Lời chủ chăn Tháng 5/2014
WGPXL (07-05-2014) – Trích "Lời chủ chăn" của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh trong tập "Tĩnh tâm Linh mục ngày 2/5/2014".
Quý Cha thân mến, trong bản tin này, tôi muốn lấy lại bài chia sẻ trong thánh lễ Truyền Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, để một lần nữa tâm sự cùng quý Cha.
Quý Cha thân mến,
Với lòng hân hoan tràn ngập niềm vui, tôi xin có lời chào tất cả cộng đoàn. Hằng năm vào dịp lễ Truyền Dầu, chúng ta luôn được hưởng niềm vui của mầu nhiệm Giáo Hội trong tình hiệp thông của đoàn Dân Chúa nhờ sự hiện diện của Linh mục đoàn và của Đại diện mọi thành phần Dân Chúa cùng với Giám Mục Giáo Phận cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu.
Trong bầu khí linh thiêng của Thánh Lễ và tình thương yêu của con cái Chúa, tôi xin được chia sẻ với tất cả cộng đoàn đôi tâm tình sâu lắng của tâm hồn dựa theo ý nghĩa của Thánh Lễ chúng ta cử hành hôm nay.
1. Cộng đoàn thấm nhuần tình yêu của Chúa để loan truyền sự nghiệp vĩ đại của Ngài
Kính thưa quí Cha, quí Tu Sĩ nam nữ, Chủng sinh và quí ông bà, anh chị em, trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Giám Mục sẽ làm phép ba loại dầu : thứ nhất là Dầu Thánh (Sanctum Chrisma), được dùng trong ba bí tích có ghi ấn tín : được xức cho các tân tòng trong bí tích Rửa Tội, cho các kitô hữu trong bí tích Thêm Sức, cho các Linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong bí tích Truyền Chức. Dầu này cũng được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ. Thứ hai là Dầu Tân Tòng (Oleum Catechumenorum, cũng gọi là Oleum Sanctum) được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh để các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, cũng như mưu chước ma quí cám dỗ. Sau cùng là Dầu Bệnh Nhân (Oleum Infirmorum), được dùng để xức cho các bệnh nhân, xin Chúa viếng thăm và làm cho bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và trong niềm hy vọng, đồng thời cũng xoa dịu thân xác, làm thuyên giảm những đau đớn, ban sự sống và sức khoẻ cho họ.
Sau Thánh Lễ, các loại Dầu Thánh này sẽ được phân phát về các giáo xứ để sử dụng, nhờ đó đời sống Đức Tin của các tín hữu được nuôi dưỡng, và cộng đoàn các tín hữu sẽ trở thành Dân Chúa, thấm nhuần tinh thần của Chúa, thuộc về Chúa để loan truyền sự nghiệp kỳ diệu của Ngài trong đời sống hằng ngày. Điều này có thể được diễn tả qua lời khuyên bảo của Thánh Phêrô nói với các tín hữu của Ngài như sau: “Anh em là dòng dõi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh đã được Thiên Chúa chiếm hữu để loan truyền những kỳ công của Đấng đã kêu gọi anh em từ chốn tối tăm đến ánh sáng kỳ diệu của Người” (1Pr 2,9).
Tôi muốn lấy ý nghĩa của Dầu Thánh và giáo huấn của Thánh Phêrô để nói với anh chị em đang dõi theo hành trình của năm thứ tư chuẩn bị lễ Kim Khánh Giáo phận, với chủ đề “Gia đình sống và loan báo Tin Mừng”. Đây là lời mời gọi các gia đình trong Giáo phận cùng nhau dấn thân để trở thành gia đình thuộc về Chúa, nơi có Chúa ngự trị. Tất cả gia đình và mỗi người trong sinh hoạt gia đình, trong tình nghĩa vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cái phải thực sự là con Chúa, thuộc về Chúa qua việc thường xuyên tham dự các cử hành phụng vụ và đạo đức trong giáo xứ, nhất là Thánh Lễ, kể cả Thánh Lễ hằng ngày. Nhờ vậy, mỗi người sẽ múc nguồn sức mạnh từ Thánh Thể Chúa và lấy Lời Chúa hướng dẫn mọi hành vi, cử chỉ trong ngày. Chương trình của Giáo phận còn nhấn mạnh vào giờ Kinh Tối Gia Đình, để nhờ đó, tất cả gia đình được qui tụ chung quanh Chúa, được thấm nhuần tình yêu và ánh sáng của Chúa và lúc đó, cuộc sống của gia đình không những sẽ được an bình, hạnh phúc, mà còn làm cho tình yêu của Chúa được tỏa sáng trong khu xóm và tất cả môi trường sống.
Nói đến đây, tôi có cảm tưởng như nghe thấy ai đó nói: “Khó lắm, chẳng làm được”. Đúng là khó, nhưng làm được. Với quyết tâm của mỗi người và của cả gia đình, nhờ vào sức mạnh của ơn thánh, sự chở che hiền mẫu của Mẹ Maria và sự trợ giúp của Thánh Cả Giuse, Quan Thầy của Giáo phận, chúng ta có thể làm được. Theo kinh nghiệm của Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong thời kỳ Đạo Chúa bị bách hại, chính giờ kinh gia đình đã giữ vững Đức Tin của cha ông chúng ta, ban cho các ngài có sức mạnh hy sinh, chịu đựng thiệt thòi để giữ Đức Tin của mình và của con cháu mình. Nhờ đó, hôm nay, là con cháu của các ngài, chúng ta còn được hưởng niềm vui Đức Tin trong lòng, trong gia đình và giáo xứ. Chúng ta không thể bắt chước cha ông chúng ta được sao ?
2. Hãy chăn giữ đàn chiên của Thầy (x. Ga 21,15-19)
Giờ đây tôi muốn nói đôi lời riêng với Anh Em Linh Mục là những người anh em trong chức Linh Mục và là những cộng tác viên gần gũi nhất của tôi trong trách nhiệm nuôi dưỡng đời sống Đức Tin và hướng dẫn Dân Chúa ra đi loan báo những kỳ công tình yêu của Chúa cho muôn dân.
Tôi đặc biệt vui mừng phấn khởi khi nhìn thấy Anh Em đông đủ như Linh Mục Đoàn của Giáo phận trong Thánh lễ Truyền Dầu hôm nay. Những lần đi thăm viếng mục vụ và ban phép Thêm Sức tại các giáo xứ, nhiều lần tôi hết sức cảm động chứng kiến tận mắt những hy sinh, vất vả của Anh Em. Xin Thiên Chúa là Đấng đã khơi lên trong Anh Em lòng hăng say phục vụ Ngài, cũng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những tâm tình tốt đẹp đó trong Anh Em để Anh Em đem nhiều ơn ích cho đoàn dân mà Chúa trao phó cho Anh Em phục vụ và hướng dẫn. Trong bầu khí hiệp nhất của Linh Mục Đoàn, tôi muốn đặc biệt nhớ đến các Cha già yếu, ốm đau và đang gặp gian nan thử thách trong thân xác và nhất là trong tâm hồn. Cầu xin Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm, ban ơn nâng đỡ và xin Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của các Linh Mục che chở và gìn giữ tất cả Anh Em.
Thưa Anh Em Linh Mục, bài đọc thứ nhất và bài sách Tin Mừng đều nói đến đoàn Dân Chúa, mà đặc biệt áp dụng cho các Linh Mục, là chúng ta được Thánh Thần Chúa xức dầu tấn phong để sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, yên ủi mọi kẻ khóc than (x. Is 61,1-3 ; Lc 4,16-21). Như vậy, căn tính của chúng ta được cấu thành bởi hai mối tương quan: thứ nhất là tương quan với Chúa, trong mối thân tình đến độ thuộc về Chúa và thứ hai là tương quan với anh em mình để xây đắp cuộc đời của bất cứ ai Chúa cho mình gặp gỡ trong hành trình dâng hiến, nhất là những người nghèo khổ, những người có tâm hồn nát tan, sầu muộn, những người khóc than. Suy gẫm đến đây, tôi nghĩ đến hai lời nói đã kéo sự chú ý của nhiều người.
Thứ nhất là lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ Truyền Dầu năm ngoái. Ngài nói đến anh em linh mục như những mục tử với mùi của chiên. Điều này nói lên mối tương quan thân thiết, gần gũi, hy sinh, có khác nào một bà mẹ, quần áo hôi tanh mang mùi của đứa con nhỏ mình đang cho bú mớm. Nhưng chiên thì có nhiều loại chiên nên chắc chắn cũng có nhiều mùi. Có những con chiên ngoan ngoãn trong chuồng, có những con chiên thờ ơ, lạnh nhạt bất cần, có những con chiên bướng bỉnh, phá phách, cũng còn có những con chiên chưa thuộc vào đàn. Như vậy là trong con người linh mục của chúng ta có đủ mọi thứ mùi. Chúng chỉ có thể được hóa giải bởi một mùi đặc biệt. Đó là mùi Giêsu. Chỉ có mùi thơm Giêsu mới có sức hóa giải, trong chúng ta, mọi thứ mùi, kể cả những mùi hôi tanh. Mùi thơm Giêsu là mùi thơm của tình yêu kiên nhẫn, chịu đựng. Tại sao con cái, có khi cả những đứa ngỗ nghịch lại mềm nhũn ra khi đứng trước mẹ chúng? Thưa vì bà mẹ có tình yêu kiên nhẫn, chịu đựng và để ý đến những điều nho nhỏ, nhưng thiết vào thân của đứa con. Như vậy là cùng với mùi chiên, chúng ta phải mang theo mùi Giêsu nữa mới được. Tôi không thể tưởng tượng được một mục tử biết mang mùi chiên vào mình mà không sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thứ hai là lời của Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas. Khi mới được bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, ngài nói với các linh mục: “Giáo Hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu lòng nhiệt thành”. Các Cha nghĩ chúng ta có phải áp dụng lời này vào Linh mục đoàn của Giáo phận Xuân Lộc chúng ta không?
Dầu sao, lời nói của Đức Tổng Giám Mục Socrates cũng có thể là cơ hội để mỗi người chúng ta suy gẫm mà chiếu soi cho đời sống và sứ mệnh linh mục của mình. Cũng cần phân biệt hai loại nhiệt tình. Đó là lòng nhiệt thành tình cảm và lòng nhiệt thành Đức Tin. Nhiệt thành tình cảm là trường hợp một linh mục ngụp lặn trong công việc, quên ăn quên ngủ vì đó là điều mình ưa thích, đem đến lợi lộc, danh vọng, v.v… Còn việc được trao thì lại bỏ bê. Nhiệt thành Đức Tin là trường hợp một linh mục, khi được Chúa trao cho một công việc, tuy không thích cũng vẫn lao mình thực hiện, chấp nhận mọi hy sinh và thiệt thòi, miễn sao ý Chúa nên trọn và đoàn Dân Chúa trao được bổ dưỡng tâm hồn. Sách Tin Mừng thánh Matthêu kể dụ ngôn: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’” (Mt 7,21-23) Thật dễ sợ. Các việc mấy người đó làm toàn là việc tốt cả, mà lại nhân danh Chúa nữa. Thế mà Chúa nói là Chúa chưa hề biết họ và còn gọi họ là “bọn làm điều gian ác”. Đó là có lòng nhiêt thành tình cảm mà không có lòng nhiệt thành Đức Tin. ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận diễn tả ý tưởng khi ngài nói : “Hãy tìm Chúa, đừng tìm việc của Chúa”. Nói cho rõ ý của Đức Hồng Y thì phải nói: “Hãy tìm Chúa rồi mới hiểu được việc nào Chúa muốn trao cho mình và chí thú lo việc đó cho Ngài”. Một giáo xứ có được cha xứ như vậy thì thật là phúc đức.
Cầu xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm cho tất cả Giáo phận chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa để Linh mục đoàn cũng như các cộng đoàn dòng tu, các giáo xứ và các gia đình, tất cả được xức dầu để mỗi người, trong bậc sống và sứ vụ của mình, đi xức dầu mọi người sống trong địa bàn của giáo phận Xuân Lộc chúng ta, biến vùng đất giáo phận Xuân Lộc thành thửa đất ngào ngạt hương thơm dầu tình yêu của Chúa Giêsu.
Thân ái chào Quý Cha.Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc