Lời chủ chăn Tháng 09/2018

01-09-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 09/2018 by

CHÚNG TÔI RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
 

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Trong lịch Phụng vụ tháng 9, chúng ta đặc biệt chú ý đến lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9), một đàng vì chúng ta đang sống trong năm thánh mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam; đàng khác, vì mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh luôn có sức lôi cuốn lòng người như chính Chúa Kitô đã nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32). Ngài nói thế có ý ám chỉ về cái chết của Ngài trên Thập Giá.

Vì vậy, một lần nữa tôi muốn suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá với đề tài “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh”. Qua đôi dòng suy niệm đơn sơ sau đây, tôi ước mong làm sáng tỏ yếu tố quyết định của công cuộc cứu rỗi nhân loại của Chúa Kitô để mời gọi quý Cha và quý Tu sĩ, chúng ta cùng nhau hăm hở dõi theo và học nơi Chúa những tâm tình cần có để thực hiện công trình cứu độ của Ngài.

1. Chúa Kitô cứu chuộc nhân loại nhờ Thập Giá

Khi suy niệm về mầu nhiệm Thập Giá, mầu nhiệm đau khổ, tự nhiên hiện ra trong tâm trí tôi cảnh tượng những đoàn người đau khổ, đông đảo không kể xiết: những người đau yếu bệnh tật, những người cô đơn, thất vọng, những gia đình đang gặp khủng hoảng hay đã tan vỡ, những người nô lệ cho thú vui và đam mê, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, những nạn nhân chiến tranh và áp bức bất công, những người bị vu oan cáo vạ, những vụ lừa đảo, chém giết nhau vì thù hằn, vì tư lợi ích kỷ… Những hoàn cảnh này đã gây ra biết bao tang thương, đổ vỡ và bất an trong lòng người, trong các gia đình và trong xã hội.

Đứng trước đau khổ, nhất là những nỗi đau triền miên dường như không có cách giải quyết của những người vô tội, của những người bị áp bức bất công, ai cũng cảm thấy hoang mang và bức xúc. Nhiều người đã chán nản và trở nên thụ động, hoặc rơi vào tình trạng hoài nghi và tuyệt vọng; không ít người trở thành bạo động trong tư tưởng, lời nói và hành động, họ chỉ muốn tiêu diệt những người họ cho là thủ phạm. Các Kitô hữu, nhất là các Linh mục và Tu sĩ, những người được mời gọi theo Chúa với tất cả con người của mình để tiếp tục sứ mệnh cứu chuộc nhân loại của Ngài, chúng ta phải làm gì trong những hoàn cảnh tang thương và tối tăm này? Làm thế nào để hàn gắn được những vết thương đang hằn sâu trong tim óc nhiều người? Làm sao để hòa giải được những người thề không đội trời chung? Đối với chúng ta, Thánh Giá Chúa Kitô là câu trả lời chắc chắn duy nhất. Thánh Giá Chúa Kitô bừng lên như một luồng ánh sáng nhiệm mầu chiếu soi trong đêm tăm tối của sự dữ và của đau khổ đang đè nặng trên con người thời đại.

Nói đến Thánh Giá là nói đến đau khổ trong mối tương quan với Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc nhân loại, đã chịu đóng đinh nhục nhã trên Thánh Giá. Vì vậy, thay vì dán mắt vào đau khổ của chính mình hay của tha nhân, chúng ta cần ngước mắt nhìn lên chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cơn đau đớn hãi hùng trên Thánh Giá và dưới ánh sáng đó, những đau khổ có thể trở nên tươi sáng như những viên ngọc óng ánh. Thực là một khám phá mới mẻ không ngờ.

Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống thân phận loài người. Ngài đã rảo khắp các thành phố, làng mạc để gặp gỡ mọi người: rao giảng Tin Mừng để soi sáng tâm trí con người, chữa trị bệnh tật của những người đau yếu, kêu gọi những người tội lỗi ăn năn hối cải và tha thứ tội lỗi cho họ, an ủi và chữa lành những tâm hồn tan nát vì đau khổ, nuôi dưỡng những người nghèo đói… Tất cả những điều Ngài làm đều tốt lành và có giá trị cứu rỗi, nhưng vẫn chưa đủ. Sau cùng, Ngài đã phải đón nhận những đau đớn hãi hùng trong tuần thương khó và kết thúc với cái chết nhục nhã trên Thánh Giá.

Những đau khổ ê chề và ghê sợ mà Chúa Giêsu lãnh chịu không phải là điều tình cờ, hay rủi ro. Ngài đã nhìn thấy trước tất cả mọi đau khổ và nhục nhã đang chờ đợi, mà Ngài không chạy trốn, nhưng đón nhận một cách ý thức vì yêu mến vâng phục thánh ý Chúa Cha và yêu thương cứu độ con người…

  • Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: ‘Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8, 31-33; x. Mc 9, 30-32; Mc 10, 32-34; Mc 14, 8; Mc 14, 21.24.36).
  • Trong vườn Cây Dầu, khi môn đệ Phêrô tuốt gươm bảo vệ Ngài thì Ngài nói: “Hãy bỏ gươm vào vỏ; ta không phải uống chén Chúa Cha đã dọn sẵn cho ta sao?” (Ga 18, 11).
  • Khi nói về những đau khổ Người phải gánh chịu, ngôn sứ Isaia đã khẳng định: “Chính Ngài đã muốn như vậy (Quia ipse voluit)” (Is 53, 7).

Tại sao Chúa Giêsu lại muốn đón nhận những đau khổ tột cùng như vậy? Có ba lý do, rất đơn giản, nhưng lại là những lý do thiết yếu cho công trình cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Lý do thứ nhất: đau khổ là phương tiện diễn tả tình yêu. Tình yêu được diễn tả qua nhiều hình thức, nhưng chịu đựng đau khổ là hình thức mạnh mẽ nhất để nói lên tình thương yêu. Đau khổ càng nhiều, càng hãi hùng thì tình thương yêu càng lớn lao, càng sâu đậm. Chỉ cần nói đến việc Chúa xuống thế làm người đã đủ để thấy tình yêu sâu thẳm của Ngài, vì tình yêu sâu đậm đòi phải chia sẻ cuộc sống với người yêu. Tình yêu trong mầu nhiệm Thập Giá còn đi xa hơn một bậc: chấp nhận những đau khổ vì tình thương yêu. Không những chịu đau khổ cho người mình thương yêu mà còn chấp nhận đau khổ do chính người mình thương yêu gây ra cho mình.

Lý do thứ hai là chiến thắng sức mạnh của sự dữ bằng sức mạnh của tình yêu. Trong tuần thương khó, Chúa tiến thẳng vào tâm điểm của bạo lực, chấp nhận tất cả sức mạnh của thù hằn, ghen ghét trên thân xác để hoá giải tất cả bằng sức mạnh vô biên của tình yêu. Như vậy, tâm điểm của mầu nhiệm Thánh Giá là TÌNH YÊU chứ không phải đau khổ. Đau khổ là hoàn cảnh, là thách đố để tình yêu thi thố. Chính vì thế, sự chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô Phục Sinh không mang theo thù hằn, chết chóc, tiêu diệt, đổ vỡ, mà làm phát sinh an bình, tha thứ và vui tươi trong lòng mọi người. Chính nhờ Thánh Giá, Chúa Kitô đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa Cha và nhân loại với nhau: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”  (Eph 2,14-18).

Lý do thứ ba của việc Chúa chấp nhận chịu đau khổ là đền trả tội lỗi thay cho nhân loại. Tội lỗi có hai chiều kích: đó là sự dữ và hậu quả của nó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, và những thiệt hại lớn lao gây ra cho tha nhân, cho chính bản thân và vạn vật. Do đó, tội lỗi của nhân loại cần phải được tha thứ và đền bù. Nhưng làm sao loài người có thể đền bù được các tội đã xúc phạm đến Thiên Chúa và phá hủy các công trình tuyệt tác của Ngài? Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người mới đền trả được các tội này và Ngài đã đền trả thay cho tất cả nhân loại.

Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, luôn thương yêu nhân loại tha thiết cả khi bị vô ơn, bị đối xử tệ bạc và bất công, yêu thương cả những người là căn nguyên gây ra đau khổ cho chính Ngài và cho tha nhân. Chính nhờ vậy mà thế giới được cứu rỗi. Có lẽ không đoạn sách Thánh nào diễn tả điều này rõ hơn sách Ngôn sứ Isaia: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật… Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (Is 53, 2-7).

Chính vì thế mà thánh Phaolô đã giới thiệu và rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh như niềm hãnh diện, cho dù nhân loại không hiểu và không chấp nhận: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Co 1,22-25)

2. Linh mục, Tu sĩ cộng tác trong công trình cứu chuộc của Chúa

Dưới ánh sáng mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Kitô, đau khổ còn mang theo ý nghĩa của một sứ mệnh là cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô. Chính vì vậy mà Thánh Phaolô coi đau khổ như một hạnh phúc, một niềm tự hào: “Tôi sung sướng vì những đau khổ phải hứng chịu cho anh em và tôi kiện toàn trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong tuần tử nạn của Chúa, để mang lại ơn ích cho Thân Thể của Ngài là Giáo Hội.” (Col 1,24). Chỉ trong cái nhìn đức tin đó người ta mới có thể coi đau khổ như một kho tàng tình yêu quí giá, như một cơ may ngàn vàng và có thể hiểu được vì sao trong lịch sử của Giáo Hội, nhiều lần Chúa Thánh Thần hướng dẫn người môn đệ của Chúa Kitô đi vào mầu nhiệm đau khổ cách sâu thẳm.

Tuy nhiên, chỉ chịu đau khổ hay can đảm nói cho người khác biết lỗi lầm của họ hoặc chống đối những bất công của xã hội thôi, chưa phải là con đường của mầu nhiệm Thánh Giá. Tâm điểm của Thánh Giá không phải là đau khổ, càng không phải là bạo lực, gian dối, mà là Tình Yêu cứu độ. Bản tính của tình yêu là thương yêu, nên yêu cả kẻ lành lẫn kẻ dữ, không loại trừ bất cứ ai: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (x. Mt 5,43-47).

Có lẽ đến đây, chúng ta cần tự vấn lòng mình: Có khi nào chúng ta hành động nhân danh Chúa, nhưng lại đi ngược lại con đường của Chúa không? Có khi nào chúng lấy lề luật hay lòng bác ái, hoặc nhân danh trách nhiệm bảo vệ người nghèo khổ để biện minh cho hành động và phản ứng của mình, trong khi thực chất sâu thẳm lại là thù hằn và ganh tỵ không? Trong cuốn “Tin Mừng thứ năm” (Il Quinto Evangelio), Mario Pomilio ghi lại câu chuyện giả tưởng được kể vào thế kỷ 19 với tựa đề “Cuộc chiến của các Thánh”. Chuyện kể: Một ngày kia, các Thánh từ Trời, nhìn xuống trần gian, thấy đầy dẫy tội lỗi, bao nhiêu kẻ dữ áp bức dân lành, gây chiến tranh, chết chóc. Các Thánh bực bội nên họp Đại Hội và quyết định xuống thế, tuyên chiến với phường tội lỗi để tiêu diệt chúng và trao lại quyền bính cho những người lành cai trị thế giới. Sau một thời gian ngắn, đạo binh các Thánh chiến thắng vẻ vang. Các ngài quy tụ tất cả phường tội tỗi lại trong lòng chảo của một thung lũng lớn, nơi đã dọn sẵn các dàn hỏa thiêu để thiêu sống tất cả. Gần đến giờ nổi lửa, các Thánh thấy có một người đang gù lưng vác một thập giá lẫn lộn trong đám những kẻ tội lỗi dưới thung lũng. Các ngài bực bội đi tìm xem đó là kẻ nào. Nhìn kỹ thì thánh Phêrô nhận ra đó chính là Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế…  Vậy nên các ngài để những kẻ tội lỗi lại đó và lục tục kéo nhau trở về Thiên đàng[1]

Đây chỉ là một câu chuyện giả tưởng, nhưng có thể diễn tả rất gần tâm trạng của chúng ta, các môn đệ Chúa hôm nay. Tâm tư của các môn đệ Chúa còn cách xa tâm tư của Chúa nhiều lắm! Trong khi Chúa tìm hết cách để cải hóa và cứu chuộc những kẻ tội lỗi thì các môn đệ Chúa lại chỉ tìm cách loại trừ họ! “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23; x. Ed 33,10).

Từ những dòng suy tư trên đây, xin gợi ra ba áp dụng cụ thể cho đời sống và công tác mục vụ của chúng ta:

  1. Trong công tác mục vụ, có những hoàn cảnh đòi hỏi chúng ta phải can đảm nói sự thật. Vấn đề là nói thế nào để lời nói không trở thành lời chỉ trích, kết án hay xỉ nhục, mà là lời mời gọi của Tình yêu Cứu độ để soi sáng và khích lệ cải thiện. Muốn được như vậy, trước tiên cần phải ở lâu giờ trước Thánh Thể và Thánh Giá để chiêm ngưỡng cho thấm nhuần vào lòng tình yêu cứu độ của Chúa. Ngoài ra, cần phải tỉnh thức nhận diện những ý nghĩ và tình cảm thầm kín trong lòng mình để ra sức thanh luyện cho lòng được sạch khỏi mọi vấn vương của bạo lực, thù hằn và ghen ghét.
  2. Trong đời sống riêng tư cũng như công tác mục vụ, không ít lần chúng ta phải hứng chịu những đau khổ. Cần phải học nơi Chúa Kitô trên Thập Giá, biến đau khổ thành hy lễ dâng lên Chúa Cha để cầu xin ơn tha tội cho chính mình, cho những người mình có trách nhiệm và cho toàn thể Giáo Hội và thế giới.
  3. Mời gọi và hướng dẫn đoàn Dân Chúa học nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, đón nhận đau khổ bằng tình yêu và lòng tin tưởng phó thác để biến đau khổ thành nguồn ơn cứu độ cho mình, cho Giáo Hội và thế giới.

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, bên cạnh Thánh Giá Chúa, có Đức Mẹ đứng lặng thinh, nhưng đầy lòng quả cảm, âm thầm hiệp cùng Chúa Giêsu, dâng lên Chúa Cha nỗi đau đớn đang dằn vặt tâm can để cầu xin ơn tha thứ và cứu độ cho nhân loại. Cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã trao phó Giáo Hội cho Đức Mẹ (x Ga 19, 26-27). Vì vậy, với lòng mến yêu và tin tưởng cậy trông, chúng ta hãy chạy đến cùng Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ dạy dỗ chúng ta biết noi gương Ngài, biến mọi đau khổ của chúng ta thành lời khẩn cầu,xin ơn tha thứ và ơn an bình cho chính chúng ta và cho toàn thể Giáo phận, nhất là những người có tính mê, tật xấu, những anh chị em đau khổ, anh chị em Lương dân và Di dân để tất cả Giáo phận chúng ta được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW