“Hãy là chứng nhân của Thầy!” – Chúa nhật 29 Thường niên C
Chúa nhật hôm nay (16-10-2022) là Ngày Thế giới Truyền giáo. Có nhiều định nghĩa về truyền giáo, và định nghĩa nào thì cũng nhấn mạnh đến việc giới thiệu Chúa Giêsu và giáo huấn của Người. Do thiếu hiểu biết, người tín hữu giáo dân ít khi ý thức rằng mình cũng là một nhà truyền giáo, vì vậy họ không lưu ý đến bổn phận quan trọng này. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi” (Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, số 2). Nói như thế, có nghĩa nếu Giáo Hội không lo thực thi sứ vụ truyền giáo, thì Giáo Hội đánh mất chính mình, và sự hiện diện của Giáo Hội trên thế gian này sẽ trở thành vô nghĩa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết: “Giáo Hội hoặc là lên đường hoặc không còn là Giáo Hội; Giáo Hội hoặc là truyền giáo hoặc không còn là Giáo Hội. Nếu không lên đường, Giáo Hội sẽ mục ruỗng và trở thành một thứ gì đó” (Trả lời hãng tin Công giáo Fides, năm 2019)”. Khẳng định này của Đức Thánh Cha cũng cùng một nội dung với khẳng định của Công đồng.
Nếu năm xưa Đấng Phục sinh đã ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” (Mc 16,15), thì hôm nay, mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, vào lúc thánh lễ kết thúc, vị chủ sự tuyên bố: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Lời tuyên bố của linh mục chủ sự thánh lễ, tiếp nối lệnh truyền của Đức Giêsu. Người Kitô hữu, sau khi tham dự thánh lễ, khởi đầu một cuộc lên đường mới. Thánh sử Mác-cô, sau khi kể lại lệnh truyền của Đức Giêsu và sự việc Người về trời, đã ghi nhận: “Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Cũng như ba tác giả Tin Mừng khác, thánh Mác-cô đã kết thúc tác phẩm của mình một cách lạc quan, đầy hy vọng.
Theo thông lệ, vào Ngày Thế giới Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các tín hữu trên toàn thế giới một Sứ điệp. Năm 2022 này, ngài đã chọn chủ để cho Sứ điệp là “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy” (Cv 1,8). Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nêu bật tính cách cá nhân cũng như cộng đoàn của sứ vụ loan báo Tin Mừng: Sứ vụ này mang tính cá nhân, vì mỗi người phải thấm đượm Tin Mừng trước khi có thể loan báo Tin Mừng. Sứ vụ này cũng mang tính tập thể, vì chỉ có thể loan báo Tin Mừng trong sự hiệp thông với Giáo Hội và theo định hướng của Giáo Hội. Những “sáng kiến” tuỳ tiện sẽ gây chia rẽ trong Giáo Hội và cản trở sứ vụ truyền giáo. Đức Thánh Cha đã trích dẫn Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, số 60 như sau: “Loan báo Tin Mừng không phải là một hành vi cá nhân và riêng lẻ đối với bất cứ ai, nhưng nó mang tính Giáo Hội một cách sâu xa. Khi một người giảng thuyết, một giáo lý viên hay một mục tử âm thầm nhất, ở một miền đất xa xăm nhất, rao giảng Phúc Âm, tập hợp cộng đoàn nhỏ bé của mình lại hay ban phát các bí tích, cho dù đơn độc một mình, người ấy đang thực thi một hành vi của Hội Thánh, và hành động của họ chắc chắn gắn liền với hoạt động phúc âm hoá của toàn thể Hội Thánh bởi những tương quan về thể chế, nhưng cũng bởi những sự liên kết vô hình thâm sâu trong trật tự của ân sủng”. Như thế, việc loan báo Tin Mừng phải khởi sự từ chính cá nhân mỗi tín hữu, rồi sau đó, họ nhân danh Giáo Hội và hiệp thông với Giáo Hội trong sứ vụ quan trọng này. Hiện nay, tại Việt Nam, chúng ta thấy có một số nhóm giáo dân khởi xướng và tuyên tuyền những quan điểm lệch lạc về Đức tin và lôi kéo các tín hữu theo họ. Những nhóm này đã và đang gây chia rẽ hoang mang trong các cộng đoàn Đức tin. Một số người bất chấp lời khuyến cáo của các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội, tự xưng là những người được “mạc khải”. Những hiện tượng này không phải là mới, nhưng thường thấy trong lịch sử. Những người chủ trương sai lạc, thường vì lý do kiêu ngạo hay vì lợi lộc vật chất. Những khuynh hướng sai lạc, đi ngược lại với thẩm quyền của Giáo Hội địa phương, sớm hay muộn, cũng sẽ tan rã, vì không đến từ Chúa.
Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa họp Đại hội tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội. Trong Thư Chung gửi mọi thành phần Dân Chúa, các vị Chủ chăn của Giáo Hội Công giáo Việt Nam mời gọi các tín hữu hãy thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng một cách cụ thể bằng tình hiệp thông trong đời sống Giáo Hội. “Củng cố tình hiệp thông” là định hướng mục vụ cho năm 2023. Hiệp thông là liên kết với nhau, để cùng nhau thực thi bác ái, sống tinh thần Tin Mừng. Đây đó vẫn còn những chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ. Những chia rẽ do khác biệt về dòng họ, khác biệt về quan điểm trong xây dựng cơ sở vật chất hay trong cách tổ chức cộng đoàn. Có những chia rẽ nghiêm trọng dẫn đến gương mù trong giáo xứ, làm biến dạng hình ảnh Giáo Hội. Trong Thư Chung năm 2022 này, Các Giám mục đã đưa ra những chỉ dẫn chi tiết cụ thể, để giúp các cá nhân và các cộng đoàn sống tình hiệp thông. Trước hết là hiệp thông với Chúa, qua việc năng đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trước Thánh Thể. Sau đó là hiệp thông với nhau, qua những nghĩa cử bác ái. Một khi tình hiệp thông nội bộ Giáo Hội được củng cố, chúng ta mới nói đến việc loan báo Tin Mừng.
“Anh em hãy là chứng nhân của Thày!”. Lệnh truyền của Đấng Phục sinh vẫn luôn thôi thúc các tín hữu. Xin cho mỗi chúng ta có trái tim rộng mở để đón nhận Lời Chúa và nhiệt tâm loan báo tình thương của Ngài.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org