Kiên nhẫn trong gian khổ để chờ ngày Chúa đến
Chúng ta đang tiến gần đến ngày lễ Noel. Bầu không khí lễ hội dường như đã lan tỏa khắp nơi nơi từ trong các giáo xứ đến ngoài đường phố và các cửa tiệm. Có thể nói, tại Tây Phương, Noel phá tan không khí ảm đạm của mùa động lạnh giá và tăng thêm vẻ sinh động cho cuộc sống vì làm cho con người không bị tẻ nhạt bởi sự lặp đi lặp lại nếp sống thường nhật trong suốt một năm qua. Thật là thiếu sót nếu quên đi nhân vật chính của ngày lễ và sứ điệp chính yếu của ngày này. Riêng đối với Kitô hữu, Mừng Chúa sinh ra không thể không sống tâm tình Mùa Vọng trước đó.
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị để mừng lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Con Chúa sinh xuống làm người. Tự bản chất, vọng có nghĩa là mong đợi. Sống trong đợi chờ bao giờ cũng kèm theo niềm hy vọng. Nuôi dưỡng niềm hy vọng là trông đợi một tương lai tươi đẹp hơn so với thời điểm hiện tại của cuộc sống. Tương lai ấy là điều sẽ phải đến chứ không phải là một cái gì mơ mộng hão huyền nhằm quên đi những thực tại đầy bất trắc và gian nan.
Đây là một nền tảng vững chắc để chúng ta đứng vững giữa bao nhiêu thăng trầm của trong dòng chảy của cuộc đời. Để được như vậy, chúng ta cần phải xem xét lại tất cả mọi mặt trong cuộc sống của mình nhằm xây dựng hướng đi vững bền cho mình. Chúng ta cần đặt lại những câu hỏi để xác định mối liên hệ của mình với Đức Giêsu và để ý thức sự hiện diện của Ngài xuyên suốt cuộc đời mình. Ngài là ai trong cuộc đời của tôi ? Ngài mang đến cho nhân loại và cho cá nhân tôi những gì ? Tại sao tôi lại phải đón tiếp Ngài trong cuộc đời của mình ? Tại sao tôi lại đặt niềm tin tưởng và hy vọng nơi Người ? Đâu là thái độ tôi cần có để đón chờ ngày giờ Ngài đến vào cuối cuộc đời của tôi ?
Các bài đọc và bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống trọn vẹn tâm tình chờ mong ngày Chúa đến khai mở triều đại của Đấng Mêssia trong kiên tâm bền trí giữa những thử thách với một tinh thần chủ động và khát khao mong mỏi, đặc biệt là qua tấm gương mẫu mực của thánh Gioan Tẩy Giả, người đã được trao phó nhiệm vụ dọn đường cho Chúa đến.
1. Hãy can đảm lên
Trước hết, bài đọc thứ nhất trích trong sách tiên tri Isaia hướng dân Thiên Chúa đến ngày mai tương sáng trong thời kỳ Chúa đến và ban ơn cứu độ. Ngày đó sẽ là ngày vui mừng hoan hỷ. Ngày Người biểu lộ vinh quang của mình. Tất cả con người và cảnh vật được thay đổi theo chiều hướng tích cực: « Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non ». Ngày ấy, Thiên Chúa cũng chữa lành khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và giải thoát khỏi ách nô lệ, mở ra một triều đại của niềm hoan lạc bất tận: « Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa ».
Ngày đó sẽ đến. Đó là lời khẳng định chắc chắn của ngôn sứ Isaia. Do đó, dù trong hoàn cảnh bi đát, dân Chúa được hướng đến một tương lai huy hoàng. Tất nhiên, họ không thể chờ đợi ngày đó cách thụ động mà cũng phải đóng góp tích cực phần của cá nhân mình nữa: « Hãy can đảm lên và đừng sợ hãi ». Như vậy, việc trông đợi ngày cứu độ của Thiên Chúa tiếp thêm sức mạnh cho dân Thiên Chúa và giúp họ cản đảm đứng thẳng dậy để đối diện với các thử thách hiện tại ngõ hầu đi đến một tương lai đầy hy vọng đang đợi họ ở phía trước.
2. Bền chí trong gian khổ
Chờ đợi ngày cứu độ bằng thái độ can đảm không sợ hãi, thánh Giacôbê còn khích lệ Kitô hữu cần trang bị cho mình một tinh thần kiên tâm. Ngài đã dùng hình ảnh người nông dân chờ đợi ngày mùa đến để tận hưởng những thành quả lao động của mình trong sự kiên trì. Qua đó, thánh nhân nhấn mạnh rằng, ngày của Chúa sắp đến gần và chúng ta cần phải sống theo gương các tiên tri: « Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa ». Như vậy, kiên nhẫn trong gian khổ là quãng đường cần phải đi qua để tiến đến đích điểm là ngày của Thiên Chúa cứu độ. Có thể nói đây là cái giá cần thiết để được chung hưởng niềm vui trong vinh quang cùng các tôi tớ của Thiên Chúa. Điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, nhất là trong những thời điểm khó khăn và đen tối thì ở đó vẫn có nguồn ánh sáng hy vọng để dẫn đưa chúng ta đến với một tương lai tương sáng đang chờ đợi ở phía trước.
3. Theo gương Gioan Tẩy Giả
Kiên tâm chờ đợi trong gian khổ mà thánh Giacôbê đề cập đến trong thư của mình có đưa ra gương chứng nhân của các tiên tri, mà cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay có nêu ra trường hợp điển hình của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đã được Thiên Chúa trao sứ mệnh dọn đường cho Đức Giêsu Kitô. Ông đã sống hết mình với sứ mệnh này bằng trọn vẹn cuộc đời và sức lực của mình. Nay bị tống giam chốn ngục tù, ngài cũng chẳng hề nao núng và đã phái môn đệ của mình đến gặp gỡ Đức Giêsu: « Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác? ». Chúng ta thử điểm qua một vài nét chính trong cuộc đời con người này.
Trước hết, ông đã dành ra một thời gian dài sống ẩn dật trong hoang địa bằng một cuộc sống rất khắc khổ với lương thực nuôi thân là mật ong rừng và châu chấu, với của mặc bằng lông lạc đà và dây thắt lưng làm bằng da. Chính Đức Giêsu đã ca ngợi ông trong bài Tin Mừng hôm nay khi dùng hình ảnh « một cây sậy phất phơ trong gió nơi hoang địa ». Có thể nói, thời gian chuẩn bị cho sứ mệnh được bắt đầu chính bằng việc xem xét lại đời mình trong mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Từ đó, Gioan mới có thể giới thiệu Đấng phải đến nhân danh Thiên Chúa cho con người thuộc thời đại ông sống.
Để chuẩn bị cho dân chúng tâm hồn đón Đấng Mêssia, Gioan Tiền Hô đã kêu gọi sám hối và khuyên mỗi người sống đúng với ơn gọi và hoàn thành bổn phận của mình, với tư cách là người thu thuế, binh sĩ và dân thường… Lời kêu gọi mà ông đưa ra thật là khẩn thiết và thúc giục mọi người cần phải thi hành ngay, vì « cây rìu đã kề sẵn bên gốc cây ». Như vậy, sám hối là thái độ cần có để chuẩn bị đón ngày Chúa đến.
Nhìn vào cuộc sống của Gioan, chúng ta còn thấy ông dám sống và chết cho sứ mệnh của mình bằng cách luôn bảo vệ sự thật cho đến cùng. Vì ngăn cản vua Hêrôđê không được lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh trai mình là Philipphê (x. Mc 6, 17), ông đã bị tống giam trong ngục. Sau đó còn phải trả giá bằng chính cả mạng sống của mình.
Suốt trong Mùa Vọng, khuôn mặt Gioan Tẩy Giả được Tin Mừng nhắc đến như là tiếng kêu để sửa đường cho Chúa đến. Các đồi núi cần được san cho bằng phẳng, đường quanh co phải được uốn cho ngay thẳng. Tiếng kêu của ông thôi thúc dân chúng nhìn nhận lại lỗi lầm thiếu sót của mình để thay đổi đời sống. Chính ông là mẫu gương tuyệt vời của sự trông chờ ngày Chúa đến qua một cuộc sống đầy thuyết phục : từ lúc ẩn dật cho đến lúc thi hành sứ mạng và sau cùng là dám chết để bênh vực cho sự thật.
Với tấm gương sống động này, thánh Giacôbê mời gọi chúng ta ngày hôm nay tiếp tục học hỏi và bắt chước. Chính Đức Giêsu cũng đã ca ngợi ông như là người cao trọng nhất từ trước đến nay. Trong cuộc sống, vẫn có những thử thách và khó khăn, ước gì mỗi người chúng ta luôn thấm nhuần Lời Chúa hôm nay để đứng vững trong các thử thách bằng thái độ kiên tâm trong gian khổ, bằng một tinh thần không biết sợ hãi, để hướng đến một tương lai huy hoàng mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến và sẵn sàng thực thi thánh ý của Người.
Ngày 12 tháng 12 năm 2013
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng (13/12/2013)