GP. Hải Phòng: Thánh lễ cầu nguyện cho người đã qua đời tại giáo xứ Kẻ Sặt
Tối thứ Sáu, ngày 14/11/2014 vừa qua, tại nhà thờ giáo xứ Kẻ Sặt, Đức Giám mục đã chủ sự Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho các Cha, các bậc tiền nhân, các ông bà cố và các linh hồn đã qua đời của hai giáo xứ Kẻ Sặt và Thánh Antôn. Hiệp thông cùng vị chủ Chăn Giáo phận – người con quê hương Kẻ Sặt, có quý Cha quê hương, quý Cha sở tại, quý Cha khách cùng đông đảo bà con hai giáo xứ đã sốt sắng tham dự. (Xem hình ảnh)
Hàng năm, Giáo Hội dành riêng tháng 11 để kính nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn đã qua đời, nhất là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em bạn bè thân hữu của mỗi người, mỗi gia đình. Đây là dịp để mỗi người nhớ về những người thân yêu đã ra đi trước và khắc ghi một chân lý: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”.
Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức cha, quý Cha và quý Ban hành giáo hai giáo xứ đã dâng hương kính các bậc tổ tiên. Những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng đủ gợi lên trong lòng mỗi người về hình ảnh và những cảm xúc của người ở lại với người đã ra đi.
“Xin tạm biệt cuộc đời. Tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại. Hẹn nhau trên nước Trời”(Tagore). Từ lời thơ nói thay người vừa nằm xuống này, Đức cha bắt đầu Thánh lễ bằng những lời sau: “Lời thơ trên là tâm tư của người mới nằm xuống ngỏ lời với chúng ta và với tâm tư ấy, người nằm xuống cũng nói với chúng ta, xin chúng ta đừng bao giờ quên họ, bởi vì họ ra đi khuất bóng, nhưng về thiêng liêng, tinh thần, họ vẫn hiện diện với chúng ta. Cũng vì lý do ấy mà Giáo hội mời gọi mỗi người hãy nhớ tới những người ra đi trước và cầu nguyện cho họ, nhất là trong tháng các linh hồn này”.
Trong bài giảng, Đức cha đã giúp cộng đoàn hiểu ý nghĩa của một Kinh rất hay thường đọc trong lễ an táng và những buổi cầu nguyện cho người đã qua đời, nhưng không mấy ai hiểu được trọn vẹn ý nghĩa, đó là Kinh Phục rĩ. Kinh này có một cung giọng “ngân nga trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt, trầm lắng nhưng cũng rất sâu sắc, dễ đưa người đọc vào bầu khi linh thiêng, siêu thoát”. Xét về hình thức, thì Kinh Phục rĩ gần giống như một bài văn tế cổ xưa. Tuy nhiên về nội dung thì khác hẳn. Nếu bài văn tế nhằm ca ngợi những người đã nằm xuống, thì Kinh Phục rĩ lại dành phần ca ngợi cho Thiên Chúa – Đấng Chí Tôn. Đồng thời, lời Kinh này nhìn nhận sự yếu đuối của thân phận kiếp người, những ngày sống trên trần gian này chẳng làm chi cho đáng công phúc, giờ đây chỉ biết trông cậy vào lòng từ bi lân tuất của Chúa, xin Người dủ lòng xót thương.
Trong tinh thần của Tháng 11 cùng với tâm tình thảo hiếu, Đức cha nhắn nhủ cộng đoàn hãy “siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, vì đó là bổn phận, đồng thời việc làm ấy cũng là phương thế giúp chúng ta được niềm an ủi và tin tưởng sẽ được phúc thiên đàng qua lời cầu bầu của các linh hồn đã được giải thoát”.
Trước khi Thánh lễ kết thúc, ông chánh trương đại diện cho cộng đoàn hai giáo xứ đã bày tỏ lời cảm ơn tới Đức cha và quý Cha đã luôn dành cho quê hương đất mẹ Kẻ Sặt những tình cảm quý báu và trìu mến, đặc biệt trong Thánh lễ cầu hồn hôm nay.
Tâm tình của tháng các linh hồn luôn trầm lắng và dạt dào cảm xúc thiêng liêng khi hướng tới những người đã sang thế giới bên kia. Tâm tình ấy không chỉ được được thể hiện trong Thánh lễ hôm nay mà còn vương vấn theo những bước chân của đoàn tín hữu ra về.
Thanh Mai