Lời chủ chăn tháng 11/2020
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, NGUỒN HY VỌNG
VÀ SỨ MỆNH CỦA LINH MỤC, TU SĨ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong Phụng vụ cũng như truyền thống đạo đức của người công giáo, tháng 11 hằng năm luôn là thời gian được dành riêng để cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã qua đời trong niềm hy vọng và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Trong ngày lễ các Đẳng Linh Hồn, Lời Nguyện Chung được kết thúc với tâm tình dâng lên Thiên Chúa như sau: “Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã hiến ban Con Chúa là Đức Giêsu Kitô để cứu độ chúng con; xin Chúa bao dung tha thứ và đón nhận anh chị em chúng con đã qua đời vào hàng ngũ các thánh trên trời”. Tâm tình đạo đức này, một đàng nhìn nhận sự dòn mỏng và yếu đuối của loài người, đàng khác nói lên lòng tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót. Chính trong bối cảnh này, các linh mục và tu sĩ sẽ nhận ra sứ mệnh của mình như sứ giả và chứng nhân của lòng Chúa thương xót.
Trong ý hướng đó, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy nghĩ qua đề tài “Lòng Chúa thương xót, nguồn hy vọng và sứ mệnh của Linh mục và Tu sĩ”.
1. Con người yếu đuối dễ quỵ ngã trước sức mạnh của sự dữ
Mặc dù vẫn còn rất nhiều người tốt lành và đạo đức trong thế giới ngày nay, nhưng dấu tích của sự dữ cũng như những người bị sự dữ đè nặng và lôi kéo đang nhan nhản khắp nơi trên thế giới và được báo chí đăng tải hằng ngày. Như một tỉ dụ, tôi xin ghi lại đây ba sự kiện:
- Bị giết hụt bởi chính cha đẻ
Chloe Wilkinson, 19 tuổi, sống tại Sussex, Anh quốc, được nhận làm con nuôi từ nhỏ và cô luôn khao khát tìm được cha mẹ đẻ. “Tôi luôn mường tượng về cha mẹ đẻ như những người tuyệt vời dù họ đã mắc sai lầm lớn là bỏ rơi tôi.”
Năm 12 tuổi Chloe phát hiện sự thật não lòng khi đọc được bản ghi chép của tòa án, thuật lại việc Gary MacManus, cha đẻ của cô, đã cho cô uống quá liều thuốc giảm đau và tát nhiều lần vào mặt cô. Lúc đó cô mới 2 tuổi, còn Gary 21 tuổi. “Khi tôi đọc được ghi chép đó, tôi bị sốc nặng. Thực tế khác xa những gì tôi tưởng tượng.”
Chloe vẫn khát khao tìm kiếm sự thật nên đã lần tìm được Facebook cá nhân của mẹ đẻ và sắp xếp để gặp mặt. Cuộc đoàn tụ bắt đầu với những cái ôm và nhiều nước mắt, nhưng sau đó Chloe đã phẫn nộ khi mẹ đẻ nói bà đã trao quyền nuôi con cho Gary dù biết người đàn ông này tính khí thất thường.
Với sự giúp đỡ của các dịch vụ xã hội, Chloe sắp xếp để gặp cha đẻ Gary tại một nhà hàng vào năm 2015, khi đó cô 14 tuổi. “Khi tôi hỏi về chuyện tôi suýt bị giết chết, ông ấy phủ nhận việc cho tôi uống thuốc quá liều và cho rằng tôi vô tình nuốt nhầm vì nghĩ đó là kẹo ngọt. Gương mặt của ông ấy không có vẻ gì là hối hận.” Mãi tới tháng 12/2017, cô mới nhận được bằng chứng về việc cha đẻ cố giết mình. “Khi đó tôi đã 16 tuổi và mẹ nuôi đưa cho tôi giấy tờ về vụ án. Khi mở nó ra, tôi muốn ngất xỉu… Có một bức ảnh chụp khuôn mặt nhỏ xíu, đầy vết bầm tím của tôi. Đó là những bằng chứng tôi cần biết. Nó khiến tôi cảm thấy ghê tởm về người đàn ông tôi gọi là cha”.
- Đốt cháy cụ già để đoạt tài sản
Bản tin báo chí ngày 19/10/2020 vừa qua, cho biết tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, một cụ bà 90 tuổi bị một nam thanh niên hành hung, định châm lửa thiêu sống để cướp tài sản.
Theo bản tin, khoảng 11 giờ ngày 19/10/2020, Ngô Thanh Hoàng (27 tuổi, trú tại xã Quy Kỳ) tới cửa hàng tạp hóa của gia đình cụ Mạo giả vờ mua đồ. Khi biết chắc cụ Mạo ở nhà một mình, Hoàng đã khống chế và đánh đập cụ bà. Không dừng lại ở đó, Hoàng tiếp tục bóp cổ cụ Mạo tới ngất xỉu rồi bế nạn nhân vào khu bếp, chất rơm có ý sẽ châm lửa đốt. Hoàng lục lọi nhà cụ Mạo lấy được khoảng 20 triệu đồng, rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Sau khi gây án, Hoàng bắt taxi đi, tới thị trấn Định Hóa thì bị bắt giữ. Được biết, nghi phạm thuộc diện nghiện ngập lâu năm tại địa phương.
- Vụ thảm sát trong Nhà thờ Đức Bà ở Nice, Pháp
Gần đây nhất, vào lúc 9 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 29/10, một vụ tấn công bằng dao xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Báo “Le Monde” đưa tin: nạn nhân đầu tiên bị giết là một phụ nữ, bị cắt cổ, bên trong Nhà thờ Đức Bà. Nạn nhân thứ 2 là một người đàn ông bị thương nặng và chết sau đó, người thứ ba bị giết hại trong quán Bar phía trước Nhà thờ, nơi chị ẩn nấp. Mọi người bàng hoàng trước sự kiện rùng rợn này.
Ba sự kiện trên được ghi lại như những sự kiện tượng trưng, vì những sự kiện tương tự hay còn trầm trọng hơn vẫn đang xảy ra khắp nơi. Nhiều người không những gây ra tội ác mà còn làm điều ác có chương trình với nhiều mưu mô và cố chấp trong những toan tính ác độc của mình.
2. Vẫn còn hy vọng vì Chúa vẫn xót thương
Mặc dù thế giới đầy dẫy tội ác và những con người gây ra tội ác có thể thấy nhan nhản khắp nơi, chúng ta vẫn hy vọng vì Chúa vẫn còn xót thương. Lòng thương xót của Chúa là sức mạnh, có khả năng cảm hóa nhân loại tội lỗi, chỉ cần kẻ tội lỗi biết khiêm nhường nhìn nhận thực trạng của mình và mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa để được tha thứ và biến đổi.
Chúa không chỉ xót thương những người lương thiện, những kẻ bị áp bức, nạn nhân của bất công, nhưng Chúa xót thương cả những kẻ tội lỗi, những kẻ gây ra tội ác vì Người đã xuống thế để cứu rỗi nhân loại, trong đó có những người tội lỗi. Thánh Phaolô đã quả quyết điều này trong thư gửi tín hữu Roma: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8). Còn chính Chúa Kitô, khi bị chỉ trích vì ăn uống nơi nhà các kẻ có tội, đã trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,12-13).
Không những Chúa thương yêu kẻ có tội, mà còn xót thương cả những kẻ cố chấp trong đường tội lỗi. Trong sách ngôn sứ Hôsê Chúa đã thổ lộ như sau: “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Éphraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!… Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.” (Hs 11,7-9).
Chúa vẫn xót thương, mời gọi và chờ đợi người có tội ăn năn hối cải để được cứu độ. Dụ ngôn “Cỏ lùng” diễn tả cách hùng hồn lòng kiên nhẫn của Chúa: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình… Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom (cỏ lùng) lại không?’ Ông đáp: Đừng, … Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt… Tôi sẽ bảo thợ gặt gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13,24-30).
Dụ ngôn “Cỏ lùng” thực ra cần được đặt tên là dụ ngôn “Lòng Chúa xót thương và kiên nhẫn chờ đợi”. Chúa dùng lòng thương xót để lay động lòng người tội lỗi và kiên nhẫn chờ đợi. Nếu người đó khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi và ăn năn hối cải, không những sẽ được tha thứ, mà còn được đón nhận vào lòng Thiên Chúa yêu thương. Câu chuyện của người trộm lành là bằng chứng cụ thể: “Thưa Ngài, khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi! Và Người nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’.” (Mt 23,39-43). Nhưng nếu người có tội cố chấp đến cùng thì sẽ có lúc “Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi”.
3. Sứ mệnh của linh mục và tu sĩ: Sứ giả lòng Chúa thương xót
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, chúng ta hãy làm cho mọi người cảm nhận được lòng Chúa thương xót, để mọi người, kể cả những người đang mang trong lòng sức nặng của tội lỗi vẫn dám đến với Chúa mà khẩn nài lòng thương xót của Ngài. Để chu toàn được sứ mệnh này, chúng ta cần mang lấy trong lòng những tâm tư sau đây:
- Thương yêu người tội lỗi
Người ta thường nói đến tình yêu người nghèo, người đau yếu bệnh tật, người bị đối xử bất công. Điều này cần thiết, nhưng thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội là tình thương yêu đối với người tội lỗi vì Giáo Hội được Chúa trao cho sứ mệnh của chính Chúa là sứ mệnh cứu độ. Do đó, tâm hồn chúng ta cần phải được thấm nhuần lòng thương xót của Chúa đến độ lời nói, thái độ, việc làm của chúng ta phản ánh tình yêu của Chúa đối với người tội lỗi. Chúng ta cần đón nhận lời Chúa truyền cho ngôn sứ Edekiel như thể là cho chính chúng ta: “Ngươi hãy nói với chúng: ‘Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33,10-11).
- Kêu gọi ăn năn trở lại
Mời gọi nhân loại tội lỗi ăn năn hối cải là sứ điệp đầu tiên của Chúa Kitô khi Ngài bắt đầu sứ mệnh công khai: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilêa rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15). Đây là sứ điệp căn bản của ơn cứu độ: Thiên Chúa xót thương và muốn cứu độ người tội lỗi, với điều kiện căn bản là người tội lỗi ăn năn hối cải và đón nhận lòng thương xót của Chúa. Nhưng làm thế nào để lời mời gọi ăn năn hối cải có thể đi vào lòng người và được chấp nhận?
Lời mời gọi ăn năn hối cải chỉ có thể được đón nhận khi phát xuất từ một người có lòng yêu thương người tội lỗi và lòng khiêm nhường biết nhìn nhận sự yếu đuối và tội lỗi của chính mình. Trong một email tôi nhận được mới đây, một người đã cảm nghiệm được điều này và chia sẻ như sau: “Phải nhận ra mình đầy dẫy tội lỗi thì mới dễ dàng tha thứ, thông cảm với sự mỏng dòn của anh em, mới có thể nảy sinh lòng xót thương người khác, luôn cảnh giác chính mình và chắc chắn phải bám vào Chúa mà sống chứ không bao giờ dám ảo tưởng, mơ mộng… Chính vì cứ nghĩ là mình tốt lành, nhân đức, dồi dào ơn Chúa…, làm được nhiều việc… nên cũng thật đáng sợ!” Từ một tâm hồn khiêm nhường, biết nhận ra tội lỗi của mình, đồng thời cũng cảm nghiệm được Chúa tha thứ và thương yêu sẽ phát sinh ra những lời nói và thái độ có sức mạnh đi vào lòng người tội lỗi và lôi kéo họ mở lòng cho ơn thánh của Chúa.
- Đón nhận đau khổ với lòng khiêm nhường để cầu nguyện cho người có tội
Tình yêu mạnh nhất khi chấp nhận chịu khổ vì người mình yêu. Đó chính là tình yêu của Chúa Kitô đối với người tội lỗi. Người đã cam chịu khổ hình trong cuộc thương khó và chịu chết nhục nhã, đau thương hãi hùng trên thập giá cũng chỉ vì thương yêu người tội lỗi. Vì vậy, để thực hiện sứ mệnh lòng thương xót, đánh động con tim chai đá của con người tội lỗi, chúng ta cần phải bước theo con đường thập giá của Chúa Kitô. Không lạ gì, để giải thoát thế giới khỏi cuộc chiến tranh đang gây bao đổ vỡ và cứu nhân loại tội lỗi khỏi lửa hỏa ngục, khi hiện ra tại Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1917, Đức Mẹ đã xin ba trẻ chăn chiên:
- Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa, chấp nhận chịu mọi đau khổ Người gửi đến để đền trả các tội người ta đã xúc phạm đến Người và khẩn cầu xin cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không?
- Vâng, chắc chắn là chúng con muốn.
- Vậy thì các con sẽ gặp phải rất nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ trợ giúp các con.
Các công tác mục vụ và các sáng kiến văn hóa, xã hội rất quan trọng để giải quyết các vấn đề của nhân loại, nhưng không đủ, vì căn nguyên, cội rễ của các vấn đề là lòng con người chiều theo sự dữ và xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có lòng thương xót của Chúa, sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì tình yêu, mới có khả năng cải hóa và thay đổi lòng người. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động mục vụ, chúng ta cần biết chấp nhận mọi đau khổ lớn nhỏ trong cuộc sống và trong sứ mệnh bằng sức mạnh tình yêu để biến chúng thành nguồn ơn cứu độ cho thế giới đang ngụp lặn trong bóng đêm tội lỗi.
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, để kết thúc bài chia sẻ, tôi mời gọi tất cả hãy ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót. Xin Mẹ giúp chúng ta nhận ra nỗi thống khổ của nhân loại tội lỗi để biết cậy dựa vào sức mạnh của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, các hoạt động mục vụ của chúng ta sẽ biến Giáo phận chúng ta thành “Thánh địa của lòng thương xót”.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc