Lời Chủ Chăn Tháng 10-2017

06-10-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời Chủ Chăn Tháng 10-2017 by

SỨ ĐIỆP FATIMA VÀ SỨ MỆNH CỦA LINH MỤC, TU SĨ

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Chỉ còn hơn một tháng nữa, cánh cửa Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima  sẽ khép lại, nhưng tinh thần sứ điệp Fatima đã được khơi dậy trong Năm Thánh phải tiếp tục hướng dẫn và gợi hứng cho đời sống Đức Tin và sứ vụ của chúng ta. Do đó, trong Lời Chủ Chăn tháng 10 này, tôi muốn nhắc lại một vài điều về sứ điệp Fatima tôi đã chia sẻ trong Lời Chủ Chăn tháng 5, đồng thời trình bày thêm một số suy tư mới để chiếu soi cho đời sống và sứ vụ của chúng ta trong những ngày tháng sắp tới. Tôi xin chia sẻ hai điểm chính yếu sau đây:

Sứ điệp Fatima – Sứ vụ của Linh mục, Tu sĩ dưới ánh sáng của sứ điệp Fatima

​1. Sứ điệp Fatima

a. Những nét căn bản

Ngay lần đầu tiên khi hiện ra với ba trẻ ngày 13.5.1917, Đức Mẹ đã xin ba trẻ: “Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.” Lời yêu cầu này Đức Mẹ còn nhắc lại với các em nhiều lần khi hiện ra sau này, chẳng hạn, lần thứ ba, ngày 13.7.1917, Đức Mẹ đã nói với ba trẻ: “Ta muốn các con đến đây ngày 13 tháng sau, và tiếp tục đọc kinh Mân Côi tôn kính Đức Bà Mân Côi để xin hòa bình cho thế giới và cho chiến tranh chấm dứt.

Cũng trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ cho biết thêm một yếu tố mới của sứ điệp và cho các em thấy thị kiến hỏa ngục: “Các con hãy hy sinh cho kẻ có tội và nhắc lại nhiều lần câu sau đây nhất là khi làm một việc hy sinh: Lạy Chúa Giêsu, con làm việc này vì lòng kính mến Chúa, để cho kẻ có tội được ơn hoán cải và để đền tạ những xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria!

Về thị kiến hỏa ngục, chị Lucia kể lại như sau: “Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa rất lớn, hình như ở dưới lòng đất. Ngụp lặn trong biển lửa đó là ma quỉ và các linh hồn, như thể những cục than trong như phalê mầu đen hoặc vàng cháy giống hình người, bị đẩy lên đẩy xuống trong đám cháy, phát ra những tia lửa và đám khói, rơi xuống tứ tung như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, không trọng lượng, không cân bằng, giữa những tiếng la hét thất thanh, đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh tởm và run sợ vì khiếp đảm. Lũ quỉ có thể nhận ra được vì những hình thù thú vật trong như pha lê và đen, gớm ghiếc, chưa hề thấy, làm nôn mửa  gây khiếp đảm… Sau đó, Đức Mẹ, với vẻ mặt nhân từ và buồn sầu, nói với chúng tôi: Các con đã thấy hỏa ngục nơi nhiều linh hồn là các kẻ có tội đã rơi xuống. Để cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ. Nếu họ làm những gì Mẹ nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình…”

Bên trên phía trái Đức Mẹ, chúng tôi nhìn thấy có một Thiên Thần, tay trái cầm ngọn giáo lấp lánh phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới, nhưng những ngọn lửa liền tắt ngấm khi tiếp xúc với ánh hào quang phát ra từ tay phải của Đức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần. Tay phải của Thiên Thần chỉ mặt đất và nói với giọng rất lớn: Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội! 

Chị Lucia còn kể là khi hiện ra lần cuối cùng, vào ngày 13.10.1917, với nét mặt buồn sầu, Đức Mẹ nói: “Phải chi họ đừng xúc phạm đến Chúa nữa. Chúa đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.”  Đây là lời nói cuối cùng trong các lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima, cũng là lời mời gọi tha thiết phát xuất từ con tim đầy yêu thương của Đức Mẹ đối với con cái loài người.

b. Mệnh lệnh Fatima

Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vì tình thương yêu đối với nhân loại đang bị quằn quại dưới sức mạnh của tội lỗi, nhất là tội xúc phạm, chống đối Thiên Chúa và tìm cách loại trừ Ngài ra khỏi đời sống của các cá nhân, gia đình và xã hội. Một sức mạnh khác của sự dữ đè nặng trên thế giới lúc đó là chiến tranh: loài người áp bức, chém giết lẫn nhau trong những cuộc xung đột, gây ra chết chóc, tang thương, tàn phá và hận thù giữa những cá nhân, những nhóm người và giữa các dân tộc.

Để giải thoát thế giới khỏi hai sự dữ đó, Đức Mẹ kêu gọi Giáo Hội thi hành một số việc thiêng liêng, được tóm tắt thành ba Mệnh lệnh Fatima. Đó là Ăn năn và cải thiện đời sống; Lần hạt Mân Côi và hãm mình đền tội; Sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.

– Ăn năn và cải thiện đời sống

Chiến tranh tàn phá, giết chết bao sinh linh và gây tang thương cho các gia đình. Những hậu quả kinh hoàng bên ngoài thì ai cũng nhận ra, nhưng ít người thấy được nguồn cội của tất cả khốn khổ này là tội lỗi, mà tội cơ bản chính là sự chối bỏ Thiên Chúa, xúc phạm, chống đối Ngài. Vì vậy, mệnh lệnh đầu tiên và cũng là mệnh lệnh căn bản của Đức Mẹ Fatima là “Ăn năn và cải thiện đời sống”. Đó là trở về với Thiên Chúa là chân lý và tình yêu. Đây cũng chính là sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ mệnh công khai: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15). “Ăn năn và cải thiện đời sống” cũng là sứ điệp đầu tiên của Phụng vụ Mùa Chay: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,12-13).

Ăn năn và cải thiện đời sống” phải phát xuất từ thẳm sâu của cõi lòng nhận biết hành động tội lỗi của mình, ác quả của tội, nhất là nhận biết tội xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. Sự nhận biết này, nhờ ơn thánh, có thể chạm đến tất cả con người, tạo nên một nỗi đớn đau và quyết tâm mở lòng đón nhận Thiên Chúa bằng cuộc sống mới.

– Lần Chuỗi Mân Côi

Khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, Đức Mẹ luôn mời gọi: “Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi; “Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.

Đức Mẹ coi trọng việc đọc kinh  Mân Côi, nhưng ngày nay, nhiều Kitô hữu coi việc đọc kinh Mân Côi là việc nặng nề và nhàm chán vì cứ lặp đi lặp lại một câu kinh duy nhất. Do đó, nhiều người, nhất là giới trẻ bỏ hoàn toàn hay rút vắn, đọc 10 kinh thay vì đọc một chuỗi 50 kinh. Người khác thì biến kinh Mân Côi thành một bài suy niệm mà những người bình dân không biết làm.

Thực ra kinh Mân Côi được thực hiện dựa vào tâm lý con người, rất giản dị, nhưng lại hết sức thâm sâu. Kinh Mân Côi được lặp đi lặp lại những lời nói đầy ý nghĩa và những tâm tình đạo đức, theo một nhịp điệu khoan thai, có sức làm lắng dịu những tâm hồn đang dao động, chữa lành những nỗi đau đang dằn vặt tâm khảm, giúp những tâm hồn đang nặng trĩu bởi những thú vui trần thế có thể vươn lên cõi linh thiêng của Thiên Chúa. Biết bao thế hệ các Kitô hữu ở khắp nơi đã nhờ kinh Mân Côi mà lòng được chìm sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa, tìm được sự nhẹ nhàng và an bình kỳ diệu làm cho tâm hồn được thanh thoát khỏi thế giới trần tục.

Kinh nghiệm sống trên đây không có gì lạ. Nhiều người, mặc dù đã khôn lớn, nhiều khi giữa những ngày sống xô bồ, tất bật, tự nhiên thấy dâng lên trong lòng một điệu hát ru của mẹ đã được nghe khi còn thơ ấu. Tiếng hát ru của mẹ thuở nào cứ lặp đi lặp lại, đã dẫn vào giấc ngủ và đọng lại trong tâm khảm để làm cho tâm hồn được an bình và nuôi dưỡng tình nghĩa với mẹ, với cha. Truyền thống chiêm niệm của các tôn giáo ngoài Kitô như Yoga hay Thiền (Zen) cũng dựa vào nền tảng tâm lý này của con người. Cũng thế, kinh Mân Côi với việc lặp đi lặp lại hai tên thánh Giêsu và Maria một cách khoan thai, trong bầu khí an bình trở thành như những giọt nước từ từ rơi xuống, nhỏ vào tâm khảm, xuống tận miền tiềm thức để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Cũng trong sự sâu thẳm của lòng trí, người tín hữu sống tựa dựa vào Thiên Chúa và khẩn cầu lòng thương xót của Ngài cho nhân loại lầm than vì tội lỗi và vì chiến tranh tàn phá. Như vậy, kinh Mân Côi cũng trở thành sức mạnh trợ giúp cho hành trình ăn năn và cải thiện đời sống.

– Hy sinh hãm mình đền tội để cầu nguyện cho các kẻ có tội

Cùng với việc đọc kinh Mân Côi, Đức Mẹ Fatima cũng kêu gọi hy sinh hãm mình đền tội: “Các con hãy cầu nguyện, các con hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh hãm mình để đền thay cho kẻ có tội. Bởi vì, sẽ có nhiều người bị sa vào hỏa ngục, do không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ” (Lần hiện ra thứ 4).

"Hy sinh hãm mình" mà Đức Mẹ xin ở đây vừa bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa (đền bù tội lỗi xúc phạm đến Chúa), vừa bày tỏ lòng bác ái đối với anh chị em mình. Ngày nay, ý thức trách nhiệm bác ái đối với tha nhân, đối với xã hội tuy đã rõ ràng trong tâm thức sống đạo của nhiều tín hữu, nhưng người ta có khuynh hướng giới hạn tinh thần bác ái và tình liên đới trong phạm vi vật chất, qua việc làm phúc bố thí để giúp đỡ tha nhân bằng của cải, tiền bạc. Sứ điệp Fatima mời gọi chúng ta mở rộng nhãn giới của trách nhiệm bác ái, vươn đến chiều kích thiêng liêng bằng việc cầu nguyện cho kẻ khác và hy sinh hãm mình để thay họ đền bù phạt tạ các tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

– Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Trong lần hiện ra thứ ba vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã nói với ba trẻ: “Để cứu rỗi những người tội lỗi, Thiên Chúa muốn thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Bà trên khắp thế giới.”

Đối với nhiều người, việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ chỉ thu gọn vào đôi việc đạo đức có tính cách tình cảm ủy mỵ. Trong thực tế mệnh lệnh thứ ba này lại gói ghém tất cả hành trình thiêng liêng của các Mệnh lệnh Fatima. Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ là trái tim trọn vẹn hướng về Thiên Chúa và thuộc về Ngài. Ngay từ khi được thụ thai và trong suốt cuộc đời, trái tim của Mẹ vẫn luôn trọn vẹn thuộc Thiên Chúa. Vì vậy, khi truyền tin, Thiên Thần đã chào Đức Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1,28.30). Sùng kính là tôn sùng và đề cao hết mực với lòng mến yêu và cảm phục đến độ muốn noi gương Mẹ, trở nên giống Mẹ, tức là thuộc trọn về Chúa. 

2. Sứ vụ của Linh mục, Tu sĩ dưới ánh sáng của sứ điệp Fatima

Trong thế giới ngày nay, những tội nhạo báng, xỉ nhục, chống đối Thiên Chúa xảy ra nhan nhản nhiều nơi; những hoàn cảnh bạo lực, chiến tranh, lạm dụng quyền bính, áp bức, bất công còn đang phơi bày khắp chốn. Do đó, sứ điệp Fatima vẫn còn thiết thực và hợp thời cho Giáo Hội ngày nay.

Đứng trước tình trạng này của thế giới và của Đất Nước ai không lo lắng? Ai không bức xúc? Chính những lo lắng, bức xúc này phải thúc đẩy chúng ta hướng đến Fatima. Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cũng chỉ vì những hoàn cảnh tương tự của thế giới lúc đó để chỉ đường cho Giáo Hội và qua Giáo Hội, cho cả thế giới con đường để giải thoát loài người khỏi những sự dữ này. Đó là con đường Mệnh lệnh Fatima. Đây là con đường dẫn đưa loài người về với Chúa và hiệp nhất mọi người lại trong tình thương yêu tha thứ, trong sự công bằng và bác ái. Vì vậy, xin quý Cha, quý Tu sĩ hãy sống ba Mệnh lệnh Fatima để, sau đó, đưa hết tâm huyết và sức lực thúc đẩy mọi người, mọi gia đình, tất cả giáo xứ và cộng đoàn thực hiện ba Mệnh lệnh này.

Để kiên trì dấn thân với tất cả tâm huyết, thúc đẩy đoàn Dân Chúa thực hiện ba Mệnh lệnh Fatima, chúng ta cần phải xác tín về giá trị Mệnh lệnh Fatima, tính cách riêng biệt của ơn gọi Linh mục, Tu sĩ và những đòi hỏi của nội tâm.

a. Giá trị của Mệnh lệnh Fatima

Sứ điệp Fatima, khi kêu gọi ăn năn, cải thiện đời sống, cầu nguyện và hy sinh hãm mình, tôn sùng Trái tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, không chối bỏ sự quan trọng của những công tác trong lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội, ngoại giao, khoa học…, nhưng muốn tác động tận nguồn căn nguyên của các vấn đề là lòng người, “vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23). Vì vậy, khi chúng ta tận tâm, tận lực thúc đẩy mọi người thực hiện Mệnh lệnh Fatima, một đàng chúng ta nhìn ra được căn nguyên cội rễ của mọi vấn đề, đàng khác chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của ơn thánh Chúa, có khả năng biến đổi lòng người.

b. Tính cách khác biệt và bổ túc giữa các ơn gọi trong Giáo Hội

Những vấn đề tội lỗi, chiến tranh, tham lam, bất công trong xã hội là những vấn đề phức tạp bao gồm nhiều yếu tố. Để giải quyết những vấn đề đó, người ta cần phải hoạt động ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau, chẳng hạn, pháp luật, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, nhân văn, tôn giáo. Tất cả những khía cạnh trên đều cần thiết và chúng bổ túc lẫn nhau.

Trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi và mỗi người cần phải hoạt động phù hợp với ơn gọi và bậc sống của mình. Tuy cùng dấn thân để bảo vệ hòa bình, công lý, Linh mục và Tu sĩ có cách hoạt động khác với giáo dân. Trong khi giáo dân hoạt động trực tiếp trong các lãnh vực trần thế, sát cánh với những người thành tâm thiện chí lo cho ích chung, thì các Linh mục, Tu sĩ phải có trách nhiệm hướng dẫn lương tâm mọi người để việc dấn thân của họ thực sự vì lợi ích chung. Ngoài ra, Linh mục, Tu sĩ còn phải là những gạch nối, giúp những người đứng ở những vị thế khác nhau, có khi kình địch nhau, biết lắng nghe nhau và đối thoại với nhau, vì để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, cần phải có sự cộng tác của mọi người. Sau cùng, các Linh mục, Tu sĩ còn có sứ vụ phải khẩn cầu, nài xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng cho mọi người, nhất là những người nắm trong tay vận mạng các quốc gia để họ biết sử dụng quyền bính mà mưu cầu ích chung. Con người rất yếu đuối trước dục vọng và tư lợi ích kỷ. Vì vậy, chúng ta cần cầu xin Thiên Chúa dùng sức mạnh ơn cứu độ của Ngài mà chiến thắng sự yếu đuối của loài người. 

Chính vì những lý do trên mà Giáo Hội đã có luật cấm các Linh mục, Tu sĩ dấn thân trong chính quyền, phe nhóm, đảng phái để không bị ràng buộc và được hoàn toàn tự do thi hành sứ vụ theo ơn gọi và bậc sống của mình.

c. Cảnh giác về lòng mình

Trong sứ vụ của chúng ta, nhất là sứ vụ có liên quan đến lãnh vực xã hội, chúng ta luôn phải đối đầu với những cám dỗ danh vọng, tư lợi, chức quyền và giải quyết vấn đề theo nhu cầu nhất thời. Những cơn cám dỗ này, Chúa đã phải đối diện trong sa mạc để chuẩn bị bắt đầu sứ mệnh (x. Mt 4,1-11) và còn nhiều lần trong cuộc đời công khai, chẳng hạn khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Ngài làm vua (x. Ga 6,1-15). Những thái độ và cách thức hoạt động Chúa đã lựa chọn phải là bài học chiếu soi cho các Linh mục, Tu sĩ trước những vấn đề phức tạp của xã hội.

Vấn đề chính yếu là lòng con người. Nhiều khi lời tuyên bố thì rất cao thượng, nhưng ý định lại là ích kỷ; công việc, lời nói xem ra rất quảng đại, đầy từ tâm, nhưng thực chất lại là tìm danh vọng hay vì thù địch, ganh tị. Chúng ta hay nghe câu: “Nói vậy mà chẳng phải vậy”. 

Dụ ngôn Chúa nói trong Tin Mừng thánh Mathêô cắt nghĩa rõ ràng vấn đề này: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Thầy, lạy Thầy, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23). Những người đã làm phép lạ, trừ quỷ, nói tiên tri, nói chung là những người làm việc tốt, họ còn nói và làm nhân danh Chúa, thế mà Chúa gọi họ là “bọn làm điều gian ác” và còn tuyên bố là “Ta không hề biết các ngươi”. Lý do là việc họ làm thì tốt, nhưng lòng của họ không tốt và Chúa thì bị lợi dụng cho mục đích nhân loại của họ. Vì vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác với những tình cảm và lý do thầm kín trong lòng mình để liên tục thanh luyện và nhiều khi phải thay đổi hành động hay ít nữa là thay đổi cách thức hành động của mình.

Nhờ Mẹ Mân Côi cầu bầu, xin Chúa chúc lành cho quý Cha và anh chị em Tu sĩ. Xin Mẹ cũng thương dẫn dắt và giúp từng người chúng ta trong nỗ lực thực hiện ba mệnh lệnh Fatima và thúc đẩy đoàn Dân Chúa sốt sắng cùng thực hiện để cứu rỗi nhiều linh hồn và kiến tạo một xã hội công bằng và yêu thương.

Thân mến chào Quý Cha và anh chị em Tu sĩ.

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW