Lời hứa
Hứa là mong ước với quyết tâm thực hiện hay tránh không hành động trong tương lai. Tương lai có thể có giới hạn cũng có thể cả đời. Có thể hứa với chính mình cũng có thể hứa với người khác. Trong tôn giáo hứa là hứa giữa mình với Đấng Tối Cao vì thế được coi là giao ước cá nhân thực hiện với Thiên Chúa. Hôn nhân Thiên Chúa giáo trở thành bí tích vì hai người hứa với Thiên Chúa là sẽ trung thành sống đời sống lứa đôi trọn đời, sống tinh thần Phúc Âm là yêu thương tha thứ trong cuộc sống. Lời hứa quan trọng nhất có lẽ là lời hứa khi em bé lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Vì em còn nhỏ nên cha mẹ hứa thay em và khi khôn lớn mỗi lần tham dự thánh lễ Chúa Nhật hay lễ trọng chính em cùng với cộng đoàn lập lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy qua kinh Tin Kính. Đây là lời hứa vừa mang tính cách cá nhân vừa mang tính cách cộng đoàn dân Chúa. Như thế không thể nói tôi còn nhỏ cha mẹ bồng đi rửa tội hứa thay tôi chứ bản thân tôi không hứa. Tất cả các lễ vọng Phục Sinh hàng năm chính cá nhân đó long trọng lập lại lời tuyên hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy.
Giữ tròn lời hứa với Thiên Chúa hay với tha nhân bảo vệ tư cách đứng đắn, tạo thêm uy tín của cá nhân đó. Thất hứa hậu quả sẽ là làm tổn thương danh dự chính mình và làm rạn nứt tình thân hữu cũng như chữ tín dầy công gầy dựng. Giữ trọn lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là dấu chỉ cho biết trong con người đó có nhiều ân sủng Chúa và tình yêu người đó dành cho Chúa phát xuất tự con tim chân thành. Thất hứa với Thiên Chúa là lạm dụng tình yêu Ngài dành cho. Bản chất của lạm dụng không bao giờ tốt.
Dường như con người khó có thể thực hiện được mọi lời hứa vì thế cần sự trợ giúp từ nguồn khác. Nguồn trợ giúp đắc lực nhất chính là Giáo Hội. Khi thất hứa và không còn cơ hội để hoàn thành điều đã hứa Giáo Hội giúp bằng cách thiết lập bí tích Hoà Giải để giao hoà giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ thất hứa cũng như không giận con người vì thế người cần hoà giải là con người chứ không phải Thiên Chúa. Là người có niềm tin, tự trọng, biết yêu quí sự thật nên khi thất hứa cần giao hoà để tái tạo những gì đã rạn nứt. Bí tích Giao Hoà không những tái tạo những gì đã đổ vỡ và còn làm cho con người trở nên trong sáng hơn khi xưa. Mỗi lần tham dự bí tích Giao Hoà con người đó được đánh bóng, sáng và tốt hơn một bậc bởi ân sủng Chúa có sức thanh tẩy, thánh hoá làm cho ta nên trong sáng, vững mạnh. Tự nhận mình yếu đuối và bất toàn giúp mình trở nên khiêm tốn, chân thành hơn. Giáo Hội giúp ta giao hoà với Thiên Chúa nhờ vào sự chết, hy sinh trên thập tự của Đức Kitô.
Sự chết và sống lại của Đức Kitô bảo đảm cho chúng ta những gì Thiên Chúa hứa Ngài đều thực hiện cách tốt đẹp. Có những điều chúng ta hứa nhưng không có khả năng thực hiện. Bất cứ điều gì Thiên Chúa hứa Ngài đều thực hiện cách vẹn toàn. Cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô cho thấy Thiên Chúa hoàn tất tốt đẹp những gì Ngài hứa với các tổ phụ. Ngày nay Đức Kitô cũng hứa ban cho chúng ta món quà quí, món quà không thế lực nào có để cho. Món quà đó chính là Thánh Thần Chúa. Ngài hứa không để chúng ta mồ côi. Ngài hứa đi trước dọn chỗ cho chúng ta và sau khi dọn xong Ngài trở lại đón chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài. Ngài hứa ban tình yêu cho chúng ta và Ngài ước mong chúng ta sống điều răn mới. Đó là hãy iêu thương nhau. Điều răn mới vừa là ân sủng vừa là án phạt. Là ân sủng vì sống trong yêu thương sẽ được hưởng phúc trường sinh. Án phạt đây chính là từ chối được yêu thương. Vì thế cuối ngày chúng ta cần tự xét đã sống tình iêu trong ngày như thế nào.
Khi tâm hồn mở rộng đón nhận hướng dẫn của Thánh Thần Chúa chúng ta tin rằng chúng ta được ân sủng Chúa hướng dẫn; trái lại chúng ta quyết tâm theo í riêng, làm ngơ hướng dẫn của Thánh Thần chúng ta lệ thuộc vào sức mạnh trần thế, không thuộc về Thiên Chúa và đó là dấu chỉ rõ ràng cho biết chúng ta không sống thực hiện điều hứa khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.
Lm. Vũ Dình Tường (22/05/2014)