“Hãy tỏa sáng!” – Bài giảng Chúa nhật Hiển Linh năm C
“Anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Khi tuyên bố điều này, Chúa Giêsu muốn cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy tỏa sáng nơi lòng cuộc đời. Thực hiện được điều ấy, chúng ta sẽ góp phần đẩy lui tối tăm, làm cho vương quốc ánh sáng sớm được hiện hữu trên thế gian này.
“Ánh sáng” là chủ đề chính của Phụng vụ lễ Hiển Linh. Trước hết, đó là ánh sáng đến từ vinh quang của Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Nhập thể, và nhất là qua cuộc sinh hạ của Đấng Cứu thế, loài người được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa, như Thánh Gioan đã khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cự ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Quả vậy, Ngôi Lời là ánh sáng trần gian (x. Ga 8, 12). Ánh sáng ấy đã bừng lên giữa đêm đen của tội lỗi. Hãy đọc lại lời ngôn sứ Isaia trong lễ đêm Giáng sinh: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Hai mươi thế kỷ đã qua, Ánh sáng ấy đang tiếp tục bừng lên để đẩy lui thù hận ghen ghét nơi cuộc sống và nơi lòng con người.
Ngôn sứ Isaia kêu gọi Giêrusalem hãy đứng lên, hãy tỏa sáng. Giêrusalem là thủ đô của Do Thái, là trung tâm chính trị và văn hóa. Hơn thế nữa, Giêrusalem còn là Thành Thánh, là niềm tự hào của dân riêng đối với các dân ngoại xung quanh. Nơi đây có Thiên Chúa hiện diện để đồng hành với dân Người. Qua ngòi bút của vị ngôn sứ, Giêrusalem trở nên trung tâm của thế giới. Mọi dân mọi nước đều đổ dồn về đây, mang theo sự phú túc giàu sang. Muôn sắc màu văn hóa, các loại sản vật độc đáo đều hội tụ về đây để cung phụng Thiên Chúa và tuyên xưng Ngài là Chúa tể vô song. Ánh sáng của Thiên Chúa đã bừng lên trên Thành Thánh, để rồi Giêrusalem phản chiếu vinh quang của Ngài.
Điều mà ngôn sứ Isaia ngất ngây chiêm ngưỡng thuở xa xưa, nay được thực hiện qua việc các nhà đạo sĩ từ Đông phương đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Các ông được ngôi sao lạ chiếu soi và chỉ dẫn. Qua những dấu chỉ này, các ông đã “đọc” và “lắng nghe” thông điệp mời gọi hãy đến Belem để phụng thờ Chúa các chúa và Vua các vua. Các ông đã chấp nhận một cuộc phiêu lưu, sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, tiện nghi, để lên đường chì vì một ngôi sao xa tít tận chín tầng mây. Trong cuộc phiêu lưu này, đã có lúc các ông tưởng chừng như mất niềm hy vọng. Đó là khi đến Giêrusalem, các ông không còn thấy ngôi sao lạ nữa. Các ông đã tìm đến với những chuyên viên chú giải các lời sấm trong Kinh Thánh để có thể tiếp tục lên đường. Khi đến Belem, điều mà các ông nhìn thấy cũng chỉ là một Hài nhi mới sinh, cùng với cha mẹ Người. Trái tim và lý trí đã mách bảo các ông Hài nhi mới sinh là Đấng Cứu thế. Các ông đã thờ lạy Hài nhi và dâng những lễ vật, vừa là sản vật của địa phương mình, vừa là những biểu tượng diễn tả địa vị và sứ mạng của Hài nhi. Từ nơi thôn dã nghèo hèn, vinh quang Thiên Chúa đã tỏa sáng. Các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Cứu thế không với tư cách riêng tư, nhưng các ông đại diện cho mọi nền văn hóa, cho cả thế giới, đến phục quyền của Đấng là Vua vũ trụ và là Hoàng tử Hòa bình. Tên gọi của ngày lễ hôm nay là “Hiển Linh” muốn diễn tả vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện cho mọi dân tộc.
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Giáo Hội hiện hữu nơi trần gian như Ánh sáng muôn dân. Công đồng Vatican II đã khẳng định điều này. Cũng như Chúa Giêsu tỏa sáng vinh quang của Thiên Chúa qua sứ mạng của Người, Giáo Hội cũng phải tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh xã hội, đồng thời loan báo Tin Mừng để giúp con người sống theo Sự thật, thoát khỏi tối tăm, vươn tới ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa. Giáo Hội tỏa sáng nơi trần gian, qua đời sống thánh thiện của các thành viên, qua những hoạt động bác ái, hòa giải, thân thiện và góp phần thăng tiến xã hội. Trong Giáo Hội và qua Giáo Hội, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục rao giảng, chúc lành, thánh hóa và hướng dẫn nhân loại vượt qua tối tăm để đạt tới ơn cứu rỗi. Thánh Phaolô khẳng định: nhờ nỗ lực loan báo Tin Mừng của mỗi thành viên trong Giáo Hội, “các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Bài đọc II). Như thế giấc mơ của Vị Mục Tử nhân lành sẽ được thực hiện, tức là đưa mọi con chiên về đàn, để rồi “chỉ có một đàn chiên và một Mục tử” (x. Ga 10, 16).
Mầu nhiệm Giáng sinh được rất nhiều người thiện chí và yêu chuộng hòa bình đón chào nồng nhiệt. Tuy vậy, cũng còn nhiều người dửng dưng với việc Con Chúa đến trần gian. Tệ hơn nữa, có những người tìm cách ngăn cản hoặc làm biến dạng hình ảnh của Đấng Thiên sai. Chúng ta không ngạc nhiên trước hiện tượng này, vì ngay từ thuở ban đầu, vua Hêrôđê cũng đã giả danh lương thiện nhằm hủy diệt vị Vua mới ra đời. Thiên Chúa đã can thiệp để Hài nhi không rơi vào tay bạo chúa. Các đạo sĩ được cảnh báo để đi lối khác về nhà mình. Ngày hôm nay, dù bao phong ba bão táp, Thiên Chúa luôn gìn giữ Giáo Hội của Ngài.
Nhờ Bí tích Thánh tẩy, mỗi chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng của Chúa Kitô. Trong nghi thức cử hành Bí tích Thánh tẩy, vị linh mục chủ sự trao cho người chịu phép cây nến cháy sáng với lời căn dặn: “Con hãy luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời” (Nghi thức Rửa tội).
“Anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Khi tuyên bố điều này, Chúa Giêsu muốn cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy tỏa sáng nơi lòng cuộc đời. Thực hiện được điều ấy, chúng ta sẽ góp phần đẩy lui tối tăm, làm cho vương quốc ánh sáng sớm được hiện hữu trên thế gian này.
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org