Lòng sùng kính Thánh Tâm: Trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu và nước chảy ra” (Ga 19,34).
1. Tình yêu, tặng phẩm cao quý
Tình yêu là điều mà tất cả loài người rất trân trọng. Nhưng có nhiều cách yêu khác nhau. Có tình yêu nhục dục, đưa đến những hành động đê hèn và tình yêu thiêng liêng biểu lộ những nét cao thượng. Có tình yêu chiếm hữu và tình yêu dâng hiến.
Tình yêu nơi Trái Tim Chúa Giêsu là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn mà biểu tượng là trái tim bị lưỡi đòng xuyên thấu. Tình yêu nơi Trái Tim Chúa Giêsu là một tình yêu rộng mở và sẵn sàng ban phát cho đến giọt máu cuối cùng.
Trái Tim rộng mở của Chúa Giêsu là dấu chứng tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu vô biên. Nhưng khi yêu thương con người tội lỗi, thì Thiên Chúa phải chấp nhận thiệt thòi, mất mát. Cho đi tất cả mà không nhận lại điều gì. Có chăng là những vô ân thất tín. Chính vì thế mà tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhân hậu. Người luôn tha thứ. “Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103 (102), 8-10).
“Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,7).
Chúa Giêsu loan báo một Đức Chúa Cha luôn tha thứ (x. Mt 18,23-35). “Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,18).
Chúa biết yêu thương nhân loại tội lỗi đòi hỏi con người phải “có lòng nhân hậu như Cha trên trời là Đấng nhân hậu” (Lc 6,36). Và Chúa cũng lập bí tích hòa giải để Giáo hội nhân danh Người mà tha tội. Khi ban quyền tha tội cho Giáo hội và qua Giáo hội, cho các thừa tác viên, Chúa không chỉ ban quyền để tha tội cách khách quan, nhưng Chúa cũng muốn các thừa tác viên phải là những người rao giảng lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Và cách đặc biệt hơn, Chúa muốn các ngài phải là chứng nhân của lòng từ bi nhân hậu của Người.
2. Chứng nhân tình yêu
Chúng ta trở lại với chính Tin Mừng, nơi đó Chúa Giêsu bộc lộ tình yêu thương nhân hậu, cách đặc biệt đối với những người nghèo khổ và những tội nhân. Chúa Giêsu trìu mến kẻ tội lỗi như mục tử bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc. Chúa đến nhà Da-Kêu để cứu vớt ông: “Hôm nay nhà nầy được ơn cứu độ. Vì Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (Lc 19,9-10). Chúa Giêsu muốn các thừa tác viên Lời Chúa và bí tích phải noi gương Người bày tỏ lòng thương xót đối với tội nhân,như Người đối xử với người phụ nữ ngoại tình, không muốn lên án tử chị như những người khác. Dầu vậy, Người không quên nhắc bảo chị: “Cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Yêu người tội lỗi mà không yêu tội lỗi. Nói điều này thì dễ nhưng thực hiện thì thật khó. Để yêu mến con người tội lỗi và luôn bội phản, Trái Tim Chúa Giêsu phải mang thương tích, phải bị lưỡi đòng xuyên thấu. Và Trái Tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Maria, để đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu trong công việc cứu thế, cũng là một trái tim mang thương tích.
“Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).
Nếu đối với Chúa Giêsu và Mẹ cực thánh của Người, việc yêu thương loài người tội lỗi đồng nghĩa với một trái tim bị đâm thủng, thì đối với những con người lãnh nhận trách vụ mục tử, việc yêu thương kẻ có tội tất yếu phải phát xuất từ một trái tim mang thương tích. Hai lần mang thương tích. Thương tích vì tội lỗi của kẻ khác, nhưng trước tiên là vết thương do chính tội riêng của mình.
Vấn đề cốt yếu lúc đó là phải xin Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria bảo vệ trái tim mục tử khỏi trở nên thất vọng hay cay đắng do các vết thương mang trong tâm hồn. Nhất là xin cho trái tim mìnhkhông trở thành chai đá, vì đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, nhưng qua các thử thách, luôn có một trái tim mềm mại, dịu dàng, biết yêu thương trong sự nhẫn nhục và tha thứ.
Học yêu mến với Trái Tim của Chúa. Trái tim hiền lành dịu dàng.
Chính vì thế người môn đệ Chúa Giêsu phải chú ý để trái tim không trở thành cứng cỏi, chai đá.
Do có quá nhiều công việc và quá đề cao hiệu năng, công xuất, hoặc khi chỉ nghĩ đến lợi nhuận, một con người có thể trở nên vô cảm trước sự khổ đau và bất hạnh của anh em đồng loại.
Do suy nghĩ quá nhiều, luôn sống với những khái niệm trừu tượng, một số người đã mất đi khả năng thấu cảm của con tim, nhìn xem kẻ khác như những con số, chớ không phải như những người có xác thịt yếu đuối và có những nhu cầu của tâm hồn. Đó là nguy cơ của một cái đầu quá lớn và một trái tim quá nhỏ.
Lm. Antôn Ngô văn Vững, SJ