Kỷ niệm 40 năm xây dựng Thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt
Đã gần sáu thập niên trên cuộc hành trình về phương Nam xa xôi, do hoàn cảnh khách quan của lịch sử, hay nói khác đi, trải qua gần 60 năm xa rời chiếc nôi ấm áp thân thương, là làng Tráng Liệt Miền Bắc, nơi tổ tiên ông bà, cha mẹ và anh em bà con thân thuộc, đã bao đời gắn bó buồn vui sinh sống, với vô vàn thăng trầm trong cuộc đời… Có những ngày huy hoàng như bình minh tỏa sáng, có những lúc u buồn tựa đêm đen huyền hoặc, và có những giờ khắc đầy gian nan khốn khó, như trong cơn giông bão, với quá khứ đau thương của tổ tiên Làng Kẻ Sặt… đã tạo dáng cho người và đất Làng Sặt biết bao điều muốn nói.
Rồi khi chiêm nghiệm lại quá khứ, để vững bước trên con đường tương lai, dân Làng Kẻ Sặt lại cảm nhận tỏ tường niềm xác tín: “Mọi sự đều là Thánh Ý và tất cả đều là Hồng ân.”
Hố Nai, cách đây hơn nửa thập niên, là vùng đất hoang sơ miền Nam chưa được khai phá, và con dân Làng Kẻ Sặt như đựơc dẫn dắt vào hoang địa, nhiều người với đôi bàn tay trắng, nhưng có lòng tin tưởng của những người hăng say đi mở cõi, khai phá vùng đất mới để lập nghiệp. Và ngàynay, Làng Kẻ Sặt đang mang một diện mạo mới: trẻ trung, năng động và hiện đại, mà hôm nay, Thánh Đường Kẻ Sặt kỷ niệm 40 năm xây dựng và tôn tạo thêm… nhưng vẫn đậm đà truyền thống của tổ tiên Làng Tráng Liệt, có Kẻ Sặt Miền Bắc là quê hương Mẹ yêu dấu, cách xa gần hai ngàn cây số, mà con tim người Kẻ Sặt tha hương Miền Nam luôn nhung nhớ tìm về quê cũ.
Nhìn qua địa thế trong góc cạnh địa lý, Làng Kẻ Sặt tọa lạc ngay bên quốc lộ 1, cách Thành phố Biên Hòa 7km về hướng Tây; song song với phía Nam là xa lộ Hà Nội, cách Sài Gòn khoảng 40km; hướng Đông cách Long Khánh chừng 40km… và Thánh đường Kẻ Sặt, tiền diện xây dựng hướng thẳng về quê Mẹ Miền Bắc, như nhắc nhở con dân Làng Tráng Liệt Kẻ Sặt Miền Nam hướng về nguồn cội, với biết bao kỷ niệm ngọc ngà không thể nào quên được.
Như thế, Giáo xứ Kẻ Sặt có tọa độ ngay trên trục kinh tế trọng điểm Bắc – Nam, hay nói cách khác, là ngã ba của giao thương, giữa Biên Hòa – Sài Gòn và các tỉnh phía Bắc….Như vậy, Làng Kẻ Sặt có một địa thế tuyệt đẹp, với khung cảnh khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, mà nơi đây không thiếu những người mang tính bẩm sinh, có năng khiếu về dịch vụ và thương mại.
Sau gần 60 năm thành lập Giáo xứ, cách riêng 40 năm xây dựng Thánh Đường,… trong quá trình hình thành và phát triển, xin ghi lại nơi đây những hoài niệm, để con cháu noi gương bắt chước, để hậu sinh nhớ ơn tổ tiên và nhất là ngàn đời tạ ơn Thiên Chúa, vì đón nhận vô vàn Hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ tràn đầy cho bao thế hệ người Làng Kẻ Sặt…
Điểm qua những sự kiện về xây dựng Thánh Đường, trên hành trình tha hương trên miền đất mới, một mặt lo cho mái nhà yên ấm và kế sinh nhai độ nhật, dân Làng Kẻ Sặt vẫn nhớ tới Ngôi Nhà Chung là Thánh Đường Giáo xứ . Và bắt đầu từ những ngày khai móng xây dựng Thánh Đường, mỗi gia đình đều cắt cử người tham gia vào công việc chung, mỗi người lao động tùy theo công việc yêu cầu và tùy theo sức lực của mình, lo lắng xây dựng cho Cộng đoàn một nơi thờ tự Thiên Chúa cho xứng đáng, dù có đơn sơ thiếu thốn… và khi nhìn con dân Làng Kẻ Sặt nhiệt tình tham gia việc chung như thế, chắc hẳn Thiên Chúa rất hài lòng, khi thấy việc họ cùng làm, họ cùng chia nhau những ly nước, miếng bánh nhỏ… và tiếng nói, nụ cười râm ran vui vẻ… như hình ảnh của một xã hội cộng sản nguyên thủy điển hình, thời các Thánh Tông Đồ cách đây hơn hai ngàn năm…
Và rồi Nhà Thờ Tạm đầu tiên hay Thánh đường tiên khởi của Cộng đoàn Giáo xứ Kẻ Sặt, là nơi kính thờ Thiên Chúa, Mẹ Mân Côi, Thánh Cả Giuse, cùng Các Thánh… với cây rừng và tranh tre, nứa lá đã hoàn thành nằm bên khu rừng hoang, quanh khu nhà lá của người di cư, được tạm dựng bên Trường mẫu giáo Tân Biên hiện nay. Sau đó, khi đã tạm thời an cư lạc nghiệp, giáo dân Kẻ Sặt nghĩ ngay đến việc thực hiện một Thánh đường có tính chất vững chắc, để xứng đáng dâng lên Thiên Chúa mang tước hiệu Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi… Và ngôi Thánh Đường thứ hai này, được các bô lão và quý chức dịch, còn có một danh xưng khác là Hội Đồng Giáo Xứ thời ấy, cùng với Cha Chánh và Phó xứ cùng nhau bàn bạc cẩn trọng và cụ thể, chọn lựa thế đất hài hòa và tuyệt đẹp như đã thấy hiện nay. (Xem hình ảnh)
Và kiến trúc thời ấy, khi nhìn lại tổng thể sẽ thấy hiển thị sự chắc chắn, vững chãi, với tiền diện vuông thành, sắc cạnh, kín đáo và trầm lắng… có hai thiên thần ngự hai bên tả hữu Thánh Đường, bên cạnh là hai cây ngâu thơm lừng từ sáng sớm, như đón chào những con chiên đến với Chúa Chiên Lành nhân hậu, khi trời còn mờ hơi sương buổi sớm…Trong nội thất đặt để nhiều Tượng Thánh ngự hai bên tường, trung tâm là bàn thánh uy nghiêm, nơi hàng ngày diễn ra hy lễ và các Bí tích Thánh, được sử dụng chưa tròn hai thập kỷ.
Vào đầu những thập niên 70, với những nhu cầu bức thiết trong cộng đồng: do dân xứ đông thêm và sau gần 20 năm sử dụng và xuống cấp. Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Minh và Cộng đoàn Giáo xứ Kẻ Sặt lại một lần nữa, đồng lòng kiến thiết Ngôi Thánh Đường mới, với phong cách kiến trúc Đông Phương, với tinh thần hội nhập văn hóa truyền thống dân tộc, mang đậm đà bản sắc Á Đông như hiện nay: tổng thể nhìn như một đền Vua, xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị, với ba tháp cao uy nghi sừng sững vươn cao trên nền trời, như hình bóng Ba Ngôi Chúa Cả trời đất, luôn chở che người trần khi nắng hè gay gắt, mưa dữ tràn về hay phong ba dữ dằn ập đến…
Từ xa xa, Thánh Đường Giáo xứ Kẻ Sặt trông tựa như Con tàu Nôê đang rẽ sóng hùng dũng tiến tới phía trước… Trên cao nhìn về người ta như nhìn thấy hình ảnh “Cá Hóa Rồng” và rồng con, là những ngôi nhà muôn kiểu dáng trong dân xứ vây quanh, đang vươn lên từng ngày… và dân Làng Sặt đã cảm nghiệm thấy Ngôi Thánh Đường như gà mẹ đang ấp ủ đoàn con dưới cánh, khi liên tưởng đến đoạn Thánh Kinh mà bài thánh ca “Cảm Tạ Hồng Ân” đã diễn đạt cách hùng hồn và đằm thắm…
Đứng trước tiền đường, người ta sẽ thấy như đang hiện diện trước đền Vua, oai hùng cao cả uy nghi, nhưng gần gũi lạ thường, với cảm tưởng như vào Hoàng Cung để diện kiến Cha mình, làm lòng dạ càng thiết tha tôn kính… xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị. Với ba tháp cao uy nghiêm sừng sững vươn cao trên nền trời, như bóng hình Ba Ngôi Chúa Cả trời đất, luôn chở che con cái loài người khi nắng hè gay gắt, lúc mưa dữ tràn về hay phong ba dữ dằn ập đến…
Bước lên Tam cấp qua cửa Thánh Đường, người ta sẽ cảm nhận sự thông thoáng và nghiêm trang với những đường nét đơn giản và tinh tế, hiện đại nhưng vẫn có dáng dấp thâm trầm cổ kính… Bước vào nội vi trung tâm, là Nhà Tạm được thiết kế với mái ngói lam bằng đá quý, nơi Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trị , trên biểu tượng Sách Thánh nhỏ là Lời Chúa thời Chúa Giêsu Kitô, và cuốn thư cách điệu khá lớn, biểu trưng cho thời Cựu Ước với nhiều biến cố bàng bạc diễn ra trong thời ấy… nhắc nhở người tín hữu mỗi lần diện kiến, tìm đến Ngài để nghe lời Ngài, nếm thử lương thực Thần Linh Ngài ban tặng, và hai bên là chữ Alpha, Omega… với ý nghĩa Ngài là Đấng tiên khởi và tận cùng của vũ trụ. Đỉnh điểm trên cao là Chúa Kitô chịu đóng đinh, luôn dang tay cho mọi người tín hữu tìm đến, để an ủi Ngài và để được Ngài ủi an những khi sầu khổ.
Giữa Cung thánh, là tâm điểm Bàn thờ, được thực hiện bằng đá quý cẩm thạch, đặt trang trọng uy nghi, với phù điêu bữa tiệc ly của ngày Thứ năm Tuần Thánh. Nơi đây hàng ngày, cộng đồng dân Chúa cùng dâng lên của lễ hy tế với những niềm vui và nỗi u buồn trong cuộc sống, với lời ngợi khen, tôn vinh Ba Ngôi Cực Thánh…
Chung quanh hai bên tường là 14 Chặng đàng Thánh Giá, được lồng trong khung ảnh vuông vắn và trang trọng, để mỗi chiều thứ sáu, các tín hữu đến đây chiêm bái tôn thờ.
Bên phải Cung Thánh là Ngai tòa Thánh cả Giuse, bổn mạng của nhiều giáo dân Kẻ Sặt, đứng bên cạnh là Chúa Giêsu thuở niên thiếu, cùng Cha Nuôi của mình sửa soạn đi lao động.
Bên cánh trái là Ngai tòa Đức Mẹ Mân Côi, luôn luôn có hoa nến lộng lẫy, Mẹ của ngàn hoa tươi đẹp, ngự trên bệ đá hoa cương vững chắc…Là tước hiệu từ rất xa xưa, mà tín hữu Làng Tráng Liệt xin nhận làm Bổn mạng Thánh Đường Giáo xứ của mình.
Cạnh những hạng mục được đổi thay theo khóa BHG đương nhiệm, theo nhu cầu sử dụng và sự tiến bộ trong phong cách mới . Ttrong nội vi Thánh Đường, người ta còn thấy bốn dãy ghế tân thời vững chãi, như khẳng định lòng kiên trung của tín hữu Kẻ Sặt với Giáo hội, tôn trọng và phát huy truyền thống tốt đẹp, canh tân theo chính lộ và kiên định lòng dũng cảm của người Kitô hữu như những bậc tiền nhân thuở trước.
Thánh Đường Giáo xứ là mỹ từ được gọi, hay Nhà Thờ theo danh xưng mộc mạc bình dân, nơi cộng đồng dân Chúa tạo lập, được Cha chung là Đức Giám mục địa phương quản lý, là nơi Thánh mà tín hữu hằng ngày bước đến sinh hoạt phụng tự, đón nghe Lời Chúa trong Phúc Âm, lắng nghe lời chỉ dạy khôn ngoan và tử tế của các Đấng Bậc làm Thầy, và đón nhận Thần Lương cao trọng là Bánh Thiên Thần, nuôi sống phần linh hồn hằng ngày….
Và điều mà các tín hữu tâm thành dạ thảo Kẻ Sặt đều biết, trong suốt một năm phụng vụ, các lễ hội truyền thống Giáo hội và địa phương luôn được tái hiện như “tứ thời bát tiết” của đất trời vạn vật, như xuân hạ thu đông bốn mùa thay đổi mà Tạo hóa đã xác lập và xoay vần, làm cho người tín hữu luôn phấn khởi vui tươi, cuộc sống không đơn điệu nhưng luôn có sinh khí mới thay đổi… như trong một bàn tiệc, có phong phú mọi sắc màu cho thực khách.
Hàng năm vào ngày đầu xuân, Thánh đường lại được trang hoàng lộng lẫy, tô điểm vài cặp mai vàng rực rỡ, để kính dâng Chúa Thiên đình, là Chúa của mùa xuân bất diệt, và con dân Kẻ Sặt hớn hở đón chào mùa xuân mới nơi dương gian, mong chờ ngày xuân vĩnh hằng trên Thiên quốc.
Và rồi mỗi dịp Đại lễ Phục Sinh, để tưởng niệm những tháng ngày thương khó Chúa, Thánh đường lại được trang hoàng mỗi ngày một sắc thái riêng để minh họa: Thứ Năm với Tòa Chầu của mỗi Giáo khu, lung linh hoành tráng trong ngày Chúa lập phép Thánh Thể, với Bí tích tràn đầy yêu thương. Ngày Thứ Sáu u buồn, Chúa chịu tử nạn với các lễ nghi truyền thống địa phương, đặc sắc của người Kẻ Sặt. Và cuối cùng ngày Chúa nhật huy hoàng với các mô hình lộng lẫy Mừng Chúa Phục Sinh… làm khách tham quan và những người xa xứ, có dịp tham gia Tuần Phục Sinh, thêm sững sờ khâm phục vẻ uy nghi, tráng lệ và trang trọng trong những ngày đại lễ .
Trong năm, với những chiều thứ 7 tươi hồng, các đôi Tân hôn hân hoan bước lên Bàn Thánh, thề nguyện lời đính ước trước Thiên Chúa và họ hàng thân tộc cùng bạn bè xa gần, cùng khách mời từ tứ phương tìm đến, ai cũng ngưỡng mộ vì vẻ uy nghiêm của Thánh đường.
Những ngày cuối năm, khi tiết trời se lạnh, Thánh đường Kẻ Sặt lại hân hoan đón mừng ngày Lễ Giáng Sinh truyền thống, với đèn hoa giăng mắc khắp nơi. Máng cỏ Chúa Hài Đồng được trang trí lộng lẫy nơi Gian Cung Thánh, và ngoài Tam quan. Ban Trang trí và Ánh sáng cũng thực hiện một máng cỏ ngoài trời làm tăng vẻ lung linh đêm Noel, để tôn vinh Thiên Chúa, với niềm yêu kính nồng nàn thiết tha của con dân Làng Kẻ Sặt.
Nói đến lễ hội, thì không thể không đề cập đến các cuộc lễ khác trong năm: Thánh đường là nơi tổ chức nhiều Thánh lễ Tạ ơn của các Tân Linh mục, Tân Giám mục, các Tu sĩ nam nữ. Rồi lễ Rửa Tội, Rước lễ lần đầu, Thêm Sức, lễ Hôn Phối, Lễ Tang… và có thể kể đến các ngày lễ của các Giới, các Hội đoàn và các tổ chức trong Giáo xứ…
Sau 40 năm xây dựng, Thánh Đường Giáo xứ Kẻ Sặt nơi đây, đã có hơn kém nửa triệu lần cử hành Thánh lễ, và vài trăm ngàn lần cử hành các Bí tích của đạo Thánh Chúa… Rồi 40 năm, là 40 mùa hoa và nhiều thế hệ thiếu nhi lớn nhỏ tiến hoá mỗi khi chiều về trên Xứ đạo, với hơn 1 ngàn lần con dân Làng Sặt dâng Hoa tiến Mẹ Mân Côi khi Tháng Hoa về.
Trải qua 4 thập niên xây dựng, Ngôi Thánh đường Kẻ Sặt vẫn luôn được đánh giá là độc đáo trong kiến trúc, trang trọng trong kiểu dáng và hài hòa nơi đường nét. Điều đáng ghi nhận, trên các Áp phích đang dùng phổ biến trong Giáo Xứ, là biểu tượng 3 ngôi tháp cao thấp của Thánh đường, là đủ để bất cứ người dân Kẻ Sặt nào cũng có thể nhận ra với lòng tự hào ngất ngây yêu mến.
Và rồi Phương Nam giàu đẹp như Đất Hứa mà Ông Maisen dẫn đưa dân Chúa đến lập nghiệp, là đất chảy sữa và mật ong, lại nhờ đến con tim nhân hậu, đôi tay tài khéo và khối óc tinh tế Chúa thương ban. Cộng thêm ý chí bản thân bền lòng, luôn luôn phấn đấu, siêng năng… Dân Làng Kẻ Sặt đang vững bước đi lên, làm nên từ một cộng đồng Làng Tráng Liệt xưa, thành một Kẻ Sặt Miền Nam trù phú giàu mạnh, dù nhân danh không ngoài con số một vạn người, nhưng tổ chức trong cộng đồng Giáo xứ cũng có nhiều hình thức phong phú: Giới Gia trưởng, Gia mẫu, Huynh đoàn Đaminh, Hội Legio, Đoàn Thiếu nhi, Ban khuyến học, Ban kim nhac, Ca đoàn, Hội Kẻ Liệt, Ban Trắc… Trong nhiều thế hệ và qua hơn nửa thế kỷ, nhiều người đã quá vãng và thế hệ hậu sinh vẫn tiếp tục truyền thống của cha ông từ ngàn xưa .
Khi hưởng dụng biết bao hoa trái do tiền nhân để lại, con dân Làng Tráng Liệt luôn luôn nhắc đến công ơn của tổ tiên, các bậc tiền bối khi họp mặt cộng đồng, nhất là tiếng tri ân tổ tiên luôn vang vọng trong Thánh đường, cụ thể đến quý Cụ quý Chức tân cựu đạo đời, các khóa Ban hành giáo và con dân gốc Tráng Liệt quá cố… đã dựng xây một Giáo xứ Kẻ Sặt, với những diện mạo đặc trưng, như Đền thánh Giêrusalem, mà Thánh đường là Trái tim, là thủ đô của Làng Kẻ Sặt của người Miền Nam hay những người còn xa quê nơi Hải ngoại.
Nói về Làng Sặt, cách riêng về Thánh đường Giáo xứ với những hoài niệm, để nâng niu gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, với mong ước như vài vần thơ đẹp trong vườn thơ nhân gian… để kỷ niệm 40 năm xây dựng và tôn tạo Thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt.
Với hàng ngàn học sinh, sinh viên, hàng trăm Linh mục và Tu sĩ, các giáo sư, bác sĩ, kĩ sư, đã và đang phục vụ trên khắp nẻo đường đất nước… khi nói đến Làng Sặt, là nghĩ ngay đến Thành đường và với logo của Thánh đường vẽ ba mái cách điệu, là người Kẻ Sặt lại liên tưởng ngay tới Thánh đường, như thủ đô của người Làng Kẻ Sặt. Xa mặt nhưng không cách lòng, khi mang trong mình huyết quản của người Làng Tráng Liệt… Dù cho ở phương trời nào: Sài Gòn, Lâm Đồng hay Cái Sắn, Phương Lâm, gần gũi như Thánh Tâm hay Hà Nội; xa xăm hải ngoại: Cali hay Texas… dân làng thường nhớ về “Cội Nguồn” xưa là Kẻ Sặt Miền Bắc, và đã nhiều lần “hành hương”, tìm về chốn cũ vô vàn thân thương.
Và Kẻ Sặt Miền Nam, nơi tương giao thuận tiện, lại như chiếc cầu nối giữa các người Tráng Liệt khắp nơi trong nước và những người làng tha hương tại Hải ngoại xa xôi ngàn dặm với Quê hương Mẹ Kẻ Sặt…. Và nơi đây, cộng đoàn dân Chúa đã thân ái đón mừng biết bao người con ưu tú Kẻ Sặt trở về sinh họat giao lưu, mà Thánh Đường Giáo xứ là nơi thường được ưu tiên hưởng dụng.
Nhìn lại 40 năm trôi qua, tựa: “bóng câu cửa sổ” như “Giấc mộng kê vàng” hay nửa đời người” chóng qua mau hết với biết bao thăng trầm: có thời điểm huy hoàng tựa nắng sớm, khi gay gắt như trưa hè oi ả, có lúc ảm đạm tựa chiều buồn mênh mang. Tuy thế, trong suốt quá khứ gần 60 năm, có lẽ cộng đoàn Kẻ Sặt chưa phải sống trong đêm đen như tổ tiên trước kia cùng mang Thập Tự với Chúa Kitô lên Núi Sọ. Đến nay dư vị chỉ còn thoang thoảng, phảng phất đâu đây những thương đau, khổ nhọc… nhưng Thánh Giá mang lại ngọt ngào và vinh hiển…
Mong ước sao, tấm lòng người Kẻ Sặt còn mãi mãi trân trọng ghi nhớ công ơn Tổ Tiên, với hơn 100 vị anh hùng tử đạo vì Chúa Kitô, minh chứng Đức Tin bằng máu đào của mình, và hoa trái hậu duệ ngày nay, là hơn 100 Linh mục và rất nhiều Tu sĩ nam nữ đang phục vụ Thiên Chúa cùng tha nhân trên khắp mọi miền đất nước và hải ngoại… để con dân người Tráng Liệt sống với nhau trên đường đời đẹp hơn và sống với Chúa nồng nàn thiết tha hơn.
Là người tín hữu Kẻ Sặt, chúng ta vẫn luôn tin tưởng, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa từ bi nhân hậu, qua lời cầu bầu của Thánh Cả Giuse, và Nữ Vương rất Thánh Mân Côi mà cộng đoàn Giáo dân Kẻ Sặt chọn làm bổn mạng.
Xin dâng ngàn lời khen ngợi và lòng cảm tạ vì những ân phúc tràn đầy, nơi tiền nhân quá vãng, kẻ hậu sinh đương thời, và các thế hệ tương lai đang tiến bước, vì danh dự người tín Hữu Kẻ Sặt, với tổ quốc Việt Nam, cho Giáo hội Việt Nam, và nhất là vì Danh Thánh Chúa Kitô ngàn đời bất diệt.
Kẻ Sặt ngày nay phồn vinh hơn, thịnh vượng hơn… tất cả đều do Thiên Chúa ban tặng thì tất cả đều do Chúa, vì Chúa, vì hạnh phúc của mọi người trong dân Xứ cách riêng, và với tha nhân mà người làng Kẻ Sặt cùng là con của Cha Chung trên Thiên Quốc.
"Dân Kẻ Sặt – ngàn đời – tim son sắt,
Chúa Thiên đình – vạn đại – dạ thủy chung"
Trích trong bài "Để kỷ niệm 40 năm xây dựng Thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt"
Kẻ Sặt, ngày 11 tháng Mân Côi, năm 2013
Lê Văn