Lời chủ chăn tháng 04-2018
CANH TÂN NIỀM VUI ĐỨC TIN
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Đầu tháng Ba vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đi Roma thực hiện cuộc viếng thăm “Ad limina” mà nếu muốn nói đầy đủ thì phải nói là “Ad limina Apostolorum”, tức là cuộc viếng thăm mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và gặp gỡ Đức Thánh Cha, Đấng kế vị Thánh Phêrô.
Mục đích của cuộc viếng thăm “Ad limina” là canh tân đời sống Đức Tin, khơi dậy lửa nhiệt huyết truyền giáo, đồng thời thắp sáng lòng yêu mến và tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ qua việc gặp gỡ Đức Thánh Cha, Đấng kế vị Thánh Phêrô. Giữa các mục đích thiêng liêng của cuộc viếng thăm “Ad limina”, tôi chọn yếu tố Đức Tin để chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ với đề tài là “Canh tân Niềm vui Đức Tin”.
A. CANH TÂN ĐỨC TIN
1. Tuyên xưng Đức Tin thay mặt cho đoàn Dân Chúa
Sáng thứ Bảy, ngày mùng 03 tháng 03, ngày đầu tiên sau khi tới Roma, các Đức Giám mục Việt Nam đã tới Đền thờ Thánh Phêrô, viếng mộ Thánh Phêrô để tuyên xưng Đức Tin vàdâng Thánh Lễ. Đứng chung quanh mộ Thánh Phêrô, các Đức Giám mục đã cùng nhau nghe lại lời tuyên xưng Đức Tin của Thánh Tông đồ Cả theo sách Tin Mừng thánh Matthêô: “Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.’ Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Simôn Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’ Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.’(Mt 16,13-19).
Sau khi lắng nghe Lời Chúa, tất cả các Đức Giám mục cùng đọc kinh Tin Kính để qua đó, hòa nhịp cùng Thánh Phêrô, tuyên xưng Đức Tin của mình: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Khi tuyên xưng Đức Tin, các Đức Giám mục ý thức là mình tuyên xưng Đức Tin thay mặt cho đoàn chiên đã được trao phó. Do đó, khi tuyên xưng Đức Tin trước mộ Thánh Phêrô, Đức Cha Phụ tá và tôi không chỉ tuyên xưng Đức Tin của riêng chúng tôi, nhưng chúng tôi đã đại diện cho tất cả các Linh mục, Tu sĩ và anh chị em Giáo dân của Giáo phận để lặp lại lời của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tất cả Giáo phận đã hiện diện trong lòng trí chúng tôi ở giây phút quan trọng này của cuộc viếng thăm “Ad limina”.
Lời tuyên xưng Đức Tin cần phải được nhắc lại và tái khẳng định, nhất là trong hoàn cảnh một thế giới mà nếp sống theo Tin Mừng của Chúa đang bị thách đố, bị từ khước và chính Chúa cũng bị chối bỏ, có khi bởi cả những người đã từng theo Chúa.
2. Khía cạnh cụ thể của việc canh tân Đức Tin
Thật là cảm động và hạnh phúc khi được tuyên xưng Đức Tin ngay bên mộ Thánh Phêrô, trong tình hiệp thông với các Đức Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và với đoàn Dân Chúa trong Giáo phận. Tâm tình này làm tôi nghĩ đến một khía cạnh cụ thể của việc canh tân Đức Tin. Đó là canh tân NIỀM VUI ĐỨC TIN.
Thực ra, nơi các Linh mục và Tu sĩ nam nữ và ngay cả Giáo dân trong Giáo phận chúng ta, việc xác nhận lại Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế không phải là một nhu cầu lớn, vì chắc chắn ai cũng tin điều này. Khía cạnh cụ thể của Đức Tin mà chúng ta cầntái khám phá và canh tân là NIỀM VUI được biết Chúa. Niềm vui này cần được khơi lên sâu đậm và mạnh mẽ đến độ tràn ngập lòng trí, đổ đầy sức mạnh để người tín hữu có khả năng từ bỏ tất cả chỉ để giữ trọn tình nghĩa với Chúa Giêsu, đem đến cho mọi hoàn cảnh sống ý nghĩa cao cả, mở ra cho cuộc đời mỗi người niềm hy vọng mà chính Đức Kitô Phục Sinh trao ban.
Đây là tâm tình mà thánh Phaolô đã thổ lộ trong thư ngài gửi cho giáo đoàn Philiphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).
Tâm tình của Thánh Phaolô cũng được thể hiện nơi tất cả các Thánh. Ở đây, tôi muốn nhắc đến tâm tình của hai vị thánh là Chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên và thánh nữ Josephina Bakhita.
Chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên, sau khi bị bắt và bị kết án tử hình vì không chịu chối Chúa, Thầy đã nói với các tín hữu đến thăm Thầy: “Xin quý ông bà đừng khóc thương cháu, nhưng xin cầu nguyện để cháu giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời”. Thầy giảng Anrê Phú Yên đã không xin các tín hữu chạy chọt hay phản đối vua quan để Thầy được tha, nhưng chỉ xin cầu nguyện để Thầy “giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời”.
Nói đến việc biết Chúa đem ý nghĩa và mở ra một viễn tượng mới cho cuộc đời, tôi nghĩ đến Thánh Josephina Bakhita, người Sudan. Ngài bị bắt cóc khi còn nhỏ và bị bán làm nô lệ. Bị mua đi, bán lại qua nhiều người chủ và sau cùng thì được bán làm nô lệ cho ông lãnh sự Ý tại Ai Cập. Khi theo ông lãnh sự về nước Ý, chị Bakhita được thả tự do rồi trở lại đạo và đi tu dòng Canossiane. Trong một cuộc gặp gỡ các sinh viên tại Bologna, khi được hỏi Chị sẽ phản ứng thế nào nếu gặp lại những người đã bắt cóc Chị để bán làm nô lệ và những người đã hành hạ Chị lúc Chị còn là nô lệ, Chị Bakhita đã trả lời: “Tôi sẽ không ngần ngại quỳ xuống mà hôn tay họ, vì nếu không xảy ra những chuyện đó, làm sao tôi biết được Chúa Giêsu và bây giờ trở thành nữ tu.” Bị bắt cóc, bị bán làm nô lệ, bị mất tất cả nhân phẩm, cộng thêm bao nhiêu cực hình của một nô lệ, thế mà chị Bakhita coi đó là ơn phúc chỉ vì nhờ đó, Chị đã gặp được Chúa Giêsu. Nơi thánh Josephina Bakhita, việc biết Chúa Giêsu đã đem đến cho ngài một cách nhìn mới về cuộc đời và những tâm tình mới đối với tha nhân.
3. Niềm vui Đức Tin là đích điểm cho cuộc sống và việc tông đồ
Niềm Vui Đức Tin là đích điểmmà mỗi Linh mục và Tu sĩ cần nhắm tới cho đời sống thiêng liêng của mình cũng như cho tất cả hoạt động mục vụ dành cho cộng đoàn Dân Chúa. Chỉ tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế thôi chưa đủ, mà còn phải hạnh phúc vì đã biết và gặp được Ngài. Trong sứ mệnh mục vụ, chỉ chu toàn nhiệm vụ giảng dạy giáo lý, tổ chức chu đáo các lễ nghi phụng vụ, các chương trình đạo đức và thúc đẩy giáo hữu chu toàn các quy luật của Giáo Hội thôi chưa đủ, mà còn phải hướng dẫn đoàn Dân Chúa khám phá ra niềm vui trong đời sống Đức Tin của mình. Lúc đó, các quy luật và các đòi hỏi của đời sống đức tin sẽ không còn là gánh nặng phải chấp nhận, mà là nhu cầu khao khát đón nhận vì nhờ đó mà gìn giữ được mối tình thân với Chúa. Nhờ vậy, đời sống Đức Tin của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn các tín hữu sẽ tỏa sáng niềm vui và vẻ đẹp của cuộc đời theo Chúa, có sức làm chứng và lôi cuốn người khác theo Ngài.
B. TÁI KHÁM PHÁ NIỀM VUI ĐỨC TIN
Vẫn biết là có vô số các tín hữu, nhờ lòng tin vào Chúa, vẫn sống an bình và hạnh phúc ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng cảm tưởng chung chung là đời sống của rất nhiều tín hữu của Chúa, ngay cả các Linh mục và Tu sĩ, chưa nói lên được niềm vui theo Chúa. Tâm tư và cuộc sống của họ không khác bao nhiêu so với cuộc sống và cách cư xử của những người chưa biết Chúa. Họ vẫn đi tìm những thú vui, nhiều khi vô bổ và còn sẵn sàng bỏ Chúa vì những lạc thú và những mối lợi vật chất nhiều khi rất nhỏ. Qua cung cách sống, người ta chưa thấy được họ là người đã tìm thấy nơi Chúa nguồn vui và hạnh phúc cho cuộc đời. Thực tại này là một thách đố cho các Linh mục và Tu sĩ trong chính cuộc sống cá nhân và trong các hoạt động mục vụ của mình. Đó là thách đố về khả năng làm cho mọi người biết Chúa thực là nguồn hạnh phúc của đời mình và thách đố vươn lên tầng cao hơn trong công việc mục vụ: không chỉ giúp cho giáo dân của mình giữ đạo, mà còn nỗ lực dẫn đưa họ vào một cảm nghiệm nội tâm về Chúa, cảm nếm được “Chúa tốt lành dường bao” (x. Tv 33,9).
Công việc tông đồ của mỗi Linh mục và Tu sĩ tùy thuộc vào tâm hồn và đời sống của vị đó. Vì vậy, để có khả năng nâng cao công việc mục vụ đến tầm mức có thể dẫn giáo dân khám phá niềm vui được biết Chúa, chính Linh mục và Tu sĩ phải là người đã có kinh nghiệm về niềm vui gặp gỡ Chúa và cảm nhận sâu xa niềm vui này khác với những thú vui mà thế gian trao tặng (x. Ga 14,27).
Hành trình khám phá niềm vui được biết Chúa có thể tómlại trong các yếu tố sau đây:
- Chuyển đổi từ tình trạng của một người biết về Chúa sang cuộc sống của một người biết Chúa, tức là sự hiểu biết về Chúa từ trí óc thấm nhuần vào con tim và lan tràn ra tất cả cuộc sống. Lúc đó, người ta sẽ nói được như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21); “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 11,12).
- Xác tín Chúa thực sự là viên bích ngọc và là kho tàng quý giá đến độ sẵn sàng bỏ tất cả để mua được viên bích ngọc và kho tàng này. Đây là tâm tình và hành động của người lái buôn trong Tin Mừng thánh Matthêô: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,44-46). Chỉ ai dám hy sinh những chuyện nho nhỏ hằng ngày và chịu thiệt thòi vì Chúa Giêsu, mới khám phá được niềm vui biết Ngài.
Niềm vui Đức Tin được thánh Phanxicô thành Assisi gọi là Niềm Vui đích thực và được ghi lại trong sách truyện cuộc đời của ngài như sau:
Một hôm thánh Phanxicô gọi thầy Leone lấy bút viết về Niềm Vui đích thực:
Một người đưa tin đến nói là tất cả các giáo sư tại Paris đã nhập hội dòng chúng ta. Thầy hãy viết: “Đây không phải là Niềm Vui đích thực”. Rồi một người khác lại đến và nói là tất cả các giám mục, tổng giám mục và cả vua nước Pháp và vua nước Anh đều đã nhập hội dòng của chúng ta. Thầy hãy viết: “Đây không phải là Niềm Vui đích thực”. Rồi người ta lại loan tin là anh em của dòng chúng ta đi truyền giáo và đã làm cho nhiều người trở lại đạo, còn tôi thì được Chúa ban cho khả năng chữa nhiều người khỏi bệnh và làm nhiều phép lạ. Thầy hãy viết: “Đây không phải là Niềm Vui đích thực”.
Thầy Leone ngạc nhiên và hỏi: Vậy Niềm Vui đích thực là gì? Thánh Phanxicô đáp:
Tôi về nhà giữa đêm khuya, trong mùa đông gió lạnh và tuyết rơi đầy đường. Đứng ngoài cửa, chân run lập cập và vết thương chảy máu. Tôi gõ cửa, mãi lâu sau có một thầy ra và hỏi: “Ai đó?”. Tôi trả lời: “Tôi là Phanxicô đây”. Thầy đó trả lời: “Giờ này không phải là giờ để về nhà. Tôi không mở cửa”. Tôi nài nẵng xin thầy, vì lòng yêu mến Chúa, mở cửa cho tôi ngủ nhờ một đêm thôi và sáng hôm sau tôi sẽ đi. Nhưng thầy ấy nhất định không mở cửa và trở về phòng ngủ. Trong hoàn cảnh đó, nếu tôi vẫn giữ được bình tĩnh và tâm hồn không xao xuyến thì đấy là Niềm Vui đích thực, là ơn cứu độ của linh hồn.
Niềm Vui đích thực chính là Niềm Vui Vượt Qua, là sự sống mới mà Chúa Thánh Thần ban cho những môn đệ chấp nhận theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh để tiến từ khổ nhục đến phục sinh. Đây là niềm vui, cũng là sức sống sung mãn của những môn đệ, nhờ sức mạnh của ơn thánh, đã thắng vượt được chính mình, làm cho tâm hồn được thanh thoát khỏi mọi thụ tạo, khỏi thành công và thất bại, khỏi danh dự và lợi lộc để tựa dựa vào Chúa Giêsu và kín múc nguồn sống nơi Ngài. Nhờ vậy, tâm hồn luôn đầy tràn và an bình dù giữa những thay đổi của hoàn cảnh và những đau khổ của cuộc đời. Thánh Têrêsa thành Avila đã gói ghém chân lý sống này như sau: “Đừng để điều gì làm con xao xuyến; đừng để điều gì làm con hoảng sợ. Tất cả sẽ qua đi, chỉ có Chúa là trường tồn… Ai có Chúa thì chẳng thiếu thốn chi: chỉ một mình Chúa là đủ”.
Xin Đức Mẹ là Mẹ các Linh mục và là mẫu gương của đời sống Thánh hiến dẫn dắt và nâng đỡ tất cả chúng ta trong nỗ lực sống và hướng dẫn đoàn Dân Chúa khám phá sự thật: Chúa là nguồn vui và “chỉ một mình Chúa là đủ”.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc