như ngọc bảo, mà người lãnh nhận phải cẩn thận giữ gìn, không làm ố mờ và nhất là không làm bể vỡ viên ngọc quý ấy…..Cha Già Cố Giu Se, còn đáng quý như một chiếc bình cổ vô giá, dù thô mộc nhưng chắc chắn, không như những chiếc bình sành mà người ta ngày nay làm giả cổ, với đủ loại men màu thô kệch lòe loẹt, lại dễ vỡ và giá trị thì tầm thường…
Riêng Lệ Vân, Ngài sẽ là một người Thầy, là thần tượng để mình noi theo, trong cách sống bình dị, qua lối ứng xử điềm đạm, nơi tỏ bày tình thân ái, và lòng đạo đức nhiệt tình với Giáo Hội….và những hiểu biết tốt lành về Ngài lúc sinh tiền hay khi thoáng chốc nghe đó đây, những đàm tiếu đáng tiếc về Ngài, có lẽ cũng nên thông cảm cho một thân phận làm người….Và chỉ có Thiên Chúa công thẳng nhưng bao dung, sẽ hiểu thấu và minh xét việc làm của Ngài ; không như chúng ta là loài phàm hèn, chỉ thấy rõ ràng những hạt bụi nhỏ trong mắt ai, mà quên rằng , cái xà lớn trước mắt mình lại không nhìn thấy được…như lời Kinh Thánh mà chúng ta từng nghe.Cũng xin cho những hạt bụi nhỏ ấy, được tan loãng vào hư không, hay được mãi mãi quên đi , mà không còn vương vấn lại chút gì …
16. ĐẤT LỀ QUÊ THÓI
“Như một người lính tinh nhuệ của Đức Kitô” , khẩu hiệu mà Ngài lấy làm kim chỉ nam cho cuộc đời mục tử , là chiến trường phải đương đầu , không khoan nhượng cái thiện và ác đang ẩn hiện ,trên chiến tuyến vô hình nhưng trường kỳ khốc liệt. Ngài chiến đấu và đã chiến thắng trong phần vụ trách nhiệm , đúng phẩm chất cốt cách của một người lính thiện chiến , và là người chỉ huy tài ba , theo gương Thánh Cả Giuse, khôn khéo hướng dẫn con thuyền mang tên Kẻ Sặt qua nửa thế kỷ, với vô vàn thăng trầm sóng gió.
Là một thành viên ưu tú của Giáo Xứ , Ngài luôn tôn trọng những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên làng Tráng Liệt , được truyền lại từ bao đời nay cho hậu duệ , và luôn khuyến khích việc bảo tồn và phát huy bản sắc riêng của dân làng, hân hoan hòa mình trong những sinh hoạt truyền thống lễ hội của dân làng Kẻ Sặt….Đặc biệt trong những ngày lễ giỗ cầu cho các linh hồn trong dân xứ, Ngài cẩn thận ghi chép và đọc thoáng qua ý chỉ, không muốn dài dòng lê thê các ý lễ của người xin, vì tôn trọng thời giờ của giáo dân, và chỉ muốn ban nhiều lời trong bài giảng. Và hình như, trong tâm tưởng, Ngài mong muốn mỗi Thánh Lễ Misa Ngài dâng, sẽ chỉ một ý Lễ cho một lần, có lẽ Ngài cảm thấy an lòng hơn, khi tâm tư mình quy hướng về một ý chỉ cho một linh hồn mà Ngài đang dâng Thánh Lễ.
Như một người cộng sự gần gũi nhất , Ngài quý mến và trân trọng quý cụ quý chức , ân cần lắng nghe những ý kiến trong công việc chung , xem như là một thành viên trong đại gia đình Kẻ Sặt, có kẻ trên người dưới, có trước có sau, trong tình cha con liên đới thân mật, mong ước luôn luôn cho Kẻ Sặt luôn thăng tiến, xứng đáng với tên gọi Kẻ Sặt , qua nhãn quan của các Giáo Xứ bè bạn xa gần. Và như một người Gia Trưởng mẫu mực , Ngài luôn và khuyến khích giữ vững trật tự kỉ cương nơi Thánh Đường, nghiêm túc trong việc nhắc nhở các thanh thiếu niên, nghiêm túc tham gia các nghi lễ phụng vụ trong Thánh Đường, mà điển hình là nơi Khóa 7 Ban Hành Giáo, là một khóa áp dụng tốt nhất việc trật tự và mỹ quan nơi Thánh Đường, phần lớn cũng là do Cha Cố Già Giu Se, luôn luôn hối thúc, và đích thân đi nhắc nhở thường xuyên, các thành phần chưa tôn trọng nội quy này , làm cho không khí thánh thiêng cùa Thánh Đường thêm trang trọng.
17. HOÀI NIỆM DẤU YÊU
Riêng các ban ngành đoàn thể , Ngài đã tạo nên nhiều nề nếp trong sinh hoạt , từ Nghĩa Binh Thánh Thể ngày xưa, mà hôm nay nhiều em đã trở thành Ông Bà nội ngoại, hay thiếu nhi Thánh Thể ngày nay mà nhiều người đã thành những giáo dân tốt trưởng thành, vì đã từng sống trong một nôi ấm, có không khí thảo hiền, có sự hiểu biết và sự đoàn kết của một cộng đồng, được dẫn dắt đúng con đường phải đi, chỉ cho đúng phương hướng phải đến.
Trong “Một thời để nhớ để thương” tác giả Đào Xuân Sinh, khi hồi tưởng lại thời còn thơ bé và các sinh hoạt nghĩa binh Thánh Thể thời ấy, từ khi đang là đồng nhi ba khu làng Tráng Liệt chưa sang tàu vào Nam, và khi xa rời đất Mẹ Kẻ Sặt miền Bắc, trong các cuộc sinh hoạt dã ngoại hay cắm trại đêm Noel…. mới đó mà đã hơn 50 năm, tóc còn để chỏm nay đã bạc đầu… quãng thời gian ấy là một mảng lịch sử thăng trầm của dân làng đã in bóng hình Ngài, với biết bao là kỷ niệm.
Là người gần như hiểu biết từng gia đình trong Giáo Xứ, và lưu tâm đến các hoàn cảnh cá biệt như một vị lương y ,là người mục tử đi tìm chiên lạc để chữa lành vết thương, vỗ về an ủi họ theo gương Đức Kitô Thấy Chí Thánh, Đấng chăn chiên nhân lành mẫu mực. Cha Cố Giu Se, thỉnh thoảng lại mời gọi một giáo dân hoặc chủ gia đình cá biệt nào đó, để khuyên nhủ, thuyết phục khi thấy nhu cầu cần thiết của họ, và dường như trong ý tưởng dân làng, “bị Cha gọi vào gặp” là thế nào quan niệm cũ của cá nhân ấy thường bị đảo ngược triệt để, nhưng khi ra về sẽ thấy tâm hồn thơ thới và hân hoan, vì đã được cởi mở từ tận đáy lòng đang ngổn ngang, day dứt, mà một chuyện cũ của Lệ Vân, sẽ là một minh chứng trong cuộc đời mình.
18. TRỒNG CÂY BÁCH TUẾ
Làng Sặt, từ xưa vốn trọng nghề thương mại, ít coi trọng việc học vấn…. điều đáng nói nhất là nữ giới,thường được mẹ cha chăm sóc, chỉ dạy nghề buôn bán, nhưng thường khi là “Gái làng Sặt “ bao giờ cũng “đắt hàng” do người trong làng quý mến, và nếu như là người khác xứ, thì lại trọng hơn, vì có tiếng đảm đang, vì tài buôn bán giỏi, lại có đa số phụ nữ gương mẫu, yêu chồng và thương con hết mực.
LÊ VĂN