Lòng sùng kính trái tim Đức Mẹ trong giáo huấn của các Giáo Phụ
Nền văn chương giáo phụ hy lạp cũng như la tinh đã khai triển nội dung các văn bản của thánh sử Luca liên quan tới Đức Mẹ qua các suy tư tuyệt vời.
Giáo phụ Origene đã tự hỏi: “Lưỡi gươm nào đã đâm thâu tim Mẹ Maria?” Thánh Gregorio Nhà Thần Thông đã diễn tả ý tưởng trái tim Đức Maria như là bình và là nơi chứa tất cả các mầu nhiệm. Giáo phụ Simeone Metafraste “Người soạn lại” sống vào thế kỷ thứ X làm chứng tá cho một truyền thống đông phương dài coi trái tim của Đức Maria chính là nơi xảy ra cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: “Cạnh sườn Con bị đâm thủng, nhưng trong cùng lúc đó trái tim mẹ cũng bị đâm thâu”. Đề tài quan trọng về việc thụ thai Chúa Kitô qua việc lắng nghe, đức tin và lòng gắn bó (aure, fide, corde) rất thường được các Giáo Phụ La tinh đề cập đến. Thi sĩ Aurelio Prudenzio đã chúc tụng Đức Maria là vì đức tin đã thụ thai Chúa Kitô trong con tim trước.
Từ đó đề tài “thụ thai trong tim” được khai triển một cách mô thức trong các suy tư của thánh Agostino: Mẹ Maria thụ thai Ngôi Lời một cách trước nhất và hạnh phúc trong tim trước khi thụ thai trong cung lòng Mẹ. Đề tài “thụ thai trong tim”, tư tưởng thụ thai trong tim cũng hiện diện trong suy tư thánh mẫu học của toàn thời Trung Cổ và các thời đại sau đó liên tục cho tới Công Đồng Chung Vaticăng II. Tuy nhiên, Công Đồng Chung Vaticăng II quy chiếu về chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Maria. Trong suy tư của thánh Ambrogio tất cả nền tu đức noi gương Đức Mẹ quy hướng về trái tim của Đức Maria. Và sự noi gương ấy hoàn toàn nội tâm.
Vào thời Trung Cổ, nhất là thế kỷ XIII, trong đó đã phát triển một “nền nhân bản tôn giáo” tinh tuý và quân bình, các Giáo Phụ đã suy tư về đề tài này trong các hình thái dồi dào tràn đầy sức sống và mầu sắc. Chẳng hạn như các suy tư của giáo phụ Anselmo di Lucca, Ruperto di Deutz. Giáo phụ Ugo di San Vittore minh nhiên đề tài, theo đó Ngôi Lời ngự xuống trong cung lòng Đức Maria chính vì đã được thụ thai trong con tim của Mẹ trước. Các tác giả thuộc thế kỷ XII như Guerrico, Amedeo de Lausanne, thánh Bernarrdo, Aelredo di Rievaulx và Riccardo di San Lorenzo cũng trình bầy các suy tư tương tự. Vào đầu thế kỷ XIII thánh Bonaventura công thức hóa đề tài như sau: “Như thế, bởi vì Mẹ thụ thai Ngôi Lời của đức tin trong tim, nên thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng”. Từ các tư tưởng này thánh nữ Gertrude di Helfta và trường phái tu đức của mình đã soạn thảo ra cả một nền tu đức tuyệt diệu.
Trong nền văn chương thánh mẫu học còn có hàng trăm tác giả khác nữa như: Gersone, thánh Bernardino da Siena, thánh Antonio di Firenze, Dionigi Certosino, Tommaso da Kempis là các tác giả diễn tả thời chuyển tiếp từ Trung Cổ sang thời Phục Hưng. Thời đại này phản ứng chống lại làn sóng cách mạng tin lành, đã được đi trước bởi công trình của Erasmo với một lòng đạo đức “duy nhân bản” phản ánh rõ rệt trong các suy tư của thánh Pietro Canisio và thánh Francois de Sales. Tiếp theo đó trường phái dòng Tên Pháp và trường phái Xuân Bích (Sulpice), với hai tác giả chính là Olivier và de Berulle, và các môn sinh của hai vị như Saint-Jure, Binet, Poiré, Barry, và Gibieuf. Các tác giả này hướng lòng sùng kính trái tim Đức Mẹ về một nền tu đức, trong đó thuyết nhân bản salesien phong phú rất nhiều khi bị tan loãng trong một khuynh hướng duy linh tan biến dần dần.
Trong lịch sử lòng tôn sùng trái tim Mẹ Maria cần phải dành một chỗ đặc biệt cho thánh Jean Eudes, là “thánh sử, tông đồ và tiến sĩ” của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và trái tim vẹn sạch Mẹ Maria. Với thánh nhân nảy sinh ra các dòng tu tận hiến cho lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và trái tim vẹn sạch Đức Mẹ; cũng như các lễ mừng phụng vụ, với kinh thần vụ và thánh lễ riêng; các công trình lịch sử, thần học và đạo đức có hệ thống; các huynh đoàn đầu tiên; các chấp thuận đầu tiên của Giáo Hội từ phiá các Giám Mục cũng như Giáo Hoàng; các loạt chống đối đầu tiên; việc phổ biến rộng lớn đầu tiên lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và trái tim Đức Mẹ giữa dân kitô.
Thánh Jean Eudes muốn nói gì với kiểu diễn tả “trái tim Đức Maria”. Có hai văn bản ý nghĩa cho chúng ta biết tất cả những gì thánh nhân muốn trình bầy. Nó “muốn nói rằng trái tim Mẹ là suối nguồn và là nguyên lý của mọi sự cao cả, tuyệt diệu và đặc ân trang điểm Mẹ, tất cả các đức tính cao vời nâng Mẹ vượt cao hơn tất cả mọi thụ tạo khác, như là Trưởng Nữ của Thiên Chúa Cha vĩnh cửu, Mẹ của Con Thiên Chúa, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần và Đền Thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh vv…Nó cũng muốn nói rằng trái tim rất thánh này là suối nguồn của mọi ơn thánh đi kèm các đức tính, và cũng còn muốn nói rằng cũng trái tim đó là suối nguồn của mọi nhân đức Mẹ đã thực thi… Và tại sao trái tim Mẹ là suối nguồn của tất cả những thứ đó? Bởi vì chúng đã là sự khiêm nhường, sự trinh trong, tình yêu và lòng bác ái của trái tim khiến cho Mẹ xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, và vì thế có tất cả các đức tính và tất cả các đặc ân phải đi kèm phẩm giá rất cao cả đó”.
Có một văn bản khác định nghĩa đúng đối tượng của lòng tôn sùng ấy: “ Chúng ta ước muốn vinh danh nơi Đức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Giêsu, không phải chỉ một mầu nhiệm nào đó hay vài hành động, như sinh ra, dâng mình trong Đền Thờ, thăm viếng, thanh tẩy; không phải chỉ là một vài trong các đặc ân của Người như là Mẹ Thiên Chúa, nữ tử của Thiên Chúa Cha, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, Nữ Vương trời đất; và cũng không phải chỉ là con người rất xứng đáng, nhưng chúng ta ước ao vinh danh nơi Mẹ, trước hết và một cách chính yếu, suối nguồn và gốc rễ của sự thánh thiện và phẩm giá của tất cả các mầu nhiệm của Mẹ, của tất cả các phẩm chất của Mẹ và của chính con người Mẹ; nghĩa là tình yêu và lòng bác ái của Mẹ, bởi vì theo tất cả các thánh tiến sĩ, tình yêu và lòng bác ái là thước đo công nghiệp và nguyên lý của tất cả sự thánh thiện”. Ngày nay khi người ta còn tìm xác định dối tượng của lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu và trái tim Đức Maria và còn có nhiều điều không chắc chắn, cần phải trở lại với thánh Jean Eudes để tìm ra giải pháp đích thật.
Ngày nay trong một lịch sử của lòng tôn sùng trái tim Đức Mẹ, không thể tách rời khỏi việc nhắc đến sứ điệp trái tim Đức Mẹ như là một mùa xuân mới, mà các lần hiện ra tại Fatima đã đem lại.
Thánh Jean Eudes chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi các mạc khải của Đức Maria các Thung Lũng, nhưng thánh nhân đã không bao giờ sử dụng như điểm tựa cho các suy tư của ngài, nhưng đã ám chỉ các cuộc hiện ra ấy trong các tác phẩm của mình. Thánh nhân muốn biên soạn một tác phẩm thần học chính xác, mà các nền tảng duy nhất là Thánh Kinh, truyền thống và huấn quyền. Các tác giả xoay quanh môi trường Paray-le-Monial đã để cho mình bị cảm kích cách một chiều bởi các mạc khải của thánh nữ Margherita Alacoque, bằng cách làm ngơ một phần các nền tảng thần học.
Ngày nay lòng tôn sùng trái tim Đức Maria dã được củng cố một cách rạng ngời bởi biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã đuợc giáo quyền thừa nhận.
Ngay trong lần hiện ra thứ nhất và thứ hai, thiên thần của Fatima đã khẳng định: “Thánh tâm Chúa Giêsu và thánh tâm Đức Maria có các chương trình của lòng thương xót” Và trong lần hiện ra thứ ba thiên thần kết hiệp việc phạt tạ trái tim Chúa Giêsu với việc phạt tạ trái tim Đức Maria. Đức Trinh Nữ trong lần hiện ra thứ hai tháng 6 năm 1917 tuyên bố chị Lucia là tông đồ của lòng tôn sùng trái tim Mẹ: “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được hiểu biết và yêu mến. Ngài muốn thiết lập trong thế giới lòng tôn sùng trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ. Mẹ hứa ơn cứu rỗi cho ai thực thi lòng tôn sùng đó; các linh hồn này sẽ được Thiên Chúa yêu thương như hoa được Mẹ đặt để trang hoàng ngai của Người”.
Nhưng nhất là trong lần hiện ra vào tháng 7 năm 1917 sứ điệp liên quan tới trái tim Đức Maria được phong phú hơn bởi một loạt các yếu tố rất quan trọng: việc trông thấy hỏa ngục, tương lai của Liên Xô, các khổ đau trên thế giới, của Giáo Hội, của Đức Giáo Hoàng, chiến thắng cuối cùng của Trái tim Mẹ. Trong lần hiện ra ấy Đức Trinh Nữ hứa đến nữa để xin rước lễ phạt tạ trong các ngày thứ bẩy dầu tháng và thánh hiến nước Nga cho Đức Mẹ. Điều xin thứ nhất đã được Đức Trinh Nữ làm trong lần hiện ra tại Pontevedra ngày mùng 10 tháng 12 năm 1925; điều thứ hai được Đức Mẹ xin trong lần hiện ra tại Tuy, bên Tây Ban Nha đêm 12 rạng ngày 13 tháng 6 năm 1929.
Như vậy các lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima làm thành hạt nhân của toàn sứ điệp liên quan tới lòng tôn sùng trái tim Đức Mẹ, trong khi các lần hiện ra tại Pontevedra và Tuy là một loại “lễ ngũ tuần” và “khải huyền” của các lần hiện ra tại Cova da Iria. Chúng là một bổ túc cần thiết, mà không có nó, Fatima đã không vượt qua một tia sáng ảnh hưởng hoàn toàn có tính cách vùng miền, và có lẽ bị hạn hẹp trong thời gian. Như thế, sứ điệp liên quan tới trái tim Đức Mẹ đã không chỉ có một chiều kích hoàn cầu và giáo hội, nhưng cũng đã được đào sâu và nội tâm hóa sau đó. Khi trong các năm 1942 và sau đó người ta đã phổ biến hai phần đầu của bí mật Fatima, Fatima trở thành một hiện tượng đặc sủng giáo hội hàng đầu. Từ lúc đó bắt đầu như là một kỷ nguyên mới trong lịch sử lòng tôn sùng trái tim Mẹ Maria.
(TMH450)
Linh Tiến Khải, RadioVaticana 22.04.2015