Mến Chúa yêu người – Chúa nhật XXX Thường niên A
Trong thời gian đầu, khi Tin Mừng mới đến trên Quê hương Việt Nam, những người lương dân không biết gọi Đạo của người Công giáo là Đạo gì, và nhiều người đã gọi bằng một cái tên rất thiện cảm: Đạo Yêu Thương.
Mặc dù ngày nay, danh xưng Đạo Yêu Thương không còn được anh chị em không cùng tôn giáo sử dụng, yêu thương vẫn là cốt lõi của Đạo Chúa Kitô. Nếu nhìn một cách tổng quát về Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy giáo huấn về tình yêu được tiến triển trong thời gian, điều mà các chuyên viên Kinh Thánh gọi là “tiệm tiến”, tức là từng bước được tỏ ra. Nếu Thiên Chúa trong Cựu ước được trình bày như Đấng có quyền năng và hùng mạnh, thì Chúa Giêsu trong Tân ước là trình bày Ngài là Cha yêu thương. Nếu giáo huấn Cựu ước cho phép trả thù “mắt đến mắt, răng đền răng”, thì Chúa Giêsu lại mời gọi người môn đệ phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Phải chăng Thiên Chúa của Cựu ước và của Tân ước là hai Thiên Chúa khác nhau? Không phải thế. Thiên Chúa của người Kitô cũng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác và của Gia-cóp, nghĩa là Thiên Chúa đã bước vào lịch sử để diễn tả tình yêu bao la và lòng thương xót của Ngài cho nhân loại. Có thể so sánh như lối giáo dục mà cha mẹ dành cho con cái: khi con còn thơ ấu, cha mẹ thường dùng những hình ảnh, những quan niệm đơn sơ để dạy con, đôi khi dùng những hình ảnh hay biểu tượng nghiêm khắc để trừng phạt. Sau này thánh Phaolô quảng diễn: Lề luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ Đức tin. Nhưng khi Đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa” (Gl 3,25). Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như sau: “Một khi chúng ta đã có đức tin, Lề Luật sẽ hết giá trị giám hộ của nó và phải nhường chỗ cho một thẩm quyền khác. Điều đó có nghĩa là gì? Có phải khi Lề Luật kết thúc, chúng ta có thể nói: “Chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô và chúng ta làm điều mình muốn? Không! Các Điều Răn có đó, nhưng chúng không làm cho chúng ta trở nên công chính. Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính là Chúa Giêsu Kitô. Các Điều Răn phải được tuân giữ, nhưng chúng không ban cho chúng ta sự công chính; cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta được ơn công chính cách nhưng không. Ơn ích của đức tin là đón nhận Chúa Giêsu. Chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn nhưng như là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô” (Huấn đức thứ Tư, ngày 18-8-2021).
Đương nhiên, chúng ta không hề đánh giá thấp giáo huấn của Cựu ước. Bài đọc I trích sách Xuất hành đã ghi lại lời Đức Chúa dạy về tình yêu thương: không được bạc đãi người ngoại kiều; không được ức hiếp mẹ góa con côi; không được ép người nghèo trong lúc khó khăn để kiếm lợi; không được giữ áo choàng của người làm công để trừ nợ… Đức Chúa đã tuyên bố: “Nó (người nghèo bị áp bức) mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.
Nền tảng của đức bác ái là bởi vì Chúa là Đấng từ bi thương xót. Thánh Gioan sau này khẳng định rõ hơn: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,9). Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Yêu thương được coi như lệnh truyền của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không phủ nhận Luật ông Môi-sen, nhưng nâng Lề Luật lên một cung bậc mới: những ai yêu thương thì có Thiên Chúa ở cùng. Yêu thương làm cho chúng ta được tham dự vào đời sống phong phú nơi Ba Ngôi, tức là có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn. Mến Chúa và Yêu người như chính bản thân, cả hai đều là “giới răn trọng nhất”. Mến Chúa và Yêu người là tóm lược tất cả giáo huấn của Lề Luật và các ngôn sứ. Sau này thánh Phaolô viết: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).
Khi thực hành đức yêu thương là chúng ta làm lan tỏa giáo huấn của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô tỏ ra rất hài lòng về cộng đoàn Ki-tô hữu ở Thê-xa-nô-li-ca, vì những người này đón nhận và thực thi Lời Chúa trong nội bộ cộng đoàn cũng như đối với những người xung quanh. Sự hài hòa trong cuộc sống là những chứng từ hùng hồn về Tin Mừng.
Mến Chúa thì dễ, nhưng yêu người thì không dễ chút nào, nhất là đối với những người làm chúng ta khó chịu. Vì vậy, lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu luôn cần được vang lên và được các tín hữu đón nhận. Xin Chúa cho chúng ta có nghị lực để thực hiện trọn vẹn Đức Ái, đó là Mến Chúa và Yêu người. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org