Linh mục Sống Đức Tin theo gương sống của Chúa Giêsu – Những yếu tố mục vụ
BÀI 4 TRONG LOẠT BÀI LINH MỤC SỐNG NĂM ĐỨC TIN
Trong Thánh lễ sáng Thứ Năm Tuần Thánh, 28-3-2013, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các linh mục hiện diện rằng “Cha mời gọi các con điều này: các con hãy là những mục tử có mùi của chiên !”.
Làm sao linh mục có thể trở thành “mục tử có mùi của chiên”, nếu linh mục không chiêm ngưỡng Chúa Giêsu để học theo Vị Mục Tử đích thực, Đấng mà khi ra giảng đạo, đã được Gioan Tẩy giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, và thậm chí chính Ngài tự tin khi nhận mình là Mục tử tốt lành? Sự kiện Ngài chào đời trong một chuồng chiên, được đặt nằm trong máng chiên, nên rất quen thuộc với mùi của chiên, có thể được coi như một biểu tượng chứng minh Ngài đích thực là “mục tử có mùi của chiên”.
1. CHÚA GIÊSU LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA VÀ LÀ MỤC TỬ
a) Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa
- Con chiên tình nguyện chết cho loài người: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12).
- Con chiên vượt qua: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7).
- Con chiên xoá tội trần gian: “Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian’ ” (Ga 1,29.36).
- Con chiên là chỗ dựa vững chắc và là nguồn ơn cứu độ cho người tin: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).
- Con chiên chiến thắng để giúp ai chiến đấu cho Ngài cũng chiến thắng: “Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết” (Kh 12,11).
b) Chúa Giêsu là Mục tử đích thực
- Mục tử biết chiên: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).
- Mục tử thương chiên: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36); “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).
- Mục tử tìm kiếm chiên đi lạc: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18,12 ; Lc 15,4).
- Mục tử cứu vớt chiên gặp nạn: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sa-bát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao?” (Mt 12,11).
Mục tử đồng cảm cách hiệu quả với người bệnh tật
- Với người đàn bà bị băng huyết: “Một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu !’ Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa” (Mt 9,20-22).
- Với hai người mù thành Giêricô: “Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người” (Mt 20,34).
- Với người phong hủi: “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi !’ Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc 1,41-42).
Mục tử đồng cảm cách tích cực với người có tang
- Với bà goá thành Naim phải đem chôn đứa con trai duy nhất của mình: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa !’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy !’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,13-15).
- Với chị em Martha, Maria trước cái chết của cậu em Lagiarô: “Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: ‘Các người để xác anh ấy ở đâu ?’ Họ trả lời: ‘Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem’. Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,33-35).
- Với một thủ lãnh Do Thái: “Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: ‘Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống’. Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh ; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: ‘Lui ra ! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy !’ Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy” (Mt 9,18-19.23-25).
Mục tử hiệp nhất các chiên thành một đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
Mục tử hiến mình cho chiên: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10b) ; “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11) ; “Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15) ; “Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (Dt 13,20b).
2. LINH MỤC LÀ CHIÊN VÀ CHĂN CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU
Thánh Augustinô nói: “Người mục tử không phải chỉ run sợ khi nghe điều Chúa nói với các mục tử, mà cả khi nghe điều Chúa nói với chiên nữa. Nếu người mục tử nghe điều Chúa nói với chiên mà vẫn bình thản, thì quả thật người ấy chẳng lo lắng gì đến chiên nữa”. Lời này khiến linh mục nhìn nhận: trước khi là mục tử, linh mục đã phải là một con chiên.
a) Linh mục là con chiên của Chúa Giêsu
Linh mục cần luôn nhận mình là con chiên, trước khi trở thành mục tử, như thánh giám mục Augustinô nói: “Là Kitô hữu, cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng là chiên như anh em”. Nghĩa là, linh mục cũng cần được cứu chuộc…
Là chiên của Chúa Giêsu, linh mục phải TIN và NGHE THEO Chúa Giêsu, vì Chúa đã từng cảnh cáo người Do Thái: “Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi ” (Ga 10,26-27).
Là chiên của Chúa Giêsu, linh mục phải lo cho mình được đứng bên hữu Chúa, vì “Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (Mt 25,33), nghĩa là linh mục không được xao lãng phần rỗi của mình. Lời sau đây của Đức Thánh Cha Phanxicô không là nhắc nhở linh mục phải liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu sao ? “Quả thực, sự sống trong Đức Kitô ghi dấu trên tất cả những gì chúng ta là và tất cả những việc chúng ta làm. Và chính ‘sự sống trong Chúa Kitô’ là điều bảo đảm cho công việc tông đồ có hiệu quả và việc phục vụ của chúng ta sinh hoa trái: ‘Chính Thầy đã cắt đặt để các con đi mang lại hoa trái và để hoa trái các con tồn tại’ (Ga 15,16). Không phải những sáng kiến, dù là sáng kiến mục vụ, không phải việc gặp gỡ hay các kế hoạch –cả khi những điều này là rất hữu ích–, bảo đảm mang lại hoa trái ; nhưng điều bảo đảm mang lại hoa trái cho chúng ta là sự trung tín với Đức Giêsu, như Người hằng nhắc nhở: ‘Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con’ (Ga 15, 4). Và chúng ta hiểu rõ điều này có nghĩa là: chiêm ngắm Chúa, thờ phượng Chúa, nắm lấy Chúa, trong việc gặp gỡ hằng ngày với Người trong Thánh lễ, trong đời sống cầu nguyện, trong lúc thờ phượng ; điều này có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Người và bám chặt Người trong những lúc cần thiết nhất [1]”.
Phải là chiên ngoan của Chúa Giêsu, linh mục mới có thể lo cho đoàn chiên của Chúa; có lo cho mình được rỗi, linh mục mới được thúc đẩy lo cho phần rỗi của đoàn chiên: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28).
b) Linh mục là người chăn chiên cho Chúa Giêsu
Thánh Augustinô tuyên bố: “Là người lãnh đạo, chúng tôi được kể vào hàng mục tử, nếu chúng tôi là người tốt”. Vậy, đâu là những yếu tố làm nên cái ‘TỐT’ của linh mục xét như là mục tử, nếu không phải là nhận thức của linh mục về vai trò mục tử lãnh đạo ? và là mục tử có cái tâm, cùng với niềm vui siêu nhiên, mục tử vô vị lợi, mục tử có gương sáng, mục tử vì chiên, mục tử liên đới với đồng nghiệp, nhất là mục tử với những ưu tiên rõ rệt ?
Những nhận thức linh mục cần có để là mục tử
- Chỉ Chúa Giêsu là mục tử đích thực và đúng nghĩa: “Chính Người (Đức Kitô) là Đấng chăn dắt đoàn chiên của mình, và chỉ một mình Người chăn dắt cùng với tất cả những ai đang tận tình chăn dắt đoàn chiên, vì hết thảy mọi người chăn đều ở trong Người [2]”.
- Chiên là của Chúa, chứ không phải của linh mục. Thánh Augustinô nói: “Nếu mục tử là người phàm, thì chiên họ có không phải chính họ đã làm ra, chiên họ chăn không phải chính họ đã tạo thành. Còn Chúa, Thiên Chúa chúng ta, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo, nên Người đã làm ra cho mình những con chiên Người có và những con chiên Người chăn. Không ai khác tập họp được những con chiên mà chính Người chăn dắt, cũng không ai khác chăn dắt được những con chiên mà chính Người tập họp [3]”.
- Ý thức mình được sai đi như con chiên, linh mục phải vừa khôn ngoan, vừa đơn sơ: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16 ; Lc 10,3).
- Nhìn nhận mình là đối tượng dễ bị triệt hạ để đàn chiên bị tan tác, linh mục luôn cậy dựa vào Chúa và khôn ngoan xử thế, “vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác ” (Mt 26,31b ; Mc 14,27).
- Để là mục tử, linh mục phải đi qua Chúa, vì Chúa là Cửa: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào ” (Ga 10,7); và “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10,1).
- Để là mục tử, linh mục phải có lòng mến Chúa: “ Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy’. Đức Giêsu nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy’” (Ga 21,15.16.17).
- Không có mùi của chiên vì không chia sẻ bối rối, khó khăn, niềm vui, nỗi buồn, gánh nặng, thao thức, trăn trở… của chiên, linh mục sẽ đánh mất tư cách mục tử, để biến thành kẻ đội lốt chiên, thành đối tượng bị dè chừng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15).
- Từ người mục tử, linh mục còn có thể trở thành kẻ làm thuê, thậm chí là kẻ ăn trộm: tất cả tuỳ thuộc trái tim và hành động của linh mục. Nếu là mục tử, thì “khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,4) ; còn “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” (Ga 10,12a) ; riêng “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ” (Ga 10,10a).
Mục tử với cái tâm hay cái lòng
- Sách Huấn ca viết: “Phúc thay kẻ biết xử sự khôn khéo, kẻ nói mà người ta lắng tai nghe” (25,9). Để xứng đáng với lời Kinh Thánh này, linh mục phải là mục tử với cái ‘TÂM’ của mình.
- Là mục tử với cái ‘tâm’, là không nghĩ cho mình, không nghĩ về mình, không nghĩ đến mình, mà nghĩ về chiên, nghĩ đến chiên ; cũng là không vì cái ‘tôi’ của mình, không tìm cái lợi cho mình ; đồng thời là không ghen tuông, đố kỵ, khi thấy người khác hơn mình, càng không dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ người khác. Là mục tử với cái ‘tâm’, là biết thu phục nhân tâm, đem lại hạnh phúc cho chiên, là có trách nhiệm đối với việc được giao, là bất bình trước những thói hư, tật xấu của chiên, nhưng lại xử sự nhân ái với chiên, và luôn đứng về phía chân lý và sự công bằng. Là mục tử với cái ‘tâm’, là có lòng với việc chung, là nhiệt tình với những điều cao cả, là chân thật, thực lòng, là chỉ muốn làm điều lành, điều tốt, và là ngay thẳng, công bằng, luôn hướng đến ích chung.
Mục tử với niềm vui siêu nhiên
- Thánh Phêrô truyền dạy các kỳ mục: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn” (1 Pr 5,2a). Còn ĐTC. Phanxicô xác quyết: “Nguồn gốc của những nỗi buồn trong đời sống mục vụ là do kinh nghiệm nghèo nàn về cảm giác của tình mẫu tử hay phụ tử mà lẽ ra phải trổ sinh hoa trái trong đời sống dâng hiến [4]”.
- Niềm vui siêu nhiên của mục tử sẽ giúp linh mục luôn khiêm tốn nhận mình vô dụng, để không đòi hỏi quyền lợi, dù có vất vả đến đâu: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó:‘Mau vào ăn cơm đi', chứ không bảo: 'Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau' ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 7-10).
Mục tử vô vị lợi
- Nếu thánh Phêrô khuyên các kỳ mục chăn dắt đoàn chiên Chúa “không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1 Pr 5,2b), thì thánh Augustinô lại ghi nhận: “có nhiều mục tử chỉ muốn xén lông chiên, uống sữa chiên, mà không chịu chăn chiên”.
- Nhận định của thánh Augustinô khiến linh mục luôn phải cảnh giác chính mình: bí tích không phải là cơ hội trổ tài, cũng không phải là phương tiện kinh tài, càng không phải là biện pháp chế tài. Cụ thể, linh mục cần luôn rà xét lại phong cách làm mục vụ của mình, để mãi mãi giữ được truyền thống tốt đẹp là không bao giờ xin xỏ, vòi vĩnh, ra giá, đặt điều kiện, phong bì, bao thư lót tay… làm khó dễ dân. Chỉ như vậy mới hy vọng người giáo dân còn có thể tin tưởng vào Chúa, không xa rời nhà thờ… “Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu kết hợp với mọi người đau khổ kể cả những người ‘mất niềm tin vào Giáo Hội, thậm chí cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa, vì sự thiếu nhất quán của các Kitô hữu và của các Thừa tác viên Tin Mừng [5]”.
Mục tử có gương sáng
- Vẫn thánh Phêrô khuyên các kỳ mục: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).
- Ai cũng biết: quyền lực ở đời luôn được thực thi và bảo đảm bằng các công cụ có tính cưỡng chế, nhưng quyền lực của linh mục không bao giờ được như thế, mà chỉ là phục vụ, như Chúa Giêsu xác định với các môn đệ của Ngài: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27). ĐTC Phanxicô nói: “Quyền lực đích thực nơi lãnh đạo tôn giáo phải đến từ sự phục vụ. Khi người lãnh đạo không còn phục vụ nữa, người đó biến thành nhà quản lý thuần túy, thành nhân viên của tổ chức phi chính phủ. Nhà lãnh đạo tôn giáo phải chia sẻ và chịu đau khổ với anh em mình, phục vụ anh em mình [6]”.
- Còn về việc nêu gương sáng, thánh Augustinô coi đó là bổn phận của các người được Chúa giao cho quyền lãnh đạo dân Chúa: “Không những chúng ta phải lo sống tốt lành, mà còn phải lo cư xử tử tế trước mặt người đời nữa ; cũng không phải chỉ lo cho có lương tâm ngay thẳng, nhưng còn phải tùy theo mức yếu đuối của mình và tùy theo khả năng làm chủ bản tính con người mỏng giòn, mà cố tránh đừng làm điều gì khiến người anh em yếu đuối nghĩ xấu về chúng ta, kẻo khi được ăn cỏ tươi và uống nước trong, chúng ta lại giẫm nát đồng cỏ của Thiên Chúa, khiến những con chiên yếu đuối phải ăn cỏ nát và uống nước đục [7]”.
Mục tử vì chiên
- ‘Chăn chiên vì chiên’ đòi linh mục trước hết phải biết các chiên của mình [8], nhờ thăm hỏi, tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với tâm ý của một mục tử tốt lành. Kế đến, phải luôn cải tiến cách tiếp đón chiên, cách phục vụ chiên, cách giải quyết vấn đề của chiên.
- Tiếp đón chiên như Chúa Giê-su tiếp đón mọi người đến với Chúa: niềm nở, lắng nghe, tử tế, quảng đại, lịch sự, không cáu kỉnh, bẳn gắt, không khinh người, không phân biệt đối xử…
- Phục vụ chiên: có mặt ở nhà xứ hay văn phòng đúng theo giờ đã quy định với giáo dân để họ tới gặp mà không lỡ việc. Ngoài giờ đã quy định tiếp giáo dân, vẫn sẵn sàng cho giáo dân được gặp khi họ có nhu cầu. Khi phục vụ: không ăn nói trống không, càng không nói kiểu ban ơn, bố thí, không quan liêu, xa cách, câu nệ giấy tờ hành chánh, thủ tục rườm rà…
- Giải quyết vấn đề của chiên: mau mắn, không để chiên chờ đợi, mất giờ, sốt ruột, tích cực giúp đỡ, không phức tạp hóa nhưng đơn giản hóa mọi vấn đề, để không hành hạ, mà là phục vụ giáo dân… Đức Thánh Cha Phanxicô “khuyến khích các thừa tác viên bác bỏ chủ nghĩa duy trí để nói thứ ngôn ngữ giản dị. Ngài nói thẳng thừng: ‘Đôi lúc ta mất dân vì họ không hiểu điều ta nói [9]”. Chắc chắn việc giảng đạo và truyền giáo không giới hạn vào nguyên việc cử hành bí tích và giảng dạy ở nhà thờ, mà còn nới rộng ra tới cả tư cách và thái độ của linh mục trong khi giải quyết các vụ việc của chiên.
Mục tử liên đới với “đồng nghiệp”
- Từ kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Banaba; tôi cũng đem theo anh Titô đi với tôi. Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, – cách riêng cho các vị có thế giá -, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích” (Gl 2,1-2), linh mục được nhắc rằng: quyền lực của linh mục phải được hình thành từ sự thống nhất ý chí và hành động của các linh mục và từng linh mục. Khi giữa các linh mục không có hoặc thiếu sự thống nhất ý chí và hành động, thì riêng rẽ từng linh mục rất dễ bị cám dỗ lãnh đạo chiên bằng các biện pháp chế tài, trừng phạt, khủng bố….
Mục tử có những ưu tiên rõ rệt
- Trong bài viết “Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô” đăng trên Website Vietcatholic, ngày 31/7/2013, tác giả Vũ Văn An viết: “Đức Phanxicô (…) muốn di chuyển Giáo Hội ra khỏi phòng áo lễ để bước ra đường phố, khỏi những tranh luận thần học bước vào cuộc gặp gỡ đời thực với người đau khổ và bị cho ra rìa. Đức Phanxicô đã hành động theo đường hướng ấy khi dành phần lớn chuyến thăm Ba Tây để ăn trưa với người trẻ, giải tội cho họ, cầu nguyện với người tù, thăm người cai nghiền ma túy, ôm hôn người bệnh, nói chuyện với các gia đình tại khu ổ chuột Rio…”. Như vậy, Đức Thánh Cha nêu lên những ưu tiên mục vụ mà linh mục cần lưu ý, đó là: người trẻ, người già, người nghèo, người đau khổ, người tội lỗi.
Ưu tiên cho người trẻ. Linh mục cần suy nghĩ về lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với người trẻ: “Cha muốn các con làm cho mình được lắng nghe tại các giáo phận của các con, cha muốn tiếng ồn bay ra ngoài, cha muốn Giáo Hội ra đường phố, cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, những gì là định lập, những gì là thoải mái, những gì liên quan tới giáo sĩ trị, những gì làm ta tự khép kín vào chính ta. Các giáo xứ, các trường học, các định chế được lập ra là để đi ra ngoài… nếu không đi ra ngoài, chúng sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO), mà Giáo Hội thì không thể là một tổ chức phi chính phủ được. Ước mong các giám mục và các linh mục tha thứ cho cha nếu một số trong các con tạo ra đôi chút lộn xộn sau này. Đó là lời khuyên của cha. Cám ơn về bất cứ điều gì các con có thể làm được [10]”.
Ưu tiên cho người già. Tác giả Vũ Văn An ghi nhận: “Đức Phanxicô nối kết được với giới trẻ, nhưng nhắc họ phải nhớ tới người già (…). Ngài nhấn mạnh rằng giới trẻ cần biết đánh giá kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người già, những người thường bị lãng quên trong xã hội. Chính vì thế, ngài dẫn khởi một chủ đề mới vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới: già và trẻ hiện đang là nạn nhân của nền kinh tế hiện đại, một nền kinh tế đang coi cả hai như đồ có thể vứt bỏ [11]”.
Ưu tiên cho người nghèo. Nếu thánh Phaolô viết: “Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2,10), thì Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các giám mục và linh mục tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013: “Tôi nhớ đến lời của Mẹ Têrêsa Calculta: ‘Chúng ta phải hãnh diện về ơn gọi của mình bởi vì nó cho chúng ta cơ hội phục vụ Đức Kitô trong người nghèo. Chính trong những khu lao động nghèo nàn, trong những căn nhà khốn khổ mà chúng ta phải đến để tìm kiếm và phục vụ Đức Kitô. Chúng ta phải đến với họ như các linh mục vui mừng ra trước bàn thờ [12]”.
Ưu tiên cho người đau khổ. Đức Thánh Cha Phanxicô “nói tới thách thức do người Ngũ Tuần và các cộng đồng tin lành nêu ra, một thách thức đang lôi kéo nhiều người Công Giáo Ba Tây trong suốt 30 năm qua. Ngài nói thế chủ yếu qua việc chú ý tới nhu cầu thiêng liêng của người đau khổ, một loại chú ý mà nhiều người cho rằng họ không tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo [13]”.
Ưu tiên cho người tội lỗi. Việc Đức Thánh Cha Phanxicô “dành phần lớn chuyến thăm Ba Tây để ăn trưa với người trẻ, giải tội cho họ, cầu nguyện với người tù, thăm người cai nghiền ma túy” làm chúng ta nhớ lại những gì chúng ta đã biết: “Những tội nhân công khai cũng không bị loại trừ khỏi Đức ái mục vụ. Noi gương Đấng đã đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất, linh mục vẫn dành cho họ những đối xử bác ái nhất. Cả khi gặp sự chống đối, linh mục vẫn giữ thái độ bình tĩnh và khoan dung. Tránh dùng các biện pháp chế tài, và nhất là đừng lạm dụng các bí tích như những phương tiện trừng phạt [14]”.
KẾT LUẬN
Để kết luận, chúng ta hãy cùng suy gẫm lời dạy của Công đồng Vatican II về chức vụ linh mục được đặt trong nguồn mạch đức ái mục tử thế này: “Các linh mục của Tân Ước, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi dân ấy hoặc khỏi bất cứ người nào, mà là để tận hiến cho công việc Chúa đã chọn họ làm. Họ không thể là thừa tác viên của Chúa Ki-tô, nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục. Tuy nhiên, họ không thể phục vụ loài người, nếu sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của con người” (PO 3, 18-19).
Bản gợi ý do Quí Cha Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc biên soạn
[1] ĐTC Phanxicô, Bài giảng thánh lễ với các giám mục và linh mục tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013, lúc 9g sáng Thứ Bảy, 27-07-2013 tại Nhà thờ chính tòa San Sebastian, Rio de Janeiro.
[2] x. Bài đọc 2, Giờ Kinh Sách, Thứ Ba, Tuần 13 TN.
[3] x. Bài đọc 2, Giờ Kinh Sách, Thứ Hai, Tuần 13 TN.
[4] x. ĐTC Phanxicô, Bài Huấn đức cho chủng sinh, tập sinh các dòng tu… tại Hội trường Phaolô VI, ngày 06-7-2013.
[5] “Vũ Văn An, Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô” đăng trên Website Vietcatholic, ngày 31/7/2013.
[6] Trong cuốn On Heaven and Earth.
[7] x. Bài đọc 2, Giờ Kinh Sách, Thứ Ba, Tuần 13 TN.
[8] x. Cđ. Vat. II, Sắc lệnh Prebyterorum Ordinis, 3 & 20.
[9] “Vũ Văn An, Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô” đăng trên Website Vietcatholic, ngày 31/7/2013.
[10] Vũ Văn An, “Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô” đăng trên Website Vietcatholic, ngày 31/7/2013.
[11] Nt.
[12] ĐTC Phanxicô, Bài giảng thánh lễ với các giám mục và linh mục tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013, lúc 9g sáng Thứ Bảy, 27-07-2013 tại Nhà thờ chính tòa San Sebastian, Rio de Janeiro.
[13] Vũ Văn An, “Nhìn lại chuyến đi Ba Tây của Đức Phanxicô” đăng trên Website Vietcatholic, ngày 31/7/2013.
[14] x. Hướng dẫn Đời sống và Sứ vụ Linh mục, Gp. XL, 2008, số 101.