“Lời nói và việc làm” – Bài giảng Chúa nhật XXXI thường niên B
Lời nói phải đi đôi với việc làm, mến Chúa phải được thể hiện qua tình yêu đối với tha nhân. Đó là thông điệp quan trọng mà Lời Chúa muốn nhắn gửi chúng ta.
Có người đã nhận định một cách khôi hài: từ miệng đến bàn tay, khoảng cách không bao xa, mà phải mất nhiều thời gian đến thế! Cũng từ miệng đến bàn tay, chẳng bao xa, mà lời nói đã phôi phai nhạt nhòa. Điều đó có nghĩa, việc làm cụ thể phù hợp với lời nói thật khó biết bao. Người ta thường nhắc đến những mỹ từ, những công thức văn chương, như những câu thuộc lòng, nhưng ít khi người ta chú trọng đến việc thực hiện những ngôn từ ấy trong cuộc sống cá nhân của mình. Trung tín và làm theo những gì đã nói, quả thật là một điều thật khó khăn. Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta suy tư về điều này, đồng thời nhắc ta hãy cố gắng làm cho lời nói đi đôi với việc làm.
Lâu nay, trong quan niệm truyền thống, các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên luôn được tôn trọng, vì họ là những người làm việc theo lương tâm nhà nghề. Tuy vậy, nhiều sự kiện xảy ra gần đây cho thấy, những người mang danh hiệu cao quý này cũng đánh mất niềm tin, có nghĩa là lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Đáng buồn hơn nữa, giữa những cộng đoàn đức tin hoặc những người lãnh đạo tinh thần của các cộng đoàn, việc làm của họ cũng không phản ánh trung thực như những gì họ thường tuyên xưng. Đó chính là một rào cản lớn cho sự phát triển của Giáo Hội và cho công cuộc truyền giáo. Làm sao mà chứng từ của chúng ta có tính khả tín, khi giữa cộng đoàn đức tin còn nhiều tranh chấp, chia rẽ, khi lối sống của chúng ta hoàn toàn đi ngược với những gì chúng ta nói và rao truyền?
“Hỡi Israen, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy, anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em đã phán với anh em”. Qua những lời này, ông Môi-sen muốn khẳng định với những người Do Thái: những mệnh lệnh Chúa truyền dạy không thể chỉ được lắng nghe, nhưng phải được thực hành. Một số người Do Thái đạo đức quá chú trọng đến tuân giữ Lề luật một cách tỉ mỉ, mà lại lãng quên việc thực thi tinh thần của Lề luật. Vì vậy, Chúa đã khiển trách họ: “Dân này chỉ tôn kính Ta bằng môi bằng mép, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6). Thực hành lời Chúa dạy là bảo đảm cho chúng ta được hạnh phúc đời này và đời sau. Lời hứa miền đất tràn trề sữa và mật, trong truyền thống Do Thái, là niềm hy vọng nuôi dưỡng niềm tin của dân riêng Chúa đã chọn. Đối với người Ki-tô hữu, đó chính là hạnh phúc đời đời Thiên Chúa ban cho những ai thực thi lòng mến Chúa yêu người.
Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Có thể nói, hai vế của giới luật này bao gồm lý thuyết và thực hành. Bởi lẽ, yêu mến Chúa chỉ được thể hiện qua những công thức hoặc qua những lời cầu nguyện tôn vinh, còn yêu tha nhân thì phải được thực hành bằng những việc làm cụ thể. Nói mến Chúa xem ra không khó, nhưng yêu người thực sự là vô cùng khó khăn. Những ai chỉ khẳng định mình mến Chúa, mà trong thực tế, không thực hiện đức yêu người, xem ra họ chỉ dừng lại ở lời nói, mà chưa thể hiện qua việc làm.
Trước câu hỏi của ông kinh sư: “Đâu là giới răn hàng đầu?”, Chúa Giê-su muốn nhắc lại giới răn quan trọng của Cựu ước, là giới răn mến Chúa yêu người. Theo nội dung Tin Mừng, dường như Chúa Giê-su muốn kết hợp hai giới răn này thành một, khi Người gọi vế thứ nhất là “điều răn đứng hàng đầu, và sau đó Người tuyên bố: “Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều đó”. Như thế, giáo huấn của Chúa thâm sâu hơn giáo huấn của Cựu ước. Lời kinh được ghi trong sách Đệ nhị luật (Bài đọc I) được gọi là “Shema Israel – Nghe đây, Israel” được coi như kinh Lạy Cha của các Ki-tô hữu hôm nay. Đó là lời kêu gọi hãy mến Chúa một cách trọn vẹn. Giáo huấn của Chúa Giê-su không chỉ dừng lại ở tâm tình mến Chúa, mặc dù đó là tình mến “hết lòng, hết dạ, hết sức”, nhưng thúc đẩy mọi người chứng tỏ tình mến ấy qua những hành động cụ thể với những con người bằng xương bằng thịt đang sống xung quanh.
“Ông không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu!”. Đây vừa là lời tán thưởng, và cũng là lời cảnh báo. Chúng ta không biết rõ ông kinh sư có thực thi những gì Chúa dạy, hay ông chỉ học thuộc lòng như một cái máy. Tác giả Mác-cô kết luận: “Không ai dám chất vấn Người nữa”. Đây là cách diễn tả rất độc đáo của Thánh Mác-cô, vì dưới ngòi bút của tác giả, lời giảng dạy của Chúa Giê-su luôn có sức thuyết phục ngay cả những đối phương của Người, vì Người là vị Ngôn sứ cao cả và uy quyền.
Lời nói phải đi đôi với việc làm, mến Chúa phải được thể hiện qua tình yêu đối với tha nhân. Đó là thông điệp quan trọng mà Lời Chúa muốn nhắn gửi chúng ta. Thành tâm đón nhận và chuyên cần thực thi Lời Chúa sẽ giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc trong tâm hồn, và hân hoan tin tưởng hướng về đời sau.