Một chút kinh nghiệm
Nhân lễ Truyền Giáo 20 tháng 10
1. Cho đến lúc này, Chúa vẫn dạy tôi hãy truyền giáo. Chúa dạy tôi bằng cách cho tôi được những người khác truyền giáo cho tôi, để rồi tôi có thêm kinh nghiệm, mà truyền giáo cho người khác.
2. Khởi đầu là tôi rất hay gặp nhiều đau đớn cả phần xác lẫn phần hồn. Trong tình trạng đó tôi rất thường kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa xót thương con”.
Chúa soi sáng cho tôi là hãy thường xuyên khiêm tốn kêu cầu, xin Chúa cứu. Tôi coi mình như người bị trọng thương, nằm bên vệ đường, mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm (x. Lc 10,29-37).
Tôi cảm thấy có một sức thiêng thúc giục tôi hãy coi lời cầu cứu như một lời cầu nguyện. Không những cầu cứu với Chúa, mà cũng hãy cầu cứu với mọi người.
3. Khi cầu cứu như vậy, tôi nhận thức mình không tự mình cứu mình được. Nhận thức đó giúp tôi hiểu thấm thía sự cứu độ mà tôi mong chờ chính là một hồng ân cao cả.
Hồng ân cứu độ đó là một quà tặng, mà tôi chỉ có thể đón nhận từ Đấng cứu độ. Để đón nhận quà tặng cao quý đó, tôi phải mở lòng tôi ra. Tôi mở rộng lòng tôi bằng khao khát, đợi chờ với những lời cầu cứu thiết tha và khiêm tốn chân thành.
Khi cầu cứu, tôi tin ở Chúa. Tôi tin Chúa sẽ xót thương tôi. Tôi tin ở những người tốt. Tôi tin họ sẽ chia sẻ cho tôi đôi chút tình thương của họ.
4. Thế rồi, Chúa đã đến với tôi. Chúa an ủi tôi trong thẳm sâu cõi lòng. Người ban cho tôi ơn được tin cậy nơi Người một cách mạnh mẽ hơn.
Thêm vào đó, Chúa còn đến với tôi qua nhiều người tốt. Những người này đã quảng đại cứu tôi bằng nhiều cách. Tôi nhận ra họ là những bàn tay xót thương của Chúa.
5. Họ có một trái tim xót thương rất bén nhạy. Bén nhạy ở chỗ họ nghe được những tín hiệu cầu cứu từ rất xa và dưới những hình thức rất nhỏ nhẹ.
Họ có một trái tim xót thương rất tế nhị. Tế nhị ở cách họ cứu giúp. Cách họ cứu giúp luôn làm cho người được cứu giúp cảm thấy một sự thân thương, gần gũi, sẻ chia thân tình. Hơn nữa, họ tỏ ra như việc họ cứu giúp là một vinh dự. Như thể họ tin việc họ cứu giúp kẻ khốn khổ được kể là việc làm cho chính Chúa, theo lời Chúa Giêsu đã phán về ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46).
Họ có một trái tim xót thương rất quảng đại. Quảng đại ở chỗ họ không cho ai là không đáng cứu, trái lại họ theo gương Chúa Giêsu mà tìm cứu những kẻ tội lỗi, hư hỏng bị người đời xa tránh ruồng bỏ. Cứu một cách dấn thân, không mệt mỏi.
6. Càng về già, tôi càng thấy việc mình cầu cứu là một yếu tố tốt cho việc truyền giáo của tôi.
Phải nói thật là: Nguy cơ lớn nhất hiện nay là người ta mất niềm tin, hoặc giảm niềm tin. Người ta không còn tin vào nhau. Người ta không còn tin vào cuộc sống. Trong một tình hình như thế, người ta dễ đi tìm sự cứu độ ở những cái mong manh. Thậm chí người ta sẽ có thể bất cần đến ai, bất cần cả đến sức thiêng cứu độ nào. Tình hình như thế là rất nguy hiểm. Nếu còn cầu cứu, thì đó là một cách tăng thêm niềm tin vào Chúa và vào những người khác. Nếu rất cần được cứu, mà không muốn hay không dám cầu cứu, do mất niềm tin vào cộng đoàn, thì đó mới thực sự là bi đát.
7. Cách đây mấy ngày, tôi được nghe một tin rất buồn: Một giáo sĩ trẻ đã chết trong tư thế treo cổ tại phòng riêng của mình. Xét nghiệm kết luận: Ngài tự tử. Dư luận bàng hoàng, xót xa. Tôi coi đó là một cảnh báo cho việc truyền giáo. Cảnh báo đó cộng với nhiều kinh nghiệm khác cho phép tôi tóm tắt việc truyền giáo hiện nay vào những nhắc nhở sau đây, mà tôi coi như Chúa gởi cho tôi.
8. a) Truyền giáo hiện nay chủ yếu là làm chứng về bác ái yêu thương. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 14,34).
b) Truyền giáo hiện nay để ý nhiều hơn đến bác ái yêu thương của cả cộng đoàn hơn là của cá nhân. Cộng đoàn biết lo cho nhau và cùng nhau lo cho những người ngoài cộng đoàn. Phải thực hiện hằng ngày, từ những việc nhỏ.
c) Truyền giáo hiện nay là cộng đoàn những người tin Chúa không ngại nhận mình cũng cần được cứu, đồng thời dấn thân cứu người khác.
d) Truyền giáo hiện nay đòi hỏi sự đón nhận yêu thương và cho đi yêu thương phải rất bén nhạy, tế nhị và quảng đại.
e) Truyền giáo hiện nay là yêu thương bén nhạy tế nhị và quảng đại của những môn đệ Chúa phải thực sự cậy tin vào Chúa.
f) Truyền giáo hiện nay là dù phải khổ đau, vẫn lạc quan làm chứng chính mình đã cảm nghiệm được tình xót thương của Chúa và của cộng đoàn.
Lời nguyện thánh lễ Chúa nhận XXVII sau đây là rất đúng: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người; xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ”.
g) Truyền giáo hiện nay là làm chứng về một ơn trọng đại Chúa ban cho cộng đoàn chúng ta, đó là chúng ta biết đọc được những cầu cứu kín đáo ẩn giấu của những người thuộc về chúng ta, liên quan đến đủ mọi thứ nghèo họ gặp phải, để chúng ta cùng nhau cứu họ và cứu những người khác. Tích cực lo cứu người nghèo, đó là hướng truyền giáo mà Đức Thánh Cha Phaxicô đang nhấn mạnh.
h) Truyền giáo hiện nay đòi một sự đào tạo huấn luyện cao về cái tâm dồi dào sức thiêng, biết ngoan ngoãn dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, để được Chúa sai đi, như lời Kinh Thánh: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18).
9. “Tôi khát”, đó là lời cầu cứu của Chúa Giêsu trên thánh giá (x. Ga 19,28). Tôi xin phép mượn lời cầu cứu ấy, để mà tin tưởng rằng: Chúa Giêsu khát khao niềm tin yêu của chúng ta, kể cả niềm tin yêu được thể hiện trong những hình thức cầu cứu, mà chúng ta hằng ngày vẫn dâng lên Chúa với mục đích truyền giáo.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thương làm cho trái tim con được nên giống trái tim của Mẹ, một trái tim hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, phó thác tin cậy ở Chúa, và thiết tha với phần rỗi các linh hồn, để con biết truyền giáo tại Quê Hương Việt Nam hôm nay, theo thánh ý Chúa là làm chứng cho tình yêu thương xót vô biên của Chúa, như Mẹ vẫn dạy con.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 10 năm 2013
Gm. Gioan Baotixita Bùi Tuần