Lời chủ chăn Tháng 2-2019
ĐỒNG HÀNH VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn là chương trình mục vụ năm 2019 Hội Đồng Giám Mục đã đề nghị cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam mà Giáo phận chúng ta đã đón nhận như chương trình mục vụ của mình cùng với nỗ lực ra vùng ngoại biên gặp gỡ anh chị em Lương Dân. Trong tinh thần đó, hôm nay tôi muốn gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ những trải nghiệm về đời sống gia đình đã được hai đôi vợ chồng chia sẻ với quý Cha tham dự Ngày Thường Huấn, ngày 22/01/2019 vừa qua.
Kinh nghiệm sống của hai đôi vợ chồng nói trên cho thấy đời sống gia đình của nhiều người đầy dẫy những khó khăn và thử thách, nhưng với ơn Chúa, những khó khăn không những có thể được vượt thắng mà còn là cơ hợi để cảm nghiệm rõ ràng sự hiện diện gần gũi đầy yêu thương của Chúa và sức mạnh ơn thánh của Ngài. Trong trải nghiệm Đức Tin của hai đôi vợ chồng này, chúng ta thấy hiện lên rõ ràng bên cạnh họ những linh mục, tu sĩ và cả anh chị em giáo dân như những sứ giả Thiên Chúa gửi đến để hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, thích hợp với nhu cầu của họ trong những hoàn cảnh khác nhau.
Những trải nghiệm của hai đôi vợ chồng này và tinh thần cũng như thái độ của các “sứ giả” đồng hành với họ là nguồn khích lệ và gợi hứng cho các linh mục, tu sĩ trong sứ mệnh đồng hành với những gia đình gặp khó khăn. Tâm tình và thái độ căn bản của các “sứ giả” có thể được gói gọn trong cụm từ “Gần Gũi”: gần gũi với Chúa trong tinh thần là khí cụ của Ngài và gần gũi với gia đình gặp khó khăn với con tim yêu thương, thấm nhuần tình yêu của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc (x. Lc 15,4-7) để thế gian được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
1. CHIA SẺ CỦA ANH CHỊ P. – H.
ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH – NHỮNG KHỦNG HOẢNG VÀ ĐIỂM TỰA
CHỒNG:Hôm nay chúng con xin được chia sẻ về cuộc sống gia đình, những thách đố và khủng hoảng mà chúng con phải đối mặt, và cách mà Thiên Chúa đã giúp chúng con vượt qua thông qua những sự kiện, những gặp gỡ và đặc biệt là những vị sứ giả mà Chúa gửi đến.
VỢ: Đó là những linh mục, tu sĩ và những anh chị em giáo dân đầy nhiệt huyết. Các ngài đã trực tiếp hay gián tiếp giúp chúng con trong mỗi giai đoạn khác nhau, theo sự sắp xếp quan phòng của Thiên Chúa, để cùng đồng hành với chúng con trong ơn gọi gia đình.
CHỒNG: Cách đây 20 năm, trong ngôi nguyện đường Mai Khôi nhỏ bé và ấm cúng chúng con đã trao cho nhau lời thề ước trăm năm. Nhiều năm sau, 2 thiên thần yêu dấu của chúng con lần lượt ra đời.
VỢ: Con xuất thân từ một gia đình di cư năm 1954, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Bố con rất thương yêu vợ con nhưng về đạo nghĩa thì khô khan lắm.
CHỒNG: Còn con là con út trong gia đình cũng có 8 anh chị em. Xuất thân từ một gia đình thiếu vắng hình bóng chở che của một người cha, con vào đời với một tính cách mềm yếu nhiều bất ổn. Trong ký ức, tuổi thơ của con là những buổi tối khi đang học hoặc đang chơi, phải vùng dậy chạy lao vào con hẻm tối phía sau nhà mỗi khi nghe nói “ổng về”, bà ngoại và mẹ không muốn con chứng kiến những gì xảy ra mỗi khi ba về. Mỗi lần như vậy anh chị em chúng con chạy sang nhà cậu Sáu cách đó mươi mét, rồi sáng hôm sau khi ba đi, chúng con lại trở về nhà của mình. Một vài lần do không chạy kịp con đã chứng kiến cảnh bạo hành, tiếng la ó, tiếng khóc, những âm thanh và hình ảnh đó đã theo con vào đời mãi đến tận bây giờ.
VỢ: Gia đình con thì may mắn hạnh phúc hơn và buổi tối là giây phút tuyệt vời của cả nhà. Sau bữa cơm, bố mẹ thường trò chuyện rôm rả với các bác bên ấm trà tươi, còn chị em con kéo ghế ra trước nhà ngồi hát thánh ca. Tài sản quý giá mà các ngài để lại cho chúng con là lòng mộ đạo và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù bố con đã khuất xa khi con vừa tròn 16.
CHỒNG: Nếu những xung đột trong gia đình cùng sự nhẫn nhục chịu đựng của mẹ ảnh hưởng nhiều đến tính cách của con, làm cho con có khuynh hướng yếu đuối, nhu nhược và một tâm trạng thường xuyên lo lắng, bất an thì ba là người gieo nơi con lòng oán hận. Thương mẹ bao nhiêu con càng giận ba bấy nhiêu. Hành trang vào đời của con gói gọn trong 4 từ: bất an và hận thù.
VỢ: Thế là từ hai gia đình với hai cách sống hoàn toàn khác biệt, chúng con đến với nhau để khởi đầu câu chuyện mới của riêng mình.
TẠO DỰNG GIA ĐÌNH MỚI – TÌNH YÊU HÓA GIẢI HẬN THÙ
CHỒNG: Con quen nàng lúc nào không nhớ rõ, chỉ nhớ rằng 1993 con tình cờ gặp lại nàng.
VỢ: Lúc ấy con vừa từ biệt đời sống của một bà “suýt” Sr. Con thấy vui vui khi gặp lại P., vì dù không nói chuyện nhiều với nhau trước khi con vào dòng nhưng bạn ấy cũng tạo ít nhiều ấn tượng nơi con bởi sự đạo mạo và cách nói chuyện dí dỏm, khôi hài. Rồi chàng tự nguyện làm thầy dạy kèm con luyện thi đại học.
CHỒNG: Từ tư tưởng quen H. để khỏa lấp nỗi trống vắng, con yêu H. lúc nào không biết bởi sự đơn sơ của em, từ vẻ bên ngoài hơi quê mùa của một người vừa mới “ta ru”, tức tu ra, đến gương mặt thanh thoát có phần ngô ngố.
VỢ: Hai đứa con có thói quen từ thuở yêu nhau đến giờ là mỗi khi nghe tiếng xe cứu thương, chúng con cùng đọc một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người đang gặp nạn.
CHỒNG: Thời gian trước khi lập gia đình, đã có lúc con quyết tâm lên kế hoạch cho ba phải trả giá những gì ba đã gây ra, nhưng thật lạ lùng, mỗi khi con chuẩn bị ra tay thì hình ảnh H. mời con đọc Kinh Lạy Cha lại hiện ra, và thế là con chùn bước. Nhiều lần như vậy cho đến một hôm con quyết định từ bỏ kế hoạch trả thù của mình. Ngay khi đó, con nhận ra mình đang bình an, bình an hơn lúc nào hết. Chiều hôm đó con đã đến tòa giải tội và ở đó con đã khóc, Cha H. ở Tân Định đã đón nhận con bằng tấm lòng của một Thiên Chúa thương xót. Vị mục tử hiền lành này, thay mặt Thiên Chúa đã dùng tình yêu để hóa giải hận thù. Từ đó con bắt đầu suy nghĩ về ba với nhiều cảm thông hơn là trách móc.
VỢ: Ơn Chúa, anh đã quyết định thật đúng. Thế rồi sau 5 năm quen và yêu nhau, con trả công cho những tháng ngày dạy học miễn phí của ông thầy này bằng cái gật đầu làm xương sườn của anh.
CHỒNG: Chúng con quyết định đi đến hôn nhân với giấc mơ về một gia đình hạnh phúc bên đàn con thân yêu. Chúng con mang đến cho nhau niềm vui và sự bù đắp cho những gì thiếu vắng từ tuổi thơ, nhưng cũng đồng thời mang vào đời nhau những mệt mỏi, chán chường và hoài nghi.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ KHỦNG HOẢNG
VỢ: Những năm đầu của đời sống lứa đôi thật đẹp và lãng mạn, vui nhiều hơn buồn. Tuy nhiên, có một số thử thách nhỏ đã phát sinh khi con phải hội nhập vào một gia đình mà chồng và bố chồng đã nhiều năm không nói chuyện với nhau.
CHỒNG: Mặc dù con đã xưng tội và từ bỏ kế hoạch trả thù của mình nhưng trong lòng vẫn còn giận ba ít nhiều. Sau đám cưới, con ở rể. Cuối tuần chúng con về thăm ngoại và má. Mỗi lần đi ngang chỗ ba, muốn lắm nhưng con không thể chào ông được. Con đang sống trong một áp lực là làm sao để ba phải chấp nhận con dâu và không được hành xử làm mất mặt gia đình.
VỢ: Con hiểu những áp lực mà anh đang phải âm thầm chịu đựng, nên con tự đặt cho mình nhiệm vụ hòa giải anh và ba. Vì thế, khi vừa mới cưới con đã lên kế hoạch tiếp cận ba. Con còn nhớ, mỗi lần đến thăm, con chào ba, ba quay mặt đi, không thèm nhìn cũng chẳng buồn đáp lời. Ban đầu, con cảm thấy khựng và đôi lúc cũng thấy khó chịu nhưng con vẫn kiên trì với mục tiêu của mình.
CHỒNG: Thấy vợ bị đối xử lạnh nhạt, con nóng mặt, nỗi hờn giận ngày trước lũ lượt kéo về. Đã có đôi lần con bảo H. thôi cứ kệ ba, cố gắng làm gì để rồi thất vọng, nhưng nàng vẫn tiếp tục. Từ chỗ giận ba, con đâm ra giận nàng.
VỢ: Con có tính lì và bướng ngầm nên ba càng không nhìn mặt, con càng cứ nói, cứ chào và cứ hỏi thăm. Con tìm hiểu và biết ba thích thể thao, thời sự và nhạc xưa. Cứ mỗi ngày một chút con lân la bắt chuyện với ba về những vấn đề trên. Từng bước, từng bước, con đã tiếp cận được “đối tượng”. Song song đó, con cũng rỉ rả vào tai Chúa và Ngài đã xiêu lòng. Không lâu sau, chúng con đã trở thành bạn tâm giao của ba, dù lúc đầu, ba và anh vẫn còn ngại khi nói chuyện với nhau.
CHỒNG: Quả thật là một cuộc lật đổ ngoạn mục. H. đã đáp trả sự dửng dưng, lạnh lùng của ba bằng cảm thông, quan tâm và trên hết là bằng tình yêu. Nhờ vợ mà cha con con đã đến gần nhau hơn. Trước mắt con lúc đó không còn hình ảnh của một người cha với qúa khứ dữ dội nhưng là hình ảnh của một con người đã trải qua hơn 80 năm vui buồn và đang cô đơn trên đoạn đường còn lại của đời mình, và con có nghĩa vụ làm cho đoạn đường này ấm áp và nghĩa tình. Ba con đã ra đi cách đây 2 năm. Những ngày cuối, nhìn sự sống của ba đang cạn dần mà lòng con đau thắt, con đã tự trách mình sao không quảng đại sớm hơn.
VỢ: Con không dám nhận là sức mình có thể làm nên cuộc hòa giải này nhưng chính đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa được hun đúc từ nhỏ, qua các bài giáo lý, bài giảng và gương sống của các vị mục tử, những người con đã gặp gỡ, đã tạo cho con quyết tâm thực hiện tới cùng kế hoạch này.
CHỒNG: Chúng con ở bên ngoại một năm thì ra riêng. Khoảng thời gian hạnh phúc trôi qua đến năm thứ 3, khi chúng con ít có cơ hội trò chuyện và ăn cơm cùng nhau như trước đây do H. và con đều thay đổi công việc.
VỢ: Con dạy trong một trung tâm ngoại ngữ tất cả các buổi tối và luôn cả cuối tuần. Chúng con chỉ tranh thủ đi lễ Chúa nhật với nhau vào giờ trống giữa hai ca dạy của con.
CHỒNG: Con chuyển qua làm cho công ty khác, đi công tác rất thường xuyên.
VỢ: “Cơm” bắt đầu “bữa nhão bữa khô”. “Canh” lúc mặn, lúc nhạt, nhưng vì bận bịu với công việc và bận chăm cháu đầu lòng chào đời năm 2003 nên mọi sự cứ thế dần trôi trong im lặng và chịu đựng. Lâu dần, cuộc sống gia đình trở nên tẻ nhạt.
CHỒNG: Năm 2006 chúng con có cháu thứ hai, xung đột thường xuyên xảy ra do những mâu thuẫn trước đó chất chứa chưa được giải quyết, nay lại xuất hiện thành viên mới trong gia đình với thêm nhiều lo toan về vật chất và tâm trí.
VỢ: Cháu rất khó nuôi, con phải nghỉ làm hẳn và tạm ngưng sinh hoạt nhóm để ở nhà chăm cháu. Không đi làm, không đồng nghiệp, bạn bè, không người thân bên cạnh, con thì khó khăn, oặt oẹo, nuôi hoài không lớn, con bị stress trầm trọng và ngày càng dễ quạu quọ hơn. Các cháu là nạn nhân thường xuyên cho những lần con quát mắng đôi khi rất vô lý và vô cớ. Có khi con cầm roi quất cháu nữa. Sau này cháu nhắc lại: “Bữa đó mẹ dữ lắm, con đâu có làm gì mà mẹ la con. Con sợ lắm!” Nhìn ánh mắt ngây ngô, sợ sệt và vẻ mặt đơn sơ của cháu, con thấy mình thật có lỗi. Con ôm cháu vào lòng xin lỗi mà nước mắt cứ tuôn trào.
CHỒNG: Đi làm về mệt, con thì lèo nhèo, vợ thì khó chịu, con càng mệt hơn, rồi cảm thấy bực bội và quạu quọ. Chỉ cần bọn trẻ giỡn lớn tiếng là con bực mình và quát. La mắng con lúc chúng giỡn chưa đủ con còn la chúng vào giờ ăn nữa. Thấy thế H. phản ứng lại và thế là chiến tranh xảy ra, nội chiến từng ngày. Nhiều lúc bữa cơm gia đình ngập trong nước mắt. Mệt mỏi với con nay lại thêm chán ngán với vợ.
VỢ: Có một lần, con vô tình đọc được nhật ký của cháu lớn nhà con, cháu viết: “Mình chán sống trong cái nhà này, mình chỉ muốn chết thôi.” Con bàng hoàng! Chúng con đã trút giận vô cớ lên con, tạo nên bầu khí ngột ngạt trong gia đình đến nỗi con con, một cậu bé chỉ mới 10 tuổi đầu đã cảm thấy chán sống ư? Hôm đó, con suy nghĩ thật nhiều, trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Con ngồi dậy, viết thư cho anh, bảo anh hãy đọc nhật ký của con với mong muốn hai vợ chồng cùng nhìn lại và điều chỉnh lối sống, cách cư xử, cách giáo dục của mình để có ảnh hưởng tốt tới con, giúp con thoát khỏi ý nghĩ tự tử.
CHỒNG: Đọc nhật ký của con, lòng con lặng đi. Cái bất ổn trong gia đình kéo dài ảnh hưởng nặng nề lên chúng con, nay đã ảnh hưởng tiêu cực lên con trẻ. Con đang lặp lại lịch sử đời mình mà không biết. Trước đây con cảm thấy bất an khi ở với ba má thế nào thì nay con con cũng cảm thấy tương tự như vậy khi ở với chúng con. Con nguyện với lòng sẽ thay đổi cách sống để yêu thương vợ con nhiều hơn.
VỢ: Hai đứa con cùng thẳng thắn trao đổi nghiêm túc với nhau về vấn đề này. Kể từ đó vợ chồng chúng con cẩn thận hơn trong thái độ của mình và cách ứng xử với con, luôn hướng chúng đến sự tích cực, tôn trọng cảm xúc của con và lắng nghe nhiều hơn. Mỗi tối con dành toàn bộ thời gian để học và chơi cùng con, hỏi han một ngày học của con ở trường ra sao, bạn bè thế nào…
CHỒNG: Cả nhà chơi cờ cá ngựa, đá banh, cầu lông, ô ăn quan với nhau, thỉnh thoảng đi xem phim và đi ăn cà rem cùng nhau.
VỢ: Nhờ vậy, các cháu tự tin, vui vẻ hơn, chia sẻ nhiều chuyện với chúng con hơn. Con vẫn dõi theo con để xem diễn biến tâm lý của con thế nào. Ơn Chúa, sau này cháu viết nhiều về bạn bè ở trường, về ước mơ và không còn nhắc đến việc muốn chết nữa. Nhưng dường như ở P. còn có một điều gì đó chưa hoàn toàn thuộc về gia đình, dường như anh vẫn còn sống với thế giới riêng của mình nhiều hơn là thế giới chung của gia đình. Đôi lúc con nghĩ gia đình này, căn nhà này đối với anh chỉ là quán trọ còn anh là khách.
CHỒNG: Vâng, con vẫn còn thế giới riêng của mình và con thích sống trong nó. Thế giới riêng này được hình thành từ khi H. tạo cho mình áp lực phải xây dựng gia đình nên hoàn hảo, nhất là góc độ đạo đức và tâm linh. Rồi em truyền áp lực đó lên con và các cháu để rồi tất cả phải sống những chuỗi ngày căng thẳng và mệt mỏi.
VỢ: Gắn bó với nhà thờ từ bé, lại từng sống trong nhà dòng, nên đối với con đạo nghĩa phải là ưu tiên hàng đầu. Con mong muốn gia đình mình sống đạo tốt và phải có chiều sâu đức tin, như con đã được nuôi dưỡng đức tin từ mẹ và các chị con. Vì vậy, ngay từ khi mới cưới, con cố gắng tạo một nếp sống đạo đức cơ bản cho gia đình, đó là tối nào chúng con cũng đọc kinh, cầu nguyện cùng nhau. Biết tính anh, nên con đọc rất ngắn gọn, chỉ khoảng 3 đến 5 phút là tối đa,vậy mà anh cũng rất khó chịu và đôi khi càu nhàu.
CHỒNG: Thấy 3 – 5 phút không ép phê nên nhiều lúc H. tăng lên đến gần 10 phút với nhiều loại kinh kệ khác nhau. Thấy việc ép con đi lễ không có tác dụng H. đẩy mạnh “công tác tuyên truyền” bằng cách rỉ rả vào tai con về việc phải làm gương cho bọn trẻ. Nếu đi lễ trễ thì phải đi bù lại. Một Chúa Nhật nọ cả nhà đi lễ trễ, vào nhà thờ đang lúc bài đọc 2, thế là sau lễ H. bắt cả nhà phải ngồi lại để chờ Thánh lễ kế tiếp. Chúa Nhật đối với con là ác mộng!
VỢ: Vâng, con gặp không ít khó khăn trong việc giữ nếp đạo cho gia đình vì cách cư xử thiếu tâm lý, thiếu sự khéo léo, tế nhị khi áp dụng nguyên xi phương pháp của mẹ theo kiểu giáo dục đạo giáo truyền thống. Con sợ sau này các con bị ảnh hưởng bởi tư tưởng sống đạo của ba: thích đi lễ thì đi, không thích thì thôi; một tuần đi lễ đúng một lần, bất kể đó là ngày thường hay Chúa nhật.
CHỒNG: Đúng vậy, rất nhiều lần con từ chối đi lễ hoặc đọc kinh tối trước mặt các con với thái độ lạnh lùng, bất cần. Các con ít nhiều đã bị ảnh hưởng, các cháu không mặn mà trong việc đi học giáo lý, và tham dự thánh lễ. Đôi khi tỏ thái độ tương tự con, nhất là cháu lớn.
VỢ: Con buồn và giận anh lắm, những lúc như thế con càng áp đặt càng muốn mọi người phải đi lễ, phải giữ đạo theo cách của con. Con không chấp nhận được cảnh chồng con con bỏ lễ. Rồi con thường xuyên la lối, la cả bố lẫn con, nhất là vào sáng chủ nhật. Không khí gia đình ngày chủ nhật thật căng thẳng. Con càng bắt ép, anh càng tránh xa nhà thờ và tỏ vẻ bất cần hơn.
CHỒNG: Con cho rằng H. đã sai lầm khi đã không ngừng tạo sức ép lên con về vấn đề đạo giáo, và như vậy đã vô tình đẩy con đi xa khỏi con đường đức tin, và xa cả nàng nữa. Bị ép buộc mà lòng không phục, con bắt đầu quay về với thế giới của riêng mình, nơi đó con được tự do suy nghĩ và hành động theo những gì mình cho là đúng.
VỢ: Còn con, con cũng xa dần chàng vì con thật sự cảm thấy chán chường, mệt mỏi! Cố gắng mãi rồi cũng đến lúc nản lòng, con phải chiến đấu với chính mình nhiều lắm, đã có lúc con muốn dẫn hai con đi thuê một nơi nào đó để ba mẹ con ở với nhau thôi. Con muốn tách các con khỏi cách sống bi quan và tiêu cực của anh. Con chán việc phải tự xoay sở mọi thứ một mình. Con cái học hành, ốm đau bệnh tật gì anh chẳng buồn quan tâm. Con chán chồng!
CHỒNG: Thế đó, chúng con dần xa nhau khi vẫn đang rất gần nhau. Không khí gia đình ngày càng ngột ngạt dù rất ít cãi cọ – vì đã mệt mỏi quá rồi! Con tự hứa với lòng mình kiếp sau thà sống độc thân chứ không dại dột lập gia đình với người TA RU.
VỢ: Buồn lắm, rất buồn, nhưng con không dám hé môi với bất kỳ ai, chỉ biết cầu nguyện mà thôi.
CHỒNG: Mọi chuyện thật lạ lùng! Ngay khi chúng con đang ở đáy vực của sự rạn nứt mối quan hệ vợ chồng thì vào tháng 7 năm 2013, chúng con được mời tham dự khóa CTĐSHN. Lúc đầu con không mặn mà lắm vì con nghĩ những khóa kiểu này chỉ lý thuyết suông, không thực tế. Con chỉ gật đầu đồng ý vào phút cuối trước khi khóa bắt đầu. Thế nhưng, tại đây, các vấn nạn đều được phơi bày và giải quyết rõ ràng, rất đời thường. Con nhìn thấy chúng con trong đó.
VỢ: Chúng con được đón nhận huấn từ của các cha về ý định của Thiên Chúa cho hôn nhân, lắng nghe chia sẻ của các cặp vợ chồng, quan sát những vấn nạn của các gia đình, những nguyên nhân và hệ lụy, cách giải quyết và vượt qua, để rồi chúng con được mời gọi nhìn lại đời sống hôn nhân của mình, cải thiện mối quan hệ vợ chồng và sống theo cách mà Chúa muốn.
CHỒNG: Khi nhìn lại hành trình hôn nhân, con nhận ra những lỗi lầm của mình và thấy yêu quý gia đình hơn, yêu quý những gì vợ đã cố công vun đắp vì những điều ấy tạo nên giá trị đạo đức và sự bền vững của gia đình.
ĐIỂM TỰA
VỢ: Nhưng trên hết đó là ơn Chúa, Ngài đã luôn đồng hành với chúng con, là điểm tựa cho chúng con bám vào mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi cần sự bình an, để chúng con có sức đứng dậy và đi tiếp. Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, Ngài gửi đến những vị sứ giả với những vai trò khác nhau. Có những vị giúp chúng con yêu Chúa bằng những câu chuyện thánh và bằng gương sống của các ngài, nhờ thế chúng con đã nhận ra Chúa Giêsu rất sống động và gần gũi đời thường.
CHỒNG: Thời gian còn học giáo lý, con vẫn nhớ như in hình ảnh của vị mục tử hiền lành – cha H.ở nhà thờ Tân Định. Cha biết rõ hoàn cảnh gia đình con, biết con không có được một người cha chia sẻ yêu thương, nên mỗi khi gặp cha thường hỏi thăm con, xoa đầu và ôm con vào lòng. Cha là hiện thân của lòng thương xót Chúa, bao bọc và nâng đỡ con, là điểm tựa để con tin tưởng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, mỗi khi lòng hoài nghi hay oán hận.
VỢ: Còn con, khi còn ở trong dòng, chính cuộc sống tu đức và vâng phục khuôn phép đã giúp con thêm lòng tin và lòng mến, chuẩn bị hành trang cho con sống đời sống gia đình sau này. Những chỉ dạy của bề trên, đôi khi xem ra là vô lý, nhưng đó là cách Chúa uốn nắn để con tiến bộ hơn.
CHỒNG: Rồi khi chúng con quyết định lập gia đình, Chúa đã gửi đến chúng con không chỉ những vị mục tử giúp chúng con có được kiến thức và sự hiểu biết về đời sống hôn nhân Kitô giáo mà cả sự chuẩn bị về mặt tâm linh để chúng con có thể sống trọn vẹn ý nghĩa của ơn gọi gia đình. Cha Q. Dòng Tên đã dành một ngày giúp hai đứa con tĩnh tâm để khởi đầu cho cuộc sống mới.
VỢ: Cha Marco Đ., DCCT, cùng với nhóm Huynh Đệ ở nhà thờ Tân Định đã giúp cuộc sống tâm linh chúng con thêm phong phú và dồi dào thông qua những hoạt động chia sẻ Lời Chúa và làm việc bác ái. Cha Marco đã về với Chúa cách đây gần một năm, chúng con vẫn còn nhớ đến cha như là một vị mục tử hiền lành, khả ái, một người anh gần gũi và đầy cảm thông. Cha luôn hỏi han tình hình của từng cặp gia đình, linh hướng mỗi khi các cặp gặp khó khăn. Con còn nhớ trước khi mất, cha đã dặn dò chúng con tìm cách giúp một bạn nam trong nhóm bớt tính nóng nảy để vợ con đỡ khổ.
CHỒNG: Và khi cuộc hôn nhân của chúng con đang bên bờ vực sụp đỗ, chương trình CTĐSHN, với sự đồng hành của ĐC Louis và Cha H. Dòng Tên đã giúp chúng con nhìn lại hiện trạng và làm mới cuộc sống hôn nhân của mình, giúp chúng con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy yêu thương.
VỢ: Không dừng ở các khóa làm mới hôn nhân, các ngài còn đồng hành với chúng con sau đó. Trong hơn 4 năm qua chúng con đã nhận được sự nâng đỡ từ Cha H. qua các buổi tĩnh tâm Giáng Sinh và Mùa Chay, những bài giảng sâu sắc của cha đã giúp chúng con nhìn lại cuộc sống gia đình để sống tốt hơn. Cách đây nhiều năm, khi con còn đang băn khoăn về công việc thì cha đã giúp con có một lựa chọn đúng lương tâm.
CHỒNG: Các ngài luôn lắng nghe, quan tâm đến những khó khăn của gia đình và đưa ra những linh hướng hữu ích về tương quan vợ chồng, cách giáo dục con cái, cách chọn lựa những giá trị sống.
VỢ: Chúng con không còn cảm giác lo lắng, sợ sệt hay phòng thủ mỗi khi đến tòa hòa giải dù lỗi lầm nhiều đến mức nào, ngược lại nơi đây chúng con được đón nhận trong cảm thông và yêu thương, được làm mới cuộc đời qua những lời linh hướng.
CHỒNG: Tạ ơn Chúa vì Ngài và các linh mục của Ngài, những tu sĩ và những con người mà Ngài gửi đến cho chúng con trong suốt 20 năm qua, đã là điểm tựa vững chắc cho chúng con sống đời sống gia đình, vốn đang gặp nhiều thử thách trong xã hội ngày nay.
VỢ: Dẫu được yêu thương nhiều đến như vậy nhưng giáo dân chúng con sẽ vẫn yếu đuối và chao đảo mỗi khi gặp khó khăn, cuộc sống gia đình chúng con sẽ tiếp tục gặp nhiều thách đố, kính xin Đức Cha và quý cha luôn cầu nguyện và đồng hành với chúng con vì nơi các ngài chúng con nhận ra gương mặt của Thiên Chúa chạnh Lòng Thương, luôn bao bọc và chở che con cái mình.
2. CHIA SẺ CỦA ANH CHỊ O. – V.
KHI THỊNH VƯỢNG CŨNG NHƯ LÚC GIAN NAN
VỢ: Chúng con đang sống trong hành trình năm thứ 34 của đời sống Hôn nhân Công giáo. GĐ chúng con gồm 3 người con, 2 trai, 1 gái và 2 cháu nội.
CHỒNG: Chúng con hiện đang sống và sinh hoạt tại GX Tam Hà, Giáo hạt Thủ Đức TGP. Sài Gòn.
VỢ: Tại Tam Hà có nhiều dòng tu Nam – Nữ hiện diện như: Dòng Con Đức Mẹ phù hộ; Dòng Tên; Dòng Đa Minh; Dòng Cát minh… cùng cộng tác với GX trong những việc Mục vụ như: Dạy Giáo lý cho thiếu nhi,giúp hướng dẫn về đời sống tâm linh cho các đoàn thể, đồng hành với các gia đình chia sẻ Lời Chúa…
CHỒNG: Với gia đình chúng con, ngoài sự giáo dục đức tin theo truyền thống từ ÔB, Cha Mẹ, chúng con còn được hấp thụ tinh thần đạo dức sống động theo linh đạo của những hội dòng này từ nhỏ cho đến khi trở thành Giáo lý viên của Giáo xứ.
VỢ: Củng phải kể thêm rằng: Sau biến cố của đất nước 1975 tình hình sống Đạo của các đoàn thể có phần khó khăn hơn. Cha Cố Augustino L. Dòng Tên đã kêu gọi và quy tụ chúng con thành 1 nhóm tìm hiểu và Chia sẻ Lời Chúa để có thể là những người dạy cho con cái mình ngay trong gia đình về đời sống đức tin. Cho đến hôm nay nhóm chúng con vẫn đang hoạt động với tên của nhóm là Gia đình trẻ Tam hà (nhưng đều là những ÔB hết rồi).
CHỒNG: Giờ đây chúng con xin được chia sẻ về câu chuyện cuộc sống của gia đình chúng con.
VỢ: Ba mẹ con sinh được 3 người con gồm Anh, Chị và con là út. Trước năm 1975 gia đình chúng con làm nghề giặt ủi quần áo lính và buôn bán ngoài chợ Tam hà.
CHỒNG: Con là con thứ tư trong gia đình có 9 ACE gồm chị cả và 8 AE trai. Ba con làm tài xế xe khách, Mẹ con thì bán hàng rong. Tuy gia đình chúng con đông con và nghèo nhưng Ba mẹ chúng con đều cố gắng nuôi và cho chúng con học hành tới nơi tới chốn mà không ai phải thất học. Cũng phải kể thêm là Ba con mồ côi Cha Mẹ ngay khi còn nhỏ nên không biết Cha Mẹ mình là như thế nào. Khi mồ côi, Ba con được vị LM già ngoài quê nuôi nấng lo toan cho đến khi tạo dựng gia đình. Sau đó di cư vào Nam. Cuộc đời của Ba con vui thì ít mà buồn rất nhiều vì không có ai là anh em thân thích cả.
VỢ: Trái ngược với nhà chồng. Nhà con thì ít người mà lại là con út nên hầu như con được cưng chiều, muốn gì được đó. Tuy nhiên, Ba Mẹ con luôn dạy và nhắc nhở con phải sống có lòng nhân ái và không quên dạy con về thêu thùa, may vá…
CHỒNG: Cuộc đời con khổ chung với cái nghèo của gia đình. Khi con học trung học đệ nhất cấp (THCS bây giờ) thì ngoài giờ đi học, 3 AE lớn chúng con phải đi bán bong bóng dạo rất vất vả để phụ giúp kinh tế gia đình với Ba Mẹ lo cho các Em còn nhỏ ăn học. Đây là bài học đầu đời của Ba chúng con dạy: Phải sống lương thiện, hãy cố gắng vươn lên cho dù khó khăn, đừng bao giờ nản chí, đừng bao giờ làm ăn bất chính trái với đạo lý làm người. Tuy Ba con đã về với Chúa 14 năm, nhưng con không bao giờ quên những lời Ông dạy chúng con.
VỢ: Vì chúng con ở cùng 1 địa phương, cùng Giáo Xứ, cùng học chung trường, chung lớp, hai bên Gia Đình đều quen biết nhau, nhất là cùng sinh hoạt chung với nhau trong Nhóm Giáo Lý Viên 1 thời gian dài, nên khi Anh ngỏ lời đến với con, con cũng hiểu và dễ chấp nhận lời của Anh. Chúng con có thói quen viết nhật ký và trao đổi cho nhau vào mỗi cuối tuần.
CHỒNG: Thế là ngày 04-01-1986 chúng con cùng nhau ký kết giao ước Hôn Nhân trong niềm vui Hạnh Phúc ngập tràn.
VỢ: Thời gian chung sống đầu đời trong Hạnh phúc thật đầm ấm, mỗi người đều có việc làm riêng. Con thì đi bán hàng ngoài chợ, Anh thì làm Công nhân Công Ty Lâm Sản. Cứ sáng sớm là chúng con tạm xa nhau đến chiều tối mới lại gặp nhau. Cuộc sống thật tuyệt vời. Chúng con vun vén kinh tế để lo cho tương lai, tuy có phần vất vả nhưng cũng thật vui. Cho đến khi chúng con có con trai đầu, Anh phải đi làm xa 1-2 tuần mới về 1 lần.
CHỒNG: Sau hơn 2 năm làm xa, con được chuyển công việc về lại Thành Phố. Chúng con đã gom góp để xây dựng cho mình 1 ngôi nhà riêng. Vì là đang trong thời gian Bao Cấp nên mọi sự đều rất khó khăn. Những gì chúng con có được thật không dễ dàng. Chúng con cảm nghiệm đúng là 1 Hồng Ân lớn cho gia đình mình, nên chúng con luôn cất lời tạ ơn TC.
VỢ: Cha Ông chúng ta thường nói: “An Cư Lạc nghiệp”. Đối với chúng con bây giờ,nhà có, công ăn việc làm ổn định, Kinh tế tương đối, Đồng vợ, đồng chồng… nên con cũng muốn dành giụm tiền bạc của mình qua cách chơi hụi với 1 số ACE khác. Nhưng thật đâu ngờ, sau bao nhiêu tuần, tháng mình gom góp cho người khác lấy. Đến lượt mình lấy cuối thì bị người ta xù mất trắng mà mình không có lý do nào kiện tụng được. Lúc này con lo lắm, vì khi con tham gia chơi con đã giấu không cho Anh ấy biết. Tiền thì bây giờ mất hết. Trong lòng thì bất an, không biết phải nói với Anh làm sao. Khủng hoảng vô cùng…
CHỒNG: Thời gian này, Con cũng cảm thấy như V. đang giấu con điều gì đó.Vài ngày sau thì chính V. cũng nói cho con nghe biết sự thật đau lòng này. Con nghe xong mà lòng giận điên lên… Giận người ta thì ít, mà giận vợ mình thì nhiều, chỉ vì suy nghĩ thiển cận, cả tin, và nhất là không bàn hỏi gì với con.
VỢ: Còn con thì sau khi nói với Anh sự thật này, con càng lo hơn vì thái độ hằn học, la lối của Anh 1 cách giận dữ. Con thật sự bị chao đảo trong đời sống lứa đôi.
CHỒNG: Sau vài ngày, cơn giận trong con cũng dần phôi phai. Con bình tâm suy nghĩ lại và cũng tự an ủi chính mình và động viên V., như thể là mình vừa làm mất 1 món đồ có giá trị lớn mà do mình chưa biết cách quản lý tốt. Nhất là chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Con cũng chủ động xin lỗi V. vì mình quá nóng giận.V. cũng đã xin lỗi con về thiếu sót của mình. Thế là chúng con làm hòa với nhau.
VỢ: Năm đầu tiên phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, nghèo khó. Bản thân 2 đứa đã đành mà nhất là tôi nghiệp cho đứa con. Lâu lâu đến ngày lãnh lương muốn mua thêm cho con món gì để bổ dưỡng mà cũng phải đắn đo, cân nhắc. Vì mua thêm hôm nay, ngày mai có bị thiếu hụt, nợ nần không…
CHỒNG: Thậm chí thời gian này có những ngày con phải nhịn đói để đi làm. Đã có những lúc cơn giận dữ lại trổi lên trong con, làm cho con bị chao đảo, mất bình an, muốn buông xuôi mọi sự cho Vợ rồi muốn ra sao thì ra.
VỢ: Còn con có khác gì đâu! Có gặp cảnh nghèo mời biết thế nào là khổ. Buồn không dám nói với ai. Đói thì cắn răng chịu. Thi thoảng kẹt quá mới dám thủ thỉ với Mẹ. Nhiều lúc con thấy Anh lao vào công việc không ngừng nghỉ. Ban ngày làm hết giờ ở Công ty, chiều tối về còn nhận hàng làm thêm ban đêm mãi đến 11-12g đêm mới nghỉ. Thật thương cho Anh bao nhiêu, con càng thấy ân hận bấy nhiêu.
CHỒNG: Cha ông chúng ta thường nói: Sau cơn mưa trời lại sáng… Thế rồi vài năm sau, chúng con cũng vượt qua được cái khổ, trong sự nỗ lực hết sức, đồng tâm chung sức và chia sẻ với nhau. Tuy về ngoài thể xác thì cực khổ, cố gắng, nhưng trong tâm thì cảm nghiệm sự bình an, vì mọi sự TC vẫn ban cho chúng con và con cái mạnh khỏe.
VỢ: Đến lúc này. Cuộc sống của chúng con đang làm lại có phần ổn định hơn thì lại gặp thử thách khác.
CHỒNG: Do 1 thời gian dài cố gắng hết sức, thậm chí là quá sức qua công việc làm ăn, thì chính con bị bệnh chấn thương cột sống chèn thần kinh tọa. Nhìn vóc dáng bên ngoài thì khỏe mạnh mà khốn nỗi đôi chân không thể tự điều khiển để đi đứng lên được.
VỢ: Một mình con sáng sớm dậy phải lo cho con ăn uống, gởi con cho Ông Bà nội để đi bán hàng, trưa bán xong chạy vào Bệnh viện thăm và lo cho Anh, chiều về đón con và đi lấy hàng chuẩn bị cho ngày mai đi bán. Đôi lúc con cũng quá mệt mỏi, chán chường muốn nghĩ quẩn luôn.
CHỒNG: Còn con, trong thời gian nằm điều trị hơn 2 tháng taị Bệnh viện, con có thời gian suy nghĩ và cầu nguyện nhiều cho mình, cho vợ, cho con vì mình thì không làm được gì cả. Mọi khó khăn gian khổ chỉ một mình vợ phải chịu hết nhưng không hề có một lời ca thán. Con thầm cảm tạ Chúa đã gởi đến cho con một người bạn đời biết hy sinh, chung thủy, và quán xuyến mọi sự… Cám ơn Em nhiều lắm…
VỢ: Sau khi Anh đã bình phục và đi lại được,chúng con cùng bàn với nhau là sẽ thay đổi công việc làm ăn, thay vì Anh phải làm việc nặng tại Công ty thì về nhà làm máy móc có phần nhẹ nhàng và đỡ vất vả hơn, không phải đi nắng về mưa, nhất là được ở nhà cùng với vợ để chăm sóc và lo cho con tốt hơn.
CHỒNG: Con đã quyết định nghỉ làm tại Công ty để làm việc tại nhà. Trong công việc mới này, chúng con cũng cầu xin và phó thác xin TC chúc lành cho mọi công việc mình làm được thuận lợi, may mắn. Có lẽ do chúng con được thừa hưởng nền giáo dục Đức Tin do Ba Mẹ truyền lại, con xác tín nhiều hơn vào TC ngang qua những bạn bè, anh em đã thương mến chia sẻ kinh nghiệm làm ăn nhất là tạo giúp điều kiện về vốn liếng, máy móc, cách ngoại giao… với các khách hàng.
VỢ: Tạ Ơn Chúa. Công việc làm mới này rất thuận lợi. Sau hơn 1 năm chúng con đã cố gắng tích góp để trả hết nợ và còn mua thêm được thêm 1 miếng đất khác để mở thêm nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc phát triển sản xuất. Anh em, bạn bè hay nói với chúng con: Đúng là ở hiền gặp lành.
CHỒNG: Những tháng năm này cứ dần qua, cuộc sống chúng con thật bình an, hạnh phúc, công việc làm ăn phát triển thuận lợi, chúng con có thêm con cái. Chúng con cảm nhận rất rõ: TC yêu thương chúng con dường nào. Xin Tạ ơn Ngài!
VỢ: Cuộc sống vốn dĩ vẫn luôn có những điều bất ngờ ngoài ý muốn, và đây là điều bất ngờ đối với gia đình chúng con: Vào chiều ngày 07-03-2007, lúc 15g47', con đang dọn nhà để chuẩn bị cho buổi tối đọc kinh xóm tại nhà con, thì bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ gọi vào và báo cho con biết là: “Con gái chị bị tai nạn, xe tải cán nát chân rồi ở đường Đặng văn Bi gần trường THPT Thủ Đức đó. Anh Chị ra ngay đi. Cháu đã được chở đi cấp cứu rồi.”
CHỒNG: Chúng con bàng hoàng hết sức khi nghe tin báo. Thật tâm là cầu mong điều đó đừng xảy ra với con mình, vì cháu tính rất cẩn thận mà lại đi xe đạp 1 mình để đi học.
VỢ: Chúng con không thể nào ngờ được khi chạy vào tới bệnh viện, thấy 2 chân cháu phải nẹp cứng,nhưng cháu rất tỉnh táo. Khi thấy chúng con vào. Cháu nói: “Ba ơi! Ba đừng đánh tài xế nhé… Ba cho con ly nước đi… Mẹ ơi ! Mẹ đọc kinh với con đi… Chân con mất rồi hả Mẹ?”
CHỒNG: Khi con đẩy cháu vào chụp phim chânthì hỡi ôi. Kết quả cho thấy xương cẳng chân, xương gót, xương trụ, xương mắt cá, gót chân cháu tan nát vì xe tải 10 tấn cán qua. Tại hiện trường thì thịt xương máu bầy nhầy trên mặt đường. Xe đạp của cháu thì nằm gon trong gầm xe. Con đã xin chuyển cháu lên trung tâm chấn thương chỉnh hình Tp.HCM để điều trị.
VỢ: Trong lúc này, tâm thần con như ngây dại, thực sự thì con không biết phải làm sao đây!Con gái mà bị cắt mất chân khi 17 tuổi sẽ như thế nào. Tiền bạc đâu mà lo cho cháu. Thật là bế tắc hoàn toàn…
CHỒNG: Con thì có phần bình tĩnh hơn. Con đã nguyện thầm dâng cho Chúa biến cố này. Con phó thác hoàn toàn trong tay Ngài, vì con nghĩ: Đây là điều chẳng ai mong muốn, cả con cũng như tài xế. Con hết sức động viên và an ủi Vợ Con cố gắng hy sinh hơn, chịu đau đớn và vâng theo Thánh ý.
VỢ: Đêm hôm đó, sau khi mổ cấp cứu, chúng con được Bác sỹ cho biết khả năng phải cắt bỏ hoàn toàn chân cháu vì xương bị nát hết rồi. Lòng chúng con càng đau xót và rối bời thêm trong suy nghĩ: Con gái 17 tuổi mà mất chân thì ra sao?
CHỒNG: Con đã năn nỉ Bác sỹ cố gắng hết sức để có thể giữ lại chân cho cháu, vì cháu là con gái duy nhất của chúng con.Có tốn kém bao nhiêu, con cũng sẽ cố gắng vay mượn để chạy chữa cho cháu. Một phần con cũng xác tín hơn là: “Chúa sẽ có cách của Chúa.”
VỢ: Các Cụ ngày xưa hay nói: “Có tin có được, có kiêng có lành.” Vâng! Đúng như vậy. Sau hơn 19 tháng nằm bệnh viện điều trị nội trú, trải qua 11 lần đại phẫu từ lọc gọt thịt hư nát, ghép xương, ghép da, nối tĩnh mạch, thần kinh, làm gót… toàn thân Cháu phải gọt da chỗ này để đắp vào chỗ khác, mổ cắt xương chỗ này đáp qua chỗ kia, mổ lấy thịt chỗ này đắp qua làm gót chỗ kia.Thật biết bao nhiêu là đau đớn.
CHỒNG: Con không bao giờ quên được ngày cháu lên bàn mổ để ghép gót chân. Bác sỹ phải cắt bắp vế chân bên này để ghép làm gót chân bên kia mà lại đúng vào ngày 25 tháng 12. Hai chân cháu phải khoan bắt ty thép bắt dính vào nhau và phải treo cao chân lên không cho chạm giường suốt 5 tuần lễ. Có những lúc cháu đau đớn quá không chịu nổi thét lên.
VỢ: Cháu nói: “Mẹ ơi, cho con con dao để con chết đi, đau quá, con không chịu nổi nữa, Mẹ ơi!”
CHỒNG: Những lúc thế này chúng con chỉ biết ôm con mà khóc,động viên con cũng như an ủi con thôi, vì có biết làm gì hơn đâu…
VỢ: Trong biến cố khó khăn lớn này. Chính qua sự yêu thương, chia sẻ, động viên của quý Cha Dòng Tên, Cha xứ, quý Sơ và AE ban Mục vụ Giáo xứ đã đến tận bệnh viện thăm hỏi, chia sẻ vàđặc biệt là cho cháu rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày.
CHỒNG: Nhất là quý ACE nhóm Chia sẻ Lời Chúa đã không hề quản ngại ngày đêm đến thăm và cùng cầu nguyện cho gia đình con được bình an đón nhận biến cố.
VỢ: Thế rồi, thời gian điều trị cho cháu dần qua, mọi sự tiến triển của vết thương chân con cũng như sức khỏe của cháu có phần ổn định hơn. Cháu đã được về nhà dưỡng bệnh, chờ ngày tái khám. Cháu được các Bạn bè đẩy xe lăn đi lễ, đi học văn hóa, đi học Giáo lý…
CHỒNG: Những hình ảnh mà con không thể nào quên là khi cháu ngồi xe lăn do các bạn đẩy đi lễ. Cha xứ đã tận tay vào lấy 1 khăn choàng lớn và đậy chân cho Cháu như hình Mục tử chăm lo sức khỏe cho con chiên minh, hay như cha Anre T. Dòng tên đã thường xuyên đến Bệnh viện trao Minh Thánh Chúa, cùng Giải tội cho châu. Cha còn tặng cho cháu những cuốn sách quý giúp đời sống tâm linh.
VỢ: Qua những cử chỉ này của các Ngài, chúng con cảm nghiệm rõ hình ảnh Chúa Giêsu đang đồng hành và yêu thương chăm sóc chúng con một cách cụ thể.
CHỒNG: Sau hơn 2 năm, Cháu cũng đã tự đứng lên trên đôi chân thật của mình, tuy có phần khập khiễng và đau đớn những khi trái gió trở trời.
VỢ: Đến bây giờ,chúng con vui với con mình vì con còn đôi chân thật của mình.Con lại càng cảm tạ những Hồng Ân mà Ngài đã ban xuống trên Cháu và gia đình chúng con gấp bội. Bây giờ cháu đã học xong Đại học và đang đi làm. Nhất là Cháu cũng đã và đang là Giáo lý viên của Giáo xứ. Thời gian cháu nằm điều trị 19 tháng tại bệnh viện, con nằm gầm giường theo con cũng 19 tháng.
CHỒNG: Còn con thì như một con thoi. Sáng dậy đi chợ, lo cho 2 con ăn uống, chở con đi học,về nấu cơm, giặt quần áo, giao nhận hàng… Chiều về đón con,nấu cơm cho con ăn. Tối chạy lên bệnh viện thăm con bất kể nắng mưa đến 10g đêm mới về nhà. Có những lúc con tự hỏi: “Không biết làm sao thời gian này mình có sức khỏe như thế?”
VỢ: Thật đúng là một phép lạ mà TC đang thực hiện qua biến cố của gia đình chúng con.Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Xin Tạ Ơn Ngài mãi mãi.
CHỒNG: Qua những biến cố Vui-Buồn-Sướng-Khổ của gia đình, chúng con đã có những lúc tưởng như tuyệt vọng, chán chường, giận hờn muốn buông xuôi mọi sự.
VỢ: Người ta thường nói: “Càng gặp nhiều sóng gió, càng cảm nhận ra giá trị của sự Bình An”. Cuộc sống gia đình chúng con cũng 3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh.
CHỒNG: Điều đầu tiên chúng con nhận ra bài học là: PHÓ THÁC: Bạn hãy phó thác trọn đường đời cho Chúa, chính Ngài sẽ ra tay nâng đỡ Bạn đêm ngày. Trong lúc được thịnh vương biết dâng lời tạ ơn, khi gặp gian nan biết tin tưởng phó thác vào Chúa.
VỢ: Bài học thứ 2: Hãy cùng nhau chia sẻ, tâm sự, bàn bạc trao đổi những dự tính công việc trong sự tôn trọng, thống nhất và cảm thông.
CHỒNG: Bài Học thứ 3: Hãy bỏ qua mọi hờn giận, nóng nảy và đừng cho mình cái gì cũng là nhất. Luôn Yêu thương nâng đỡ nhau và cùng nắm tay nhau tiến về phía trước với phương châm: “Tất Cả Vì Hạnh Phúc Của Chúng Mình”.
Với tâm tình hân hoan của Tết Kỷ Hợi, tôi xin gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Tết Nguyên Đán luôn được cử hành trong tiết Xuân là thời gian sức sống bừng dậy trong vạn vật, canh tân tất cả môi trường sống. Trong bầu khí sức sống mới của tiết Xuân và bầu khí tưng bừng của ngày Tết, chúng ta cùng nhau dâng lên Mẹ Maria lời cầu nguyện chân thành. Xin Mẹ hướng dẫn và trợ lực chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ của Giáo Phận, trong nỗ lực canh tân tâm hồn với lòng thương xót để hướng dẫn và truyền đạt sức sống yêu thương của Chúa cho những gia đình gặp khó khăn. Nhờ đó, chính những gia đình này sẽ trở thành “Dấu chỉ lòng thương xót của Chúa”và biến Giáo phận chúng ta thành “Thánh địa của Lòng Thương Xót”.
Thân mến chào quý Cha và Anh chị em Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc