Kẻ Sặt – Nơi chốn bình yên

30-10-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Kẻ Sặt – Nơi chốn bình yên by

LÊ VĂN

KẺ SẶT – NƠI CHỐN BÌNH YÊN 

Để tưởng nhớ “người thân thương quá vãng”
Để không quên mình đang còn “tồn tại”
Để “góp nhặt cát đá” cho chính riêng mình
Và để đoan chắc rằng “Nay tôi – Mai Anh Chị Em”

I. Lăng kính cuộc đời

Trong thư gửi tín hữu Galata cách đây hai ngàn năm, Thánh Phaolô đã nhắc nhở dân Chúa: “Chúng ta hãy sống thánh thiện ở thế gian này, vì quê hương chúng ta ở trên trời, và vì Đấng toàn năng khác phục mọi loài sẽ biến đổi than xác yếu hèn của chúng ta nên thân xác của Người”.

Và trong Thánh vịnh 37, lời khuyên răn khẩn thiết cho nhân loại đang sống thời ấy vẫn còn giá trị tuyệt vời “… Hãy làm lành lánh dữ, con sẽ được một nơi ở muôn đời”.

Linh mục Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh khá cao niên nhưng ngòi bút của Ngài vẫn sắc sảo. Ngài còn là một sử gia với nhiều tác phẩm đặc sắc. Đặc biệt là tác phẩm: “26 Đấng Tử Đạo Giáo Xứ Kẻ Sặt”… và đáng nói hơn Cha có quê nội là người Đào Xá, và quê ngoại là Đào Du thuộc họ lẻ của Giáo xứ Kẻ Sặt Miền Bắc.

Trong tác phẩm “Ở cuối đường đua”, Ngài đã chân thành thổ lộ “…Tôi cũng thích giảng về sự chết, nhưng không giống mấy ai. Trước một đám tang, tôi cho là ngày vui, trước cái chết, tôi gọi là ngày sinh. Người Kitô hữu chết dần chết mòn vì tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, vì làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh, họ chết vì đạo, họ chết với Chúa Kitô, nên hôm nay họ không chết, nhưng đổi sang cuộc sống mới, sống với Đức Kitô; nói cách khác: Họ sinh ra trong Nước Trời. Vì thế không còn là ngày tang tóc, nhưng là ngày vui sinh nhật… người có Đức Tin thì không sợ chết , vì an toàn của họ là ở nơi Thiên Chúa, Đấng dạy cho họ tìm kiếm Nước Trời, và họ có lòng kính sợ Thiên Chúa, con người không vĩnh viễn chết, như Chúa đã nói qua Thánh Phaolô “Hãy chết đi với Đức Kitô, để được sống lại với Ngài”. (Rm 6,8).

Khi nhìn về kiếp sống monh manh, mỏng dòn và vắn vỏi của thân phận con người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường truyền tải triết lý nhân sinh qua âm nhạc, con tim của ông đã từng thẫn thờ trong lời thơ, ý nhạc:

Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.
Tôi nay ở trọ trần gian,
Trặm năm về chốn xa xăm cuối trời…

Người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh còn nhắn nhủ nhân thế rằng… “sống trên đời… phải có một tấm lòng…” hay trong “Một cõi đi về”, “Ru ta ngậm ngùi” hoặc “Tuổi đá buồn”… Ta thấy bàng bạc tâm sự của ông về thân phận làm người… Dù là một Phật tử sinh sống bên bờ Hương Giang lặng lẽ nhiều năm, nhưng tâm hồn ông luôn dậy sóng… ấy là một ước mơ cháy bỏng: mong muốn con người luôn bao dung, có tình yêu đẹp với tha nhân… luôn tiếc nuối, khắc khoải  về cõi nhân trần nhiều tục lụy…” và Trong bài  Mưa Hồng có một câu  như xót xa về thân phận …: “…Cuộc đời đó…có bao lâu….mà hững hờ…” Cạnh những ý tưởng triết lý nhân sinh và thuyết luân hồi  nhà Phật, Trịnh Công Sơn còn tin  tưởng “… Người chết nối linh thiêng vào đời…” mà tên tuổi ông từng rạng rỡ trước 30 tháng 4 và cho đến ngày nay….

II. Nơi chốn bình yên

Người Kẻ Sặt, với Thánh Đường hùng dũng uy nghi mà dân làng thường đến đây sinh hoạt phụng tự, còn có một nơi rất đỗi thân thương, là Nghĩa Trang Giáo Xứ.  Dưới những hàng me thân thương này, có sự hiện hũu “ xác đất vật hèn “ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, bè bạn ,anh chị em, con cái cháu chắt làng Tráng Liệt… Là những người, khi sinh thời từng vâng lời, trọng kính.. Là các Đấng sinh thành một đời dưỡng dục… Là một người từng luôn đầu ấp tay gối yêu thương… Là mối tình huynh đệ nghĩa thiết  “nối khố“, “trích máu ăn thề“, từng “chia lửa “ trong những lúc vui buồn… Là gắn bó “cốt nhục“ và “chung giọt máu đào” hay “cùng dạ chung lòng” mà đớn đau khi phải chia lìa, ly biệt… Là con cái  cháu chắt, những “ triều thiên Chúa ban” khi sinh hạ… Là  “vàng ròng“ hay  “quý tử“ rất đỗi quý yêu, thường khi dám hy sinh cuộc đời mình, mong cho chúng chóng lớn thành người….Và kinh hoàng, thất vọng não nề khi hoa trái không còn là hoa thơm quả ngọt… !

Trong những năm trở lại đây, nghĩa trang là nơi được chăm chút hơn, trang trọng hơn… là nhờ vào những bàn tay tài hoa, những khối óc mỹ thuật của các Ban Hành Giáo tiền nhiệm, và lần tôn tạo nghĩa trang gần đây, do Ban Hành Giáo khóa 9 khởi sự, và Ban Hành Giáo khóa 10 đương nhiệm hoàn thành…Sẽ thiếu sót, nếu không nhắc đến các “Mạnh Thường Quân“ đã rộng lòng ủng hộ các Tượng Đài, những khối óc chắt lọc tinh hoa về phương diện mỹ thuật, và cả những người âm thầm dâng cúng, những “ đồng tiền bà góa “ hằng ngày chắt chiu……để dựng xây nơi yên nghỉ cho mọi thế hệ con dân làng Tráng Liệt  miền Nam được khang trang và thắm đẹp từng ngày…..

Nơi đây, từ sớm tinh mơ đã thấy các chị, các mẹ đến viếng nghĩa trang và cầu nguyện, lác đác xa xa là người đi bách bộ, thỉnh thoảng có các em vui đùa nhẹ nhàng, không dám làm phiền lòng quý cụ, ông bà cha mẹ mình đang an nghỉ nơi đây,vì  biết rằng đây là chốn tôn nghiêm, và rằng ai cũng hiểu Nghĩa Trang còn được gọi là công viên nghĩa trang, để ranh giới của người “tạ thế “và kẻ “tại thế”  rút bớt được những khoảng cách.

Khi bước đến chốn này, người ta sẽ thấy một hàng me xanh thẳng tắp, duyên dáng  rủ bóng lặng lẽ, mà hai bên  hàng cây, là những dãy mộ cũ xa xưa, gửi gắm hình hài tổ tiên, ông bà đã được hơn kém nửa thế kỷ… và cuối đường, bàn thờ hiện nay là bàn thờ phụ, mà bên cạnh là khối tượng cẩm thạch mang tước hiệu “Mẹ cứu rỗi các linh hồn”…là lời cầu xin và tạ ơn chân thành của các chị, các mẹ tiểu thương, đang “ bôn ba buôn bán”  bên cạnh nghĩa trang thân thương Kẻ Sặt, như dâng lời gửi gắm Mẹ từ bi những người thân thương nhất ……! 

Bên hữu đến ngã ba, là con đường thênh thang dẫn đến bàn thờ mới, chính diện trên cao là tượng cẩm thạch danh tiếng “ Pietà “ – “ Mẹ Sầu Bi dưới chân Thánh Giá “,theo mẫu của thiên tài người Ý Michelangelo, do Ban Hành Giáo khóa 9, từng lặn lội tìm đến  Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam  để tìm người trau chuốt, khắc tạc, làm điểm nhấn trang trọng cho toàn khu nghĩa trang vô cùng thân thương của  giáo xứ …Và nơi đây, dưới chân Mẹ Sầu Bi và Chúa Kitô đang hấp hối, hiếm khi nào vắng bóng những lẵng hoa đẹp tươi của con dân Làng Kẻ Sặt và những người xa xứ tại quốc nội,hay từ nơi xa xăm từ quốc ngoại, để tìm về cội nguồn tổ tông, đem nén nhang thơm và bó hoa đẹp dâng lên các Ngài với lòng thành kính cẩn.!                                        

Xa xa, khuất bóng dưới phía trái khu chính diện, là nơi tạ thế của những con dân Làng Tráng Liệt , mộ chí không phân biệt sang hèn tuổi tác, đồng lòng đón nhận mộ phần và kiểu dáng như nhau, như chấp nhận một chân lý của Tin Mừng “ Hiện diện trước Thiên Chúa….tất cả đều là Anh Em…”….Và ở đây, hạnh phúc nhất là đêm ngày, dưới bóng cánh của Chúa, bên tượng đài “ Chúa Phục Sinh” vinh quang bất diệt, thoát khỏi huyệt đá tối tăm, là biểu tượng của bóng tối sự dữ, của thế gian và xác thịt.!

Khi nói với nhau những chuyện liên quan đến sự chết, thì người Làng Sặt thường liên tưởng đến “ gốc me “, như người già thường hay nói “ sắp ra gốc me”, có ý nói đến ngày “gần đất, xa trời “ của họ, hoặc như tuổi trẻ lại dùng chữ “ anh chị này thích ra gốc me rồi “ với ý nghĩa “ muốn về chầu Chúa “ …trước kỳ hạn!Thế mới hay rằng, Nghĩa Trang Kẻ Sặt, với hàng me thân thương ấy, dù không mấy người Kẻ Sặt muốn trú thân, nhưng trong tâm tưởng, dù là “bất đắc dĩ”, đây cũng là  nơi “ thường trú”vĩnh viễn sau này, khi đã không còn tại thế, vĩnh biệt mọi người thân thương, bỏ lại tất cả nhà cửa đẹp đẽ khang trang, xinh xắn, và cả một cuộc đời tất tả ngược xuôi, bon chen tìm kiếm tiển bạc để tạo dựng cơ nghiệp.

Bên chén trà khi  “ trà dư tửu hậu “, cụ Mã Lại Lăng là một bạn chí cốt của Lý Vạn Hưng người cao tuổi Làng Sặt, đã cảm khái  gửi tặng nhau vần thơ, khi hiểu được sự gắn bó, tình mến thương như “ vô thường “ của người Làng Sặt với những “ gốc me “ thân thương biết bao trìu mến ấy….mà không chỉ người Sặt mới hiểu :           

Khuất bóng hàng me im lặng tiếng,
Một cõi thanh nhàn chốn bình yên !

Có một điều rất đặc biệt mà hầu như người làng Sặt đều nghiệm thấy, là thường khi  có một người tạ thế, thì chỉ hôm trước, hôm sau là có thêm “ vị khác “ cùng theo. Tuy không là một định luật, nhưng thực tế vẫn hay xảy ra…..mà người Sặt lạc quan cho là : vì dân làng Tráng Liệt miền Nam sống “ quần tụ và tòan tòng “ nên tính  “đoàn kết và  thân ái  “ không những thể hiện tại khi còn sinh tiền, mà khi tạ thế vẫn còn dẫn dắt nhau đi đến nơi đươc gọi một cách thân ái….” nơi chốn bình yên “ cho “ trọn tình vẹn nghĩa “ .

Tại nơi thân thương và trìu mến này, vào những ngày cuối năm, người ta thường thấy nhiều hơn ngày thường những nén nhang thơm, những ngọn nến trắng của những người thân đi viếng mộ từ trong làng , của những người lạ mặt có mộ người thân yên nghỉ nơi đây , vì hoàn cảnh chưa mang được về quê quán, hay những người con xa quê trong nước, hoặc cả những người đi xa “ viễn xứ “ lâu ngày, khi đã trở về cố hương, thì thế nào cũng đến nơi đây kính viếng, chăm nom phần mộ…..và chắc chắn trong tâm tưởng họ tràn ngập niềm vui vì gặp lại hình ảnh người thân thương, bùi ngùi vì xa rời người yêu dấu…dù  “âm dương cách trở “ nhưng nghĩa cử ấy luôn được tôn trọng và xem chân lý  “ nghĩa tử là nghĩa tận “ là lý lẽ phải đạo ngàn đời của “ Đạo làm người “  với người quá vãng. …….Và rộn ràng hơn là vào ngày mùng 2 Tết Cổ Truyền: có Thánh Lễ cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời, cho các linh hồn mồ côi trong ngày đầu xuân mới…..Và những ngày trong năm, ngoài  vị trách nhiệm nghĩa trang, là vị Phó Ngoại Ban Thường Vụ, thường xuyên lưu tâm làm đẹp nghĩa trang như một công viên. Sắp xếp mộ phần cho dân làng quá cố…phải kể đến người quản trang, hằng ngày cần mẫn làm đẹp từng lối đi, từng hàng cây và phần mộ….chờ đón những “công dân “ mới, để vào những ngày đỉnh điểm là tháng 11, tháng Các Linh Hồn, là những ngày lễ hội….ngày  “dương trần và âm phủ ” giao thoa, gặp gỡ nhau, cầu xin và mong ước cho nhau chóng về hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa trên nước Hằng Sống.!

Nói về nghĩa trang Kẻ Sặt,  đây là nơi an nghỉ của tiền nhân đáng kính, của họ hàng thân thuộc, của bạn bè nghĩa thiết, của “tình nghĩa phu thê” thuở nào, của “ núm ruột , đoạn lòng “ của cha mẹ….. và  đến những người  làm ăn xa xứ, cũng thường  trăn trối trước lúc lâm chung, được tìm về nguồn cội quê hương để gửi gắm hình hài trong lòng đất Mẹ , kể cả những kẻ vô gia cư xa lạ, cũng hưởng dụng “ ba tấc đất” để “an phận tá túc” …nơi  Đất Thánh, là nơi  “ Đất Lành “ cho mọi người …đúng như câu “ Tứ hải giai huynh đệ “….Có thể nói một cách văn hoa,  xem như nghĩa trang Kẻ Sặt là một cõi “Đất lành chim đậu “… .! Ước mơ rằng, mãi mãi,và mãi mãi đây là nơi “ An Lành và Hạnh Phúc”cho tiền nhân và cho cả hậu thế, cho thiên hạ “ Đại Đồng “ và nhất là cho người Tráng Liệt Kẻ Sặt miền Nam……vô vàn yêu dấu !                    

III. Thân phận kiếp người

Cám cảnh đau thương về cuộc đời trần thế, Lý Vạn Tấn, là hậu duệ nhiều đời của Lý Thời Trân, một học giả đã ngán ngẩm suy tư mà thốt lên rằng :

“Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như gang tay,
….mới thấy đó đã nằm sâu nơi đáy mộ….”

Nếu như chúng ta được Chúa ban cho thêm những ngày ở trần gian để lập công  phúc, để yêu thương tha nhân, để tham gia vào công trình sáng tạo của Ngài…Ta hãy cảm tạ Ngài muôn vàn như lời một thi sĩ đã thốt lên:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

Cuộc sống con người thật ngắn ngủi,… trong văn học thường ví đời người như “ Bóng câu bên cửa sổ “  hay “ cuộc đời như cơn gió thoảng , như làn mây bay “. Và cuộc đời theo văn hào Nguyễn Du, là người mà học sinh ai cũng từng biết đến,  khi ngồi ghế nhà trường, cũng đã cảm khái,trau chuốt vần thơ về cõi trần đầy bi lụy :

 “Trăm năm có nghĩa gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”                          

Thế nhưng con người, mang kiếp nhân sinh theo quan niệm Nhà Phật, có “Tham, Sân, Si“ không thể được giải thoát khỏi bể khổ nếu còn ràng buộc “nghiệp chướng”… bằng mọi cách đi tìm”danh lợi thú “của những đam mê tầm thường, thì chẳng bao giờ có “chánh quả“ và chẳng khi nào thấy “niết bàn” theo nghĩa nhà Phật, nơi “cực lạc khôn dường.” mà trí lòng chúng sinh” khôn sánh ví… Nương cửa Phật, phải “từ bi, hỉ xả” biết diệt dục, tà tâm, phải “ly ái, hãm tài” để con người thanh thoát tránh bi lụy, dù cho “hỷ, nộ, ái ,ố“ là cơ duyên làm chúng sinh vướng mắc nợ trần, danh, lợi, thú“ là “duyên nợ“ khó thoát của con người sống trên trần tục…!

IV. Đích thực hạnh phúc                                                                        

“Ba tấc đất mới thật là nhà” . Nói thế chứ không mấy ai tin như thế, vì người ta không sẵn sàng như “ Mười cô trinh nữ “…Nhân loại ít người nghĩ rằng ngày mai mình sẽ chết, họ tưởng rằng có vô số mỏ dầu ngoài khơi kia,  tiền bạc trong két sắt trong nhà, mà quên điều đơn giản là chỉ đổ dầu đầy bình nhỏ để đón” Chàng Rể “…là luôn sửa soạn tâm hồn, noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, dọn đường tâm hồn cho Chúa KiTô ngự đến.

Và nơi Đất Thánh này,  hàng ngàn mộ chí với” muôn hình vạn trạng” , đấng bậc chức sắc đạo đời tiền bối và hậu sinh, ngừời danh gia vọng tộc, người thứ dân chân chất, kẻ tiểu tốt vô danh, những hài nhi bé bỏng… cũng đều được chia phần ba tấc đất !…  Trước mặt người đời, dù phần mộ có cao to hơn, có lộng lẫy hơn, có hoành tráng hơn, mộ chí có khắc tạc cầu kỳ, cẩn trọng hơn các phần mộ khác,… thì cũng không khác chi những biệt thự,hay căn hộ liền kề mà  khuôn khổ  được phép nơi chủ quyền xử dụng đất. Cũng thế, khi đối diện trước Tôn Nhan Thiên Chúa, con người sẽ “ đồng đẳng” với nhau, và chỉ hơn nhau “ tội phúc” mà phần thưỏng sẽ dành cho những ai “ Yêu” nhiều, thì sẽ được “Tha” nhiều…Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng rất công thẳng… dù cho đây là một hồng y, giám mục, linh mục hoặc tín hữu bình thường hay một kẻ vô danh tiểu tốt ….!

                           "Tiền tài tựa phấn thổ – Nhân nghĩa tựa thiên kim“  

Như thế, nói về tiền bạc , vàng ròng hay kim cương đá quý… ai có từng nghe đến danh tiếng “ giàu nứt đố đổ vách ”của Vương Khải – Thạch Sùng mà tích xưa còn đó… ruộng vườn bạt ngàn, cò bay thẳng cánh  và cuộc đời sống xa hoa không ai bằng ở đất Nam Bộ ngày nào của công tử Bạc Liêu, nay còn đâu… và hậu duệ của họ, nay đang sống vất vưởng bên phố hè  Sài Thành hoa lệ

Và từ xa xưa, những đền đài cung điện lăng tẩm của Đế chế Ang Kor, của người Azơ Tek, KimTự Tháp Ai Cập của Tutankhamun, Thành Quách Đế Quốc Rô Ma của Néron Đại Đế  với Đấu Trường Closeum rực lửa hoàng kim một thời, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, các Đền Đài Lăng Tẩm của các vương triều Việt Nam… nay đang là những phế tích và mang trên mình đầy rêu phong cỏ dại… Những chai lọ, chum hũ, tiền xưa, đồ cổ…là những thứ con người sưu tầm, trân trọng đôi khi hơn của thánh thiêng, làm thú vui và nâng niu , miệt mài mê mẩn với nó, mân mê mải miết không rời, bỏ lại sau lưng  bổn phận gia đình, trách nhiệm đang mang trong cộng đồng, không để những lời minh triết trong Phúc Âm Chúa Kitô có dịp thăng hoa, làm lợi gấp trăm như bông lúa trĩu hạt hoặc sinh lợi, gấp đôi gấp bốn… đồng tiền mà ông chủ giao cho người quản lý, mà  cố quên  bổn phận , trách nhiệm….và thực tế đã minh chứng rằng, chủ nhân những chai lọ,chum hũ, tiền xưa, đồ cổ….là những bái vật vô tri kia,chúng đã một thời có người sở hữu, bây giờ tất cả họ đã thành người thiên cổ… hôm nay, những vật vô hồn ấy đã thay ngôi đổi chủ… thật phũ phàng !

Ta cũng nên nhắc đến một nhân vật lịch sử Nam Việt nức tiếng một thời, hành trình thì có “ tiền hô hậu ủng”,” nhất hô bách nặc”, hoặc “nhất hô bá ứng”, “áo mão cân đai” từ thời phong kiến, “xênh xang phủ bộ “ suốt cả  một thập niên, bị tiếng một thời là gia đình trị…,mang danh thánh Gioan Bao ti xi ta , nay đang yên nghỉ cô đơn lặng lẽ cùng bào đệ: ”song  trùng huyệt mộ”, và nơi cải táng là hai mộ chí được  ghi tên” Huynh , Đệ “ như hai kẻ “vô danh tiểu tốt”, được chôn cất nơi một tỉnh lẻ hoang vắng mà ít người biết đến…..đã vang bóng một thời, vinh nhục một đời…. mà chỉ có lịch sử mai hậu, sẽ phân định và Thiên Chúa Tối Cao sẽ công minh phán xét tội khiên và công trạng…!

“Sống cho đời và sống cho người ’’ linh mục Phạm Trung Thành, Bề Trên Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế… đã kêu mời chúng ta cùng suy nghiệm ý nghĩa Lời Chúa và giá trị cuộc sống trần thế trong một bài viết ngắn vào ngày đầu xuân Tân Mão, Ngài viết:  Người ta đọc được trên một bia mộ giòng chữ sau đây:

 “Những gì tôi tiêu dùng, nay không còn nữa,
Những gì tôi mua sắm, nay thuộc về ngươi khác,
Những gì tôi cho đi, nay thuộc về tôi vĩnh viễn.”

Hiến mình cho anh em, vì niềm vui, hạnh phúc và sự sống của anh em, đó là chức năng của muối và ánh sáng. Muối không sinh ra để sống cho mình, ánh sáng không sinh ra để chiếu soi cho mình,nhưng muối để cho đời và ánh sáng để cho người.muối làm mặn đời và ánh sáng làm đẹp đời.Chúa mời tôi sống cho đời và sống cho người.            

Khi nhắm mắt xuôi tay, con người sẽ đối diện trước mặt Thiên Chúa, để lại sau lưng tất cả… Là Kitô hữu mang dấu ấn của Thiên Chúa từ những ngày đầu đời, chúng ta không được phản bội niềm tin đã có nơi Thiên Chúa, giữ các giới răn, lề luật mà Chúa Kitô và Giáo Hội tha thiết nhắn nhủ, tóm gọn trong hai điều “ Mến Chúa và Yêu Người “cách chân thành . Ngay tại Việt Nam, dù mới biết đến đạo Thánh Chúa mới được vài trăm năm, người Công Giáo chúng ta đã chứng kiến nhiều hiên tượng và phép lạ của Mẹ Maria tại La Vang, Bến Tre, Trà Kiệu,… và gần đây, tại Tà Bao, Bạch Lâm và Bình Triệu. Điều tuyệt vời nhất là  những kẻ dâng mình cho Mẹ và làm tất cả mọi điều mà Mẹ nhắn nhủ… Là người Công Giáo đích thật, đã bén duyên với niềm tin Kitô, phải sống với Chúa, vì Chúa và Anh Em, không có thái độ hoài nghi như Thúy Kiều lần đầu tiên sơ giao gặp Kim Trọng:

Nghĩa trang, nghĩa địa, đất Thánh… là những từ nhân gian chỉ những nơi an nghỉ của mọi hạng người, mọi lứa tuổi… nhưng có một loại nghĩa trang chỉ dành cho các thai nhi vô tội. Nơi đây, các Anh Hài là hậu quả của những cuôc tình chóng vánh, của phút giây lỡ lầm, và kể cả những khó nghèo vật chất….do vui thú  yêu thương hay dục vọng  tầm thường của người trần tục. Bên cạnh những thai nhi ấy, may mà còn có Anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang, AnhTâm, Anh Hòa ở thành phố Huế, Ông Trác ở Nghệ An ,Ông Vũ Ngọc Bao ở Xã Quần Vinh, tỉnh Nam Định,… Anh Nguyễn văn Lễ và Anh Nguyễn Phước Phụng ở Thanh Phố Gia Lai, Tỉnh Kon Tum mà Lê Văn đã hân hạnh được tiếp xúc, với 30 năm làm bạn vói nghĩa trang Các Anh Hài…và các Bà, các anh chị thiện nguyện Kẻ Sặt, vẫn đều đặn, kiên trì kiếm tìm các em từ Bệnh Viện và các “ lò sát sinh “ về chôn cất…để các em, là hình hài bé nhỏ giống Chúa Hài Đồng không còn cô đơn buồn tủi, và không bị xúc phạm thêm một lần nữa….!                     

V. Tiền nhân anh dũng

Trong suốt 3 thế kỉ bị bách hại, đã có gần 150.000 anh hùng tử đạo. Riêng Kẻ Sặt, đã dâng cho Chúa và Giáo Hội 26 vị Tử Đạo người làng Tráng Liệt .Như thế…Việt Nam tuy bé nhỏ và còn nghèo nhưng rất hào hùng… Chúng ta đã đóng góp cho gia sản giáo hội một sự nghiệp đức tin to lớn. Trong số đó, có 117 vị được phong chân phước, được Đức Gíao Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn lên bậc hiển thánh, để cho toàn Thế Giới tôn kính và noi gương anh dũng của các Ngài, và cho chúng ta, những người công gíao Việt Nam, là hậu duệ của các Ngài biết nối gót tổ tiên. Dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng luôn trung thành với Chúa, với Giáo Hội, với Tin mừng giữa  lòng dân tộc.

Mừng lễ các thánh tử đạo, và tháng cầu cho các Linh hồn Tổ Tiên ông bà cha mẹ, anh chị em bạn hữu và các linh hồn mồ côi. Chúng ta cùng các thánh dâng lời tạ ơn Chúa, và xin Chúa, qua  lời cầu bầu của Mẹ Mân Côi và Thánh Cả Giu Se phù trợ, và các linh hồn đã được rỗi… xin ban cho mỗi người chúng ta được đức tin vững mạnh , rao truyền và sống với Tin Mừng, biết can đảm sống chứng nhân cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh… “ Ut sint unum “ Xin cho chúng nên một “ trong tình yêu Chúa , và  biết tử đạo từng ngày, qua những từ bỏ và hy sinh lớn nhỏ, ngõ hầu ngày sau được xum họp  trên Thiên Quốc mà ca vang tình yêu Chúa.

Tháng 11, tháng Các Linh Hồn, chúng ta  không thể  không ngậm ngùi nhớ đến người thân thương đã khuất… chia li cách biệt vẫn là nỗi đớn đau trong cuộc sống. Nhưng, với niềm tin phục sinh, cái chết như được dẹp bỏ, người  chết như vẫn hiện diện gần gũi với chúng ta… và đây chính là nguồn diễm phúc của những ai có niềm tin vào sự sống lại.

Và ngày 24 trong tháng 11, là ngày chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây thực là một ngày giỗ tổ, làm cho mọi tâm hồn con dân đất Việt phấn khởi vui mừng… Chúng ta đều biết từ khi đạo Chúa chính thức được mang đến đất nước chúng ta cho đến cuối thế kỉ 19, lịch sử Giáo Hội Việt Nam là cả một cuộc tử đạo kéo dài gần như liên tục không mấy khi ngừng, mà nếu có ngừng chỉ là tạm dừng để chuẩn bị tiến sang  một giai đoạn chịu bách hại khác, dữ dội hơn, tinh vi khoa học hơn và đẫm máu hơn… kể cả những tín hữu chịu tử đạo vì Chúa liên lỉ hằng ngày !

VI. Kính nhớ tổ tiên

Qua một năm làm lụng vất vả ngược xuôi, kiếm tìm mưu sinh trong cuộc sống….bà cụ tất tả bán vé số, người công nhân trong công sở, bà tiểu thương  ngoài chợ, ông chủ cửa hàng đĩnh đạc, anh chị sinh viên học sinh  “ vất vả “ sách đèn cuối năm, các em nhỏ thơ dại…cuối năm sừa soạn mừng Tết đến, chờ đêm giao thừa và đón mừng năm mới… Cũng như Anh Chị Em bên Lương và Đạo Thờ Ông Bà, dân tộc Việt Nam, nhất là người tín hữu Công Giáo, không thể nào quên ngày Viếng Mộ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, Anh chị Em, Họ Hàng và Người Thân trong Năm Mới.

Riêng Làng Kẻ Sặt, trong những năm gần đây, Ban Hành Giáo đã tổ chức Lễ Viếng tại Nghĩa Trang Giáo Xứ hàng năm, và mọi người trong dân làng và những người viễn xứ có dịp trở lại “Nơi Chốn Bình Yên“ của Kẻ Sặt, nơi mang một mỹ từ “ ĐẸP “  mà sau này phải đến , dù không muốn đến….. như một ngày “ hội ngộ “ với Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ mình đang yên nghỉ, để kính viếng, cầu xin tạ lỗi, thì thầm “ giao lưu trò chuyện “ với các Ngài…., dù chỉ có nén nhang thơm và cây nến nhỏ lung linh cháy sáng vói tấm lòng thành…..Và đỉnh điểm là Thánh Lễ “ Kinh nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ”, với các thành phần dân Chúa Kẻ Sặt. Đặc biệt năm nào cũng có sự hiện diện của quý Cha  “Đồng Hương” tại quốc nội hay từ  những phương trời xa xôi du học hay đang làm mục vụ tại quốc ngoại, khi có dịp về thăm quê hương, cũng chung chia niềm vui hội ngộ và “ nối vòng tay lớn” với Ông bà cha mẹ, anh chị em bên nhà với Thánh Lễ Minh Niên  ngày Mồng hai Tết, chia xẻ cảm nghĩ với mọi người hiện diện, cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, xin ơn  an bình trong Chúa cho người đã khuất, nguyện chúc an lành cho người  còn sinh tiền.

Trong buổi chiều ngày đầu Xuân, có nắng chiều nhè nhẹ và những làn gió xuân bâng khuâng chợt đến,  và hoàng hôn xa xa dần về….làm cho người người đều buồn vui  rộn rã, làm cho những tâm hồn người lữ thứ liên tưởng đến Đại thi hào Nguyễn Du, người vang danh với Tác phẩm ĐọanTrường Tân Thanh …..với câu thơ trác tuyệt lục bát :

“Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”

Cha Nguyễn Quốc Tuấn, chủng viện Vinh Thanh, trong bài tâm tình chia xẻ ngày đầu Xuân, viết trên mạng nơi phân đoạn 3 về “Sống đẹp đạo hiếu “, đã viết:

“Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm sẽ cháy mãi và bừng lên nơi tâm hồn của những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả nồng nhiệt công ơn của các đấng bậc đã sinh thành, dưỡng dục ta.

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm cho tổ tiên sẽ lan tỏa trong đời bạn, đời tôi để chúng ta luôn sống xứng với truyền thống Đức tin rạng ngời của tiền nhân.

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.

Ước mong nén hương lòng đầu năm trước người quá cố đang và sẽ thức tỉnh những ai có biểu hiện xem thường chuẩn mực đạo hiếu.

Và nguyện ước cho nén hương lòng đầu năm trước tổ tiên là tất cả tâm thành của ta hướng về Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho ta có được tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhờ sống trọn, sống đẹp Đạo Hiếu, chúng ta góp phần tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đạo Trời.”

Uớc gì mỗi người chúng ta mỗi ngày mỗi giờ đều kết hợp mật thiết với Chúa và trả lời với Chúa khi Chúa gọi: “ Lạy Chúa, này con đây…” và sự liên kết bền chặt liên lỉ ấy, mà   Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, vừa  được Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô 2 tuyên phong Hiển Thánh, từng thân thưa với Chúa rằng:.. “ Con chỉ có một giây phút đẹp nhất, là giây phút hiện tại….. Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn… Đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu phút giây đẹp nhất.”…..

Với ơn Chúa soi sáng, chúng ta sẵn sàng đáp trả: “ Lạy Chúa, con xin tin, con tin Chúa, con tin vào sự sống đời đời, con tin xác loại người ngày sau sống lại, và con tin hằng sống lại như vậy. Amen.

Lê Văn, ngày 28 tháng 10 năm  2012

(Bài trích trong DVD "Kẻ Sặt – Nơi chốn bình yên" đã đăng trên trang Hoa Mân Côi vào tháng 10 năm 2010)

Bài viết, Random

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC

15/04/2023 Kẻ Sặt
11/04/2023 Kẻ Sặt
11/04/2023 Kẻ Sặt
29/03/2023 Kẻ Sặt
27/03/2023 Kẻ Sặt
12/08/2022 Kẻ Sặt
08/06/2022 Kẻ Sặt
05/06/2022 Kẻ Sặt
05/03/2022 Kẻ Sặt
21/01/2022 Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW