Hãy sống thanh cao
Tất cả chúng ta là những con người tội lỗi. Môi trường tội lỗi cứ vây bám chúng ta, khiến chúng ta có những lối hành xử vốn dĩ là không tốt, nhưng cứ ngỡ là điều hiển nhiên. Chúng ta thấy đầy dẫy chung quanh mình những điều xấu, chúng ta không thích như thế, nhưng chúng ta vẫn cứ buông mình theo những điều ấy, như thể đó là một nền văn hóa của nhân loại chúng ta.
Thế gian có những khôn ngoan của nó. Cái khôn ngoan của thế gian dạy những ai thuộc về nó những chiêu trò, những thái độ, những lối hành xử để giúp mình được sở hữu nhiều hơn, có được nhiều quyền lực hơn. Dần dần, người ta thích vun vén hơn là cho đi, thích được trở nên nổi trội, chứ không thích bị xem thường, hay bị coi không ra gì, thích khác người một chút để được chú ý, chứ không thích bị lãng quên.
Con người thích dạy hơn là thích học, thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích nói hơn thích nghe, bởi khi dạy, khi ra lệnh, khi nói, người ta thấy mình uy phong và có thế giá hơn.
Con người thích an nhàn hơn là buông mình vào những thách đố, thích những gì đảm bảo hơn là những điều không chắc chắn, vì họ sợ khi phải đối diện với những bất toàn và bất lực của mình.
Con người luôn muốn mình hơn người khác, chứ chẳng chịu thua ai bao giờ, vì thua là thất bại, là bị hạ thấp, bị người ta khinh rẽ khiến mình bị mất thanh danh.
Con người thích được khen hơn là khen người khác với trọn chân tình, vì tiếng khen làm cho họ như được nhấc bổng lên trời cao, còn khen người khác thì chẳng khác nào thừa nhận sự cao cả của người ấy.
Con người thích xỉa xói người khác hơn là nhìn lại mình, thích nói xấu hơn là đề cao người khác, thích kết án hơn là thứ tha, và cứ mỗi khi làm điều đó, họ như có một khả năng vô biên để thực hiện, họ cũng chẳng ngại kéo thêm “đồng bọn” để cùng nói xấu người khác. Họ dễ làm sứt mẻ tương quan hơn là nỗ lực kiến tạo sự hiệp nhất.
Con người dễ thấy cái lợi trước mắt hơn là phúc đức lâu dài, nên làm gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Họ không kiên nhẫn được, họ cho rằng nhịn là nhục, nên họ giải quyết những bốc đồng bằng bạo lực cho nhanh và cho hả dạ. Họ hành xử mà chẳng mấy khi nghĩ đến hậu quả gây ra.
Con người thích buông lỏng mình hơn là cố gắng kiềm chế bản thân, vì họ ảo tưởng cho rằng mình có tự do tuyệt đối. Họ luôn khắt khe với người khác, đòi hỏi người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình. Họ đánh giá người ta thế này thế nọ, trong khi bản thân mình cũng vướng vào những điều ấy thì họ coi là chẳng có gì to tát.
Con người thích hướng ra bên ngoài, tìm kiếm giá trị ở nơi xa, chứ không chịu hướng vô, tìm chân lý nơi thẳm sâu tâm hồn. Bởi thế, họ thường tìm giải pháp cho những bất an nơi những quán nước, vũ trường, chứ không bình tâm lại để suy nghĩ và tìm cách giải quyết.
Con người thích hưởng thụ hơn là khổ nhọc lao tác vì lao tác thì lao lực hơn là hưởng thụ và hưởng thụ thì chẳng chịu áp lực gì cả, ngoài niềm vui sướng và cảm giác lạc hoan.
Con người muốn thể hiện mình chứ không thích ẩn mình vì ẩn mình thì có gì hay, trong khi được nhiều người biết đến và nể trọng làm họ thích thú vô cùng.
Bao giờ con người cũng tỏ ra là mình đúng chứ chẳng chịu nhận mình sai. Bởi thế, họ luôn có xu hướng thoái thác trách nhiệm hơn là can đảm nhận lãnh và hứng chịu những gì mình đã gây ra vì cơ bản, họ luôn cho là mình đúng, còn cái sai họ mắc phải thì hoặc do người khác không hiểu, hoặc do có nhân tố nào đấy bên ngoài tác động vào.
Khi gặp một khó khăn, con người thích kêu ca hơn là cố gắng đón nhận để từ từ tìm ra giải pháp, vì kêu ca thì dễ mà tìm giải pháp cho một khó khăn cũng chính là một khó khăn khác. Nhưng họ không biết rằng để có ánh sáng thì phải tìm cách thắp lên ngọn đèn, chứ không phải khóc lóc là xong.
Làm việc gì, họ cũng muốn sòng phẳng, chứ chẳng thích chịu thiệt thòi. Bao giờ, họ cũng đòi đền bù, chứ chẳng muốn cho không. Họ thấy tiếc cho những giọt mồ hôi nước mắt đã đổ ra. Cả khi làm việc từ thiện, họ cũng thầm ao ước được người ta nhìn nhận và ca khen họ.
Con người muốn người khác nhìn nhận mình chứ không thích bị thương hại vì đón nhận giúp đỡ của người khác làm cho họ có cảm giác mình ở vị thế dưới thấp. Bị thương hại cũng giống như “ăn đồ thừa” của người khác, và điều này đụng chạm đến lòng tự ái của họ. Bởi thế, có nhiều khi họ muốn tự sức làm một mình chứ không thích cậy nhờ đến ai. Họ muốn mình là ân nhân của người khác, chứ ít bao giờ mong muốn trở thành kẻ thụ ơn.
Con người luôn muốn mình được tôn trọng, chứ chẳng thích nghe lời chê bai hay coi thường, bởi khi mình được tôn trọng, sự hiện hữu của mình cũng trở nên có giá trị và những đóng góp của mình cũng được người khác nâng niu. Con người nỗ lực để làm cho danh mình được tỏa sáng, chứ không thích bị lu mờ trước người ta.
Khi có ai lầm lỗi, họ thường khiển trách hơn là cảm thông và ra tay nâng đỡ bởi họ luôn có xu hướng cho rằng mình hơn người ta, mình ở trên người ta. Hơn nữa, khiển trách làm cho họ “hưng phấn” hơn là giúp đỡ, vì khi giúp đỡ, họ phải chịu chút thiệt thòi nào đấy, mà đây cơ bản không phải là điều họ muốn.
Con người thích bè phái hơn là chính kiến cá vị, vì bè phái làm cho họ yên tâm hơn, có động lực hơn, có thế hơn, còn chính kiến lập trường có khi khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu cô thế cô thân một chút.
Trong mọi việc, họ luôn muốn mình độc quyền chiếm giữ, chứ không muốn người khác tham dự vào. Họ có thể là một con người rất tài năng, nhưng chẳng ai có thể làm việc chung được với họ vì họ chẳng chịu nghe ý kiến của ai. Lý do là vì, họ luôn cho rằng mình là người tài nhất, và ý kiến của mình là đúng, là tuyệt với nhất.
Hậu quả của cái khôn ngoan ấy là gì? Phải chăng là một sự bình an, một sự sung mãn, một sự triển nở nhân cách của mình? Khôn ngoan của nhân loại lấy chính cái tôi ích kỷ của mình làm trọng tâm, để thổi phồng mình lên, xây dựng chung quanh mình một mớ những ảo tưởng, rồi tự mình vui vẻ trong những tòa lâu đài bong bóng ấy như thể mình đang ở chốn Thiên Cung.
Mọi sự sẽ qua đi hết. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Được cái gì khi người khác tung hô? Có bền vững mãi không những quyền lực ta đang đó? Hôm nay, ta có thể đang ở trên đỉnh cao của danh vọng, nhưng ngày mai, biết đâu ta đã nằm sâu ở một nơi không ai biết.
Có một sự khôn ngoan khác, tuy ít được chú ý hơn, nhưng đích thực là con đường đưa về cõi hạnh phúc. Khôn ngoan này có khi bị người ta cho là ngu dại, là khùng điên. Nhưng để có thể sống được sự khôn ngoan ấy, người ta phải đưa đời sống của mình lên một mức độ thanh cao hơn. Khôn ngoan ấy là:
Không đặt mình vào vị trí trọng tâm của vụ trụ. Đừng cho rằng mình ở trên người khác. Đừng nỗ lực quy tóm về cho mình mọi danh dự và vinh quang. Nhưng hãy luôn có một thái độ biết ơn Tạo Hóa vì biết rằng tất cả những gì mình có đây đều là do Ngài ban tặng.
Đồng thời, hãy tập để biến mình nhỏ lại, đặt mình ở vị trí rốt cùng hết, lấy phục vụ làm niềm vui, lấy tình thương xoa dịu gian ác, lấy thứ tha đối đãi hận thù.
Đừng bao giờ tìm cách nắm giữ, nhưng hãy luôn mở ra, cho đi với tất cả lòng quảng đại và chân thành, bởi khi trao ban, chính là lúc ta được nhận lãnh lại gấp trăm ngàn lần. Cho đi mới giúp mang đến cho ta một nguồn vui thanh thoát, chứ không phải nắm giữ.
Không nên cố công và bất chấp mọi sự để đi tìm niềm vui nơi của cải bạc tiền, nơi danh vọng cao sang, nơi quyền lực trần thế, nhưng chỉ một lòng tìm về nguồn cội của cuộc đời là Chân-Thiện-Mỹ, biết sử dụng mọi thứ hữu hình này như phương tiện để tìm về Ngài, chứ không xem Ngài là phương tiện để tìm kiếm những điều hão huyền ấy.
Khôn ngoan nào bạn đang sống theo?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net