Mùa Vọng 2013
Mùa vọng là mùa trông đợi, ngóng chờ Chúa đến. Chúa đã đến rồi và Chúa còn đang đến. Nhưng đối với phần đông con người hiện đại chúng ta, nhất là những người sống trong các xã hội tiêu thụ, đối tượng trông đợi Giáng Sinh hình như có khác: tặng quà, một việc càng ngày càng trở nên quan trọng đến trở thành tập chú chính.
Tìm kiếm, lắng nghe, yêu thương, cầu nguyện và bác ái
Tác giả Randy Haine (By this all men will know you are my disciples, www.integratedcatholiclife.org) muốn dựa vào xu hướng không mấy tốt đẹp này để cố gắng kéo ta về một hướng ít tiêu cực hơn: giúp đỡ người khác trong Mùa Vọng. Và xét cho cùng, quả không có chuẩn bị nào tốt hơn, vì yêu người đồng nhất với yêu Chúa.
Haine cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, khó có thể nghĩ tới ai khác ngoài chính bản thân ta. Các cuộc lao đao bản thân thường khiến ta tập chú vào chính mình, ít nghĩ tới anh chị em ta trong Chúa Kitô. Thật khác xa với các anh chị em Kitô hữu tiên khởi, những người thực sự nghiêm chỉnh sống lời khuyên của Thánh Phaolô: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Chúa Kitô” (Gl 6:2).
Đối với Haine, ngoài việc chia sẻ gánh nặng cho nhau, điều cũng quan trọng là các Kitô hữu tiên khởi luôn khuyến khích nhau vững mạnh trong đức tin. Ông đưa ra 5 khí cụ làm chất xúc tác trong việc giúp đỡ người khác theo cung cách các Kitô hữu tiên khởi: tìm kiếm, lắng nghe, yêu thương, cầu nguyện và bác ái.
Ta thường không biết ai trong cộng đoàn cần sự giúp đỡ. Tìm kiếm họ đòi ta phải quan sát cẩn thận hơn và biểu lộ một quan tâm sâu sắc hơn và chân thực hơn đối với cuộc sống người khác. Ta hãy biến câu xã giao “Anh (chị) có mạnh giỏi không?” thành lòng thành thực muốn thực sự hiểu điều gì đang xẩy ra trong đời sống bạn đồng sở, bạn bè, gia đình và các giáo dân trong xứ đạo. Và nếu ta thành thực và trong sáng trong chính các thách thức của riêng ta, chắc chắn ta sẽ thấy người khác cởi mở với mình.
Lắng nghe rất quan trọng. Khi một ai đó sẵn sàng cởi mở với ta, ta đừng bao giờ nhẩy xổ ra đưa giải pháp ngay tức khắc. Nam giới thường hay mắc lỗi lầm này. Kiên nhẫn lắng nghe và đơn thuần làm một người bạn sẽ giúp họ bộc lộ hết cõi lòng của họ vì họ tin rằng ta thực sự quan tâm tới họ.
Các hành động yêu thương của ta như những Kitô hữu phải luôn được động lực hóa bởi ý muốn khuyến khích và giúp đỡ người khác và đặt nhu cầu của họ lên trước nhu cầu của ta. Tình yêu cũng loại bỏ việc hành xử kiểu phê phán người khác. Chúa Giêsu cho ta Điều Răn Mới trong Ga 13:34-35 khi Người dạy: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như vậy. Bởi điều này mọi người sẽ biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau”. Trong buổi đầu Kitô Giáo, người ta thấy các Kitô hữu khác biệt với người khác do việc họ thương yêu nhau tha thiết.
Cầu nguyện cho người khác là điều tuyệt đối cần thiết. Ta hãy cầu nguyện hàng ngày cho những người cần được giúp đỡ và xin Chúa làm việc qua ta để ta cung cấp sự giúp đỡ ấy. Thiên Chúa sẽ rất vui khi ta tha thiết cầu nguyện cho người khác và cho các nhu cầu của họ.
Bác ái – sự hoàn thiện của yêu thương này vượt qua mọi gốc gác nhân bản. Nó là cách tốt nhất để gieo vãi sự thiện quanh ta. Bác ái là một trong ba nhân đức đối thần (hai nhân đức kia là đức tin và đức cậy) và như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1827 từng dạy “Việc thực hành mọi nhân đức đều được sinh động hóa và linh hứng hóa bởi đức ái, là đức ‘nối kết mọi sự với nhau trong một hòa hợp hoàn hảo’; nó là mô thức của các nhân đức; nó nối kết và xếp đặt giữa chúng với nhau; nó là nguồn gốc và là mục đích của việc thực hành Kitô Giáo. Đức ái bảo đảm và thanh tẩy khả năng yêu thương nhân bản của ta, và nâng nó lên hàng hoàn hảo siêu nhiên của tình yêu Thiên Chúa”.
Haine cho rằng vươn tay ra với mọi người ta gặp gỡ hàng ngày ngày cũng quan trọng như vươn tay ra với vô vàn những người vô gia cư, nghèo đói, thất nghiệp, nghiện ngập, bị lạm dụng và không có đức tin không sống trong cộng đồng ta, không làm việc với ta hay không tham dự giáo xứ ta. Cho tiền là điều quan trọng, nhưng hiện diện để giúp đỡ còn là một tặng phẩm vô giá hơn nữa, không phải cho riêng người nhận mà còn cho cả ta nữa.
Xét mình thời liên mạng
Phó tế Greg Kandra (An Examination of conscience for the Internet, www.patheos.com) thì nhấn mạnh tới khía cạnh ăn năn thống hối trong Mùa Vọng, như lời Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi. Và dù mới đây, Đức Phanxicô kêu gọi tín hữu sử dụng Internet như một nguồn hy vọng (xem bài diễn văn trước Hội Nghị Toàn Thể lần thứ 26 của HĐGH về Giáo Dân), phó tế cho rằng phạm vi thông tin kỹ thuật số là phạm vi ta cần thống hối ăn năn hơn hết, và do đó, cần được xét mình hơn cả. Ông dựa vào bản xét mình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố mới đây để đưa ra bản xét mình về việc sử dụng Internet, cũng dựa theo Mười Điều Răn.
Điều răn thứ nhất: tôi có coi người, biến cố hay sự vật quan trọng hơn Thiên Chúa không? Tôi có nâng Internet lên hàng thần thánh không? Việc nhận định trên Facebook, Twitter hay các blog có thay thế sinh hoạt cầu nguyện của tôi hay không?
Điều răn thứ hai: Lời nói của tôi có tích cực hay thụ động hạ giá Thiên Chúa, hạ giá Giáo Hội hay người ta không? Tôi có gây thương tích cho Nhiệm Thể Chúa Kitô bằng cách biểu lộ bất kính, bất đồng hay khinh thường không? Tôi có chế diễu trên mạng các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, bất kể là Đức Giáo Hoàng, là giám mục hay mục tử của tôi không?
Điều răn thứ ba: Tôi có đi tham dự Thánh Lễ khi nên đi không? Tôi có tránh việc làm khiến tôi bị ngăn trở không thờ phượng Thiên Chúa được không? Tôi có dành quá nhiều thì giờ của ngày Chúa Nhật để lục tìm Internet và các phòng hay diễn đàn tán gẫu, khi tôi có thể dùng nó cho gia đình hay cho Thiên Chúa không?
Điều răn thứ tư: Tôi có tỏ lòng tôn kính cha mẹ tôi hay không? Tôi có duy trì việc chuyện trò tốt với cha mẹ tôi không? Tôi có chỉ trích các ngài với người khác hay trên liên mạng không?
Điều răn thứ năm: Tôi có gây hại cho người khác bằng các phương tiện thể lý, ngôn từ hay xúc cảm, trong đó có nói hành không? Tôi có phá hủy danh thơm tiếng tốt của người khác trên liên mạng không? Tôi có dùng các nhận định để chế nhạo, tỏ bất kính, nói hành hoặc tấn công người khác không? Tôi có hân hoan chế diễu sự thất bại của người khác trên liên mạng và hả hê về các lầm lỗi của họ không? Tôi có sử dụng tới việc đặt tên lếu láo cho người khác để áp đảo họ hay làm họ cảm thấy xấu xa không? Tôi có làm mất nhân phẩm ai trên liên mạng không?
Điều răn thứ sáu: Tôi có tôn trọng phẩm giá thể lý và tính dục của người khác và của chính tôi không? Tôi có dùng Internet để xem các trang khiêu dâm hay để chuyện vãn tục tĩu về tính dục không?
Điều răn thứ bảy: Tôi có cướp hay lãng phí thì giờ hoặc tài nguyên vốn thuộc về người khác không? Tôi có dùng thì giờ vào liên mạng trong khi đáng lẽ phải dùng nó để làm việc không?
Điều răn thứ tám: Tôi có tán láo, phao tin thất thiệt hay thêu dệt chuyện hại tới người khác không? Tôi có đăng lên liên mạng một điều tôi hồ nghi không đúng sự thật không?
Điều răn thứ chín: Tôi có tôn trọng người phối ngẫu của tôi bằng một tình âu yếm trọn vẹn và độc hữu không? Tôi có biến thì giờ trên liên mạng thành quan trọng hơn thì giờ dành cho vợ/chồng tôi không?
Điều răn thứ mười: Tôi có bằng lòng với các phương tiện và nhu cầu của riêng tôi hay tôi so sánh tôi với người khác một cách không cần thiết? Tôi có lục lọi trên các trang mua sắm liên mạng, chỉ mong mỏi mua được những món hàng thực sự mình không cần đến nhưng vì ghen hay tức với người khác không?
Vũ Văn An (12/12/2013)