“Lên đường” – Bài giảng Chúa nhật II Mùa Chay năm A
Đối với các tín hữu, Mùa Chay là một cuộc lên đường. Lên đường can đảm và phó thác như Ápram. Lên đường gian khổ như ba môn đệ theo Chúa lên núi. Cuộc lên đường nào cũng phải chấp nhận những hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và chấp nhận những thử thách.
Trong cuộc đời mỗi người, có nhiều lần lên đường. Bởi lẽ, như muôn con sông đều dồn về biển cả, muôn cánh lá đều hướng về nguồn cội, mỗi người đều hướng về đích điểm của mình là Thiên Chúa. Để đến với đích điểm đó, cần phải liên tục lên đường.
Khi sinh ra trong cuộc đời là chúng ta thực hiện cuộc lên đường đầu tiên. Đời sống nơi dương thế là một hành trình dài, được khởi đầu khi con người cất ba tiếng khóc chào đời và kết thúc khi con người nhắm mắt xuôi tay. Thế rồi, mỗi sớm mai thức dạy là một cuộc lên đường mới, với những quyết tâm và nghị lực mới để thành đạt trong cuộc sống và trưởng thành trong Đức tin.
Có một cuộc lên đường trong lịch sử được ca ngợi và đáng là mẫu mực cho mọi thế hệ. Đó là cuộc lên đường của ông Ápram. Ápram sống ở vào khoảng 1,800 năm trước Công nguyên. Ông là tổ phụ của người Do Thái. Một ngày nọ, Chúa gọi ông và bảo ông lên đường. Để diễn tả sự vâng lời của Ápram, tác giả chỉ ghi lại một lời ngắn gọn: “Ông Ápram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”. Ông vâng lời Chúa, từ bỏ mọi sự để đến một nơi mà ông chưa biết ở đâu, nhưng ông chắc chắn rằng, miền đất mà Chúa đã chuẩn bị cho ông là đất tốt, và rằng nếu tin vào Chúa thì không bao giờ bị thiệt thòi. Sự đáp trả của ông là đáp trả của Đức tin. Ông phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Thánh ý Thiên Chúa và để Ngài dẫn dắt như một người cha.
Tin Mừng hôm nay nhắc đến một cuộc lên đường khác. Ba môn đệ đã được Chúa Giêsu hướng dẫn và cùng Người lên núi cao. Theo văn mạch của Tin Mừng Thánh Mátthêu, thì việc lên núi được thực hiện 6 ngày sau khi Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ về cuộc thương khó của Người. Khi tiên báo cuộc khổ nạn, Chúa cũng hứa cho những ai “liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,26). Trong bối cảnh này, ba môn đệ đã cùng với Chúa đi lên núi. Chúng ta đoán được tâm trạng của các ông. Đó là sự âu lo, hoang mang trước cuộc thương khó Thầy mình đã báo trước. Trên núi cao, Chúa thay hình đổi dạng khiến các ông ngỡ ngàng. Cựu ước hay nói đến việc Thiên Chúa hiển linh, hay những cuộc thần hiện, tức là Chúa tỏ mình ra để an ủi hoặc củng cố lòng tin của con người. Những cuộc thần hiện còn nhằm chứng minh Thiên Chúa luôn yêu thương và hiện diện giữa nhân loại. Ngài không bỏ rơi họ khi gặp cảnh gian nan khốn cùng. Nhờ nỗ lực lên đường, ba môn đệ đã được chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu. Trong giờ phút ấy, Chúa không chỉ như một vị thầy bình thường như mọi ngày. Người đã cho các ông thấy vinh quang đích thực của Người, như một cuộc hiển linh trong Cựu ước. Cùng với sự biểu lộ vinh quang của Chúa, các môn đệ còn được soi trí để hiểu rõ sứ mạng của Người. Hai nhân vật của Cựu ước, ông Môisen và ông Elia đã hiện ra đàm đạo với Chúa, như một sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Hai ông Môisen tượng trưng cho Lề luật; Elia đại diện cho truyền thống Ngôn sứ. Sự hiện diện của hai nhân vật này như để chứng minh rằng Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề luật cựu ước và thực hiện những lời các Ngôn sứ đã loan báo. Không chỉ hai nhân vật của Cựu ước, mà Chúa Cha cũng xuất hiện để chứng minh thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu. Câu tuyên bố từ đám mây trên cao trong lúc Chúa Giêsu biến hình cũng là lời tuyên bố khi Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 3,17. 17,5). Qua lời này, Chúa Cha đã long trọng giới thiệu Con mình với cả nhân loại.
Chúng ta hãy chiêm ngắm ba môn đệ trong cuộc thần hiện vinh quang này. Các ông hạnh phúc ngây ngất vì như thể được nếm hưởng thiên đàng ngay dưới thế. Các ông dường như quên hết mọi sự, muốn lưu lại để tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào của vinh quang Chúa. Nhưng Chúa muốn kéo các ông về với thực tại để cộng tác với Chúa trong sứ mạng của Người. Thày trò tiếp tục xuống núi để đối diện và đón nhận mầu nhiệm thập giá.
Đối với các tín hữu, Mùa Chay là một cuộc lên đường. Lên đường can đảm và phó thác như Ápram. Lên đường gian khổ như ba môn đệ theo Chúa lên núi. Cuộc lên đường nào cũng phải chấp nhận những hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và chấp nhận những thử thách. Cuộc lên đường của chúng ta chính là nhìn lại đời sống Đức tin của mình, để dỡ bỏ những gì đang cản trở chúng ta theo Chúa hoặc đang cám dỗ chúng ta lùi bước. Người môn đệ muốn trung thành theo Chúa phải “đồng cam cộng khổ” để được chiêm ngưỡng vinh quang của Người (Bài đọc II).
Chúa Giêsu đã biến hình đổi dạng trước mặt các môn đệ để mời gọi các ông hãy biến đổi tư duy về Đấng Thiên Sai. Hôm nay, Chúa Cha cũng đang nhắc chúng ta “hãy vâng nghe lời Người” để biến đổi cuộc đời. Hoán cải là lời kêu gọi của Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là lời kêu gọi của Giáo Hội mỗi khi Mùa Chay về. Như cuộc sống luôn hướng về phía trước, người tín hữu phải biến đổi không ngừng để mỗi ngày một đến gần Chúa hơn. Vì thế mà chúng ta cần phải lên đường mỗi ngày.
“Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp. Nhưng để thực hiện lên đường lại không dễ. Những hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm. Muốn nhìn vũ trụ mênh mông phải giã từ mặt đất, cất cánh theo chim trời. Nếu con sâu cứ lặng lẽ sống dưới mặt đất với loài trùng, thì nó chẳng có lý do để oán trách sao cuộc đời chung quanh chỉ là mùi ẩm của đất, mùi mốc của cỏ. Nó phải hóa thân thành cánh bướm. Và, lúc đó người ta sẽ ngước mắt nhìn theo” (Trích trong Nước mắt và Hạnh phúc của Nguyễn Tầm Thường).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org