Hy lễ – Chúa nhật II Mùa Chay B
Trong nguyên ngữ, “Hy lễ” được giải thích là “Phẩm vật của con người dâng lên thần thánh để biểu lộ lòng tôn kính, cảm tạ, xin ơn và đền tội”. Trong Cựu ước, “Hy lễ” là những phẩm vật được dâng lên Thiên Chúa. Ví dụ: A-ben dâng lên Thiên Chúa của đầu mùa trong sách Sáng thế chương 4, câu 4 (Trích dẫn Từ điển Công giáo, Tr 449).
Khi nói đến “Hy lễ”, là nói đến sự chết. Khi dâng con cừu, con chiên, là người ta giết các con vật đó để dâng tiến thần linh, hay dâng tiến Thiên Chúa trong Cựu ước. Nói cách khác, qua hy lễ, con người dâng chính sự sống mình cho thần linh, nhưng vì con người không thể dâng chính mạng sống mình, nên người ta “mượn” sự sống của động vật được coi là tinh sạch để dâng thay.
Trong trình thuật về việc ông Áp-ra-ham dâng tiến I-sa-ac là con trai duy nhất (Bài đọc I), ông đã làm theo lệnh truyền của Chúa. Đức Chúa muốn thử thách sự vâng lời của ông. Ông đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa, chấp nhận sát tế con trai duy nhất làm hy tế dâng kính Ngài.
Mùa Chay cũng được gọi là Mùa Thương khó. Giáo Hội kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Các hình thức đạo đức bình dân như ngắm sự thương khó Chúa Giêsu và ngắm đàng thánh giá giúp chúng ta sống lại những ngày cuối cùng của Chúa trên trần gian. Ngay từ thế kỷ đầu, Kitô giáo đã nhận ra và khẳng định tính hy lễ trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Vì thế, Hy lễ đích thực và duy nhất chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình trên Thánh giá để xóa tội trần gian (x. Dt 10,11-14). Hy lễ này hoàn thiện và thay thế mọi hy lễ xưa, và vẫn còn tái diễn mỗi ngày nơi Thánh lễ (Trích Từ điển Công giáo, Tr 499).
Việc ông Áp-ra-ham đưa con mình lên núi với ý định sát tế dâng lên Thiên Chúa, dưới lăng kính Kitô giáo, được suy tư như hình bóng về việc Đức Giêsu chịu chết trên đồi Canvê. Như cậu bé I-sa-ac âm thầm vác bó củi lên núi, Chúa Giêsu mang thập giá trên vai từng bước leo lên Núi Sọ. Trên cây thập giá, Chúa Giêsu vừa là Tư tế, vừa là Của lễ. Với hy tế thập giá, của lễ dâng lên Thiên Chúa không còn là máu bò máu chiên hay những vật phẩm trần tục khác, mà là chính Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô sau này suy tư: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Bài đọc II).
Đức Giêsu dâng cuộc đời mình làm hy tế vì yêu mến và vì trung thành với Chúa Cha. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao của Hy tế này. Tuy vậy, trọn vẹn cuộc sống trần gian của Đức Giêsu đều mang giá trị hy tế. Bởi lẽ Người làm mọi sự đều tuân theo ý Chúa Cha, mà hy lễ cao cả nhất là vâng phục và thi hành ý của Chúa Cha. Tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri đã viết: “Đức Kitô đã nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó là chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: ‘Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới” (Dt 10,8-9). Trình thuật Chúa biến đổi hình dạng trên núi cao, vừa báo trước cuộc khổ nạn của Người, vừa khẳng định với ba môn đệ về sứ mạng Thiên sai mà Chúa Cha trao phó cho Đức Giêsu. Chúng ta chú ý chi tiết “trên núi”. Chi tiết này giúp ta liên tưởng đến việc ông Áp-ra-ham đưa con mình lên núi với ý định sát tế hiến dâng cho Thiên Chúa.
Nhiều người đặt câu hỏi: vậy ngày nay có còn hy lễ dâng lên Thiên Chúa không? Thưa, ngày nay, không còn hy lễ theo cách thức thời Cựu ước, tức là không dâng lên Thiên Chúa chiên bò hay các phẩm vật trần gian. Hy lễ của Đức Giê-su được gọi là “Hy lễ mới”. Trên cây thập giá năm xưa, Chúa Giêsu đã dâng hiến chính bản thân Người, làm hy lễ xá tội cho toàn thể nhân loại. Tác giả thư Híp-ri viết: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10). Trong Thánh thi chầu Mình Thánh (Tantum ergo), chúng ta hát: “Phụng vụ xưa phải được thay, này đây nghi lễ mới…”
Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới cuộc đời. Những thực hành truyền thống của Mùa Chay là cầu nguyện, chay tịnh, chia sẻ giúp chúng ta góp phần mình vào hy tế của Đức Giêsu. Hơn nữa, hy lễ mà Kitô hữu hôm nay cũng như ở mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa chính là con người và đời sống của mình, kết hợp với hy lễ duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã mời gọi tín hữu Rôma: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi chúng ta đều có chức Tư tế (chức Tư tế cộng đồng), để dâng lên Chúa chính bản thân mình cùng với những thành công, thất bại trong cuộc đời.
Ngày hôm nay, đối với Kitô hữu, lễ toàn thiêu cũng như các hy lễ của Cựu ước không tồn tại nữa. Tuy vậy, mỗi lần dâng thánh lễ, là hy lễ của Đức Giêsu năm xưa lại trở thành hiện tại với chúng ta. Đức Giêsu tự hiến trên bàn thờ, qua tay của vị linh mục chủ lễ, cũng một thể thức như xưa Người đã dâng mình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay giúp chúng ta góp phần vào hy lễ của Chúa, đem lại sự an bình nội tâm cho bản thân và góp phần mang lại niềm vui cho đồng loại.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org