Gương tử đạo tiền nhân

09-02-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Gương tử đạo tiền nhân by

Đề cập đến các Anh hùng Tử đạo Việt Nam nói chung và Kẻ Sặt nói riêng, chúng ta không thể không nghiêng mình kính phục Đức tin sắt đá của các Ngài, Đức tin đã được tôi luyện trong đau thương , máu lệ và rạng ngời bằng tình mến thẳm sâu. Lòng can trường cũng như ý chí kiên vững của các Ngài đã nên một tấm gương sống động luôn luôn đòi buộc chúng ta phải có hành vi đáp trả. Thế nhưng buồn thay ! đại đa số dân tộc chúng ta vẫn hờ hững và lãnh đạm trước những hi sinh cao cả của tiền nhân để lại. Họ vô tư an hưởng những thành quả của các Ngài, hoặc lầm tưởng rằng Đức tin của họ có đó nhưng chả cần biết đến nguyên Uỷ. Họ có ngờ đâu, sở dĩ Đức tin của họ được đâm bông kết trái như ngày nay là do sự vun xới bồi đắp bằng máu xương của hàng trăm ngàn các Đấng Tử đạo. Các Ngài đã nằm xuống, đem máu mình gội thắm Quê hương và chôn vùi thân mình giữa lòng đất mẹ để ấp ủ hạt giống Phúc Âm đến độ đâm chồi nảy lộc… Để đánh tan tâm trạng lạnh nhạt đó và hâm nóng lại sự tôn kính các Đấng Tử đạo Việt Nam, nhất là 26 Vị Tử đạo của quê hương Kẻ Sặt chúng ta. Chúng tôi kính mời quý vị ngược dòng lịch sử hầu tìm hiểu và nhận diện khuôn mặt đáng yêu của các Ngài. Đồng thời nhờ đó chúng ta dám sống, dám làm những hành vi anh hùng như các Ngài trong việc rao truyền Tin mừng Phúc Âm cho anh em đồng loại.

I. SẮC DỤ CẤM ĐẠO NĂM 1860

Ngày 17.01.1860, Tự Đức Canh Thân Thập Nhị, nhà Vua đã ra một sắc dụ kết án Đạo Công giáo là Tả đạo, mê hoặc dân chúng, đồng thời truyền cho các Tri Huyện phải lập tức thi hành chỉ dụ, thanh lọc người Công giáo khỏi người Lương, phong toả và cô lập tất cả các làng Công giáo. Những Tri Huyện nào chểnh mảng trong việc này sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Sau sắc dụ trên, Tự Đức lại hạ một sắc dụ khác cũng trong năm 1860 để truy nã các bà Phước, chị em Mến Thánh Giá: “Bọn Công giáo là bọn côn đồ, không thể nào đưa chúng về đường ngay nẻo chính được, chúng dùng những đàn bà xấu nết mà chúng gọi là Trinh Nữ, là bà Phước để giấu giếm cá đồ thờ, để đưa thư từ và tin tức từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vậy Trẫm truyền cấm đàn ông đàn bà con nít không được ra khỏi làng mình, cấp ngặt không được cấp giấy thông hành cho người Công giáo đi từ tỉnh này qua tỉnh khác. Chúng phải ở trong làng để người ta có thể kiểm điểm chúng và dạy dỗ để đưa chúng về chính lộ. Nếu còn bắt gặp đàn bà nào đi từ làng này qua làng khác, phải theo các điêu trong sắc dụ đối với bọn đàn bà ấy. Sắc dụ mà trước kia đã được công bố ở Hà Nội và Phú Yên để trừng phạt bọn chúng (làm tôi tớ chung thân trong gia đình các quan).

Cuối năm 1860, Tự Đức lại hạ một sắc dụ quyết liệt hơn nữa. Đại khái như sau:

  • Khoản 1: Tất cả những người nào mang tên Công giáo, đàn ông, đàn bà, già trẻ, khó nghèo hay giàu đều phải tản mác sang các làng khác bên lương.
  • Khoản 2: Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm  canh giữ những người Công giáo, cứ 5 người lương giữ một người Công giáo.
  • Khoản 3: Tất cả các làng Công giáo đều phải phá huỷ, vườn tược, nhà cửa sẽ chia cho các làng lân cận, những làng này phải chịu thuế về đất vườn mình lãnh.
  • Khoản 4: Phải chia rẽ người đàn ông Công giáo ra khỏi người đàn bà Công giáo, các người đàn ông sẽ được gửi di trong một tỉnh, và các người đàn bà trong một tỉnh khác để chúng không còn có thể sum họp. Con cái sẽ giao cho các gia đình lương nuôi nấng.
  • Khoản 5: Trước lúc tản mác phải khắc hai chữ Tả đạo vào má các người đàn ông, đàn bà, con trẻ Công giáo, và cũng phải khắc tên Tổng và Huyện chúng phải đẩy tới, ngõ hầu chúng không trốn tránh được.

(Theo Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn trang 351 – 452)

II. HẬU QUẢ

Không cần nói chắc chúng ta cũng biết những Sắc Dụ trên đây đã mang lại hậu quả khủng khiếp như thế nào cho Giáo hội Công giáo Việt Nam lúc đó. Khắp nơi đều vang lên những tiếng rên la thảm thiết, các pháp trường thi nhau mọc lên, và máu Tử đạo chan hoà trong lòng đất mẹ. Từng đoàn lũ người Công giáo âm thầm ngã gục trong những miền Lam Sơn chướng khí hoặc trong những lao tù nhục nhã. Họ từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa kéo nhau chạy trốn để tránh sự lùng bắt của Vua quan. Hàng ngàn những trẻ em vô tội trở thành nạn nhân của Sắc Dụ phân sáp người Công giáo vào với anh em lương dân. Cha mẹ phải phân rẽ con cái. Vợ phải phân ly chồng và họ hàng thân thiết phải xa lìa nhau. Tất cả tài sản cơ nghiệp của người Công giáo đều bị thiêu huỷ hoặc trưng dụng sạch. Những chữ Tả đạo nhục nhã được khắc lên má mọi tín hữu vô tội bất kể già trẻ, nam phụ, sang hèn. Từng dòng máu lai láng chảy, từng tiếng khóc tức tưởi vang lên hoà lẫn với tiếng kêu thét của trẻ thơ vang dội mọi xóm làng. Những người Công giáo may mắn thoát khỏi bàn tay đàn áp của các nhân viên công quyền, họ rủ nhau vào rừng núi lẩn trốn, hoặc chui rúc trong những hầm hố ẩm ướt hôi hám, hay lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá giả dạng để chờ cơn phong ba biến tan và ngày thanh bình cho Giáo hội sớm trở lại. Thế nhưng cơn bách hại vẫn tiếp tục sôi sục. Quỷ hoả ngục như được tháo lỏng để mặc sức tung hoành phá hại Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tuy nhiên càng gian lao càng đau khổ, Đức tin của người Công giáo càng kiên vững. Họ sẵn sàng gánh chịu mọi thử thách, kể cả mạng sống của chính mình để duy trì niềm tin vào Thiên Chúa. Độ nóng của hoả lò càng cao thì càng dễ dàng nhận ra đâu là vàng thật vàng giả.

Đứng về mặt tự nhiên, chúng ta phải công nhận hậu quả của những Sắc Dụ trên thật là thê thảm. Sau khi được thái bình trở lại, người Công giáo trở về nguyên quán, kiểm tra nhân số, thấy khoảng 50.000 tín hữu vắng mặt hoặc đã gục ngã trên đường lẩn tránh hay chết lịm trước những hình khổ man rợ, và dĩ nhiên cũng có những người vì yếu đuối đã đành nhắm mắt chối bỏ niềm tin của mình. Thêm vào đó ảnh hưởng tai hại của việc giáo dục ngoại đạo đối với các trẻ thơ nhỏ dại do chỉ dụ phân sáp gây nên không phải là nhỏ. Họ đã tiêm nhiễm tư tưởng nghịch đạo vào những đầu óc còn vương mùi sữa mẹ, phát sinh một ảnh hưởng tâm lý rất nguy hại sau này. Thế nhưng đứng về mặt siêu nhiên, chúng ta lại phải khâm phục bàn tay quan phòng đầy kỳ diệu của Thiên Chúa, đã cho quê hương chúng ta danh dự tham dự vào cực hình Thánh Giá của Ngài, đồng thời vẫn bảo trì Đức tin nơi đại đa số tín hữu Công giáo. Nhất là kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng: “Máu Tử đạo bao giờ cũng là hạt giống làm nảy sinh người tín hữu”. Vì thế nhờ những khổ đau mà Giáo hội Việt Nam phải gánh chịu, hạt giống Phúc Âm sẽ được gội ướt để triển nở trong huy hoàng sáng lạn hơn nữa.

Căn cứ theo Việt Nam Giáo Sử của Linh mục Phan Phát Huồn, trang 493 chúng ta thấy: “chỉ trong vòng có 4 năm (1858 – 1862) đã có 115 Linh mục Việt Nam đổ máu vì Thiên Chúa, 50 nữ tu viện bị phá huỷ, 2000 nữ tu phải tản mác và độ 100 nữ tu đã hi sinh mạng sống vì Đức tin.

10.000 Quan viên trong họ bị bắt giam, hơn một nửa đã chết vì Đạo, kẻ bị chém người bị thiêu sinh, chôn sống hay vứt xuống biển, xuống sông, một phần lớn tín hữu Công giáo Bắc Việt phải chết đói,…

2000 xứ đạo phải Bình địa, ruộng đất nhà cửa của người Công giáo phải nhường lại cho người bên Lương. Từ biên giới Trung Hoa đến Cao Miên 30.000 Giáo hữu phải đi phân sáp; Cha mẹ phải đầy đi những tỉnh khác nhau, có khi Cha ở Bắc, Mẹ ở Nam, và con cái phải ở trong nhà của người Lương.

Tính ra có đến 50.000 bổn đạo phải chết vì sắc dụ phân sáp. Những ai còn sống sót thì mất tất cả của cải ruộng đất. Đây chỉ là bước đầu trên con đường tử nạn của Giáo hội Việt Nam.

Đọc qua tài liệu trên đây chắc chúng ta phải rùng mình ghê sợ vì những sự đổ nát thảm thương của người dân Công giáo Việt Nam. Nhưng cũng cảm thấy phấn khởi và hãnh diện vì Cha ông chúng ta không vì thế mà đánh mật niềm tin của mình, trái lại niềm tin của các Ngài vẫn rạng sáng như Hải Đăng và kiên vững trước sự gào thét điên cuồng của Hoả ngục.

III. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA LÀNG KẺ SẶT

Trong số hàng trăm ngàn Đấng Tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống của mình để minh chứng Đức tin. Làng Kẻ Sặt chúng ta cũng được hân hạnh đóng góp 26 Vị, thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội. Có những vị tính tình cương trực, thực thi đầy đủ tinh thần bác ái Chúa Kitô như ông Gia Khán, thầy Lý Khang. Hoặc những vị sinh sống bằng nghề nhuộm như ông Phó Đạt, nghề may như ông Phó Hậu, nghề thuốc như ông Lý Quyền, kể cả nghề chơi sành sỏi như ông Phó Khuê, ham thích tửu trà như ông Khán Đích, say mê âm nhạc như ông Khán Dung, vui thú săn bắn như ông Khán Điệp. Hoặc cũng có những vị hiền lành và an phận như ông Khán Kham.

Thêm vào đó cũng có những vị xuất thân từ hàng ngũ quân đội như ông Vệ Khán, Vệ Đắc, Vệ Thi, Vệ Thoa, Vệ Lập, Vệ Cán, Vệ Mậu, Vệ Thân, Vệ Tuấn, Vệ Thổ. Đức tin kèm theo lòng can đảm hào hùng sẵn có của một người quân nhân đã làm cho các Ngài sẵn sàng xả thân để trọn niềm trung thành với Chúa Kitô, cũng như xưa kia các Ngài đã vào sinh ra tử, băng mình qua làn tên mũi đạn để bảo vệ Tổ quốc và tận trung với Vua Chúa vậy.

Đồng thời cũng có những vị uyên bác về Văn Chương, làu thông Kinh sử, sành sỏi về Cầm Kỳ Thi Hoạ như ông Khoá Tơ. Hoặc sống về nghề Y sĩ để xoa dịu những thương đau của con  người như ông Lang Sao, ông Lang Bạc. Ngoài ra cũng có những vị dùng cuộc cờ để mua vui khi nhàn rỗi như ông Đồ Ba, hoặc sống bằng nghề buôn bán tơ sợi như ông Lái Khuông.

Đặc biệt phải kể đến Chú Khoa, một thanh niên tuy tuổi đời chưa bao xa, nhưng Đức tin và lòng mến Chúa đã làm anh gan dạ phi thường. Cương quyết bước trên cực hình gian khổ, coi thường gươm giáo, bình tĩnh trước gông cùm xiềng xích, không kể chi tới những lời ngăm đe và dụ dẫm của các Quan trường. Tâm hồn anh chỉ một mực thuỷ chung với Đấng mà anh đã biết là Thiên Chúa tối cao, đã nhập thể và chịu chết nhục nhã trên thập tự vì anh cũng như vì mọi người trên trần gian này.

Tất cả những vị trên đây đều bị xử ngày 11 tháng 4 tại Khu Năm Mẫu, tỉnh Nam Định. Nơi đây cũng chính là nơi 4 vị Chân phước: Đức Cha Jeronimo Hermosilla Liêm, Đức Cha Valentino Berriochoa Vinh, Linh mục Phêrô Almato Bình và thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang đã hi sinh mạng sống vì Đức tin. Cả 4 vị đều được Đức Giáo Hoàng PIO X nâng lên bậc Á Thánh ngày 15/04/1906. Khu Năm Mẫu sau này biến thành Đền Thánh Hải Dương, và hàng năm cứ vào ngày 6 tháng 11 thì giáo dân khắp nơi, từng đoàn lũ đổ về nơi đây để kính tôn những vị anh hùng liệt sĩ của Đức tin. Lòng sùng mộ của giáo dân đã tới độ “điên cuồng”, họ cạo từng mảnh đá, hái từng nắm cỏ, múc từng bát nước tại khu vực Thánh này. Bởi vì họ tin rằng máu hồng của hàng trăm vị Tử đạo đã đổ ra tại đây, và mặt đất cùng mọi sản phẩm của nó đã được vinh dự thấm Máu Thánh của các Ngài. Do đó họ tin rằng bất cứ cái gì ở nơi đây đều là của Thánh hay ít ra đã đựng đến sự Thánh, và đã là Thánh dĩ nhiên nó sẽ phát xuất hiệu lực thiêng liêng của sự Thánh, có sức chữa lành mọi tật bệnh cho những ai thành kính tin tưởng. Vì thế hàng năm cứ vào ngày này là bao nhiêu rau cỏ của Đền Thánh đều được lòng sùng kính của giáo dân mọi nơi hái sạch…

Năm 1954, các Cha dòng Đa Minh đã di hài cốt bốn vị Thánh Tử Đạo vào Nam. Ngôi Đền Thánh hiện nay hoàn toàn vắng bóng khách hành hương và khu vực Năm Mẫu đã biến thành trại binh của quân đội Bắc Việt.

Đứng trước tấm gương rạng ngời của 26 Đấng Tử Đạo Kẻ Sặt mà chúng ta vừa lược qua tên tuổi trên đây. Chắc chắn mỗi người chúng ta đều cảm thấy một trách nhiệm lớn lao đối với công trình mà các Ngài đã dùng sương máu để xây cất. Bởi vì nếu không có những giọt máu kiêu hùng đó, chắc gì chúng ta đã có một di sản Đức tin rạng rỡ như ngày hôm nay. Không có lời bầu cử thế lực của Ngài trước toà Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể duy trì niềm tin trong bao cuộc bách hại liên tiếp và trong một môi trường sặc mùi tà giáo, như muốn bóp nghẹt sức sống Đức tin của chúng ta. Tuy hiểu như thế, nhưng trong thực hành đã mấy người trong chúng ta biết đến danh tánh các Ngài, và lại càng mù tịt trước cuộc sống gương mẫu của các Ngài, nhất là sự tuyên xưng Đức Kitô đầy gan dạ của các Ngài trước pháp trường tanh tưởi mùi máu. Nhiều lần chúng ta cảm thấy buồn phiền vì cả trăm ngàn Đấng Tử Đạo Việt Nam, mà chưa vị nào được tấn phong Hiển Thánh. Số Chân phước cũng chỉ rất giới hạn, và riêng Kẻ Sặt chúng ta thì gương anh hùng của các Ngài vẫn còn nằm trong âm thầm chờ ngày đi vào quên lãng. Thế nhưng đã bao lần chúng ta khiêm cung cúi mình khẩn cầu Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của các Ngài cho quê hương chúng ta an bình, cho làng xứ chúng ta thịnh vượng, cho bản thân chúng ta nhuộm thắm Tin mừng Phúc Âm ? Thực tế đã cho chúng ta một câu trả lời thật mai mỉa.

Cảm nhận trong ưu tư tình trạng hờ hững trên. Chúng tôi mạo muội khơi dậy một niềm tin cơ hồ sắp đến độ tàn lụi, để riêng anh em Tu sĩ và qua họ tới mọi người trong dân xứ, biết nhìn ngắm vào đó, hầu tìm ra cho mình một hướng sống thích ứng với truyền thống anh dũng của tiền nhân di lại. Đồng thời với tất cả lòng chân thành chúng ta hãy tha thiết khẩn cầu các Ngài làm trung gian cho chúng ta trước ngai toà uy nghi của Thiên Chúa. Và biết đâu chính nhờ sự thành tâm này mà Thiên Chúa sẽ cho các Ngài can thiệp, thoả mãn các nguyện vọng của chúng ta, đồng thời Giáo hội, bạn thánh của Chúa Kitô sẽ cứ dấu đó để suy tôn các Ngài lên hàng Chân phước, Hiển Thánh. Cuối cùng chúng ta hãy xin các Ngài cho mỗi người trong dân xứ trở thành những chứng nhân sống động của Thiên Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, để anh em Lương Dân khi nhìn chúng ta thì họ sẽ khám phá ra vẻ mặt thần linh rạng rỡ của Chúa Kitô và quy phục Ngài trong tình con thảo, ngõ hầu một ngày gần đây nhân loại sẽ chỉ còn một đoàn chiên dưới quyền một Chúa chăn.

Thiên Hương
Trích “ Về Nguồn” – Đặc San Liên Tu Sĩ Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW