Lời chủ chăn Tháng 08-2018

03-08-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 08-2018 by

ĐỔI MỚI TRÁI TIM NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Tháng Tám thường là thời gian mà Giáo phận và nhiều Hội dòng thực hiện việc chuyển đổi nơi phục vụ hoặc công tác tông đồ. Việc chuyển đổi nơi chốn và công việc phục vụ này phải gắn liền với việc “Đổi Mới Trái Tim Người Tông Đồ” để làm bừng lên sức sống mới nơi Thân Thể Chúa Kitô là Hội Thánh mà cụ thể là Giáo phận. Đó là đề tài tôi chọn cho Lời Chủ Chăn tháng này nhằm gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ những tâm tư, nguyện ước của tôi.

1. Từ thực tại đời sống đức tin của dân Chúa

Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa khi thấy còn đông đảo các tín hữu Giáo phận sốt sắng thực hành đức tin. Tuy nhiên, chúng ta cần đưa ra những đánh giá xác thực hơn về đời sống đức tin của họ để tìm ra phương cách giáo dục đức tin thích ứng và hiệu quả hơn.

Những truyền thống đạo đức của giáo xứ và gia đình diễn ra bình an trong lũy tre làng ở thời kỳ nông nghiệp như giờ kinh gia đình, tình yêu chung thủy, con cái thảo hiếu… đang bị xói mòn trong thời kỳ công nghiệp, kéo theo sự suy thoái đức tin và luân lý. Hơn nữa, đức tin của nhiều tín hữu và tân tòng mới chỉ dừng lại ở sự biết giáo lý mà chưa đi tới một xác tín cá nhân. Họ tuân giữ lề luật và bổn phận đạo đức vừa đủ để được Chúa ban ơn và được phúc Nước Trời, nhìn Thiên Chúa như một ý niệm trừu tượng mà chưa nhận biết Ngài là Đấng Hằng Hữu, gần gũi, yêu mến, ở với chúng ta và khao khát chúng ta mến yêu Ngài. [1] Nhiều tín hữu chỉ biết “cầu xin” mà chưa biết “cầu nguyện”, chưa biết gặp gỡ riêng với Chúa, đến với Chúa tại nhà thờ nhưng chưa đem Chúa vào cuộc đời, một đức tin thụ động mà chưa dấn thân sống và loan báo giữa đời.

Không đủ xác tín đức tin, người tín hữu sẽ dễ để mình buông theo thói đời, chạy theo cuộc sống hưởng thụ làm đức tin trở nên cằn cỗi. Nhiều gia đình trẻ ngày nay quá lo kiếm tiền, lo cho con có bằng cấp và nghề nghiệp, nhưng lại thờ ơ với việc giáo dục đức tin cho chúng. Nhiều tín hữu chưa xác tín sống theo chuẩn mực đức tin là phương thế tuyệt hảo giúp họ giữ gìn tình yêu trung tín và xây dựng gia đình hạnh phúc, nên ngày càng nhiều gia đình đổ vỡ, để lại cho giáo xứ những thiệt hại lớn lao. Những đổ vỡ này có thể tránh được rất nhiều nếu việc chuẩn bị tiền hôn nhân và sự đồng hành sau hôn nhân được chúng ta suy nghĩ tổ chức tốt hơn và được các mục tử dấn thân với tấm lòng nhiệt thành hơn. 

Ở đây, tôi chỉ gợi lên một góc nhìn hạn hẹp về những nguy cơ của đời sống đức tin nơi các tín hữu và các gia đình, nhưng tưởng cũng đủ để khiến lòng chúng ta – những mục tử, những người sống đời thánh hiến – đang thiết tha với tương lai của Hội Thánh, mang mối bận tâm sâu xa về đức tin của anh chị em tín hữuphải băn khoăn và được thôi thúc mạnh mẽ để dấn thân chăm lo giáo dục đức tin cho các tín hữu hơn nữa và nỗ lực trong việc rao giảng Tin Mừng. 

2. Đến Sứ Mạng của người Tông đồ…

Một hồng ân lớn lao mà Giáo phận chúng ta đang lãnh nhận, đó là phần đông giáo dân còn đến nhà thờ, yêu mến lắng nghe các mục tử, hăng say với công việc tông đồ của giáo xứ và đặc biệt, đông đảo Thiếu nhi tham gia các lớp giáo lý… Nhưng chúng ta đã tận dụng những hồng ân này thế nào cho sứ mạng của chúng ta?
Để thực hiện việc giáo dục đức tin cho dân Chúa cách hiệu quả, chúng ta cần xác định đúng mục tiêu, đó là giúp các tín hữu vươn tới một đức tin trưởng thành, khơi lên trong họ nỗi thiết tha tìm kiếm Chúa và thúc đẩy họ bền bỉ tiến tới sự thánh thiện. [2] Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy: “Sống đời Kitô hữu là hiệp thông thân tình cá nhân với Chúa. Ơn thánh Chúa soi sáng con tim tín hữu và dẫn đưa họ tới thị kiến thần bí của Chúa… Đó không phải là ơn đặc biệt dành cho một vài nhà thần bí, mà là hoa trái của Phép Thánh Tẩy trong cuộc sống của mỗi một tín hữu biết nghiêm chỉnh dấn thân”. [3]

Tiếp đến, chúng ta cần ý thức đúng về sứ mạng của mình, đó không chỉ là một công việc được trao để làm, mà gắn chặt vào chính sự hiện hữu của ơn gọi Linh mục và Thánh hiến. Trong Tông huấn “Evangelii Gaudium”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã diễn tả thật mạnh mẽ và tuyệt vời điều này như sau: “Sứ mạng của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái ‘phù hiệu’ mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì ‘phụ thêm’ hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời. Trái lại, nó là một cái gì tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mạng trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này” (số 273). Vì vậy, thờ ơ với sứ mạng là chối bỏ chính mình. Chúng ta không chỉ làm một số công việc tông đồ, mà phải trở thành người tông đồ toàn vẹn. Từ điều này, chúng ta phân định hai cách sống nơi người tông đồ: Có người tông đồ chỉ sống theo Chuẩn mực Luân Lý. Đó là cố gắng làm tròn bổn phận và tự bằng lòng. Họ chú trọng nhiều đến công việc và thành công bên ngoài hơn là tình yêu bên trong. Ở chuẩn mực này, vì chưa dành trọn tình yêu cho Chúa và các linh hồn, trí lòng người tông đồ thường khó có thể nghĩ đến mục tiêu tối hậu, đồng thời không đủ can đảm hiến trọn bản thân, hy sinh mọi sự cho sứ mạng, bởi lòng họ còn pha trộn những dục vọng và tư lợi cá nhân, khiến hoa trái thiêng liêng bị giới hạn và nhiều khi còn gây nên những thiệt hại thiêng liêng lớn lao. 

Có người tông đồ hân hoan sống theo Chuẩn mực Tình Yêu. Họ can đảm thanh luyện lòng mình khỏi mọi dục vọng trần gian để vươn dần đến khát khao duy nhất là tìm kiếm Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Họ hân hoan để Chúa chinh phục mình thay vì mình quỵ lụy thế gian. Một khi lòng trí và cuộc sống chúng ta hướng trọn về Chúa, chuyên cần học hỏi và cưu mang sáng kiến mục vụ để phục vụ các linh hồn, chắc chắn chúng ta sẽ vượt thắng những lôi kéo thế gian, thanh thản tiến tới đỉnh trọn lành, dần cảm nếm sâu xa niềm vui thiêng liêng và tính xác thực khi sống chân lý Chúa dạy: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được” (Mt 16,25). 

Vì vậy, điều chúng ta cần làm là một bước nhảy của đức tin, nhảy từ nếp sống thụ động theo Chuẩn mực Luân lý đến một đời say sưa bước tới trong yêu thương và bền bỉ đi tới sự viên mãn theo Chuẩn mực Tình Yêu. Tôi xác tín rằng, nếu mỗi giáo xứ có được cha xứ, cha phó thánh thiện, có được cộng đoàn dòng tu bừng cháy lửa Thánh Thần, hết lòng tìm kiếm Chúa và hiến mình cho sứ mạng, không chỉ truyền đạt một số kiến thức giáo lý, mà say sưa dẫn tha nhân đến với Chúa bằng chính kinh nghiệm đức tin của lòng mình, thì chắc chắn giáo xứ được biến đổi, các tín hữu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ để sống đức tin và hân hoan tiến tới sự trọn lành như Đức Bênêđictô XVI xác quyết với các chủng sinh: “Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta sống thánh thiện và sự thánh thiện là bí mật của sự thành công thực sự của thừa tác mục vụ mà chúng ta đảm nhận sau này. [4]

3. Thôi thúc một nỗ lực Đổi Mới Trái Tim Người Tông đồ

Vậy phải làm gì để đổi mới trái tim tông đồ của chúng ta? Tôi xin gợi lên hai điều:

– Trước hết, chúng ta dấn thân sống đời cầu nguyện, đó là bước đến gần Chúa, gần ngọn lửa, để tình yêu Chúa thiêu đốt chúng ta. Cầu nguyện là bí quyết để đổi mới trái tim người tông đồ. Chúng ta cần đi từ một “kỷ luật cầu nguyện”, đó là trung thành thực thi các giờ cầu nguyện mỗi ngày, tiến đến một “đời sống cầu nguyện” là luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, liên lỉ kết hợp mật thiết với Chúa, Đấng luôn ngự trong tâm hồn chúng ta mà Thánh Augustinô, dựa vào kinh nghiệm, đã quả quyết: Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chúng ta. [5]

Đời sống cầu nguyện giúp chúng ta lắng nghe tiếng Chúa để hiểu ý Chúa và đem ra thực hành. Khởi đầu có thể chỉ là ánh sáng chiếu soi lý trí, phân biệt tốt xấu và thúc đẩy ý chí thực thi, nhưng dần dần, khi trải nghiệm thinh lặng sâu xa, chúng ta có thể cảm được tình yêu Chúa chạm đến trái tim, ngọt ngào lôi cuốn linh hồn và thúc đẩy một đáp trả mạnh mẽ như không thể cưỡng lại, làm nên một biến đổi từ bên trong. Mỗi một đáp trả thánh ý Chúa đưa chúng ta vào tương quan mật thiết hơn với Chúa, đổ đầy chúng ta sự sống thần linh, làm nên nghị lực không vơi cạn cho đời tông đồ. Đó là lúc chúng ta sống theo hướng dẫn của Thánh Thần, mà theo Thánh Faustina, là con đường ngắn nhất để nên thánh. [6] Một tâm hồn yêu mến Chúa đích thực không thể không cảm thấy nhu cầu thúc bách muốn được ở một mình với Chúa.  

Đời sống cầu nguyện giúp chúng ta thực thi sứ mạng chuyển cầu cho dân Chúa và nhân loại. Tha thiết trau dồi, chúng ta có thể tiến dần đến lòng tin tưởng táo bạo như Abraham nài xin cho Gômôra (x. St 18,20-32) và thân tình, gần gũi như Môisen: “Ông cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại” (Xh 32,11). Càng hiểu đúng sứ mạng, chúng ta càng nhận ra sự hư vô, bất lực của mình trong việc thánh hóa các linh hồn. Điều đó không làm chúng ta thất vọng, nhưng thêm tin tưởng cầu xin, nỗ lực trau dồi khả năng mục vụ và nhất là vun trồng trái tim bừng cháy tình yêu tông đồ. Lời cầu nguyện hòa lẫn hy sinh chắc chắn mang nhiều lợi ích lớn lao cho dân Chúa. Đừng bao giờ thiếu lời cầu nguyện trước, đang và sau khi cử hành một Bí tích hoặc làm một việc tông đồ.

Tin tưởng vào lòng nhiệt thành sẵn có của của quý Cha và quý Tu sĩ, tôi xin được đề nghị hai điều này: điều thứ nhất là mỗi ngày chúng ta hãy dành ít là 20 phút hiện diện thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể, điều thứ hai là ý thức dâng lên Chúa từng giờ Kinh Phụng Vụ, để nài xin Chúa thương thánh hóa chúng ta và dân Chúa, đặc biệt đổi mới những người Chúa trao phó cho chúng ta chăm sóc. Nếu tất cả các Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận hiệp lòng cầu xin, Chúa sẽ nhận lời chúng ta như Ngài đã hứa: “Ai xin thì sẽ được” (Lc 11,10; x. Mt 18,20).

– Thứ đến, chúng ta dấn thân hoán cải mỗi ngày. Đó là nỗ lực thanh tẩy mình khỏi mọi nô lệ trần gian, hăm hở tiến bước trên đường tình yêu mà Chúa Giêsu khai mở và thả lỏng mình cho sự dẫn dắt của Thánh Thần (x. Gl 5,16). Giữa thế giới đầy cám dỗ hưởng thụ, chúng ta rất cần phải hết lòng cậy trông Chúa và thật dũng cảm mới có thể vững tâm bước theo Chúa. Nhớ rằng, Chúa luôn ở với chúng ta, lôi kéo trái tim và ban sức mạnh giúp ta vượt thắng khó khăn để thực hiện việc đổi mới tâm hồn mỗi ngày. Chắc chắn Chúa không bao giờ chịu thua tình yêu và lòng quảng đại của chúng ta dành cho Ngài. Nếu chúng ta mạnh dạn như Thánh Phaolô, dám đánh đổi cả cuộc đời, chấp nhận mọi thiệt thòi, miễn là được kết hợp với Đức Kitô, mà là Đức Kitô chịu đóng đinh (x. Pl 3,8), chúng ta sớm có kinh nghiệm rằng, chỉ mình Chúa là Tình Yêu vô biên có thể làm no thỏa tâm hồn chúng ta, ban cho chúng ta sự sống đời đời, đồng thời khi đã cảm nếm được niềm vui của Chúa, chúng ta sẽ không muốn đánh đổi nó bằng bất cứ thú vui phù phiếm nào! 

Nguyện xin Mẹ Maria Lên Trời và các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng ta, để trái tim chúng ta được tình yêu Chúa chạm đến, biến đổi chúng ta thành những chứng nhân sống động của lòng thương xót Chúa cho tha nhân, nhất là cho những anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, hoặc bị bỏ rơi. 

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW