Mầu nhiệm đức tin – Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa

20-06-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Mầu nhiệm đức tin – Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa by

Việc cảm nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu là một hành vi của đức tin. Nói cách khác, chỉ có đức tin mới giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Bài hát “Ca Thánh Thể – Tantum ergo” nêu rõ: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Vì thế, chúng ta gọi Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin.

Trong Thánh lễ, sau khi linh mục chủ sự đọc những lời của Chúa Giêsu, ngài tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Quả thật, nếu quan sát Hình Bánh và Hình Rượu theo khía cạnh thể lý, sau lời “truyền phép”: Đây là Mình Thày, đây là Máu Thày, người ta chẳng thấy có gì thay đổi. Vẫn là tấm bánh ấy. Vẫn là chén rượu ấy. Việc cảm nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu là một hành vi của đức tin. Nói cách khác, chỉ có đức tin mới giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Bài hát “Ca Thánh Thể – Tantum ergo” nêu rõ: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Vì thế, chúng ta gọi Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin.

Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng kính Thánh Thể. Thực ra thì Thánh lễ nào cũng là tôn vinh Thánh Thể, vì cử hành Thánh lễ là cử hành Thánh Thể. Tuy vậy, ngày lễ này được thiết lập trong thời điểm có nhiều bất đồng giữa các giáo phái Kitô giáo. Có nhiều người phủ nhận sự hiện diện của Chúa, vì họ chỉ coi Bí tích này như một kỷ niệm của quá khứ, và như thế, Thánh lễ chỉ là “diễn lại” hy tế của Chúa Giêsu, giống như người ta diễn kịch để nhắc lại một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Một số người khác công nhận Đức Giêsu hiện diện trong Hình Bánh, nhưng chỉ trong Thánh lễ mà thôi, còn sau Thánh lễ thì không hiện diện nữa. Giáo Hội Công giáo  lại tuyên tín rằng, nơi Thánh Thể, có trọn vẹn linh hồn và xác, nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu. Giáo Hội cũng dạy rằng Chúa Giêsu hiện diện trong Hình Bánh và Hình Rượu cả khi Thánh lễ đã kết thúc. Vì vậy, trong truyền thống của Giáo Hội, nghi thức cung nghinh Thánh Thể được tổ chức ngay sau Thánh lễ, để khẳng định sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Là Mầu nhiệm đức tin, Thánh Thể cũng giúp chúng ta kiên vững đức tin. Quả vậy, việc năng rước Thánh Thể giúp chúng ta kết hợp mật thiết thâm sâu với Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu để kết hợp với Chúa Cha. Lương thực vật chất chúng ta hưởng dùng hằng ngày trở nên máu thịt giúp cho thân xác chúng ta thêm mạnh khỏe. Đối với Bí tích Thánh Thể thì ngược lại: khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu, thân xác và linh hồn chúng ta được biến đổi để ngày càng trở nên giống Chúa. Nhờ năng rước lễ, chúng ta được “thần hóa”, đến nỗi mỗi người tín hữu trở nên “thánh thể” trong đời thường, tức là cuộc đời chúng ta phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa và là hiện thân của Chúa Giêsu giữa lòng trần thế.

“Mỗi khi ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”. Đây cũng là điều chúng ta tuyên xưng sau lời tuyên bố của chủ tế: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Quả vậy, một khi được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi tín hữu có sứ mạng đem Chúa vào đời, tức là loan truyền cho mọi người biết Chúa đã chịu chết và sống lại. Người tín hữu sống trên trần gian là một cuộc chờ đợi Chúa đến. Trong khi lao động vất vả, trong khi phải chiến đấu với những cám dỗ gian nan, họ luôn lạc quan và tin yêu cuộc sống, vì họ đang chờ đợi Chúa đến trong vinh quang.

Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm của quá khứ như nhiều người lầm tưởng. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích cao trọng này. Cộng đoàn Giáo Hội và mỗi tín hữu có bổn phận trình bày giáo lý về Bí tích Thánh Thể. “Chính anh em hãy cho họ ăn” – Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như vậy trong bài Tin Mừng, trong lúc các ông băn khoăn không biết làm sao để dọn bữa cho đám đông dân chúng (Lc 9,11b-17). Hôm nay Chúa vẫn tiếp tục ra lệnh cho chúng ta dọn bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để nuôi dưỡng các tín hữu. Không dừng lại ở việc phục vụ lương thực thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể, Chúa mời gọi chúng ta hãy chia sẻ cho người khó nghèo bất hạnh lương thực vật chất và tình thần. Sự bất công giữa người nghèo và người giàu ở mọi cấp độ sẽ được san bằng, nếu các tổ chức xã hội và cá nhân biết cộng tác với nhau để phân phối và sử dụng của cải cách hợp lý.

Thánh Thể vừa diễn tả quyền năng yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta hãy sống sẻ chia. Từ năm cái bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi năm ngàn người. Quyền năng Thiên Chúa và tình liên đới của con người sẽ làm những điều kỳ diệu. Hôm nay, Chúa vẫn đang thực hiện những điều kỳ diệu đó, nếu chúng ta biết cộng tác với Ngài để “loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW