Khiêm tốn làm đầu – Bài giảng Chúa nhật XXII mùa Thường niên C
Từ việc sắp xếp chỗ ngồi trong một bữa tiệc, Chúa dạy chúng ta hãy khiêm tốn để nhận mình là ai trong cuộc sống mênh mông này. Có thể chúng ta giỏi giang về một lãnh vực nào đó, nhưng trong xã hội lại có người giỏi hơn chúng ta. Chúng ta chủ quan nghĩ mình là người xứng đáng ngồi chỗ nhất, nhưng trong thực tế, có người khác xứng đáng với chỗ đó hơn.
Thánh Luca nhấn mạnh đến bối cảnh của trình thuật: đó là khung cảnh một bữa tiệc. Chúa Giêsu là một khách mời. Từ chỗ ngồi của mình, Chúa quan sát và cất lời giáo huấn. Như thế, lời giảng dạy của Chúa Giêsu dựa trên một sự việc cụ thể để rút ra những kết luận cho đời sống của những ai tin và đi theo Người. Một trong những nội dung chính của các Bài đọc trong Phụng vụ hôm nay là lời mời gọi hãy khiêm nhường.
Lời phê phán của Chúa “trúng phoóc” lối suy nghĩ thông thường của chúng ta. Trong truyền thống xã hội Việt Nam, thời phong kiến cũng như thời nay, “một miếng giữa làng còn hơn một sàng góc chợ”. Vị trí chỗ ngồi khi dự tiệc rất quan trọng vì nó khẳng định đẳng cấp và vai vế của thực khách. Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng vậy, những bậc vị vọng hay những người Pharisiêu và kinh sư luôn được đánh giá theo chỗ ngồi.
Từ việc sắp xếp chỗ ngồi trong một bữa tiệc, Chúa dạy chúng ta hãy khiêm tốn để nhận mình là ai trong cuộc sống mênh mông này. Có thể chúng ta giỏi giang về một lãnh vực nào đó, nhưng trong xã hội lại có người giỏi hơn chúng ta. Chúng ta chủ quan nghĩ mình là người xứng đáng ngồi chỗ nhất, nhưng trong thực tế, có người khác xứng đáng với chỗ đó hơn. Để người ta mời xuống thì quả là xấu hổ. Chi bằng cứ chọn chỗ khiêm tốn để người khác lượng giá tài nghệ thật của mình. Jean Jacques Rousseau, một triết gia người Pháp đã viết: “Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói ít”. Tiếc thay, trong xã hội, vẫn có những người thao thao bất tuyệt bằng những ngôn từ hoa mỹ mà thực tế khả năng lại chẳng đáng một xu.
Cũng cùng một nội dung chính là mời gọi sống khiêm nhường, Sách Huấn Ca (Bài đọc I) đã đưa ra những lời khuyên rất thiết thực cho mọi bậc sống, nhất là đối với những người lãnh đạo: “Càng làm lớn con càng phải tự hạ”. Theo tác giả, khiêm nhường đem lại cho ta niềm vui, kiêu ngạo mang đến bất hạnh. Khiêm nhường đi liền với khôn ngoan, kiêu ngạo đi đôi với ngu dốt. Khiêm nhường giúp ta suy nghĩ chín chắn để có những nhận định và ngôn từ thích hợp, kiêu ngạo dễ làm chúng ta vấp ngã vì những phát ngôn nóng nảy vội vàng.
“Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”, câu nói này cho thấy tính cần thiết của một cuộc sống khiêm tốn trong cách đối xử với nhau. Thánh Tôma Aquino viết : « Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”. Theo Thánh Tôma, trong cách đối xử với tha nhân, chỉ có sự khiêm nhường đích thực khi cách đối xử ấy được thực hiện “vì Thiên Chúa”. Như thế, khi dựa trên Đức Tin, chúng ta sẽ làm cho sự khiêm tốn ấy tăng giá trị. Bởi lẽ vì Chúa mà chúng ta chấp nhận thiệt thòi về danh dự, của cải và những giá trị tinh thần vật chất khác. Điều này được chứng tỏ trong phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói với chính chủ nhà đã mời Người về những đối tượng cần mời khi đãi tiệc. Đó là những người nghèo khó, tàn tật, què quặt đui mù. Xem ra điều này khó chấp nhận trong cuộc sống đời thường. Chúng ta có thể hiểu đó là những bữa ăn từ thiện hay là những cuộc viếng thăm người nghèo và tặng quà vì bác ái. Điều Chúa muốn nhấn mạnh là thái độ cho đi mà không chờ đền đáp. Trong mối tương quan đời thường, người ta hay tặng, cho nhau với mục đích “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, tức là người ta mong mình sẽ được bù lại nhiều hơn điều mà mình đã cho đi. Chính dựa trên Đức Tin mà chúng ta có thể ban tặng cho anh chị em mình một cách vô vị lợi, vì chúng ta xác định mọi sự là của Chúa ban cho chúng ta. “Anh em hãy lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”.
“Khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường” (Henry Frédéric Amiel). Nói đến khiêm nhường, ta thường nghĩ đến sự hạ mình trước người khác. Khiêm nhường còn được hiểu là sự khiêm tốn với chính bản thân, tức là không tự đánh giá mình quá cao. Tự khiêm nhường, đó còn là những cố gắng để vươn lên, ham học hỏi và tích lũy cho mình những kiến thức và kinh nghiệm để có thể trưởng thành trên đường đời.
Lão Tử lấy hình ảnh nước để nói về sự khiêm tốn: “Bậc trọn lành giống như nước. Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nền gần Đạo” (Đạo Đức Kinh, chương 8). Bậc thánh nhân cũng phải như vậy, phải sống cuộc đời khiêm cung từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, có như thế mới gần Đạo gần Trời.
Kiêu ngạo bao nhiêu cũng không đủ, khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa. Con người mang trong mình sự kiêu ngạo vốn có từ thời tổ tông. Chính vì thế mà lời Chúa kêu gọi trong Tin Mừng vẫn mang tính thời sự với mỗi chúng ta. Nên thánh, suy cho cùng, cũng là đạt tới sự khiêm nhường đích thực trước mặt Chúa và đối với tha nhân.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org