Lời chủ chăn Tháng 11/2018

01-11-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 11/2018 by

VỚI TẤT CẢ CON TIM

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Ngày 24 tháng 11 sắp tới, Giáo Hội Việt Nam sẽ kết thúc Năm Thánh mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài đã qua đi hơn ba thế kỷ, với những cái chết hãi hùng, thế mà hôm nay vẫn còn khơi lên trong lòng chúng ta sức sống, niềm an vui và có khả năng lôi cuốn nhiều người, thuộc mọi thành phần noi gương các ngài.

Tại sao các Thánh Tử Đạo lại có sức lôi cuốn lớn lao như vậy? Sức lôi cuốn của các ngài êm đềm nhưng lại mãnh liệt, chảy tràn lan để tưới mát tâm hồn các thế hệ con cháu, đến độ khi chúng ta nhớ đến các ngài, nhắc đến cái chết bi thảm và bất công của các ngài, lòng chúng ta vẫn thư thái bình an và không thù hận bất cứ ai, kể cả những người và con cháu họ, đã là căn nguyên gây ra biết bao thống khổ và tủi nhục cho các ngài. Sức mạnh lôi cuốn đó phát xuất từ tình yêu: tình yêu say đắm đối với Chúa Giêsu và tình yêu nồng nàn đối với tha nhân, không loại trừ ai, kể cả kẻ thù. Trong cả hai chiều kích của tình yêu, tính cách trọn vẹn luôn là yếu tố đặc trưng. Vì vậy, đề tài chia sẻ của tháng này xin được đặt tên là “Với tất cả con tim”.

1. Tình yêu bao trùm mọi người

Khi tôn vinh các Thánh Tử Đạo, người ta thường ca ngợi các ngài như những vị anh hùng, can đảm, bất khuất, trung kiên, không sờn lòng, không sợ chết. Đó là những đức tính rất đáng quý trọng nơi các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cha Ông chúng ta. Tuy nhiên, những đức tính đó, tự chúng chưa phải là những yếu tố đặc trưng của các ngài, vì cũng có nhiều người can đảm, dám liều mình xông vào những nơi nguy hiểm và chấp nhận cái chết vì những lý do khác nhau. Điểm đặc trưng nơi các Thánh Tử Đạo là lòng can đảm và tinh thần kiên cường của các ngài mang hương sắc của tâm tình hạnh phúc, diễn tả bằng sự ôn hòa, với lòng kính trọng và tha thứ, hoàn toàn không có sắc thái kiêu căng, ngạo mạn và hận thù. Dưới đây là những tâm tình của một số vị trong các Thánh Tử Đạo:

  • Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh (1763-1838) đã trả lời quan xét xử ngài: “Tôi đã giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ thì dứt khoát là không thể được. Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu”.
  • Thánh Vinh Sơn Phạm Văn Dương (1821-1862): Khi quan tra hỏi: “Là người làm việc thu thuế cho triều đình, mi phải làm gương tuân lệnh vua mà từ bỏ đạo Giatô mới phải, tại sao lại ngoan cố chống lại lệnh triều đình?”, ngài đáp: “Thưa quan, tôi luôn tuân phục lệnh vua quan trong những điều phải lẽ, còn việc bắt tôi phải từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa của tôi thì tôi không thể vâng lệnh vua mà chối bỏ Chúa tôi được.”
  • Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng (1802-1856): Quan thắc mắc về tin đồn loan truyền: “Tại sao các ông khoét mắt người bệnh và không thờ kính tổ tiên?”. Cha Hưởng điềm tĩnh giải thích: “Xin quan đừng nghe những lời đồn đãi sai sự thật. Chúng tôi chỉ xức dầu thánh trên mắt, mũi, miệng và tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng chúng mà phạm tội. Còn với tổ tiên ông bà, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm những việc lành phúc đức. Chỉ có điều là chúng tôi không cúng quả, vì biết chắc chắn rằng cha mẹ chẳng bao giờ trở về ăn uống thứ gì nữa”.

Những câu trả lời với thái độ bình tĩnh và ôn hòacủa các ngài có một giá trị hết sức đặc biệt, vì trước đó, các ngài đã bị xỉ nhục, ngược đãi, giam tù, và bây giờ phải trả lời người có thể kết án tử hình cho mình. Vậymà tuyệt nhiên không hề nghe thấy nơi các ngài những lời nguyền rủa, thóa mạ, xỉ nhục người khác, hay những lời luồn cúi sợ sệt! Thái độ của các Thánh Tử Đạo mang tính chất thiêng liêng của Đức Tin, nhưng có nền tảng nơi bản tính của con người nên cũng được gọi là những đức tính nhân bản.

Vào những thập niên 1990 – 2000, bên trời Âu, người ta thường nói câu: “Các linh mục, tu sĩ trước tiên phải là những con người rồi mới là linh mục, tu sĩ”. Câu nói nàyphản ảnh một thực tại là nhiều linh mục, tu sĩthiếu những đức tính nhân bản mà một người trưởng thành phải có. Người ta thấy nơi linh mục, tu sĩ những tính xấu, như hống hách, kiêu căng, dễ nổi nóng, thiếu lòng bao dung, thiếu lòng tha thứ, cố chấp, hám danh, chạy theo lợi lộc, hưởng thụ, không trung thực, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tinh thần hy sinh, thiếu khả năng tự chủ. Vì vậy, gương sống của các Thánh Tử Đạo, nhắc nhở chúng ta, các linh mục và tu sĩ cần tận tâm, tận lực luyện tập các nhân đức cần thiết của một con người trưởng thành, đáng quý, đáng trọng. Những nhân đức đó có thể được diễn tả qua ba cụm từ với chữ “nhân”: Nhân Bản, Nhân Ái, Nhân Hậu.

Đức tính Nhân Bản là những nhân đức nói chung phát xuất từ bản tính con người, tuy mỗi nơi, mỗi thời có thể được nhấn mạnh một số nhân đức khác nhau. Tại các nước có nếp sống dựa trên văn hóa La – Hy, người ta nhấn mạnh đến bốn nhân đức nền tảng là Khôn NgoanCông BằngDũng Cảm và Tiết Độ, trong khi tại các nước có nền văn hóa xây dựng trên triết lý Khổng – Mạnh, người ta nói đến năm nhân đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Các văn kiện của Giáo Hội từ Công đồng Vaticanô II cũngnhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục nhân bản trong việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và còn chỉ ra những nhân đức cần thiết trong thời đại hôm nay, như trong tông huấn “Pastores dabo vobis”về việc đào tạo các ứng sinh linh mục, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Không có đào tạo nhân bản thỏa đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết… Cần phải có một nền giáo dục về lòng yêu mến chân lý, sự chân thành, thái độ tôn trọng mọi người, ý thức về công bình, trung tín với lời mình nói, sự cảm thông đích thực, tính nhất quán và nhất là quân bình trong phán đoán và thái độ cư xử” (PDV, 43).

Đức tính Nhân Áivà đức tính Nhân Hậu là lòng thương yêu, hiền từ và khoan dung đối với tha nhân. Trong khi đức Nhân Ái diễn tả tính phổ quát của lòng thương yêu thì đức Nhân Hậu nhấn mạnh đến lòng thương xót, hiền từ, khoan dung và cảm thông đối với những con người bất toàn, có những yếu đuối và tật xấu.

Tự bản tính là con người, ai cũng cảm thấy muốn thương yêu mọi người, nhưng trong thực tế lại co cụm trong một số người; trong thâm tâm, ai cũng cảm phục những người có tấm lòng bao dung, kiên nhẫn chịu đựng và sẵn lòng tha thứ cho những người lỗi lầm, nhưng trong cuộc sống có khi lại ghét bỏ và khai trừ những người đó, nhất là khi họ làm phật lòng. Lý do thứ nhất có thể là não trạng hẹp hòi, không có khả năng vươn tầm nhìn để nhận ra những khác biệt nhiều khi lại là những yếu tố bổ túc nhau, làm cho phong phúlẫn nhau và không biết nhìn nhận mọi người đều có liên đới với mình vì có cùng một nguồn gốc: “Anh em hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Eph 4,2-5). Lý do thứ hai là vì bị đam mê, thú vui và những vết thương lòng trói buộc tâm hồn đến độlàm cho tình cảm và tư cách bị thoái hóa và lệch lạc.

Đối với linh mục, tu sĩ, nhất là các linh mục chánh xứ, cần vượt thắng hai lý do trên để mở rộng lòng đón nhận mọi người trong giáo xứ, dù có những khác biệt. Cần xóa bỏ não trạng hẹp hòi để nhận ra đó là đoàn chiên của Chúa, là những người được Chúa trao phó để mình chăm sóc, hướng dẫn và xót thương thay mặt Chúa.

Nếu không được đào tạo và tiếp tục tự đào tạo để có được những đức tính nhân bản màmột người trưởng thànhcần có, các linh mục và tu sĩ sẽ không thể thực hiện được lệnh truyền của Chúa trong tương quan đối với tha nhânvà dạy cho đoàn chiên sống theo luật Chúabằng chính gương sống của mình.

  • Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).
  • Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,43-48)

2. Trọn vẹn cho Chúa Kitô và vì tình yêu của Người

Tương quan của linh mục, tu sĩ với Chúa Kitô được diễn tả qua haiyếu tố căn bản: tất cả vì Chúa và tất cả cho Chúa. Điều này đã được thể hiện hết sức rõ ràng trong cuộc đời các Thánh Linh mục Tử Đạo Việt Nam. Sách hạnh Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục, Tử đạo(1790-1838) kể như sau: “Cha Khoa hiền lành, hết lòng vì giáo dân, nhưng cũng rất thẳng thắn, được mọi người thương mến và kính phục. Hơn hai năm làm cha xứ, cha phải trốn tránh, ở nhờ nhà người dân. Cha lo lắng cho đoàn chiên, âm thầm đến phục vụ tại các giáohọ, đôi khi phải đi giúp trong đêm tối tăm mưa gió.”[1] Nơi các ngài, Chúa Giêsu là nguồn mạch, là sức sống đem đến hạnh phúc, là sức mạnh giúp thắng lướtmọi gian khổ và vượt lên trên các thứ thú vui bình thường của cuộc đời. Tâm tình này đã được thánh François Isidore Gagelin Kính, MEP (1799-1833) thể hiện vàđược ghi lại như sau: “Viễn tượng được trông thấy Chúa Giêsu tử nạn làm tôi quên đi hết những gì là đau đớn trong cái chết, tôi không còn ham muốn sự gì hơn là mau thoát ra khỏi cái xác phàm này để muôn đời kết hợp với Chúa Kitô”[2].

Noi gương các Thánh Tử Đạo, linh mục và tu sĩ không thể hài lòng với cuộc sống nửa vời hay cuộc sống tốt lành bình thường. Sách Tin mừng Thánh Marcô thuật lại câu chuyện chàng thanh niên giầu có: “Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?… Đức Giê-su đáp: Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ. Anh ta nói: Thưa Thầy, tất cả những điều đó, con đã tuân giữ từ thuở nhỏ. Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,17-22).

Chàng thanh niên trong câu chuyện là một người rất tốt lành, có lòng ao ước sự sống đời đời, giữ hoàn hảo tất cả các lề luật. Tuy nhiên, chàng đã từ chối lời mời gọi vươn lên cao, đón nhận tình thân với Chúa, nên anh “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Ta có thể đặt tên cho câu chuyện chàng thanh niên giầu có là “Thảm trạng của những người tốt”, hài lòng với sự tốt nửa vời và từ chối lời mời gọi “tất cả vì Chúa và tất cả cho Chúa”.

Trong tình yêu dâng hiến của đời linh mục và tu sĩ không thể có “nửa vời” vì “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Co 5,14).Tất cả cuộc đời và các chọn lựa của cuộc đời đều phải được gợi hứng bởi tình yêu Chúa Kitô. Nhờ đó, dù ngoại cảnh có thế nào, tâm hồn luôn an bình và hạnh phúc; trong việc phục vụ, người linh mục, tu sĩ luôn mang trong lòng những thao thức,trăn trở: “Làm thế nào để đoàn Dân Chúa được đạo đức hơn và được thấm nhuần tình yêu của Chúa hơn? Làm thế nào để những người lìa xa Chúa trở về cùng Chúa, những người chưa biết Chúa, sớm nhận ra Chúa và những người đau khổ tìm được sự an ủi nơi Chúa?”. Lúc đó, công việc mục vụ sẽ không còn là một gánh nặng hay đơn thuần là một nhiệm vụ phải làm và những hy sinh thiệt thòi sẽ không gây phiền muộn, nhưng tất cả sẽ mang hương vị ngọt ngào của tình yêu và tạo nên hứng thú.

Kính thưa quí Cha và quý Tu sĩ,

Để kết thúc những dòng chia sẻ, tôi muốn bày tỏ lòng ao ước được nhìn thấy các linh mục và tu sĩ của Giáo phận là những người đã tìm được hạnh phúc nơi Chúa Giêsu và toàn tâm, toàn ý lo cho đoàn Dân Chúa đã trao phó “để đoàn chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10). Nói theo mẫu linh mục lý tưởng mà các chủng sinh của Đại Chủng Viện Xuân Lộc được hướng dẫn tiến tới thì đây là những linh mục, tu sĩ “Hạnh phúc trong ơn gọi. Hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ”. Xin Đức Mẹ, được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ các Linh mục” và “Nữ vương các kẻ đồng trinh” hướng dẫn chúng ta trong hành trình đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu và cố gắng sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1 ]HĐGMVN, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Nxb Tôn Giáo 2018, trg 139.
[2] Sách trích dẫn, trg 147.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW