Lễ Trái tim Đức Mẹ trong phụng vụ

28-04-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Lễ Trái tim Đức Mẹ trong phụng vụ by

Lễ kính Trái tim Đức Mẹ đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Sau đây là các biến cố chính.

Như chúng ta đã biết, lòng sùng kính trái tim Đức Mẹ đã liên tục sinh động trong dòng lịch sử một cách riêng tư, nhưng đã không được thể hiện ra bằng các hình thái chính thức. Vào tiền bán thế kỷ XVII Tòa Thánh đã chấp nhận các huynh đoàn đầu tiên có mục đích tôn sùng trái tim Đức Mẹ: chẳng hạn Đức Giáo Hoàng Alessandro VII năm 1666, và Clemente IX trong các năm 1667-1669. Trong sắc phong chân phước cho linh mục Jean Eudes có thể đọc thấy như sau: “Người đã đội triều thiên cho hoạt động đáng công của người đối với Giáo Hội, khi được nung nấu bởi một tình yêu đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Maria, không phải là không được Thiên Chúa linh hứng, người đã là vị đầu tiên nghĩ ra  ý tưởng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ”. Và qủa thật lễ phụng vụ kính Trái tim Đức Mẹ được cử hành lần đầu tiên ngày mùng 8 tháng hai năm 1648 tại giáo phận Autun bên Pháp.  Trong dịp đó cha Jean Eudes đã sáng tác các văn bản rất hay cho kinh thần vụ và thánh lễ. Tiếp theo đó vào năm 1669 Tòa Thánh không phê chuẩn các bản văn do cha soạn thảo, nhưng không từ chối lễ kính Trái tim Đức Mẹ.

Năm 1726, linh mục Gallifet đưa ra sáng kiến xin Tòa Thánh phê chuẩn lễ kính Trái tim Đức Mẹ cũng như các văn bản kinh thần vụ và thánh lễ, nhưng đã không thành công. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV đã cho phép huynh đoàn có trụ sở tại Roma cử hành lễ kính Trái tim Đức Mẹ trong nhà thờ San Salvatore in Onda. Sau cùng ngày 22 tháng 3 năm 1799 Đức Pio VI, trong khi bị đi đầy ở Firenze, cho phép Đức Giám Mục giáo phận Parma cử hành thánh lễ kính Trái tim Đức Mẹ. Ngày 31 tháng 8 năm 1805 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio VII Bộ Phụng Tự công bố sắc lệnh cho phép cử hành lễ kính Trái Tim Đức Maria cho những ai xin, và sử dụng các văn bản kinh thần vụ và thánh lễ  Đức Bà xuống Tuyết mùng 5 tháng 8. Dĩ nhiên là đã có rất nhiều giáo phận và dòng tu xin cử hành lễ này.

Trong cùng thời gian này cũng gia tăng số các lời cầu Trái Tim Đức Mẹ với các ơn tha tội  và các huynh đoàn được thành lập theo giáo luật. Ngày 20 tháng 12 năm 1808 Đức Giáo Hoàng Pio VII nâng huynh đoàn đã được thành lập hai năm trước đó trong nhà thờ thánh Eustachio ở Roma lên hàng Trưởng huynh đoàn.

Thế rồi có vài sự kiện ngoại thường, trong ý hướng của Thiên Chúa, loan báo chiến thắng của lòng tôn sùng Trái tim Đức Trinh Nữ. Trong số các sự kiện ấy có vài biến cố lạ lùng xảy ra trong thời cách mạng Pháp: chẳng hạn như việc Đức Cha Dufriche-Desgenettes gợi ý thành lập Trưởng huynh đoàn Đức Bà Chiến Thắng tại Paris năm 1836; các mạc khải của Đức Mẹ tại Rue du Bac năm 1830; hoạt động của  vài tông đồ lớn như thánh Antoine M. Claret; việc thành lập nhiều học viện dòng tu lấy Trái tim Đức Mẹ làm điểm quy chiếu hay linh đạo.

Tuy nhiên, lễ kính Trái tim Đức Mẹ vẫn không có kinh thần vụ và thánh lễ riêng. Chỉ vào ngày 21 tháng 7 năm 1855 Đức Giáo Hoàng Pio IX mới cho phép điều này. Văn bản đã lấy hứng từ các văn bản có trước do thánh Jean Eudes biên soạn. Rất mau sau đó một sáng kiến mới lấp ló ở chân trời: đó là việc thánh hiến thế giới cho Trái tim Đức Mẹ. Năm 1864 đã có vài Giám Mục xin phép Đức Giáo Hoàng thánh hiến thế giới cho Trái tim Đức Mẹ với lý do là để biện minh cho vương quyền của Mẹ Maria. Vào tháng 9 năm 1900 trong số các vụ bỏ phiếu tại đại hội được triệu tập ở Lyon đã có vụ bỏ phiếu trong nghĩa này: sau khi thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, phải thánh hiến vũ trụ cho Đức Trinh Nữ với tước hiệu “Nữ Vương vũ trụ” Chiến dịch này do linh mục Deschamps phát động, được nhiều hiệp hội và nhất là dòng tu tôn sùng Trái tim Mẹ Maria yểm trợ. Với sự đồng ý của Tòa Thánh Italia là quốc gia đầu tiên được thánh hiến cho Trái tim Đức Mẹ, nhân dịp Đại hội thánh mẫu tại Torino năm 1897.

Trong thế kỷ XX có các biến cố mới chuẩn bị cho chiến thắng vĩ đại của việc tôn sùng Trái tim Đức Mẹ, đã được bà Marie Vallées báo trước. Ở đây chỉ cần kể ra ba sự kiện: thứ nhất các mạc khải của bà Bertha Petit (1870-1943) liên quan tới Trái tim sầu bi và vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria; các vụ hiện ra tại Fatima; các mạc khải cho nhà thần bí bà Alessandra de Balazar người Bồ Đào Nha. Việc xin thành lập lễ kính Trái tim Đức Mẹ đã phát xuất từ Fatima và Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha. Bất thình lình ngày 31 tháng 10 năm 1942 trong sứ điệp truyền thanh bằng tiếng Bồ Đào Nha Đức Giáo Hoàng Pio XII thánh hiến thế giới cho Trái tim Mẹ Maria. Ngài nói: “Trong giờ phút thê thảm này của lịch sử nhân loại , chúng con phó thác, chúng con giao phó, chúng con thánh hiến cho Mẹ, cho Trái tim  vô nhiễm nguyên tội Mẹ, không chỉ Giáo Hội nhưng cả thế giới bị xâu xé bởi các bất hòa tang tóc nữa”.

Tuy nhiên, điều đã được yêu cầu trong các mạc khải tại Tuy đã không phải là việc thánh hiến thế giới, nhưng là thánh hiến Nước Nga cho Trái tim Đức Mẹ, và việc thánh hiến này phải được làm bởi Đức Giáo Hoàng cùng với tất cả các Giám Mục trên toàn thế giới. Đây là điều đã được Đức Gioan Phaolô II làm một cách ngụ ý nhưng rõ ràng ngày 25 tháng 3 năm 1984.

Có thể nói việc thừa nhận phụng vụ lễ kính Trái tim Mẹ Maria sau cùng đã hoàn thành ngày mùng 4 tháng 5 năm 1944, khi Bộ Phụng Tự công bố sắc lệnh nâng lễ này lên bậc hai, với kinh thần vụ và văn bản thánh lễ riêng, mừng trong toàn Giáo Hội Latinh  ngày 22 tháng 8 trong Tuần bát nhật lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. Về phần mình ngày 21 tháng 11 năm 1964 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi kết thúc khóa họp lần thứ ba của Công Đồng Chung Vaticăng II, trước sự hiện diện của các Nghị Phụ đã canh tân việc thánh hiến thế giới cho Trái tim Đức Mẹ.

Với Thông điệp “Haurietis aquas” Đức Phaolô VI đã cống hiến cho chúng ta một trong các tài liệu giáo hoàng đẹp nhất liên quan tới lòng tôn sùng Trái tim Đức Mẹ, khi khẳng định rằng: “Thế rồi để cho lòng sùng mộ đối với trái tim vô cùng oai nghiêm của Chúa Giêsu đem lại các hoa trái phong phú thiện ích trong gia đình kitô và trong toàn xã hội loài người, các tín hữu có bổn phận kết hiệp một cách mật thiết lòng sùng mộ với trái tim vô nhiễm của Mẹ Thiên Chúa. Thật thế, thật là thích hợp, như Thiên Chúa đã muốn kết hiệp một cách bất phân ly Đức trinh nữ Maria diễm phúc với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc nhân loại, để cho sự cứu rỗi của chúng ta có thể nói được là hoa trái của lòng bác ái và các khổ đau của Chúa Giêsu Kitô, mà với chúng tình yêu thương và các khổ đau của Mẹ Người được kết hợp một cách chặt chẽ. Như thế dân kitô đã nhận được từ Chúa Kitô và từ Đức Maria sự sống thiên linh, sau khi đã trả nghĩa các vinh dự cho Trái tim rất thánh Chúa Giêsu, thì cũng dâng cho Trái tim rất yêu mến của Mẹ Thiên Quốc các cung kính của lòng đạo hạnh, tình yêu thương, biết ơn và đền bù tương tự. Phù hợp với chương trình rất khôn ngoan và ngọt ngào của Thiên Chúa Quan Phòng, mà chính chúng tôi đã muốn dâng kính và thánh hiến một cách trọng thể  Hội Thánh và toàn thế giới cho Trái tim vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria”.

Gần đây hơn vào cuối Thông địêp đầu tiên “Đấng Cứu Độ Con Người” (4-3-1979), Đức Gioan Phaolô II đã viết những dòng rất ý nghĩa về Trái tim Mẹ Maria. Khi đề cập đến mầu nhiệm cứu độ, ngài viết: “Chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm này đã được thành hình dưới con tim của Đức Trinh Nữ thành Nagiarét, khi Người nói lên tiếng Fiat Xin Vâng của Người. Kể từ lúc đó trái tim đồng trinh và hiền mẫu này, dưới hoạt dộng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, luôn luôn theo dõi công trình của Con Mẹ và đi tới với tất cả nhũng người mà Chúa Kitô đã và liên tục ôm vào trong tình yêu thương vô tận của Người. Và vì thế trái tim này cũng phải vô tận một cách hiền mẫu. Đặc thái của tình yêu mẫu tử này mà Mẹ Thiên Chúa đặt vào trong mầu nhiệm cứu độ và cuộc sống cùa Giáo Hội , tìm thấy sự diễn tả của nó trong sự gần gũi con người và tất cả các biến cố của nó. Mầu nhiệm của Mẹ hệ tại đó”.

(TMH451)
Linh Tiến Khải, RadioVaticana 22.04.2015

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW