Khiêm nhường và kiêu ngạo – Bài giảng Chúa nhật XXII Thường niên C

30-08-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Khiêm nhường và kiêu ngạo – Bài giảng Chúa nhật XXII Thường niên C by

Nếu Thiên Chúa khiêm nhường tự hạ, thì con người lại có xu hướng tự nâng mình lên.

Một tác giả tu đức đã khẳng định: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta luyện được đức khiêm nhường, thì đương nhiên sẽ có các nhân đức khác. Nói cách khác, trong tiến trình nên hoàn thiện, chỉ cần có được đức khiêm nhường là đủ.

Khiêm nhường là tự hạ. Đó là định nghĩa của tác giả sách Huấn Ca (Bài đọc I). Nói như thế, chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng khiêm nhường theo đúng nghĩa nhất. Ngài tự hạ khi sáng tạo con người và muôn loài muôn vật, như một tác giả đã viết: qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa giống như nước thuỷ triều, tự rút lui để nhường chỗ trống cho con người và các loài thụ tạo. Thiên Chúa còn tự hạ mình khi Ngài cúi xuống để tâm sự với con người. Những dòng tâm sự này được ghi lại trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là câu chuyện tình giữa Thiên Chúa với con người. Câu chuyện tình ấy bao gồm những “hồi”, những “pha” gay cấn, nhưng cuối cùng thì lòng thương xót của Chúa vẫn như đại dương bao trùm tất cả, kể cả tội lỗi của loài người. Thiên Chúa tự hạ một cách sâu xa nhất qua màu nhiệm nhập thể. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận loài người. Người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Người chấp nhận trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống nghèo khó, bị khinh miệt và kết án như một kẻ tội đồ.

Nếu Thiên Chúa khiêm nhường tự hạ, thì con người lại có xu hướng tự nâng mình lên. Thật là trớ trêu, tham vọng của ông bà Nguyên tổ! Ông bà đã muốn phủ nhận thân phận thụ tạo của mình để lên ngang hàng với Thiên Chúa. Ước vọng điên rồ của ông bà đã để lại hậu quả nghiêm trọng, đó là sự chết và đau khổ. Sự kiêu ngạo đã làm đổ vỡ mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và mối tương quan giữa con người với nhau. Kiêu ngạo cũng là nguyên nhân gây đổ vỡ biết bao gia đình cũng như gây nên xung đột. Thánh Luca kể lại với chúng ta, trong bối cảnh một bữa tiệc, trong khi những người biệt phái cố dò xét Chúa thì Chúa lại quan sát xem thái độ của họ. Nhân việc có nhiều người chọn chỗ sang cho mình, Chúa nói đến sự khiêm nhường tại bàn tiệc. Đương nhiên ai trong chúng ta cũng hiểu giáo huấn của Chúa không chỉ dừng lại ở chỗ ngồi ở bàn tiệc, mà còn là cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình trội nổi hơn người khác. Trong cuộc sống chung, ai cũng muốn cho lập trường của mình là nhất và cách sống của mình là mẫu mực. Qua hình ảnh chỗ ngồi tại bàn tiệc, Chúa muốn mỗi chúng ta hãy nghiêm túc suy tư về cách sống của mình trong gia đình, trong cộng đoàn và trong xã hội.

Lòng khiêm nhường đi đôi với bác ái. Vì vậy, trong phần tiếp theo của Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói đến việc mời khách dự tiệc. Thông thường, người ta đối xử với nhau theo kiểu “hòn bấc quăng đi hòn chì quăng lại”, hoặc “thả con săn sắt bắt con cá rô”, có nghĩa là cho đi chút ít với ước mong nhận lại nhiều hơn. Trong khi đó Chúa lại dạy chúng ta những chuyện “ngược đời”: cho đi mà không mong nhận lại, hoặc có nhận lại, thì đó là phần thưởng ở trên trời mai sau, vào lúc các kẻ lành sống lại.

Khi sống khiêm nhường và chuyên tâm làm việc thiện, chúng ta đã được tham dự vào đời sống vĩnh cửu ngay khi còn đang sống trên trần gian. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả đời sống của những người công chính. Họ đã tới núi Sion, thành trì của Thiên Chúa. Đây là cách diễn tả hạnh phúc và phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa trong quan niệm của người Do Thái. Tác giả đã so sánh sự khác biệt giữa núi Sinai của Cựu ước với núi Sion của tương lai. Nếu ở núi Sinai, người Do Thái vừa ra khỏi Ai Cập được chứng kiến sấm chớp, mây mù, giông tố, thì ở núi Sion, họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa hằng sống. Họ cũng được chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Đấng đã hạ mình sống thân phận con người và được Thiên Chúa đặt làm trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ý thức được như thế, cuộc đời chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, vì dầu còn nhiều khó khăn gian khổ, chúng ta được sống trong tình thương của Chúa và hiệp thông với tất cả những ai yêu mến Ngài.

Một tác giả đã viết: “Có người thường xuyên bực bội than vãn cho rằng đất trước mặt mình chật chội quá. Nếu người ấy lui lại đàng sau một vài bước, sẽ thấy đất đằng trước mình rộng lớn hơn”. Người ta cũng thường nói: “Kiêu ngạo đến mấy cũng chẳng đủ, kiêm nhường bao nhiêu cũng chẳng thừa”. Vâng, nếu chúng ta biết sống khiêm tốn, cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn, tình yêu thương sẽ triển nở và mọi người sẽ sống thân thiện chan hòa.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW