Lời Chủ Chăn Tháng 08-2017
KHÁT KHAO HẠNH PHÚC QUÊ TRỜI
ĐỒNG THỜI DẤN THÂN CHO THA NHÂN NƠI TRẦN THẾ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong lịch Phụng vụ tháng 8 có hai lễ trọng là lễ Chúa Hiển Dung và lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Cả hai lễ này đều dẫn lòng trí chúng ta hướng về Quê Trời, đồng thời, cũng thúc đẩy chúng ta tích cực dấn thân xây dựng trần thế. Vì vậy, tôi muốn chọn đề tài “Khát khao hạnh phúc Quê Trời, đồng thời dấn thân cho tha nhân nơi trần thế” để chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ trong Lời Chủ Chăn tháng 8 này.
Tôi sẽ dựa vào bài Tin Mừng lễ Chúa Hiển Dung như điểm gợi hứng và chia sẻ ba ý tưởng chính:
- Khát khao hạnh phúc Quê Trời và dấn thân cho tha nhân nơi trần thế
- Tính vô cảm
- “Hai con đường”: hành trình giải thoát trí lòng
1. Khát khao hạnh phúc Quê Trời và dấn thân cho tha nhân nơi trần thế
Bài sách Tin Mừng ngày lễ Chúa Hiển Dung thuật lại việc Chúa biến hình trên núi Tabor: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy… Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, được ở đây thì thực là tốt cho chúng con!… Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,3-5.7).
Mấy dòng của sách Tin Mừng tuy ngắn, nhưng cũng đủ cho ta thấy một cảnh tượng huy hoàng, rực rỡ, vượt trí tưởng tượng của con người. Vẻ đẹp huy hoàng, rực rỡ này không chỉ cho các môn đệ thấy căn tính vinh quang của Chúa Giêsu, mà còn báo trước vinh quang mà các ngài cũng sẽ được tham dự trong tương lai. Ba môn đệ không chỉ chứng kiến, mà còn được lôi cuốn tham dự vào cảnh tượng huy hoàng, vì các ngài được nghe và nghe được tiếng của Thiên Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." (Mc 9,7).
Đây đúng là thực tại của các môn đệ Chúa, tuy hiện nay còn đang được giấu kín trước con mắt bình thường của loài người. Điều này đã được thánh Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga 3,1-2).
Ngay sau đoạn tường thuật việc Chúa hiển dung và các môn đệ ngây ngất trong khung cảnh thần linh trên núi Tabor, thánh Marcô kể việc Chúa đưa các môn đệ xuống núi và lập tức, các ngài gặp một người cha với đứa con nhỏ bị quỉ ám và Chúa giải thoát đứa nhỏ khỏi quí ám (x. Mc 9,14-29). Qua cách sắp đặt này, thánh Marcô cho thấy lòng khao khát tham dự vào vinh quang và hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta mở lòng, mở trí với tâm tình thương yêu, hướng tới anh chị em, nhất là những người đau khổ.
2. Tính vô cảm
Điều đáng được chú ý là lời của tông đồ Phêrô: “Thưa Thầy, được ở đây thì thực là tốt cho chúng con!” Câu nói này nói lên niềm hạnh phúc được tham dự vào vinh quang thần linh của Chúa. Hạnh phúc này vượt trên mọi hạnh phúc đến độ người môn đệ sẵn sàng coi nhẹ tất cả, kể cả thành công mục vụ, để giữ được niềm hạnh phúc này. Khi các môn đệ vui mừng kể lại những thành công đã thực hiện được trong công tác tông đồ, Chúa nói: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,17-20). Còn thánh Phaolô thì nói: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc Quê Trời xem ra không luôn tạo được lòng khao khát có sức lôi cuốn tâm hồn để làm cho người ta “đành mất hết, và coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” Còn đối với tha nhân thì cũng ít người có khả năng “vui với người vui, khóc với người khóc.” (Rm 12,15). Vấn đề này hôm nay được gọi bằng cụm từ “tính vô cảm”. Thực ra, đây không phải chỉ là vấn đề của thời đại hôm nay. Người ta kể một giai thoại về ông Fiorello LaGuardia, Thị trưởng thành phố New York như sau:
Những năm ‘30 là thời kỳ khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố New York… Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, ông Fiorello LaGuardia, và bên dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não. Gương mặt tiều tụy của bà hiện rõ nét xấu hổ vì bà đã bị cáo là ăn cắp một ổ bánh mì.
Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia, đồng thời cũng là quan tòa, hỏi: “Bị cáo, bà bị tố cáo là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”
Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm”.
Quan tòa lại hỏi: “Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?”
Bà lão trả lời: “Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy… Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, để lại con gái tôi ốm liệt giường, với hai đứa con nhỏ. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói… Chúng thực sự rất đói…” Nói đến đây bà bật khóc.
Bà lão nói xong, trong phòng xử án vang lên tiếng xì xào bàn tán của đám đông. Ngài thị trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói:
“Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đôla hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?”
Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin chịu giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng nó?”
Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình.
“Đây là 10 đôla tiền phạt, bà đã được tự do!” Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Ngài Baliff, hãy đi thu tiền phạt và đưa tất cả cho bị cáo”.
Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc vì lệnh truyền của quan tòa thị trưởng. Tuy nhiên, mọi người đều nhận ra lỗi phạm “hờ hững” của mình và trong phút chốc, mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng.
3. “Hai con đường”
Người ta coi thường hạnh phúc Quê Trời và trở thành hờ hững, vô cảm trước những khổ đau của tha nhân vì lòng trí bị mê hoặc bởi nhiều thứ, nhất là Danh, Lợi, Thú. Chính vì vậy, ngay từ thời sơ khai, giáo huấn của các thánh Tông đồ trong sách Didache đã trình bày đời sống kitô đòi phải luyện tập để giải thoát lòng mình. Giáo huấn này đã được thánh I Nhã diễn giải qua đề tài “Hai Ngọn Cờ”. Mỗi ngọn cờ dẫn đầu một con đường, có thủ lãnh riêng với chiến thuật riêng.
a) Con đường dẫn đến sự chết
Con đường dẫn đến sự chết có thủ lãnh là quỷ sứ Satan với 3 cạm bẫy:
– Cạm bẫy thứ nhất là ước ao tiền tài và sự giầu có vật chất
Satan khơi dậy trong lòng người môn đệ sự ham muốn không kềm hãm về tiền tài và của cải vật chất; coi sự giầu có như nguồn sức mạnh bảo đảm sự thành công, thậm chí bảo đảm chính cuộc sống. Cái nguy hiểm căn bản của chiến thuật này là nó quyến dũ người môn đệ nuôi hy vọng vào tiền bạc, vào sự vật thay vì đặt tin tưởng vào Chúa. Hậu quả là người môn đệ dễ mất an bình nội tâm và ngược lại dễ bồn chồn lo lắng. Đã có lại muốn có hơn; có rồi thì sợ mất cái đã có. Thêm vào đó, thường dễ ganh tị và khó chịu khi thấy người khác có nhiều hơn mình.
Điều quan trọng cần để ý là vấn đề không hệ tại số lượng vật chất mà hệ tại cường độ dính bén của tâm hồn. Vì thế, một người, vì hoàn cảnh hay nguồn gốc gia đình, có thể giầu có, nhưng tâm hồn lại rất an vui, thanh thoát, trong khi một người khác, có thể chẳng có gì, nhưng lòng ham muốn lại vô tận. Ngoài ra, trong cuộc đời tông đồ, có một cạm bẫy rất nguy hiểm. Đó là vì việc mục vụ mà lòng bị trói buộc. Việc mục vụ cần có phương tiện và nhiều khi người tông đồ cũng phải khiêm nhượng tìm kiếm, nhưng đôi khi vì việc tông đồ và vì người nghèo mà tâm hồn người tông đồ bị dính bén và bị thoái hóa, nhất là khi người tông đồ không thành thực với chính mình.
– Cạm bẫy thứ hai là khát khao tìm kiếm danh vọng và thế lực
Sau của cải vật chất thì tới danh vọng và thế lực. Tự nhiên, ai cũng thích danh giá và được người khác yêu mến, tôn vinh và kính trọng. Sách Tin Mừng Thánh Luca kể trường hợp những người đi dự tiệc cưới: “Người (Chúa Giêsu) nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng tìm ngồi chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, và người đã mời anh sẽ đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,7-11).
Thái độ khiêm nhường Chúa nói trong dụ ngôn là sự khiêm nhường thật lòng. Lợi dụng tính tự nhiên đã sẵn có, ma quỷ kích thích thêm và thúc dục người môn đệ dại dột theo nó thèm khát địa vị cao sang, tìm kiếm những bạn bè thế lực, tìm hết cách, có khi cả những cách thức không mấy ngay thẳng, để kéo sự chú ý, để được người khác khâm phục và yêu mến. Hậu quả cũng là bỏ rơi Chúa để tựa dựa vào các thụ tạo thay vì tựa dựa vào Chúa. Vấn đề ở đây cũng giống như cạm bẫy trên, có khác là ở trên, người môn đệ nuôi hy vọng vào sự vật, còn ở cạm bẫy thứ hai này thì người môn đệ đặt tin tưởng vào các thụ tạo, vào những nhân vật quan trọng, quyền thế hay vào đám đông. Các sự vật và thụ tạo chiếm mất chỗ của Chúa trong lòng người môn đệ!
– Cạm bẫy thứ ba là tính kiêu căng tự phụ
Khi tìm kiếm và có được các phương tiện vật chất, bạn bè thế lực và được nhiều người tôn kính thì cạm bẫy thứ ba cũng rất gần. Đó là sự kiêu căng, tự phụ: cảm thấy mình hơn người khác, có khả năng thực hiện mọi chương trình mà không cần ai, không cần luôn cả Chúa. Đây chính là tình trạng mà ĐHY Suhard, tổng giám mục Paris, khi nhận định về Giáo Hội đã nói là tình trạng trầm trọng chủ yếu của Giáo Hội không phải ở chỗ ít người đi lễ, đi nhà thờ, nhưng vì có nhiều tông đồ (linh mục, tu sĩ, giáo dân) sống và hành động như người vô thần: họ suy tưởng và hành động dựa theo sự tính toán loài người, như thể không có Chúa. Trong tình trạng này, người ta có thể phạm mọi thứ tội, có khi cả tội ác nữa. Khi cảm thấy mình có khả năng thực hiện mọi chương trình và không cần ai, kể cả Chúa, người ta sẽ dễ bị chi phối và khống chế bởi dục vọng. Khi còn sợ Chúa hay ít nữa là sợ người khác thì còn kềm chế mình, nhưng khi không còn sợ ai thì các dục vọng sẽ trở thành con ngựa bất kham.
b) Con đường dẫn đến sự sống
Con đường dẫn đến sự sống có thủ lãnh là Chúa Giêsu và chiến thuật của Ngài cũng có 3 hướng đi, nhưng hoàn toàn đối nghịch với chiến thuật của Satan.
– Hướng đi thứ nhất là tinh thần khó nghèo thiêng liêng
Chúa Giêsu dạy cho người môn đệ của Chúa hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của cuộc đời và của sự vật. Vì vậy, người môn đệ thay vì tựa dựa vào sự vật, vào bằng cấp hay khả năng của mình, thì tựa dựa vào Chúa. Người môn đệ trân trọng phương tiện vật chất, khả năng, bằng cấp, nhưng chỉ dùng chúng như phương tiện mà Chúa Quan Phòng ban cho để phụng sự Chúa và làm ích cho tha nhân, cho nên có cũng được, không có cũng không sao.
Từ chỗ biết đến chỗ sống theo điều mình biết có cả một khoảng cách mênh mông. Vì vậy, lắm khi Chúa quan phòng cho phép xẩy ra những hoàn cảnh trớ trêu để huấn luyện người môn đệ. Chẳng hạn, khi phải thực hiện một dự tính, người ta có thể nuôi hy vọng vào những phương tiện dồi dào có thể có hay vào một người bạn tài giỏi. Nhưng đến ngày thực hiện chương trình, hiện ra một vật cản làm mất phương tiện và người bạn trợ lực thì cũng không còn vì họ đau ốm hay vì xảy ra một sự hiểu lầm… Thế là tan biến nguồn hy vọng! Nếu người môn đệ nhậy bén với Chúa thì nhận ra đó chính là hành động yêu thương Chúa dùng để thanh luyện tinh thần của mình.
– Hướng đi thứ hai là tinh thần ẩn mình
Thay vì ao ước và tìm kiếm danh vọng, địa vị cao sang, người môn đệ của Chúa tìm ẩn mình. Những người quyền thế, cao sang người môn đệ kính trọng, quí mến thật lòng, nhưng không qụy lụy lấy lòng, cũng không coi thường hay khinh dể.
Trong hướng thứ nhất, người môn đệ tập cho lòng mình được thanh thoát trước sự vật, ở đây người môn đệ tập cho lòng mình được tự do trước danh vọng và thế lực. Vì thế, người môn đệ không tìm kiếm quyền bính, nhưng khi được mời gọi vào chỗ quyền bính, thì lại chấp nhận một cách rất tự nhiên, như sứ mệnh phục vụ để làm ích cho tha nhân, còn lòng trí thì vẫn khiêm nhường và tiếp tục cuộc sống đơn giản như trước.
Nói xem ra có vẻ dễ dàng, nhưng tập được thì cũng “trầy da, sứt vảy”, và cứ sự thường thì cũng chẳng mấy ai ưa thích. Vì vậy, khi người môn đệ thành tâm ao ước và cố công luyện tập thì Chúa sắp xếp để người môn đệ có cơ hội luyện tập.
Đọc cuộc đời các thánh, các nhà truyền giáo lớn, hoặc các đấng sáng lập dòng thấy hay xảy ra truyện ngược đời: Một người khổ sở, đổ mồ hôi máu mới gầy dựng lên được một công việc tông đồ. Sau đó, một người khác đến, chỉ kịp động một ngón tay là có thể tổ chức khánh thành. Trong lễ khánh thành thì các bài diễn văn đều ca ngợi người thứ hai này và mọi công nghiệp đều qui về người ấy, còn người thứ nhất thì hoàn toàn bị quên lãng, hoặc chỉ được nhắc qua. Trong hoàn cảnh này, người tông đồ có sự nhậy bén thiêng liêng sẽ dễ nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa đang tôi luyện tinh thần và cuộc đời của mình, như lửa thanh luyện để vàng trở thành vàng ròng, làm cho lòng người tông đồ được thanh thoát thực sự trước tất cả để chỉ tựa dựa và hy vọng vào một mình Chúa. Lúc đó, người môn đệ mới có thể lặp lại lời của thánh Phaolô mà không sợ thẹn lương tâm: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2Cr 4,5).
– Hướng thứ ba là lòng khiêm nhường
Lắm khi người môn đệ không những bị quên lãng mà còn bị nghi oan hay bị xỉ nhục, có khi vì những lỡ lầm đã vấp phạm, nhưng có khi hoàn toàn vô tội. Trong hoàn cảnh này, người môn đệ được Chúa hướng dẫn sẽ đi sâu vào lòng mình để nhận ra được chỉ có Chúa mới là gia nghiệp và càng trở nên thanh thoát, tự do hơn trước nhân tình thế thái, trước lời khen, tiếng chê và nhìn đời với con mắt nội tâm mà các bậc thầy chỉ đàng nhân đức và các thánh chiêm niệm gọi là con mắt thứ ba: nhìn được những dấu vết của Chúa và bản chất sâu thẳm của con người và của sự vật.
Trong tâm tình và bầu khí thiêng liêng đó, người môn đệ sẵn sàng chấp nhận sự xỉ nhục, có khi oan uổng để đền trả các tội lỗi của mình cũng như tội lỗi của thế giới.
Để kết thúc những dòng suy nghĩ trên đây, tôi muốn mời gọi quí Cha và quí Tu sĩ cùng nhau luyện tập để lòng mình được thanh thoát theo gương thánh Phaolô: “Tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” Với tâm hồn nhẹ bổng và hạnh phúc, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần làm cho Giáo phận trở thành mảnh đất chất chứa tình yêu và lòng thương xót.
Cúi xin Đức Mẹ là Mẹ của các Linh mục và là “Nữ Vương các kẻ đồng trinh” gìn giữ và che chở quý Cha, quý Tu sĩ dưới tà áo mẹ hiền của Ngài.
Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc