Hãy cho họ ăn! – Bài giảng Chúa nhật XVII Thường niên năm B
“Hãy cho họ ăn!”. Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Kitô hữu là môn đệ của Chúa Giêsu, vậy nên lệnh truyền ấy vẫn đang mang tính thời sự trong cuộc sống của chúng ta.
Nội dung của Bài đọc I trích sách Các Vua và Bài Tin Mừng Thánh Gioan của Phụng vụ Chúa nhật này cùng chung một đề tài, đó là “Bánh”. Cả hai trình thuật cùng có chung một cấu trúc văn chương. Trước hết là lệnh truyền: “Hãy cho họ ăn!”; tiếp theo là sự băn khoăn về số bánh thì quá ít mà số người có nhu cầu thì quá đông; và sau cùng là điều kỳ diệu đã xảy ra: đó là phép lạ nhân bánh ra nhiều. Sách Các Vua nói đến người làm phép lạ là ngôn sứ Elisê; Tin Mừng kể lại, người làm cho bánh hoá ra nhiều là Chúa Giêsu. Cả hai trình thuật đều nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa. Tuy vậy, nếu trong Cựu ước, quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện của một vị ngôn sứ, thì trong Tân ước, chính Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế và thực hiện những điều huyền diệu. “Hãy cho họ ăn!”. Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Kitô hữu là môn đệ của Chúa Giêsu, vậy nên lệnh truyền ấy vẫn đang mang tính thời sự trong cuộc sống của chúng ta.
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự mọi loài. Ngài ban cho trái đất có đủ tiềm năng để nuôi sống nhân loại. Nếu trên thế giới, còn có những người nghèo đói, là vì do sự phân phối của cải vật chất không đồng đều. Tại một số quốc gia phát triển, người dân quá lãng phí vật chất, trong khi ở những quốc gia nghèo, nhiều người thiếu ăn. Nguyên nhân nghèo đói cũng do một số quốc gia sử dụng quá nhiều tiền bạc đầu tư cho chiến tranh và vũ khí nguyên tử để phô trương sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng trên chính trường. Vì vậy, để giải quyết gốc rễ của nạn nghèo đói, con người phải biết chia sẻ và có trách nhiệm với nhau và phải tôn trọng tài nguyên trong vũ trụ.
Cũng như ông Philiphê, chúng ta băn khoăn không biết phải làm thế nào để cung cấp bánh cho số đông những người theo Chúa. Bởi lẽ khả năng con người thì giới hạn, mà nhu cầu xung quanh ta thì quá nhiều. Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá là số lượng quá ít so với nhu cầu của đám đông. Tuy vậy, khởi đi từ một chút nhỏ nhoi này, điều kỳ diệu đã xảy ra: năm ngàn người ăn no và vẫn còn dư mười hai thúng. Khi lòng quảng đại và sự vâng lời của con người kết hợp với quyền năng của Thiên Chúa, thì phép lạ sẽ xảy đến. Như thế, trong cuộc sống hiện tại, nếu chúng ta biết chia sẻ cho anh chị em cơ nhỡ bần hàn, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu, làm cho cuộc sống này đẹp hơn và của cải vật chât sẽ tăng thêm. Một câu ngạn ngữ châu Phi nói đại ý như sau: lòng bác ái như ngọn lửa, càng chia sẻ, lửa không mất đi, nhưng càng nhân rộng. Quả vậy, khi chia sẻ, ta không mất đi, trái lại tình nghĩa và cả vật chất cũng sẽ được nhân lên và toả sáng. Khi cho đi vật chất, ta nhận lại tinh thần, đó là niềm vui và sự an bình.
Khởi đi từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch, ngôn sứ Elisê đã có thể phân phát cho hàng trăm người đang đói, mà vẫn còn dư.
Khởi đi từ năm cái bánh và hai con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã thết đãi số đông tới năm ngàn người mà còn dư mười hai thúng.
Các tác giả Phúc Âm đều kể lại phép lạ Chúa nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngay từ những thế kỷ đầu, cộng đoàn Kitô hữu đã nhận ra hình ảnh tiên báo của Bí tích Thánh Thể. Quả vậy, nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã làm cho bánh hoá ra nhiều để nuôi dân chúng là những người trung thành bền bỉ theo Người, thì hôm nay, qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nuôi dưỡng các Kitô hữu trong đời sống thiêng liêng. Đây là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vững bước trên đường đời. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến cho chúng ta chính bản thân Người. Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là mầu nhiệm của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại.
Thánh Thể kết nối mọi người Kitô hữu. Vì được nuôi dưỡng cùng một Bánh, người Kitô hữu cũng phải trở nên một trong tình thương và bác ái chia sẻ. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Chỉ có một Chúa, một Đức tin, một Phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Sự kết nối kỳ diệu ấy được thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Như thế, chia rẽ phân biệt và ganh tỵ là đi ngược lại với ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu hôm nay đang liên kết chúng ta nên một. Người vẫn đang truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy cho họ ăn!”. Khi quảng đại chia sẻ và bác ái là chúng ta thực hiện lệnh truyền của Người.
Những ngày này, cả nước hướng về Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam, để cảm thông, cầu nguyện và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất. Không thể kể xiết những tấm lòng nhân nghĩa, bằng muôn hình thức khác nhau, đã được thể hiện để chứng minh tình liên đới với đồng bào trong vùng dịch. Qua những tấm lòng tuyệt vời ấy, chắc chắn Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu cho chúng ta.
“Lạy Chúa, xin hãy mở lòng con để biết cảm thông với anh chị em bất hạnh.
Xin hãy mở mắt con để biết nhìn nỗi khổ của tha nhân
Xin hãy mở tay con để biết sẻ chia không tính toán.
Và như thế, con đang cùng Chúa làm nên những phép lạ diệu kỳ. Amen
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org