Lễ Mẹ Sầu Bi với những người Mẹ Đau Khổ tại Toà Giám Mục Xuân Lộc

14-09-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Lễ Mẹ Sầu Bi với những người Mẹ Đau Khổ tại Toà Giám Mục Xuân Lộc by

Sáng Chúa Nhật 13/9/2020, đã có 1300 các chị em hiền mẫu, đại diện các giáo xứ trong Giáo phận đã hiện diện tại Tòa Giám Mục để Mừng Kính Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, và cũng là để được Thiên Chúa, và Mẹ Maria đụng chạm và đỡ nâng cuộc đời họ qua trái tim và bàn tay của Đức Cha Giáo Phận. Đồng thời, đây cũng là cơ hội các hiền mẫu Giáo phận đồng hành cùng với những bà mẹ đau khổ, qua sự sẻ chia tinh thần và lời cầu nguyện.

Chương trình ngày mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi bao gồm phần đón tiếp như thường lệ từ lúc 7giờ sáng. Sau đó là phần sinh hoạt chung tại hội trường Tòa Giám Mục. 8g30, Đức Cha Giáo Phận đã đến chào thăm rất nhiều người, ban huấn từ, và tặng quà cho các bà mẹ, một lưu dấu kỷ niệm đến các hiền mẫu, đặc biệt là các bà mẹ đau khổ, với ảnh tượng Đức Mẹ thật đẹp. Tiết mục nhạc kịch về “Lòng Mẹ” do hạt Tân Mai đảm trách như điểm nối đi vào Giờ Tôn Vinh Đức Maria Bảy sự, như lời Ông Già Simeon tiên báo với Mẹ (x. Lc 2, 35b). Và Thánh Lễ, đỉnh cao của Ngày Gặp gỡ đã được Đức Cha Giuse chủ tế cùng với quý Cha Đặc Trách Giới Hiền Mẫu Giáo phận và các giáo hạt. Một ngày gặp gỡ Chúa, gặp gỡ Đức Cha, và gặp gỡ nhau của Giới Hiền Mẫu Giáo Phận đã thật tốt đẹp nhờ hồng ân của Chúa và Mẹ Maria ban cho. Đồng thời cũng là nhờ công tác tổ chức khéo léo của Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thành, Đặc Trách Giới Hiền Mẫu Giáo Phận, cùng với sự cộng tác tích cực và nhiệt thành của Ban Trị sự giới Hiền Mẫu Giáo phận và các Giáo hạt.

Đức Cha Giáo phận đụng chạm và chia sẻ nỗi khổ đau của các bà mẹ: một cuộc gặp gỡ của tình yêu

Hình ảnh vị mục tử thân hành đến giữa đoàn chiên, đặc biệt với những chiên đau khổ quả là cảm động, và ý nghĩa. Bởi không giống như bao lần Đức Cha Giáo phận chào thăm mọi người, nhưng hôm nay, Ngài đã dành rất nhiều thời gian để có thể đi đến nhiều bà mẹ hơn khi đi lối giữa, rồi lại rảo hết vòng hết các lối đi trong hội trường, chỉ với một mong ước: các bà mẹ có thể cảm nhận được Chúa đang đụng chạm cuộc đời họ, chạm đến những nỗi khổ họ đang gánh chịu, dù lớn hay nhỏ, để rồi họ sẽ được bình an, và vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Thế nên, rất nhiều bà mẹ đã khóc, hay thực sự đã nở nụ cười của bình an trước và sau cuộc gặp gỡ này, như điều Đức Cha thật sự mong muốn.

Không chỉ dừng lại ở những cảm xúc mà các bà mẹ có được trong cái nhìn thiêng liêng, Đức Cha Giáo Phận đã chia sẻ những huấn từ thật gần gũi, nhưng đụng chạm đến biết bao con tim của các bà mẹ, đặc biệt những người mẹ, người vợ đang đau khổ trong gia đình của họ.

Huấn từ chia sẻ trong phần gặp gỡ và bài giảng của Đức Cha Giáo Phận trong Thánh Lễ

Sau khi tạm kết thúc một vòng quanh của gặp gỡ, Đức Cha Giáo phận đã bắt đầu chia sẻ những suy tư và huấn từ của Ngài dành cho quý hiền mẫu đang hiện diện, cũng như vắng mặt. Như chủ đề của ngày gặp gỡ, bài huấn từ và giảng của Đức Cha Giáo Phận thực sự rất ý nghĩa, đụng chạm đến mọi tâm tư của những ai đang nghe, và chắc sẽ giúp các bà mẹ có một cái nhìn, và tâm tình mới trong chính hoàn cảnh, và đau khổ họ đang mang vác.

  • Nhận ra sự hiện diện của Chúa, và tin Chúa thấu hiểu mọi đau khổ của con người. Ý tưởng này vừa là huấn dụ, nhưng cũng là mong ước của Đức Cha khi Ngài gặp gỡ, chúc lành cho mọi người khi đến giữa họ. “Sáng nay, trong giờ cầu nguyện, Đức Cha đã nghĩ đến các bà mẹ, nhất là những bà mẹ đang đau khổ, và Đức Cha đã muốn cuộc gặp gỡ hôm nay được diễn ra như cuộc gặp gỡ của Đức Mẹ với người chị họ là bà Isave”. Đức Cha giải thích rằng, cuộc gặp gỡ của Mẹ Maria với người chị họ không chỉ là cuộc gặp gỡ của tình người, nhưng còn là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, mà nơi đó, Thiên Chúa thực hiện công trình lớn lao của Ngài. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người Anh Họ là Gioan Tẩy Giả, trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Và khi nhận ra Chúa hiện diện, bà Isave đã hạnh phúc. Do đó, “các con, những bà mẹ đang đau khổ, hãy cảm nhận Chúa đang hiện diện trong cuộc đời mình. Hãy tin là Chúa biết, Chúa thông cảm và Chúa hiểu những nỗi đau khổ của chúng ta.”
  • Dù đang đau khổ, hãy mở lòng để thấy những đau khổ của người khác, là ý thứ hai Đức Cha nhắn gửi mọi bà mẹ. Ngài nói rằng, “khi những bà mẹ đang đau khổ về chuyện của mình, đồng lúc đó, hãy nhận ra có những bà mẹ khác cũng đang đau khổ. Để rồi, chúng ta cùng cảm thông và chia ẻ với họ.” Vì sao? Đó chính là hành vi của tình yêu đi đến và cùng sẻ chia đau khổ của người khác, và như vậy, “đau khổ, nỗi buồn sẽ được giảm đi một nửa”. Ý huấn dụ này, một lần nữa lại được Đức Cha nhắc lại trong bài giảng Thánh Lễ, chính khi các bà mẹ quan tâm, sẻ chia tinh thần với nhau, sẽ “chẳng còn một ai, không có bà mẹ nào bị cô đơn trong khi họ đang phải đau khổ”. “Bởi nỗi đau lớn nhất của con người, chính là khi họ đang đau khổ mà lại không được cảm thông, được chia sẻ,” Đức Cha nói.
  • Đón nhận đau khổ bằng sức mạnh của Chúa. Tiếp ý huấn từ, Đức Cha nhấn mạnh “Các bà mẹ hãy lấy sức mạnh của Chúa để đón nhận những đau khổ đến trong cuộc đời mình và mở lòng ra để cho Chúa làm việc […] Và như vậy, chúng ta sẽ trở thành những người con mà Chúa yêu quý nhất.” Và Đức Cha quả quyết “Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi các bà mẹ đang đau khổ vì chồng, vì con. Đức Mẹ sẽ luôn ở cạnh bên để đồng hành, an ủi, sẻ chia với nỗi khổ đau của chị em đang chịu.”
  • Hãy luôn cảm nhận sự bình an Chúa ban, ngay trong khi chịu đau khổ. Đức Cha kể lại trình thuật về nỗi sợ hãi, đau khổ của các môn đệ phải trốn kín ở trong nhà, sau khi Chúa Giêsu, Thầy của các ông, bị bắt và giết chết (x. Ga 20,19). Nhưng rồi Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến và ban bình an cho các môn đệ “Bình an cho các con.” Đức Cha nói “Chúa không cất đi những lý do của sự sợ hãi nơi các môn đệ, nhưng Người đem bình an đến cho họ, để rồi, khi đã có bình an của Chúa, các môn đệ ra đi, đem bình an đó đến cho người khác.” Thế nên, Đức Cha nhấn mạnh “cho dù ngoại cảnh không thay đổi, nghĩa là đau khổ vẫn còn đó, các con hãy nhận lấy sự bình an của Chúa.”
  • Đau khổ là ngôn ngữ của tình yêu, là cơ hội để hóa giải sự dữ, tội lỗi trong nhân loại. Đi tới mầu nhiệm và ý nghĩa, giá trị của đau khổ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, trong bài giảng Thánh Lễ cử hành Lễ Kính Đức Mẹ Sầu Bi, Đức Cha tiếp tục suy niệm về cách thức đón nhận đau khổ nhằm trọn thánh ý Thiên Chúa qua chính mẫu gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đức Cha giảng giải rằng, nếu Chúa Giêsu, khi đứng trước viễn ảnh cuộc khổ nạn cũng đã cảm thấy khiếp sợ đến nỗi đổ mồi hôi và máu (x. Lc 22,44), và thưa lên với Cha “Lạy Cha nếu có thể, xin cất chén này ra khỏi con.” (Lc 22,42a) Đức Cha tiếp, nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn theo ý Cha “Nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Lc 22,42a).  “Cũng vậy, khi chúng ta kêu cầu Chúa trong cơn đau khổ, được xem như một sự trốn tránh đau khổ ‘Lạy Chúa, xin cất nỗi đau khổ này cho con’, nhưng Chúa và Đức Mẹ dạy chúng ta cách khác: Hãy xin Chúa cho chúng ta khả năng để đón lấy đau khổ […] và thánh hóa đau khổ đó để cầu nguyện cho người thân, cho những tội nhân ăn năn trở lại.” Liên hệ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Đức Cha nói rằng, đó là nỗi đau khổ tột cùng mà Chúa đón nhận, và Mẹ Maria đã trải nghiệm trong nát tan của con tim. Nhưng Chúa Giêsu chấp nhận đau khổ nhục nhã đó để hóa giải sự dữ bằng tình yêu và sức mạnh thần linh Chúa. Đức Cha nói “Càng chấp nhận đau khổ nhiều, thì tiếng nói tình yêu càng mạnh mẽ.”
  • Kiên vững như Mẹ Maria dưới chân thập giá, và hãnh diện vì được giống như Mẹ với “lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn”. Đó là những lời nhắn gửi của Đức Cha Giáo Phận dành cho các bà mẹ trước khi kết thúc Thánh Lễ. “Xin các bà mẹ hãy ra về với lòng tin tưởng có Chúa đồng hành với mình trong đau khổ. Hãy ra về với sự hăng hái và niềm hạnh phúc vì thấy mình được Chúa cho cơ hội đón lấy đau khổ trong tình yêu. Xin hãy chịu đau khổ như Đức Maria, kiên vững đứng dưới chân Thập giá. Hãy hãnh diện với thánh giá, đau khổ các chị em đang mang lấy, vì chị em được cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.”

Những chia sẻ trong nước mắt và sự cảm thông lẫn nhau của những bà mẹ – Giới Hiền mẫu Giáo phận

Cũng trong chương trình này sau bài huấn từ của Đức Cha Giáo Phận, Ban tổ chức đã dành ít thời gian để các bà mẹ có thể sẻ chia những gánh nặng đau khổ trên vai họ. Dù chỉ là một vài bà mẹ, còn trẻ hay đã già, hay trình độ chỉ có hạn, nhưng họ đủ nước mắt để khóc, cho dẫu nói không đủ ý, không thành lời về nỗi khổ đau của mình. Và nhiều bà mẹ, chỉ trong im lặng, nhưng không giấu nổi đôi mắt đỏ hoe, giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt, mà chỉ cần lướt nhìn, cũng thật dễ dàng nhận ra từ khi Đức Cha gặp gỡ và nói chuyện với họ. Những đau khổ của các bà mẹ thường được “chỉ ra” từ con, từ chồng. Nhưng cũng có những nước mắt nghẹn lời khi con cái mắc phải bệnh nan y giai đoạn cuối, chỉ vì họ đã cố gắng giữ lấy bào thai, bảo vệ sự sống cho con, bât chấp ranh đe của bác sĩ.

Chắc chắn rằng, những gì đã diễn ra trong buổi sáng này quả thật tràn đầy ý nghĩa với Giới Hiền Mẫu của Giáo Phận, giúp các bà mẹ dần thôi không trách cứ Chúa “Tại sao Chúa lại để cho con chịu nhiều đau khổ?”, nhưng là sẽ thưa với Chúa “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con. Xin cho con vững tin vào Chúa, và giúp con biết thánh hóa đau khổ của mình trở thành lời cầu nguyện cho con, người thân, và những tội nhân được nhận ra lòng thương xót của Chúa thật lớn lao trên cuộc đời họ.”

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Nguồn: giaophanxuanloc.net


























About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW