Lời chủ chăn – Tháng 1 / 2017

02-01-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn – Tháng 1 / 2017 by

LINH MỤC, TU SĨ TRONG MỘT GIÁO PHẬN LÀ

THÁNH ĐỊA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Trong phần “Lời Chủ Chăn” của tháng đầu tiên năm mới 2017, tôi ao ước chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ một thao thức tôi đã ấp ủ từ lâu trong lòng và chắc sẽ theo đuổi tôi trong suốt Năm Mới này. Đó là thao thức nhìn thấy Giáo phận chúng ta trở thành “Thánh địa của lòng thương xót”, trong đó mỗi người đều cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa và của anh chị em mình, đồng thời cũng trở thành máng chuyển lòng thương xót của Chúa cho anh chị em mình.

Thao thức này, tôi xin chia sẻ theo hai đề mục chính: Lòng thương xót phải là nét đặc trưng của Giáo phận Xuân Lộc và Linh mục, Tu sĩ với tâm hồn mục tử để Giáo phận trở thành “Thánh địa của lòng thương xót”.

1. Lòng thương xót phải là nét đặc trưng của Giáo phận Xuân Lộc

Trong năm mới này, tôi mong ước nhìn thấy lòng thương xót được hình thành, hay nói đúng hơn, được phát triển mạnh mẽ để trở nên điểm đặc trưng của Giáo phận chúng ta, trở thành nếp sống của tất cả linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân trong đời sống gia đình, giáo xứ, trong các liên hệ xã hội và công ăn việc làm. Ước mong trên đã được loan báo qua ba sự kiện trước đây:

– Sự kiện thứ nhất là những lời tâm huyết tôi gửi Giáo phận trong Thánh lễ cầu nguyện cho sứ vụ mục tử của tôi tại nhà thờ Chính Tòa ngày 31 tháng 5 năm 2016: “Giáo phận Xuân Lộc đã được biết đến vì nhiều lý do khác nhau, nhưng từ nay Giáo phận Xuân Lộc muốn được biết đến như một cộng đoàn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, mở lòng mình đón nhận nhau và đón nhận mọi người, không phân biệt lương giáo, giầu nghèo. Ước chi ai đến đất Xuân Lộc cũng nhận thấy ở đây có bầu khí an bình, vui tươi, hạnh phúc toát ra trên khuôn mặt của các vị mục tử, của các tu sĩ nam nữ, của các bậc cha mẹ, của các anh chị thanh niên thiếu nữ, trong các gia đình và các giáo xứ… Ước chi Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi, những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi. Con cái Xuân Lộc, chúng ta cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất lòng thương xót”.

– Sự kiện thứ hai là chủ đề mục vụ năm 2016 – 2017 của Giáo phận: “Gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa: Chuẩn bị người trẻ bước vào hôn nhân”. “Lòng thương xót” là lựa chọn của Giáo phận, muốn tiếp tục thực hiện tinh thần của năm thánh Lòng Thương Xót trong đời sống hằng ngày; yếu tố “Gia đình” diễn tả tinh thần hiệp thông của Giáo phận với toàn thể Giáo hội tại Việt Nam, vì “Gia đình” là đối tượng được Hội đồng Giám mục Việt Nam lựa chọn cho chương trình mục vụ trong ba năm 2017-2019. “Chuẩn bị người trẻ bước vào hôn nhân” là yếu tố nối kết hai yếu tố gia đình và lòng thương xót. Để cho đời sống hôn nhân gia đình được an lành, hạnh phúc theo chương trình của Thiên Chúa, các bạn trẻ cần phải được chuẩn bị kỹ càng. Công việc chuẩn bị phải bao gồm mọi yếu tố cần thiết của đời sống Hôn nhân, nhưng trong viễn tượng mục vụ của Giáo phận, các bạn trẻ cần phải được hiểu biết và luyện tập để lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau trong đời sống hôn nhân gia đình mai sau.

– Sự kiện thứ ba là lá thư Giáng Sinh gửi Giáo phận, qua đó tôi nhắc lại ước mơ đã được thổ lộ trong Thánh lễ cầu nguyện cho sứ vụ mục tử của tôi tại nhà thờ Chính Tòa ngày 31 tháng 5 năm 2016: “Hôm nay tôi muốn nhắc lại ước mơ ấy và mong cho Lòng Thương Xót thấm đượm vào tim óc mọi người để ước mơ này trở thành ước mơ chung của cả Giáo phận; hãy cộng tác với tôi và hãy hành động với tôi, để biến ước mơ chung ấy trở thành hiện thực: làm cho Giáo phận chúng ta thành “thánh địa của Lòng Thương xót” (…) Nơi đây, mọi người đều được đón nhận và sống an lành như cá bơi lội tung tăng trong dòng nước mát, như bầy chim bay lượn và ca hát líu lo trên bầu trời xanh.”

2.  Linh mục, Tu sĩ với tâm hồn mục tử để biến lòng thương xót trở thành nét đặc trưng của Giáo phận

Làm cho lòng thương xót trở thành nét đặc trưng để biến Giáo phận thành “Thánh địa của lòng thương xót” là một viễn tượng tuyệt đẹp, ai không ước muốn? Nhưng làm thế nào để viễn tượng này thành hiện thực? Mỗi lần đặt ra câu hỏi này trong lòng mình, tôi luôn thấy có cùng một câu trả lời: “Nhất thiết phải có các linh mục, tu sĩ, nhất là các linh mục, những người anh em cùng chia sẻ sứ vụ mục tử với mình trong Giáo phận, là những người có tâm tình, thái độ, hành vi, cử chỉ và nếp sống Lòng Thương XótKhi có chất thương xót trong lòng, mỗi người sẽ tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà diễn tả”. Vì vậy, tôi tha thiết xin quý Cha, quý Tu sĩ, chúng ta hãy để cho lòng Chúa thương xót chinh phục chúng ta thì chúng ta sẽ có khả năng làm cho mọi người, lương cũng như giáo, nhận thấy là họ được chúng ta chờ đón, được chấp nhận và được thương xót ngay cả trong những yếu đuối của họ. Trong chiều hướng này, tôi xin được chia sẻ một vài suy tư về đôi ba yếu tố trong ba dụ ngôn quen thuộc về lòng thương xót để soi sáng cho sứ vụ mục tử, làm lan tỏa lòng thương xót của Chúa đến mọi nơi.

a) Người chăn chiên đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15,4-7)

Dụ ngôn này chắc chắn đã được chúng ta suy niệm nhiều lần, nhưng hôm nay, chúng ta muốn chú ý đặc biệt hai yếu tố để áp dụng vào sứ vụ mục tử của chúng ta. Trước tiên là hình ành con chiên lạc, tức là con chiên không ở nhà. Dụ ngôn không nói lý do vì sao con chiên không ở nhà nên chúng ta có thể dựa vào kinh nghiệm và tâm lý con người mà suy đoán và áp dụng vào những loại người khác nhau trong sứ vụ của chúng ta. Lý do thứ nhất có thể là vì con chiên này có tính chơi bời lêu lổng, ham mê thú vui; lý do thứ hai có thể chỉ vì là tính tình bất cần, không quan tâm đến ai, vô tâm, vô cảm; lý do thứ ba là hiềm khích với những con chiên khác nên xa lánh; lý do thứ bốn có thể là nó không ưa chính chủ chiên. Rồi có những con chiên, tuy xác ở nhà, nhưng lòng lại xa vắng. Dù vì lý do nào, con chiên này cũng làm cho chủ chiên khó chịu và đau khổ. Nhưng ông chủ chiên trong Dụ ngôn xem ra không tỏ vẻ gì khó chịu, mà chỉ đau khổ và lo lắng cho con chiên nên ông ra đi tìm nó. Khi tìm được nó rồi, ông vui mừng vác lên vai, đưa về nhà ăn mừng vì đã tìm được nó.

Điều thứ hai là việc ông chủ đi tìm con chiên lạc. Đây là việc hết sức khổ cực và khó khăn. Để thấy được tất cả sự khó nhọc đi tìm chiên, cần phải để ý đến đặc tính của sa mạc Đất Thánh được nói đến trong Dụ ngôn. Khác với sa mạc Sahara, sa mạc Đất Thánh là những đồi cát. Từ đỉnh đồi này, chỉ có thể nhìn thấy thung lũng và đỉnh đổi bên kia. Nếu muốn tìm kiếm tiếp, ông chủ chiên phải xuống thung lũng và leo lên đỉnh đồi bên kia và cứ thế tiếp tục. Ngoài ra, còn vấn đề ánh nắng mặt trời thiêu đốt và nhu cầu nước uống. Như vậy, việc tìm kiếm con chiên lạc là công việc nhọc mệt và đòi nhiều kiên nhẫn. Thế mà, ông chủ chiên trong Dụ ngôn cứ đi tìm mãi cho đến khi tìm thấy con chiên mới thôi và lạ một điều nữa là khi tìm được con chiên, ông chủ chiên không một lời trách móc, nhưng vui mừng vác nó lên vai, đem về nhà và mở tiệc, mời bạn bè cùng chia vui.

Nếu Dụ ngôn được suy niệm trong mối tương quan giữa chúng ta là chiên lạc và Chúa là ông chủ chiên thì hình ảnh ông chủ chiên đi tìm chiên lạc đúng là nguồn an ủi và hy vọng. Nhưng trong sứ vụ mục tử, Dụ ngôn cần được suy niệm và áp dụng cho chúng ta trong vị thế là ông chủ chiên, thay mặt cho Chúa. Chắc chắn dụ ngôn này là một thách đố lớn lao cho chúng ta trong sứ vụ mục tử!

b) Hình ảnh cái cửa (x. Ga 10,7-10)

“Tôi là cửa cho chiên ra vào… Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,7.9-10).

Chúa ví mình với cái cửa. Đây là hình ảnh ngồ ngộ, nhưng lại diễn tả được cách cụ thể tâm tư của Chúa Giêsu mục tử nhân lành mà chúng ta được hân hạnh làm cho sáng tỏ trong sứ vụ mục tử của chúng ta. Cái cửa có ba đặc tính diễn tả tâm hồn xót thương của Chúa:

– Cái cửa diễn tả sự đón tiếp: khác với bức tường, cái cửa để cho người ta mở. Khi cái cửa khóa chặt lại, nó chẳng khác gì bức tường! Cửa mở ám chỉ tấm lòng chờ đợi, sẵn sàng đón tiếp, cửa đóng im lìm sẽ làm cho người ta ngại không dám đến. Không biết các cổng nhà thờ, các cửa nhà xứ, đóng im lìm có diễn tả được tâm tình của Chúa Giêsu mục tử không? Vẫn biết có vấn đề an ninh, nhưng liệu có thể tìm được phương thức nào khác hơn phương thức “kín cổng cao tường” để làm tỏ lộ rõ ràng tâm tình của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành, Đấng đã đến kêu gọi và tìm kiếm người tội lỗi không? (x. Mt 9,10-13).

– Đón tiếp mọi người không phân biệt: một đặc tính đáng để ý của cái cửa là nó để cho mọi người có thể mở được. Không những ông chủ nhà mở được, mà khách lạ và ngay cả kẻ trộm cũng có thể mở được. Ai đến cũng được đón nhận.

– Cái cửa là mối cầu bắc nhịp: cái cửa, tự bản tính của nó, không phải là cùng đích, nhưng đón tiếp để dẫn người ta vào nhà hay vào phòng. Cái cửa là Chúa Giêsu đón tiếp mọi người để dẫn đưa họ vào miền tình yêu mênh mông của Thiên Chúa Cha và để tất cả có thể gặp gỡ nhau trong tình thân ái cộng đoàn.

Áp dụng những đặc tính của cái cửa là Chúa Giêsu vào cuộc đời và sứ mệnh mục tử chắc chắn đòi buộc chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, những tình cảm thầm kín và những thái độ cũng như cách ứng xử của chúng ta trong tương quan với đoàn dân Chúa đã trao phó cho chúng ta hướng dẫn và phục vụ thay cho Chúa và nhân danh Chúa.

c) Người con cả trong dụ ngôn người cha nhân lành (x. Lc 15,11-31)

Trong khi đứa con thứ đi xa chơi bời trác táng, phá tán gia tài, người con cả ở nhà trung thành phục vụ cha. Khi biết là thằng em về và người cha làm tiệc ăn mừng, người con cả nổi giận và không chịu vào nhà, mặc dù người cha ra năn nỉ xin anh vào. Anh trả lời cha:

Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15,29-30).

Nhưng người cha trả lời anh:

"Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32).

Thực ra, phải nói là người con cả có lý. Vấn đề của người con cả là cái lý của anh không phải là cái lý của người cha vì lòng của anh khác với lòng của người cha. Cái lòng của người con cả là cái lòng lạnh lẽo của sự công bằng, cái lòng của người cha là sự thương yêu cứu vớt. Trong sứ mệnh mục tử nhiều lần chúng ta phải đối diện với hoàn cảnh bắt chúng ta phải lựa chọn giải quyết vấn đề theo cái lý của người con cả hay cái lý của người cha, tức là giải quyết vấn đề theo cái lý lạnh lẽo của sự công bằng, của sự quy củ của cộng đoàn hay giải quyết theo lòng thương xót để cứu vớt. Giải quyết vấn đề theo cái lý công bằng để giữ sự quy củ trong cộng đoàn là khuynh hướng chung. Nhưng nếu áp dụng tuyệt đối cái lý của sự công bằng, tuy giữ được quy củ trong cộng đoàn, có thể làm cho cộng đoàn thành nơi giá lạnh, còn con tim của mình thì sẽ ra khô cằn, không có khả năng nhìn ra được cái đau khổ của một người có lẽ đang đứng ở bờ thẳm tuyệt vọng, chỉ trông chờ một sự cảm thông để có sức chỗi dậy. Trong trường hợp này, người môn đệ cần phải nghe cẩn thận và suy đi nghĩ lại trong lòng lời của Ông Thầy mà mình đã bỏ cả một cuộc đời để đi theo, để phục vụ thay cho Ngài và nhân danh Ngài:

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Mấy lời suy niệm về ba dụ ngôn lòng thương xót cho thấy sứ mệnh mục tử đòi hỏi chúng ta phải thay đổi lòng trí và thái độ, hành vi để phản ảnh lòng trí và thái độ, hành vi của Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành. Những đòi hỏi này phải chăng vượt quá sức loài người của chúng ta, vì mỗi người đều có những khó khăn nội tâm và những yếu đuối của mình?

Những đòi hỏi của sứ mệnh hiện thân lòng thương xót của Chúa tuy có khó thực, nhưng không phải là không thể thực hiện. Thánh Têrêsa Hài Đồng, dựa vào Tin mừng Thánh Gioan (x. Ga 15,5) đã nói: “Một mình Têrêsa thì không làm được gì, nhưng Têrêsa cùng với Giêsu thì làm được tất cả”. Ngay trong các linh mục, tu sĩ của chúng ta, tôi đã vui mừng chứng kiến những tấm gương rất đáng khích lệ. Chẳng hạn, tại một giáo xứ, giáo dân nhiều lần than phiền là cha xứ của mình rất khó tính, hay chửi mắng giáo dân. Có cha đến chia sẻ với ngài và sau một thời gian, giáo dân giáo xứ này phản ảnh là cha xứ của họ bây giờ thật là hiền lành, rất thương yêu, thông cảm với giáo dân. Thánh Arnold Janssen, Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời, khi bắt đầu quy tụ anh em để lập Dòng, là người rất nóng nảy, nhưng tới cuối đời, ngài đã trở thành một người hết sức hiền dịu và cảm thông. Đúng là “cùng với Giêsu thì làm được tất cả”.

Sau cùng, chúng ta muốn ngước mắt nhìn lên Đức Mẹ, người Mẹ nhân lành, đã đứng bên cạnh Thánh Giá Chúa, không một lời oán trách, nhưng trong thinh lặng chất chứa tình thương yêu, đã hòa nhịp với Chúa Giêsu trong hy lễ dâng lên Chúa Cha để van nài lòng thương xót cho nhân loại tôi lỗi, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong sứ vụ ấp ủ đoàn Dân Chúa bằng chính lòng thương xót của Ngài.

Với lòng quý mến và trân trọng, xin kính chúc quí Cha và quý Tu sĩ một Năm Mới đầy tràn ơn sủng và niềm vui được là máng chuyển lòng thương xót của Chúa cho nhân loại.

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW