Linh mục và hạnh phúc
Anh em linh mục thân mến,
ĐTC Bênêđictô XVI, trong cuộc viếng thăm mục vụ Hoa Kỳ năm 2008, khi nói với các linh mục, tu sĩ, đã nhấn mạnh: Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ đề có nhiều, nhưng Giáo Hội cần có các linh mục, tu sĩ hạnh phúc vì được là linh mục tu sĩ. Câu xác quyết của ĐTC Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta để ý đến một nhu cầu của thời đại và đến sứ mệnh của chúng ta là chứng nhân và thầy dậy của niềm vui, của sự hạnh phúc. Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đang mời gọi mọi con cái Giáo hội “tái khám phá hành trình Đức Tin để làm sáng lên niềm vui và niềm phấn khởi được gặp gỡ Đức Kitô”. Tôi thiết nghĩ, để người giáo dân có thể tái khám phá niềm vui và niềm phấn khởi được tin theo Chúa Kitô, thì tiên vàn, các linh mục, các cha sở phải là người tìm được niềm vui và hạnh phúc khi dấn bước theo tiếng gọi của Chúa Kitô. Vì vậy, tôi muốn chọn bài suy niệm “Linh mục và hạnh phúc” để gửi lại anh em trong dịp chúng ta tĩnh tâm kỳ này.
I. NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI
Rất nhiều người thời đại đang đắm chìm trong buồn phiền, lo lắng, chán nản và thất vọng. Nhiều người sống trong khắc khoải và cuộc sống lầm than vì đã đánh mất niềm vui. Những người này thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Họ có thể là những người nghèo, nhưng cũng có thể là những người giầu, rất giầu; họ là người ít học, nhưng cũng có thể là người trí thức; họ là người có chức vị, có ảnh hưởng trong xã hội, hoặc có thể chỉ là dân thường… Ngày nay người ta nói nhiều đến người đau ốm bệnh tật, người nghèo đói, và bị áp bức bất công, nhưng ít ai nói đến những người chán nản, buồn phiền và thất vọng… Có những người khi chán nản và thất vọng thì tìm cách kết liễu cuộc đời, người khác, ngược lại, trở thành bạo động: chửi bới, chỉ trích hoặc đập phá. Đa số thì sống vật vờ và kéo lê cuộc đời trong buồn thảm và chán nản, hoặc đua đòi theo thời trang và lao mình vào những thú vui vô bổ.
Vấn đề ở đây không phải là các khó khăn, bệnh tật hay thiên tai hoặc bất công phải hứng chịu, nhưng là tinh thần trước những hoàn cảnh này. Đứng trước một tai nạn, một người có thể bực bội, than trách và nguyền rủa trời đất; người khác lại cho là một ân huệ và cảm tạ Chúa vì thấy trong cái xui, còn có cái hên, hoặc siêu nhiên hơn thì nhìn đó như dịp may để cộng tác với Chúa, đem ơn ích và phần rỗi đến cho nhân loại.
Vì thế, người thời đại cần có những chứng nhân của niềm vui, của sự hạnh phúc và cần có các thầy dậy dẫn đường chỉ lối để tìm được hạnh phúc, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. Đây là một thách đố cho sứ mệnh của chúng ta, các linh mục của Chúa.
Thế nhưng, nhiều khi chính các linh mục cũng là những người không hạnh phúc, bon chen, lo lắng hoặc kéo lê cuộc sống, vô phương hướng. Trong Tông thư “Evangelii Nuntiandi” (Việc rao giảng Tin Mừng), ĐTC Phaolô VI, khi điểm mặt các vấn đề của công việc rao giảng Tin Mừng, trong thế giới tân tiến, đã coi vấn đề thiếu niềm vui, thiếu sự hạnh phúc như một trong những vấn đề chính yếu. Ngài nói: “Trong các vấn đề cản trở việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại chúng ta, phải kể đến việc thiếu lòng hăng say và đây là một vật cản rất trầm trọng vì phát sinh từ nội tâm. Tình trạng này phát hiện qua sự mệt mỏi, chán nản, uốn mình theo chiều gió, hay qua thái độ bất cần và nhất là sự thiếu niềm vui và thiếu hy vọng” (số 80).
Khi một linh mục hạnh phúc trong cuộc sống và trong nhiệm vụ linh mục của mình thì sẽ hăng say, nhiệt thành, sẽ dấn thân và đem hết tâm trí để chu toàn nhiệm vụ linh mục của mình. Ngược lại, một linh mục mà không hạnh phúc trong ơn gọi linh mục của mình thì sẽ đi tìm an ủi nơi những mảnh đời khác, hoặc chỉ tìm an nhàn giải trí, v.v. Vì thế, tôi muốn đặt ra một câu hỏi cho tất cả anh em để tìm một câu trả lời. “Cha có hạnh phúc không?” Nói rõ hơn: “Cha có hạnh phúc trong ơn gọi và nhiệm vụ linh mục của Cha không?” Nếu Cha chưa tìm được sự hạnh phúc trong chính đời sống và sứ mệnh linh mục của Cha và nếu Cha chưa thực sự hăng say dấn thân trong các nhiệm vụ linh mục đã được trao phó cho Cha thì cần phải đặt thêm một câu hỏi nữa. Đó là: “Làm thế nào đề sống hạnh phúc trong ơn gọi và sứ mệnh linh mục?”
Cứ coi như tất cả chúng ta đều xác tín rằng đã là linh mục thì phải hạnh phúc và rõ hơn thì phải nói là hạnh phúc trong chính ơn gọi và nhiệm vụ linh mục, chứ không phải vì những yếu tố phụ thuộc bên ngoài, Do đó, thay vì đưa ra những suy tư thần học về tương quan giữa ơn gọi linh mục và sự hạnh phúc, tôi xin được đề nghị một vài suy tư trên bình diện tâm lý và tu đức, để chỉ ra một vài yếu tố cụ thể cho hành trình sống hạnh phúc trong ơn gọi và nhiệm vụ linh mục của chúng ta.
II. NHỮNG YẾU TỐ GIÚP TÌM LẠI HAY NUÔI DƯỠNG SỰ HẠNH PHÚC VÀ LÒNG HĂNG SAY
1. Phân biệt hạnh phúc hay niềm vui, thú vui hay khoái cảm
Để tìm lại hay nuôi dưỡng hạnh phúc hay niềm vui, việc trước tiên cần phải làm là nhìn ra sự khác biệt giữa niềm vui hay hạnh phúc và thú vui hay khoái cảm để tránh lầm lẫn trong việc tìm kiếm.
Trong thông điệp “Gaudete in Domino” (Hãy vui lên trong Chúa) gửi cho Giáo Hội nhân dịp Năm Thánh 1975, ĐTC Phaolô VI đã chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa hạnh phúc hay niềm vui và thú vui hay thỏa mãn. Thoạt đầu xem ra chúng là một hay ít nữa cũng giống nhau, nhưng xét cho kỹ thì niềm vui hay hạnh phúc hoàn toàn khác với thú vui hay khoái cảm. Trong khi niềm vui hay hạnh phúc phát xuất từ trong tâm hồn, diễn tả trạng thái của đời sống sung mãn, đầy tràn thì thú vui hay thỏa mãn phát xuất từ những vật kích thích từ bên ngoài. Hạnh phúc diễn tả tâm trạng của con người trong tất cả chiều kích tâm, sinh lý và thiêng liêng. Thú vui hay khoái cảm co cụm trong bình diện cảm xúc.
Để được hạnh phúc, cần phải từ bỏ, vất đi cho lòng được thanh thoát và nhờ đó, sức sống chất chứa trong lòng mới dâng lên; ngược lại, để được thú vui và khoái cảm, cần phải chiếm đoạt và chiếm đoạt thêm mãi. Hạnh phúc hay niềm vui, phát xuất từ trong tâm hồn, không bao giờ dẫn đến cảm giác nhàm chán, trong khi thú vui thì sau những giây phút cảm xúc thú vị thì tiếp theo là sự nhàm chán và phải chiếm đoạt thêm mới có được những cảm xúc mới; hơn nữa, tiếp theo cảm xúc nhàm chán có khi là cảm giác chán ngấy (chẳng hạn kinh nghiệm của những người tìm thú vui trong việc ăn nhậu hay hút xì ke).
Như vậy, hai kinh nghiệm thoạt đầu xem ra giống nhau, nhưng thực chất thì rất khác nhau và con đường dẫn đến hai kinh nghiệm thì hoàn toàn trái ngược nhau. Do đó, cần phải nhận diện rõ ràng sự khác biệt và đi đúng con đường dẫn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta hay lầm lẫn: nói là đi tìm hạnh phúc, nhưng lại đi tìm thú vui và thỏa mãn.
2. Hạnh phúc và sự hy sinh từ bỏ
Tâm hồn hạnh phúc được ví như một nguồn nước. Nhờ rác rưởi được vứt bỏ đi, mạch nước có thể trào lên và chảy tràn lan, tưới mát tất cả thửa vườn, làm cho cây cỏ xanh tươi. Chúng ta cũng có thể diễn tả tâm hồn hạnh phúc qua dụ ngôn người tá điền và người lái buôn trong Tin Mừng thánh Matthêô: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44 – 45). Như vậy, hạnh phúc hay niềm vui của đời sống và sứ mệnh linh mục là kết quả của sự xác tín về Chúa Giêsu. Ngài đúng là kho tàng quí giá và là viên bích ngọc. Sự xác tín này dẫn đến quyết định bán tất cả để mua cho bằng được Kho Tàng hay viên Bích Ngọc đó và sẵn sàng từ bỏ tất cả để giữ Kho Tàng hay viên Bích Ngọc đó. Thái độ ngược lại được diễn tả trong câu chuyện Chàng thanh niên giầu có: Chúa nhìn chàng và với tất cả lòng trìu mến Ngài nói: “Con hãy về bán tất cả gia tài con có, phân phát cho người nghèo rồi đến theo Ta. Nhưng chàng ra đi buồn sầu vì chàng không muốn bỏ gia tài của mình” (Mc 10,17-22). Thái độ của chàng thanh niên giầu có nói nên tất cả sự trầm trọng và sự nguy hiểm của việc theo Chúa. Nhiều người muốn theo Chúa, nhưng lại không muốn chịu hy sinh vì Chúa. Có nhiều cái, nhiều thứ không muốn bỏ hay không thể bỏ cho nên tâm hồn có nặng chĩu hay sầu muộn cũng không phải là chuyện lạ. Nhiều khi người ta tránh né hay làm ngơ vấn đề qua những sự vui chơi gọi là lành mạnh, hay cười nói rôm ran, nhưng không phải là sự hạnh phúc của tâm hồn công chính. Muốn được hạnh phúc trong ơn gọi linh mục, cần phải chấp nhận thanh luyện tâm hồn và vì Chúa, tập từ bỏ tất cả những gì không phải là Chúa, cho dù đó là điều tốt.
Nói đến từ bỏ, có khi người ta chỉ nghĩ đến những điều vật chất. Nhưng có nhiều điều không phải là vật chất mà lại ràng buộc tâm hồn hơn của cải vật chất. Đó là những đam mê, thú vui, dục vọng, danh vọng mà xã hội tân tiến hôm nay luôn luôn phơi bày trước mắt và quyến dũ lòng người.
Trong chiều hướng này, chúng ta cũng cần để ý đến một chương trình sống mà chúng ta đã được hấp thụ trong chủng viện và bây giờ, trong đời sống linh mục, có lẽ chúng ta càng cần gìn giữ hơn nữa. Đó là giờ Thinh Lặng Thánh: từ giờ kinh tối đến Thánh Lễ sáng hôm sau, tuyệt đối không nói truyện, không thăm hỏi ai, để có giờ sống trong sự hiện diện của Chúa, kết hiệp với Chúa. Trong thế giới hôm nay, vấn đề không phải chỉ là nói chuyện, thăm hỏi người nọ, người kia, nhưng còn là mối tương quan với thế giới ảo qua TV, DVD, Internet… Có khi thế giới ảo này xâm chiếm tâm hồn, thôi miên lòng trí, tước mất sự an bình và hạnh phúc của tâm hồn, không những ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của linh mục, mà còn cản trở sứ mệnh linh mục của ngài.
3. Hạnh phúc và lương tâm
Một yếu tố nữa rất quan trọng cho việc tìm kiếm hạnh phúc là chính tâm hồn của mỗi người, ông Sommerset Maugham, một tiểu thuyết gia người Anh, trong cuốn tiểu thuyết “Bức màn vẽ” đã nói lên vấn đề qua lời khuyên của Mẹ Giáo Tập cho nữ tu Kitty trong tập viện như sau: “Này con, niềm vui và sự an bình con không thể tìm kiếm được qua việc làm hay qua thú vui tiêu khiển, ngoài trần gian hay trong tu viện đâu. Con phải tìm nó trong tâm hồn con.” Hạnh phúc là kết quả một lương tâm trong sạch, tâm hồn trong sáng, sống trong an bình với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Chúng ta có thể nhắc lại đây giáo huấn của công đồng Vaticanô II về lương tâm được gói ghém trong hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, số 16: “Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra, nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, tuân giữ lề luật ấy là phẩm giá của con người và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy. Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín nhất và là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ có một mình con người với Thiên Chúa và ở nơi thầm kín đó, tiếng của Ngài được vang vọng lên.”
Để tìm được hạnh phúc, cần phải huấn luyện cho có một lương tâm ngay thẳng để có thể nghe được tiếng Chúa và lần theo tiếng của Ngài hướng dẫn. Trong cuộc sống hằng ngày, luôn luôn có cơn cám dỗ chạy trốn Chúa và bịt tai trước tiếng của Chúa. Đó là câu chuyện của ông Adam sau khi đã phạm tội. Chúa hỏi: “Ngươi ở đâu?” Adam từ bụi cây nói vọng ra: “Con nghe thấy tiếng chân của Ngài trong vườn, con sợ hãi và con lẩn trốn” (St 3,9-10). Cứ thế, tâm hồn sẽ ra chai đá và lòng dạ trở thành thửa đất khô cằn.
Vì vậy, để cho đời sống linh mục của mình được hạnh phúc, cần phải quan tâm huấn luyện hay tái huấn luyện lương tâm để có đựợc một lương tâm nhạy bén, ngay thẳng và sau đó, phải tập vâng phục tiếng lương tâm. Để thấy được mối nguy hiểm và tính cách trầm trọng của việc coi thường, hoặc làm ngơ giả điếc trước tiếng lương tâm, chúng ta có thể nhắc lại giáo huấn của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma. Ngài nói: “Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn…” (Rm 1, 23-24).
4. Hạnh phúc và cầu nguyện
Tất cả những yếu tố trên đây mới chỉ là những sự chuẩn bị cần thiết. Bí quyết của hạnh phúc chính là những giây phút cầu nguyện, sống thân tình với Chúa, thân thưa lòng với lòng. Tâm hồn hạnh phúc là tâm hồn phong phú, đầy tràn Chúa. Thanh luyện tâm hồn và từ bỏ mọi sự để lòng được thanh thoát và rộng mở mà đón nhận Chúa. Chính Chúa mới là suối nguồn làm cho tâm hồn được no thỏa và hạnh phúc thực sự. Vì vậy, đời sống cầu nguyện chính là nền tảng và suối nguồn của hạnh phúc thực sự.
Có lẽ không ai trong chúng ta hồ nghi về tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong cuộc đời linh mục, nhưng xếp giờ để cầu nguyện, nhất là những giờ cầu nguyện riêng thì lại rất khó. Vì nhiều lý do, kể cả lý do mục vụ, việc cầu nguyện có thể bị bỏ qua, hay bị cắt xén. Nhiều trường hợp, kinh nguyện, kể cả dâng Thánh Lễ, trở thành một hành động hình thức khô cằn. Thực ra, vấn đề không nằm ở bình diện lý thuyết thần học, nhưng ở bình diện thực hành cụ thể. Trong chiều hướng đó, tôi xin được đề nghị một vài suy tư sau đây.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2564 định nghĩa: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô.” Như vậy, bản chất của việc cầu nguyện chính là tình yêu, mà là tình yêu giao ước, tức là tình yêu sâu đậm, trong đó, Thiên Chúa và con người thuộc về nhau. Tuy nhiên, cần phải nhớ là tình yêu, tuy lúc đầu có thể là một tâm tình tự nhiên bộc phát, nhưng để triển nở, nó đòi phải được nuôi dưỡng và luyện tập. Do đó, Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2650 đã quả quyết là “việc cầu nguyện không chỉ là sự bộc phát do một thúc đẩy nội tâm. Để cầu nguyện, phải muốn cầu nguyện. Nếu chỉ biết những gì Thánh Kinh mạc khải về cầu nguyện thì chưa đủ, còn phải học cầu nguyện nữa”.
Có hai điều cần phải học hỏi và luyện tập, nếu muốn cho việc cầu nguyện trở thành nguồn sức sống và nguồn hạnh phúc cho đời sống và sứ mệnh linh mục.
- Nuôi dưỡng sự hiện diện của Chúa trong tâm khảm và luyện tập khả năng đối thoại nội tâm với Ngài. Michel Quoist có viết một cuốn sách với tựa đề “Chúa Giêsu sống động”. Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, nhưng là một Đấng sống động. Ngài nói trong tâm khảm mỗi người; Ngài mời gọi một lời đáp trả của tình yêu. Khi Chúa sống động trong tâm khảm thì các hoạt động sẽ được Ngài khơi nguồn gợi hứng và các giây phút cầu nguyện trở thành hơi thở và nhu cầu.
- Sắp xếp các giờ cầu nguyện, nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư cá nhân, thành một phần trong chương trình sống trong ngày và cố gắng trung thành với thời giờ đã xếp đặt, coi nó như giờ hẹn với Chúa và phải cố gắng trung thành.
Anh em linh mục thân mến,
Như một kết luận, tôi xin trích lại đây giáo huấn của thánh Phanxicô Assisi về hạnh phúc thực.
Một ngày nọ, thánh Phanxicô khi ở Đền thờ Đức Mẹ Nữ Vương các Thiên Thần, gọi thầy Leone và bảo:
- Thầy Leone, xin thầy hãy đi lấy giấy bút để viết.
- Thầy Leone trả lời: – Này con đây, con đã sẵn sàng.
- Thánh Phanxicô nói: – Thầy hãy viết: “Niềm vui đích thực là gì?”
Thánh Phanxicô nói tiếp:
- Một sứ giả đến và nói rằng tất cả các giáo sư ở Paris đã gia nhập Dòng chúng ta. Rồi sứ giả nói tiếp: “Các Tổng Giám mục, Giám mục và ngay cả vua nước Pháp và vua nước Anh đã gia nhập Dòng chúng ta hết”. Thầy hãy viết: “Đây không phải là niềm vui đích thực”. Rồi một sứ giả khác đến vào bảo: “Các anh em của chúng ta đi truyền giáo và đã hoán cải được rất nhiều dân ngoại”. Thầy hãy viết: “Đây không phải là niềm vui đích thực”. Sau cùng, một sứ giả thứ ba đến nói là tôi đã được ơn làm phép lạ và chữa lành mọi tật nguyền. Thầy hãy viết: “Đây không phải là niềm vui đích thực”.
- Thầy Leone ngạc nhiên và hỏi: – Vậy thì niềm vui đích thực là gỉ?
Thánh Phanxicô chậm rãi trả lời:
- Một hôm tôi từ một thành phố xa trở về vào nửa đêm mùa đông, hai chân tôi run lập cập, chảy máu vì lạnh và băng giá. Tôi đến trước cửa cộng đoàn và tôi gõ cửa. Mãi lâu mới có một thầy ra hỏi: “Ai đấy?” Tôi trả lời: “Tôi là Phanxicô đây, bề trên của các thầy đây.” Thầy đó trả lời: “Không ai trở về vào giữa đêm như vậy. Cha hãy đi tìm chỗ ngủ nơi khác, ở đây chúng tôi không cần cha nữa.” Lúc đó tôi nài nỉ và van xin: “Xin thầy, vì tình yêu Chúa, mở cửa cho tôi trọ đêm nay thôi. Sáng mai, tôi sẽ đi ngay.” Nhưng thầy đó nhất định không mở và bỏ đi ngủ. Nếu trong lúc đó tôi vẫn an bình và không ta thán, trách móc thì đó chính là niềm vui đích thực.”
Đó là tâm hồn của một người đã thanh thoát khỏi tất cả để chỉ thuộc về một mình Chúa. Chúa đã trở thành gia tài và viên bích ngọc. Đó chính là niềm vui và là hạnh phúc đích thực. Xin Chúa Kitô, nguồn mạch mọi niềm vui và hạnh phúc, luôn ở với anh em. Xin Thánh Cả Giuse, Đấng Bảo trợ của Gia đình Giáo phận, giúp anh em theo gương ngài, trở thành người đem Chúa Kitô, niềm vui và hạnh phúc đích thực, đến cho từng người, từng gia đình trong giáo xứ được trao phó cho anh em.
Thân mến chào anh em.
Đaminh Nguyễn Chu Trinh – GM. Giáo Phận Xuân Lộc