Khi thanh thiếu niên gặp khủng hoảng đức tin

16-04-2021 Chức năng bình luận bị tắt ở Khi thanh thiếu niên gặp khủng hoảng đức tin by

Vào thời điểm của những biến động lớn lao mà các em đang trải qua, các em bỏ tôn giáo cũng như bỏ bình nước thánh ở nhà thờ. Là cha mẹ, chúng ta có thể làm gì để kéo các em lại? Phải buông bỏ gì? Một con đường được vạch ra, trước hết là để làm sống lại đức tin của chính mình.

lavie.fr, Stéphanie Combe, 2021-03-31

Mới đầu là em bé giúp lễ, rồi các em thích dự thánh lễ riêng, không ai thấy, xa gia đình. Cuối cùng là ngồi ở hàng ghế cuối, rồi đi ra ngoài và từ đó không muốn quay trở lại nữa… Con đường xưa cũ này làm cha mẹ buồn lòng không ít, họ tự vấn bản thân.

Đối diện với sự miễn cưỡng, bà Joëlle Éluard, tổng biên tập tạp chí tam cá nguyệt Initiales, phục vụ trong ban giáo lý cho trẻ em và người lớn, cùng đồng hành với các em tuổi vị thành niên, mời chúng ta nối lại cuộc đối thoại với các em đang chán nản.

Bà đề nghị chúng ta hỏi các con: có phải vì chán, có phải vì con không tin nữa hay không muốn đi chung với gia đình không? Và cùng con, tìm kiếm những câu trả lời phù hợp với những gì con cảm nhận: khuyến khích con tìm hiểu hơn, tìm những buổi lễ khác, để con đi một mình…

Bà giải thích: “Thánh lễ là cuộc gặp với Chúa Kitô. Có thể các em chưa làm được? Nó vuột khỏi chúng ta và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống chúng ta.” Bà xin các cha mẹ đừng có cảm giác tội lỗi: “Mỗi lần vậy, hãy đề nghị với các con và nếu các con từ chối, trấn an các con bằng lời cầu nguyện của mình.”

Sự đau lòng của một gia đình lý tưởng và cầu nguyện

Hai cô con gái tuổi vị thành niên của bà Sandrine, một cô là nghệ sĩ, một cô có cá tính  độc lập, từ khi còn ở trường trung học, đã không cầu nguyện chung với gia đình và sau đó là bỏ đi lễ. Cha mẹ đã phải “đau buồn không còn hình ảnh của một gia đình lý tưởng, đoàn kết, cầu nguyện và dấn thân…”. Bà Sandrine nhận ra điều này: “Vết thương khó chấp nhận nhất là mất đi sự hiệp nhất, ước muốn cùng nhau cầu nguyện.”

Bà Agnès Charlemagne, nhà huấn luyện những người làm công tác mục vụ, không ngần ngại vui mừng trước những giao động này: “Sự đặt lại vấn đề của các em là dấu hiệu của sức sống, một dấu hiệu cho thấy các em đang đặt câu hỏi và muốn tự mình lựa chọn.”

Bà Charlemagne là tác giả của nhiều sách đào tạo, bà cho rằng, các cha mẹ nên tránh tập trung vào việc con cái không đi lễ và tạo căng thẳng. Bà lên tiếng bảo vệ: “Ngồi xuống, đứng lên… các em cảm thấy mình như con rối, như kẻ đạo đức giả, lạc lõng. Nhưng các em chân thực. Ra lệnh là phản tác dụng.”

“Thiếu niên cần gương của cha mẹ”

Điều nghịch lý, đây không phải là ý kiến của nhà tâm lý học lâm sàng Didier Pleux, ông cho mình là người không tin, ông nhắc lại: “Một thiếu niên chưa trưởng thành, là người đang được xây dựng. Nếu cha mẹ là những chừng mực giới hạn của họ, lại buông quá sớm thì thiếu niên này có nguy cơ bị nhận chìm trong nền văn hóa hiện đại, nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân và tiêu dùng. Có nên vui với sự thay thế này không? Con người cần siêu việt.” Vấn đề thường nằm ở thực tiễn thể chế.

Ông Didier Pleux là tác giả quyển sách bán chạy Từ trẻ con vua đến trẻ con bạo chúa (De l’enfant roi à l’enfant tyran, nxb. Odile Jacob), ông nhận biết điều này: “Dĩ nhiên giữ đạo là ràng buộc! Nhưng tại sao lại bỏ việc này và giữ việc khác: học hành, thể thao, chơi nhạc, đi các sinh hoạt văn hóa? Thanh thiếu niên cần cha mẹ là gương mẫu, hiện diện và nhận trách nhiệm trong lựa chọn, trong văn hóa gia đình của họ. Họ không cần phải né tránh khi đối diện với con. Con có quyền hỏi, đưa ra ý kiến nhưng không được phản bác, vì con cái cần được giáo dục. Và đây không phải là trường hợp của đứa bé 13 tuổi… Ở tuổi trưởng thành, khi đã độc lập về tài chính, con cái có quyền quyết định mình muốn trở thành người như thế nào: giữ đạo, bất khả tri, tự do hoặc bất cứ gì.”

Tự vấn mình

Đứng trước chủ nghĩa mọi chuyện là tương đối, điều quan trọng là phải mang đến cho thanh thiếu niên các công cụ để phân định, đọc sách, gởi các con gặp các nhà thần học… Thường thường việc dạy giáo lý ngày nay không truyền được sự thông minh của đức tin và truyền một di sản không còn được công nhận. Đây là điều bà Diane tiếc cho đứa con trai 15 tuổi của mình, theo con đường của trí óc và khoa học: “Cháu không theo ban tuyên úy. Chắc chắn cháu không được nuôi dưỡng đủ, cháu cần những bài học, những câu trả lời cho những câu hỏi của mình.” Ở nhà, đứa trẻ có thể tạo bất ổn cho gia đình với các câu hỏi thích đáng của chúng.

Bà Agnès Charlemagne mời các cha mẹ giữ tính đích thực của mình: “Chúng ta đừng ngại chia sẻ xác tín của mình, nhưng cũng thú nhận những nghi ngờ, những điều chúng ta không rành…” Và đây cũng là dịp để chúng ta đặt vấn đề cho chính mình, chúng ta có đi nhà thờ vì thói quen không? Việc giữ đạo của chúng ta có phải là một sinh hoạt xã hội không? Mối quan hệ của chúng ta với Chúa có vững mạnh không? Chúng ta có dành thì giờ để đào sâu đức tin của mình, để hình thành chính mình không? Bà Ingrid, bà mẹ của 5 đứa con, nửa vui đùa, nửa cam chịu, thở dài: “Chúng  có ăng-ten để cảm nhận những mâu thuẫn của chúng ta và trở nên không khoan nhượng. Chúng ta chỉ là những người khốn khổ…”

Truyền tải không bằng lời

Bà Sandrine suy nghĩ: “Các thiếu niên nhìn hình thức để kiểm xem nội dung có vững mạnh không. Chủ yếu là ở tính nhất quán của chúng ta. Tất cả là ở đó! Cuộc sống hàng ngày, các thử thách là một lợi thế: trẻ em tìm ở đó cơ hội hoàn hảo để xác minh, đức tin của chúng không chỉ bề ngoài.”

Bà Ingrid chứng thực: “Thất nghiệp, khủng hoảng vợ chồng, mất người thân… chúng ta đã chèo chống một thời gian. Nhưng chúng ta thực sự trông cậy vào Chúa để giữ vững đức tin, để được an ủi, để tiến về phía trước.” Và con cái của họ không bị lừa, các con ca ngợi lòng quảng đại của cha mẹ khi cha mẹ kỷ niệm 25 năm đám cưới! Bà Agnès Charlemagne xác nhận: “Nếu đức tin chúng ta cắm neo, các hành vi của chúng ta cũng vậy. Vì vậy, không cần nói bất cứ gì, không cần lời nói, chúng ta truyền tải.”

Tôn trọng tiến trình của con mình

Đơn giản chúng ta sống đời sống tín hữu, chính yếu là để con sẽ trở thành. Không cha mẹ nào có thể quyết định giùm cho con. Bà Joëlle Éluard nhấn mạnh: “Chúng ta không truyền lại đức tin của mình, đó là ơn Chúa, nhưng chúng ta truyền đức tin của Giáo hội.”

Mỗi người chọn cách thích ứng với mình… Cha mẹ tôn trọng tiến trình của con, tôn trọng bề ngoài dửng dưng, thậm chí cả sự nổi loạn của con. Bà Sandrine lưu ý: “Đức tin của chúng ta được thể hiện qua hy vọng chúng ta đặt vào con cái, dù chúng ta phải buồn”, bà luôn suy gẫm dụ ngôn Người con hoang đàng trở về: “Nhiệm vụ của chúng ta là con như thế nào mình thương như thế ấy, không đánh giá qua vẻ bề ngoài, để hy vọng con trở về. Qua chúng ta, con cái cảm nhận được tình yêu không điều kiện của Chúa; lòng tốt của chúng ta đối với con thể hiện lòng tốt của Chúa Cha.”

“Đức tin không phải là một câu trả lời, đức tin là câu hỏi!”

Bà Agnès Charlemagne lấy làm tiếc: “Chúng ta đã biến tôn giáo thành loạt câu hỏi đố vui: ‘Phục sinh là gì?’, ước mong của chúng ta trở thành điều chúng ta bắt buộc. Nhưng đức tin không phải là câu trả lời, đức tin là câu hỏi!” Lời Chúa mang tính sư phạm, Ngài đã không ngừng khơi dậy ước muốn này: “Đối với con, Ta là ai? Con muốn Cha làm gì cho con? các con nói gì trên đường đi?”

Bà khẳng định: “Cha mẹ không có trách nhiệm về đức tin của con mình. Đức tin không tìm được với công thức toán học nhưng qua Chúa Thánh Thần, điều không thuộc về chúng ta! Chúng ta nên đặt nỗi sợ của mình trong lời cầu nguyện. Lo lắng không tạo ước muốn…” Phần cha mẹ là cho các con điều kiện thuận lợi để có cuộc gặp thay đổi cuộc sống.

Ông bà Ghislain và Diane nhấn mạnh vào sự hiện diện của các con tuổi vị thành niên “trong các lễ và các bí tích: Giáng sinh, Phục sinh, lễ rửa tội, đám cưới, đặt ưu tiên đến sự kiện gia đình”. Con gái của họ đi sinh hoạt hướng đạo mỗi tháng một lần. Điều quan trọng là các con gặp các bạn có đức tin cùng tuổi trong các phong trào, các buổi nhóm họp, các trại hè.

Là nhân vật chính ý thức về việc giữ đạo của mình

Bà Sandrine nói thêm: “Ngày nay, điều này thật phức tạp cho con cái chúng ta. Chúng thường đơn độc. Con gái 15 tuổi của chúng tôi không có bạn theo đạo.” Và tình trạng này có khả năng phát triển. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho Statista (2020) thì đến năm 2050, tôn giáo hàng đầu ở Pháp có thể là “không tôn giáo.”

Ở Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (Mej), thánh lễ là chủ yếu của phong trào. Ông Godefroy Cisek, người có trách nhiệm với các em từ 12 đến 15 tuổi, giải thích: Các em nhỏ tham gia một cách tự nhiên vào phong trào vì các em là nhân vật chính: đọc sách, chơi nhạc cụ, hát và dâng của lễ…” Phong trào muốn đi xa hơn nữa trong đức tin, nhưng vẫn tôn trọng lãnh vực riêng tư bí ẩn của các em, người đang xây dựng, đang dè dặt tiến.

Mỗi ngày, khoảnh khắc Stop notebook giúp chúng ta nhìn lại những việc mình làm trong ngày, suy gẫm một mình. Ông Cisek nhấn mạnh: “Đấng Kitô tự do và sống động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta không thể giam Chúa trong thánh lễ hay trong một góc cầu nguyện, chúng ta có hàng ngàn cách để cầu nguyện với Ngài.”

Trong hướng đạo, các bạn trẻ hoặc hướng về người khác qua hành động: điểm tâm thanh đạm, buổi sáng sinh thái dọn dẹp rác thải, thăm người lớn tuổi…

Giúp các bạn trẻ gặp gỡ chứng nhân

Bà Christelle Carrez, trách nhiệm với các em ở lứa tuổi từ 14 đến 16 của Trung tâm Bác ái Flatière nói: “Chúng ta đừng sợ đặt tiêu chuẩn quá cao. Là tín hữu kitô không phải chỉ có đi lễ, nhưng còn sống đức bác ái, quan tâm đến những người nghèo khổ nhất. Với Chúa, cuộc sống mang một chiều kích khác. Đức tin lớn mạnh, không ủy mị mới thu hút thanh thiếu niên!” Những người trẻ khát khao được gặp các chứng nhân.

Ông bà Guillaume và Sandrine mời bạn bè của con gái họ đến nhà ăn pizza buổi tối, trong dịp này, một số đặt câu hỏi về Chúa Giêsu với họ. Một cách tuyệt vời để họ làm chứng cho đức tin của mình. Giữ lòng tin tưởng và tăng lời cầu nguyện gấp đôi: đó là tóm tắt đầy đủ về sứ mệnh của cha mẹ. Bà Ingrid kết luận: “Tôi cầu nguyện rất nhiều cho các con để các con giữ mối liên kết này với Chúa và chúng sẽ không bao giờ tách khỏi Ngài. Chúng ta có thể tin, Chúa sẽ tìm ra những cách mới để các thanh thiếu niên biết Ngài.

Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW