Một Giáng Sinh rất Phanxicô

30-12-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Một Giáng Sinh rất Phanxicô by

Theo ký giả John L. Allen, Giáng Sinh 2013 mang dấu ấn rõ ràng của Đức Phanxicô trên căn bản ba “cột trụ” rất đặc trưng của ngài: lãnh đạo là phục vụ, Tin Mừng xã hội và lòng nhân từ thương xót.

Lãnh đạo là phục vụ 

Trong bài diễn văn ngắn đọc trước Giáo Triều Rôma ngày 21 tháng 12, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần phục vụ tại Vatican. Ngài nói rằng không có tinh thần phục vụ này, Vatican sẽ trở thành “một nhà hải quan nặng nề bàn giấy”.

Ngài khuyến khích các viên chức Tòa Thánh cố gắng sinh động hóa việc làm của họ bằng việc tận tâm phục vụ, nhất là phục vụ các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới, hơn là liên tục “thanh tra và tra vấn” người khác. 

Sau đó vào buổi chiều, Đức Phanxicô đã đưa ra một hình ảnh cụ thể cho thấy tinh thần phục vụ nghĩa là gì bằng cách chính ngài dành gần 3 tiếng đồng hồ để thăm viếng các trẻ em bệnh tật và gia đình chúng tại Bệnh Viện Bambini Gesu tại Rôma.

Điều đáng lưu ý là Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh chỉ kéo dài hơn 1 giờ rưỡi, trong khi diễn văn Urbi et Orbi vào ngày Giáng Sinh, tức diễn văn trước khi ban phép lành cho Thành Phố Rôma và cho Thế Giới, cũng chỉ kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Do đó, Đức Phanxicô quả đã dành nhiều thì giờ tại bệnh viện Bambino Gesu hơn tại bất cứ biến cố đơn độc nào khác trong Mùa Giáng Sinh năm nay. 

Trong khi các nhiếp ảnh viên và các nhân viên quay phim truyền hình được phép chụp hình quay phim lúc Đức Giáo Hoàng tới và lúc ngài rời nơi đó, phần còn lại của cuộc viếng thăm hoàn toàn tự do. Do đó, phần lớn bản tường trình dành cho các bệnh nhân và gia đình họ phát biểu cảm tưởng về cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Như thế, điều thực sự khiến cuộc viếng thăm này gây ấn tượng mạnh chính là nó không bị đóng khung trong những tấm hình chính thức. 

Một thoáng nhìn khác cho thấy tình âu yếm đặc biệt của Đức Phanxicô dành cho trẻ em là vào cuối Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh khi một nhóm các em, đại diện 5 châu, dâng lên ngài tượng Chúa Hài Đồng. Đức Phanxicô đã dừng đoàn rước trong ít phút để chuyện trò và ôm hôn các em.

Trong căn bản, điều Đức Phanxicô muốn thực hiện là tái xác định thước đo dư luận quần chúng đối với việc lãnh đạo trong Giáo Hội. Khi người ta thấy huy hiệu chỉ chức vụ nào đó trong Giáo Hội, như cổ cồn Rôma hay Thánh Giá đeo ngực, ngài muốn họ liên hệ các biểu tượng này với việc phục vụ hơn là uy quyền. 

Phần lớn thời gian trong chín tháng qua là để lên cung giọng cho việc đó, và việc này thấy rất rõ trong cung cách tiếp cận của ngài đối với mùa Giáng Sinh. 

Tin Mừng xã hội

Trong lúc đọc kinh Truyền Tin vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 12, khi thoáng thấy một nhóm người Ý biểu tình phản đối nạn thất nghiệp và việc cắt giảm các dịch vụ xã hội, tay cầm biểu ngữ với hàng chữ “Người nghèo không thể chờ được nữa!”, Đức Phanxicô bèn chỉ vào tấm biểu ngữ mà nói lớn: “ Hết sức đẹp!” rồi ngẫu hứng nói về nạn vô gia cư và việc nó tác động ra sao đối với cuộc sống gia đình, dù đồng thời vẫn khuyên các người biểu tình không nên bạo động. 

Trong bài giảng lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô đặt để căn bản thiêng liêng cho Tin Mừng xã hội. Ngài nhấn mạnh tới “thân phận yếu thế” hàm ẩn trong việc Thiên Chúa chọn sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngài cũng nhận định rằng những người đầu tiên tiếp nhận sứ điệp giáng sinh của Chúa Kitô là các mục đồng, “vì họ là những người chót hết, bị coi thường”.

Giống các vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô đã dùng bài diễn văn Urbi et Orbi để làm nổi bật một số điểm nóng trên thế giới, bắt đầu với Syria và từ đó nhắc tới Cộng Hòa Trung Phi, Nam Sudan, Nigeria, cuộc tranh chấp Israel/Palestine, và Iraq. Các nhận định của ngài được nói lên trước các cuộc ném bom vào nhà thờ tại Baghdad sát hại 38 người vào ngày Giáng Sinh. Những cuộc ném bom này cho thấy các đe dọa đặc biệt đối với số dân Kitô Giáo ít ỏi và mỗi ngày mỗi ít ỏi hơn tại đó. 

Nhiều người cũng lưu ý đặc biệt khi Đức Phanxicô nhắc đến Lampudesa trong bài diễn văn của ngài. Đó là hòn đảo của Ý phía nam Địa Trung Hải, được dùng như điểm đến chính cho các di dân khốn cùng của Phi Châu và Trung Đông muốn tới Âu Châu. Chính tại hòn đảo này, hàng chục ngàn di dân đã chết khi cố gắng vượt qua eo biển này. Và mới đây, các trang nhất báo chí một lần nữa lại nhắc đến nó vì vụ tai tiếng liên quan tới việc đối xử tàn tệ tại trung tâm tạm giam ở đây.

Đức Phanxicô thực hiện chuyến đi ra ngoài Rôma lần đầu tiên tại Lampudesa vào ngày 8 tháng Bẩy và nó trở thành mối lo âu lớn đối với ngài từ đấy. Ngài nói: “Mong sao các di dân đi tìm một cuộc sống xứng đáng hơn được chấp nhận và trợ giúp… Ước chi những thảm họa như các thảm họa ta chứng kiến năm nay, với quá nhiều người chết tại Lampudesa, sẽ không bao giờ xẩy ra nữa!”. 

Một dấu chỉ khác cho thấy ảnh hưởng của Đức Phanxicô không phải chỉ là lời nói xuông: một nhóm di dân người Marốc và Tunisia hiện bị giữ tại một trung tâm tạm giam ở Rôma đã tự khâu miệng để phát động cuộc tuyệt thực tại đó nhưng đã bằng lòng tạm ngưng cuộc phản đối của họ vào ngày Giáng Sinh khi một linh mục hứa sẽ trình thư của họ lên Đức Giáo Hoàng. Dù đa số không phải Công Giáo, họ đã viết trong lá thư rằng họ tin Đức Phanxicô sẽ “bảo đảm là tiếng nói của chúng tôi sẽ được nghe”. 

Vị linh mục đứng làm trung gian, Cha Emanuele Giannone, giám đốc cơ quan Caritas địa phương, cho hay: Đức Phanxicô thực sự đã cứu nhiều mạng người,vì cuộc tuyệt thực này cộng với lời thề của di dân nhất định ngủ ngoài trời giá băng chắc chắn sẽ đe dọa tới tính mệnh họ. 

Lòng nhân từ thương xót

Đức Phanxicô, về nhiều phương diện, quả là “vị Giáo Hoàng của lòng nhân từ” vì ngài luôn coi lòng nhân từ là nguyên tắc tâm linh nòng cốt của đời ngài và của triều giáo hoàng của ngài. Ý niệm nhân từ hiện diện trong chính huy hiệu của ngài và là khẩu hiệu ngài rất ưa chuộng: “Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ!”

Mới đây, khi truyền cho các Hồng Y và các giới chức cao cấp của Tòa Thánh dành nhiều thì giờ hơn cho việc giải tội, Đức Phanxicô đã cho thấy ngài trân qúy ra sao đối với nghi thức hàng đầu chỉ lòng nhân từ của Giáo Hội. 

Sự nhấn mạnh về lòng nhân từ này một lần nữa đã tỏa sáng nhân dịp mùa Giáng Sinh. Các suy tư của ngài về mùa lễ này đã bắt đầu một cách không chính thức với cuộc phỏng vấn của tờ La Stampa vào giữa tháng 12, trong đó, một lần nữa, ngài kêu gọi Giáo Hội đừng bao giờ sợ nhấn mạnh tới “sự dịu dàng” của Thiên Chúa. 

Ngài trở lại điểm này vào ngày Vọng Giáng Sinh, lúc ngài rời khỏi bản văn soạn sẵn ở cuối bài diễn văn. Đang nói tới việc ngày sinh của Chúa Kitô đã biểu lộ lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa ra sao, Đức Phanxicô bỗng thêm câu nói đã trở thành rất quen thuộc đối với ngài: “Chúa luôn tha thứ cho ta!”.

Trong bài diễn văn Urbi et Orbi, Đức Phanxicô cũng đề cập tới cùng một ý tưởng như trên. Ngài nói: “Ta hãy để trái tim ta được đụng tới… Ta hãy để sự dịu dàng của Thiên Chúa sưởi ấm ta. Ta cần sự vuốt ve của Người”. 

Theo quan điểm linh đạo, ta có thể đọc mọi sự Đức Phanxicô làm trong tư cách giáo hoàng, từ các chi tiết liên quan tới việc cải tổ Ngân Hàng Vatican tới các vấn đề tế nhị như chính sách đối với người Công Giáo ly dị tái hôn, như là một cố gắng nhằm bảo đảm rằng Giáo Hội Công Giáo thực sự là một cộng đồng của lòng nhân từ xót thương. 

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô không ngây thơ. Ngài biết rõ: các thừa tác viên của Tin Mừng Kitô Giáo phải nói lên cả phán xét của Thiên Chúa lẫn lòng nhân của Người đối với thế giới sa ngã: thiếu một trong hai đều là việc đơn giản hóa thái quá. 

Tuy nhiên, chính sách của ngài hình như muốn nói: thế giới đã nghe quá rõ lời phán xét của Giáo Hội rồi, nay là lúc họ muốn nghe, muốn cảm nghiệm được lòng xót thương của Giáo Hội. Chắc chắn đó là điều Đức Phanxicô muốn hiểu khi ngài nói vào hồi tháng Bẩy rằng thời hiện tại là một kairos, nghĩa là giờ phút hồng ân, của lòng nhân từ xót thương.

Vũ Văn An

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW