Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật 27-11-2016
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật thứ I Mùa Vọng, ĐTC mời gọi các tín hữu luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật thứ I mùa vọng năm C về sự tỉnh thức chờ đón Chúa đến. Ngài nói với khoảng hơn 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô:
”Hôm nay trong Giáo Hội bắt đầu một năm phụng vụ mới, nghĩa là một hành trình mới trong đức tin của dân Chúa. Và như mọi khi, chúng ta luôn bắt đầu bằng Mùa Vọng. Bài Phúc Âm (Xc Mt 24,37-44) dẫn chúng ta vào trong một trong những đề tài xúc tích nhất của Mùa Vọng, đó là ”cuộc viếng thăm của Chúa nơi nhân loại”. Cuộc viếng thăm đầu tiên diễn ra với sự Nhập Thể, giáng sinh của Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem; lần thứ hai diễn ra trong hiện tại: Chúa liên tục viếng thăm chúng ta, mỗi ngày, Ngài bước đi cạnh chúng ta và đó là một sự hiện diện an ủi; và sau cùng sẽ có cuộc viếng thăm chung kết, mà chúng ta tuyên xưng mỗi lần khi chúng ta đọc kinh Tin Kính: ”Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và người chết”. Ngày hôm nay Chúa nói với chúng ta về cuộc viếng thăm cuối cùng của Ngài, cuộc viếng thăm sẽ diễn ra vào thời sau hết, và nói với chúng ta về con đường chúng ta sẽ bước vào.
Lời Chúa làm nổi bật sự tương phản giữa diễn tiến bình thường của sự việc; những việc thông thường hằng ngày, và việc Chúa đến bất ngờ. Chúa Giêsu nói: ”Cũng như trong ngày trước lụt hồng thủy, họ ăn uống, lấy vợ lấy chồng, cho đến ngày Ông Noel vào tàu, họ chẳng nhận thấy gì cả cho đến khi lụt đến và đảo lộn tất cả” (vv.38-39). Điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta khi nghĩ đến những giờ trước một tai ương lớn: tất cả làm những công việc bình thường mà không nhận thấy cuộc sống của họ sắp bị đảo lộn. Tin Mừng không muốn làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng mở chân trời của chúng ta hướng về chiều kích mai hậu, rộng lớn hơn, một đàng tương đối hóa những việc thường nhật, nhưng đồng thời làm cho chúng trở nên quí giá, quyết định. Tương quan với ”Thiên Chúa Đấng sắp đến viếng thăm chúng ta” mang lại cho mỗi cử chỉ, mỗi sự việc một ánh sáng khác, một chiều kích khác, một giá trị biểu tượng.
Từ viễn tượng đó, có một lời mời hãy sống tiết độ, đừng để mình bị thống trị vì những sự việc đời này, những thực tại vật chất, nhưng đúng hơn hãy chế ngự chúng. Trái lại nếu chúng ta để cho mình bị ảnh hưởng và bị những sự việc ấy đè bẹp, thì ta không thể nhận thấy có một cái gì quan trọng hơn nhiều; đó là cuộc gặp gỡ chung kết với Chúa Đấng đến vì chúng ta. Trong lúc,như Tin Mừng nói, ”hai người ở ngoài đồng, một người bị đưa đi và người kia để lại” (v.40). Đó là một lời mời gọi hãy tỉnh thức, vì ta không biết giờ nào Chúa đến, cần phải luôn luôn sẵn sàng ra đi.
ĐTC nhận xét rằng: ”Trong Mùa Vọng này, chúng ta được kêu gọi mở rộng chân trời tâm hồn chúng ta, hãy để cho mình được ngạc nhiên về cuộc sống đang diễn ra trước chúng ta mỗi ngày với những mới mẻ. Để làm điều đó cần học cách không lệ thuộc những an ninh của chúng ta, những khuôn khổ được củng cố, vì Chúa đến trong giờ chúng ta không ngờ. Ngài đến để dẫn đưa chúng ta vào trong một chiều kích đẹp hơn và lớn hơn.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Đức Mẹ là Đức Trinh Nữ của Mùa Vọng giúp chúng ta đừng coi mình là sở hữu chủ cuộc sống chúng ta, đừng kháng cự lại khi Chúa đến để thay đổi cuộc sống, nhưng sẵn sàng để cho Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài là vị khách được mong đợi và quí chuộng cho dù Ngài đảo lộn các chương trình của chúng ta.”
Sau phép lành, ĐTC cho biết ngài cầu nguyện cho nhân dân Trung Mỹ, nhất là tại Costa Rica và Nicaragua, bị cuồng phong, và nhất là Nicaragua bị động đất. Ngài nói: Tôi cũng cầu xin cho dân chúng ở miền bắc Italia đang đau khổ vì lụt lội.
ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương, những người đến từ Italia và các nước khác, nhất là từ Liban, Ai Cập, Slovak, và ca đoàn giáo phận Limburg ở Đức.
ĐTC cầu chúc tất cả mọi người chúa nhật tốt đẹp và hành trình Mùa Vọng sốt sắng. Ước gì đây là một mùa hy vọng, hy vọng đích thực, dựa lên lòng trung tín của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: vietvatican.net