“Kiếm tìm Thánh ý Chúa”- Bài giảng Lễ Thánh Gia năm C
Đức Giêsu Kitô đến trần gian để thực thi ý Chúa Cha. “Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Chúa”. Trong suốt cuộc sống của Chúa Giêsu ở trần gian, Người luôn thi hành Thánh ý của Chúa. Thánh ý Chúa Cha là lương thực của Người.
“Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”. Đời sống người Kitô hữu cốt lõi ở việc kiếm tìm Thánh ý Chúa, để thi hành ý Ngài, để ý của Ngài được thực hiện. Sống đúng như ý Chúa muốn, cuộc đời chúng ta sẽ hạnh phúc và bình an. Làm thế nào để thực thi ý Chúa, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng và học hỏi nơi các nhân vật được diễn tả trong Tin mừng lễ Thánh Gia hôm nay.
Đức Giêsu Kitô đến trần gian để thực thi ý Chúa Cha. “Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Chúa”. Trong suốt cuộc sống của Chúa Giêsu ở trần gian, Người luôn thi hành Thánh ý của Chúa. Thánh ý Chúa Cha là lương thực của Người. Kể vào giờ phúc bi đát trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu mặc dù run sợ trước chén đắng, nhưng Người cũng thưa với Chúa Cha: xin hãy theo ý Cha, đừng theo ý con. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể với chúng ta, vào một dịp lễ, Chúa Giêsu đã ở lại trong Đền Thờ. Sự kiện này gây ngỡ ngàng đối với những người hiện diện lúc đó: một bên là những bậc thày uyên thâm; bên kia là cậu bé 12 tuổi. Chúng ta không biết nội dung những câu hỏi tranh luận hôm đó là gì, nhưng những bậc uyên thâm tầm cỡ, cộng với nơi chốn diễn ra cuộc tranh luận (Đền thờ Giêrusalem) cho thấy đó phải là những đề tài rất nghiêm túc. Giuse và Maria, khi chứng kiến cảnh này, đã “sửng sốt”. Hai ông bà sửng sốt không phải vì vui mừng gặp lại con, cho bằng sửng sốt trước sự kiện con mình mới 12 tuổi mà lại tranh luận với các bậc thầy khôn ngoan thông thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu với hai ông bà đã nói lên mục đích việc ở lại trong Đền thờ của Người: đó là để làm công việc của Chúa Cha. Như vậy, công việc của Chúa Cha luôn là bận tâm hàng đầu của Người.
Việc Chúa Giêsu luôn tìm Thánh ý Chúa Cha cũng được thể hiện trong tâm tình vâng phục đối với thánh Giuse, người cha nuôi, và Đức Trinh nữ Maria, người mẹ đã sinh hạ Người. Trong một đoạn văn ngắn, thánh Luca diễn tả Đức Giêsu là người “làm bổn phận ở nhà Cha”, vừa “hằng vâng phục ông bà” (thánh Giuse và Đức Maria). Sự quy hướng về Chúa Cha và lòng yêu mến đối với cha mẹ mỗi ngày một lớn lên nơi Chúa Giêsu.
Về phần thánh Giuse và Đức Trinh nữ Maria, các ngài tất tả ngược xuôi để tìm cậu bé Giêsu. Gặp lại Chúa Giêsu sau ba ngày xa cách, Ông Bà càng hiểu rõ thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu. Vì vậy, Ông Bà cũng đón nhận sự kiện lạc mất rồi tìm thấy con trong sự thành kính trước Thánh ý Chúa. Riêng Đức Trinh nữ Maria, thánh Luca ghi lại: Bà hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng.
Ba nhân vật mà chúng ta đã chiêm ngắm và suy tư trên đây là người cha, người mẹ và người con, tức là những thành viên của một gia đình. Gia đình này được gọi là Gia Đình Thánh, hay Thánh Gia. Gia Đình này là gương mẫu cho các gia đình của chúng ta. Một gia đình chỉ hạnh phúc và bình an khi tất cả mọi thành viên đều biết tìm Ý Chúa để thực hành. Sự thành tâm tìm Thánh Ý Chúa cũng đi đôi với tâm tình lắng nghe nhau, để cùng nhau phân định đâu là Ý Chúa.
Bà Anna trong Cựu ước là một người mẹ. Son sẻ và cao niên, bà cầu nguyện liên lỉ cùng với chồng mình là Encana và Chúa đã ban cho ông bà một người con. Người con ấy là ngôn sứ Samuen sau này. Ông sẽ là vị lãnh đạo của dân Israen trước thời quân chủ. Khi đem con dâng trong Đền thờ Thiên Chúa tại Silô, bà Anna tuân giữ lời hứa với Chúa, khi bà đến cầu nguyện xin Chúa ban cho sinh con. Bà là người mẹ đạo đức, có lòng tín thác sâu xa nơi quyền năng của Thiên Chúa. Lòng tín thác của bà đã được Chúa thưởng công và bà đã đạt được điều ước nguyện.
Hai cặp vợ chồng được nhắc tới trong Phụng vụ Lời Chúa của lễ kính Thánh Gia. Họ là những mẫu gương cho những người cha người mẹ. Gia đình Việt Nam hôm nay đang bị lung lay trước cơn lốc hưởng thụ và sự ích kỷ của con người. Nhiều gia đình đã tan vỡ. Nhiều mái ấm đã trở thành quán trọ. Bạo lực tràn lan trong đời sống gia đình, mà các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình biết tìm lại vai trò của mình: gia đình là tổ ấm yêu thương; gia đình là trường học đầu tiên; gia đình là tế bào của xã hội; và, đối với người Công giáo, gia đình còn là Giáo Hội tại gia. Nói đến Giáo Hội tại gia, tất cả những ý nghĩa về Giáo Hội chúng ta đều có thể tìm thấy nơi gia đình: Nếu Giáo Hội được coi như là Bí tích phổ quát của ơn Cứu độ, thì gia đình cũng là nơi chúng ta tìm được ơn Cứu rỗi. Gia đình là nơi con người tìm được niềm vui, và gia đình là nơi Thiên Chúa ngự trị.
Lạy Thánh Gia ở Nagiarét, xin cầu cho chúng con!.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org