“Kính mừng Maria” – Bài giảng Lễ Mân Côi

04-10-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở “Kính mừng Maria” – Bài giảng Lễ Mân Côi by

Tuy vậy, kinh Mân Côi không dừng lại với Đức Trinh nữ Maria, mà còn dẫn đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Hai mươi mầu nhiệm, diễn tả trọn vẹn cuộc đời Chúa Cứu thế, trong mọi biến cố vui, buồn, vinh quang, đau khổ. Vì vậy, kinh Mân Côi chính là cuốn Phúc âm tóm gọn, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định.

“Vườn Rôsa bao quanh trái đất, cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền. Thử suy cùng cho tới căn nguyên, xem ai đã gây nên vậy tá?”. Lời kinh Mân Côi kể với chúng ta lịch sử Giáo Hội, với những gian nan thử thách vào thế kỷ 13, khi có những bè rối chủ trương sai lạc về giáo lý cũng như về cách sống. Những sai lạc này làm rạn nứt sự hợp nhất trong Giáo Hội. Với lời cầu nguyện của thánh Đaminh, Đức Trinh nữ Maria đã chỉ ra một con đường giúp vãn hồi trật tự trong Giáo Hội, đó là cầu nguyện qua kinh Mân Côi. Sau những tháng ngày “cỏ rả mê man” trong vườn thiêng Giáo Hội, Đức Mẹ đã can thiệp, Tràng hạt Mân Côi đã giúp Giáo Hội tìm lại sự bình an và hiệp nhất. Ngày hôm nay cũng vậy, nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, Chúa sẽ gìn giữ Giáo Hội. Ngày 1-10 vừa qua, Đức Thánh Cha ngỏ lời kêu gọi các tín hữu trên thế giới hãy cầu nguyện với kinh Mân Côi để Giáo Hội được bình an và được chữa lành trong bối cảnh đau thương do những vụ lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực mà thủ phạm là các giáo sĩ.

Trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta thường nói: lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Thiết tưởng câu nói đó không sai, vì mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc 10 lần kinh Kính mừng, là lời Sứ thần Gabrien chào Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Tuy vậy, kinh Mân Côi không dừng lại với Đức Trinh nữ Maria, mà còn dẫn đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Hai mươi mầu nhiệm, diễn tả trọn vẹn cuộc đời Chúa Cứu thế, trong mọi biến cố vui, buồn, vinh quang, đau khổ. Vì vậy, kinh Mân Côi chính là cuốn Phúc âm tóm gọn, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định. Trước đây, chúng ta vẫn quen đọc câu khởi đầu của ngắm Mân Côi: “Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui, thứ nhất thì ngắm…”. Câu này ngày nay không còn đọc nữa. Tại sao lại có chữ “Ngắm tắt”, bởi đáng lẽ phải đọc một đoạn Phúc âm hay một đoạn suy niệm về mầu nhiệm sắp được suy ngắm. Vì muốn thu gọn lại, người ta bỏ đoạn Phúc âm hay đoạn suy niệm đó, nên chỉ đọc cách vắn tắt: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Chính phương pháp “vắn tắt” này đã làm cho nhiều người không chú ý, thậm chí coi nhẹ phần Lời Chúa trong kinh Mân Côi.

Trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, ta thấy Đức Mẹ xuất hiện ở ngắm thứ nhất mùa Vui rồi ở ngắm thứ năm mùa Mừng, là hai mầu nhiệm đầu tiên và kết thúc của kinh Mân Côi. Ở ngắm thứ nhất mùa Vui, Đức Mẹ được diễn tả trong tư thế khiêm nhường đón nhận sứ thần của Thiên Chúa và lời mời gọi của Ngài. Ở ngắm thứ năm của mùa Mừng, Đức Mẹ được diễn tả trong trạng thái vinh quang tỏa sáng, như phần thưởng cao quý mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, vì suốt đời Mẹ đã vâng phục yêu mến Ngài. Như thế, trọn đời Đức Mẹ đều sống trong sự phó thác tin cậy nơi Chúa. Mẹ là gương mẫu cho đời sống của chúng ta.

Trong một vài mầu nhiệm Mân Côi khác, mặc dù Đức Mẹ không được nhắc tới cách cụ thể và trực tiếp, nhưng chúng ta tin Đức Mẹ luôn hiện diện với Con của mình. Mẹ hiện diện bên Chúa Giêsu vừa với tình mẫu tử thân thương, vừa với thái độ của người môn đệ, chuyên tâm lắng nghe lời giáo huấn của Người. Thánh Luca viết: “Còn bà Maria thì lắng nghe những lời ấy và suy niệm trong lòng”. Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu khi thấy đoàn dân chúng đông đảo kéo đến với Người để đón nhận Lời hằng sống. Mẹ cũng xót xa khi thấy Đức Giêsu bị chống đối và khước từ. Mẹ đau khổ trên con đường thập giá của Chúa Giêsu, và đứt từng khúc ruột khi con mình đánh đòn nát tan, thân xác biến dạng và đẫm máu. Đau thương nhất là giờ phút Chúa Giê-su hấp hối. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, âm thầm hy sinh, thông phần đau khổ với Con mình, để xin ơn Cứu độ cho thế gian. Kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng, suy niệm và cầu nguyện với Đức Mẹ, để mỗi chúng ta sống các mầu nhiệm ấy trong chính cuộc sống hôm nay. Mỗi chúng ta đang trải qua những biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng, như Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta xin Chúa thêm sức và cùng vác thánh giá với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Chúng ta cũng xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta, an ủi nâng đỡ khi gánh nặng cuộc đời làm chúng ta gục ngã. Nhờ ơn Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, chúng ta có thể chỗi dậy sau khi vấp ngã, can đảm lạc quan tiếp tục bước đi trong niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa.

Tràng hạt Mân Côi đơn sơ là thế, mà lại có sức mạnh diệu kỳ. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã quả quyết, đây là lời kinh mà ngài thích nhất. Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống đã sáng tác một bài thánh ca với tựa đề “Sao em không lần chuỗi” rất ý nghĩa. Đây là lời mời gọi hãy lần hạt lúc vui cũng như lúc buồn, buổi sáng cũng như buổi chiều, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, lúc thành công cũng như khi thất bại, tuổi trẻ cũng như tuổi già… Nói tóm lại, lời kinh Mân Côi thấm đượm cuộc đời của người tín hữu trong mọi hoàn cảnh, giúp họ tìm thấy sức mạnh và niềm vui trong cuộc đời.

Kinh Mân Côi là “Chuỗi ngọc lời kinh” của tình yêu mến, hiếu thảo, cậy trong mà người tín hữu dâng kính Đức Mẹ. Chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội thể hiện tâm tình con thảo đối với Đức Trinh nữ trong tháng Mười này. “Mến Mẹ thiết tha, hồn ta chắc rỗi!”. Đó là khẳng định của Thánh Berchmans. Thánh Gioan Maria Vianey cũng viết: “Trái tim Mẹ Maria rất yêu dấu chúng ta, đến nỗi bên trái tim Mẹ, hết các trái tim người mẹ hợp lại chỉ là một tảng nước đã lạnh ngắt”.

Xin Mẹ Mân Côi chúc lành cho chúng con. Amen.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW